Hang Thẩm Púa nằm dưới chân núi đá vôi Pú Hồng Cáy thuộc địa phận Bản Pó, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Mặt hang cao 10m so với mặt lũng, cửa hang quay về hướng Bắc chếch hướng Tây 400. Trước cửa hang Thẩm Púa 100m là dòng suối Nậm Hua chảy ngang, đổ ra sông Mã. Đường đi đến hang Thẩm Púa bắt đầu từ thành phố Điện Biên Phủ theo quốc lộ 1A đi Tuần Giáo, đến km 62 rẽ tay phải dọc theo suối Nậm Hua 2km là đến nơi. Trong dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 – 7/5/1999 Bảo tàng Điện Biên kết hợp với phòng văn hoá thông tin thể thao huyện Tuần Giáo kiểm tra, khảo sát hang Thẩm Púa và đã thu được hơn 100 di vật gồm công cụ lao động bằng đá cuội; công cụ chặt thô hình hạnh nhân được ghè đẽo thô một đầu; công cụ lao động bằng những vỏ ốc suối lẫn vết tích than tro v.v.. Những di vật khảo cổ phát hiện được ở hang Thẩm Púa có nhiều điểm rất gần gũi với những di vật khai quật được ở hang Thẩm Khương cùng dãy núi đá với hang Thẩm Púa. Tất cả những hiện vật đó đều mang một ý nghĩa lịch sử rất to lớn chứng tỏ rằng đây là nơi cư trú của người Việt cổ từ thủa xa xưa và vùng đất này luôn gắn liền với lịch sử tồn tại và phát triển cũng như lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy hang Thẩm Púa thực sự là di tích lịch sử văn hoá có giá trị vô cùng to lớn của Điện Biên.
Trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, hang Thẩm Púa được chọn làm địa điểm đặt Sở chỉ huy đầu tiên của Chiến dịch Trần Đình (bí danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ) do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng tư lệnh (từ 17/12/1953 – 17/1/1954). Tại đây, từ những ngày đầu tháng 1/1954 mệnh lệnh chiến đấu được phổ biến trên sa bàn lớn bằng cát. Tham dự có các cán bộ cao cấp, trung cấp của những đại đoàn tham gia chiến đấu, các đồng chí tư lệnh quân sự: Vương Thừa Vũ, Lê Trọng Tấn, Lê Quảng Ba, Đào Văn Trường, Nam Long và những đồng chí chính uỷ Trần Độ, Chu Huy Mân, Phạm Ngọc Mậu đều có mặt, nhiều cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn qua nhiều năm chiến đấu “đối với tôi đã trở thành thân thuộc” (lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Và cũng tại hang Thẩm Púa Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trao nhiệm vụ cho các đơn vị: Đại đoàn 308 đánh vào tập đoàn cứ điểm phía Tây, xuyên qua những vị trí nằm trên cánh đồng chọc thẳng tới sở chỉ huy của Đờ Cát. Các đại đoàn 312, 316 có nhiệm vụ đột kích từ hướng Đông nơi có những cao điểm trọng yếu của địch. Dự kiến trận đánh sẽ diễn ra trong 2 ngày 3 đêm.
Địa điểm hang Thẩm Púa được chọn làm Sở chỉ huy có địa thế an toàn, bên cạnh hang là một bãi đất bằng phẳng, rộng hơn 10ha thuận lợi cho việc chỉ đạo chiến dịch ở miền núi. Ở đây có nhiều hang động có thắng cảnh đẹp. Cảnh đẹp ở hang Thẩm Púa được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lại trong hồi ức về Điện Biên Phủ trước lúc chia tay với các nhà văn nhà báo như sau: “Tôi cũng thấy quang cảnh ở đây rất đẹp, tôi ít khi làm thơ, nhưng cảm thấy cảnh đẹp này thật nên thơ. Chúng tôi lại sắp chiến đấu chính là để cho khắp đất nước đêm nào cũng đẹp như đêm nay…”.
Gần tới ngày nổ súng tiến công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Sở chỉ huy từ hang Thẩm Púa được chuyển về hang Huổi He ở km 62 gần bản Nà Tấu. Ngày nổ súng được quyết định vào 17h ngày 25/1/1954, nhưng gần đến ngày đó, một chiến sĩ của đại đoàn 312 không may bị bắt, có tin địch thông báo cho nhau về thời gian tiến công của ta. Trước tình hình ấy, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã phân tích tình hình, tương quan lực lượng giữa ta và địch và quyết định giờ nổ súng hoãn lại sau 24h. Đây là một quyết định vô cùng sáng suốt, kịp thời, đảm bảo để quân ta giành thắng lợi hoàn toàn đúng như Đại tướng Tổng tư lệnh đã chỉ ra: “Từ khi phổ biến nhiệm vụ chiến đấu tại hang Thẩm Púa đến nay thời gian đã được nửa tháng, tình hình địch đã thay đổi nhiều, quân số tăng lên, trận địa bố phòng của địch đã được xây dựng thành tập đoàn cứ điểm vững chắc, có yểm trợ tối đa của không quân và pháo binh”.
Về phía ta cũng có những khó khăn: “Thứ nhất, bộ đội chủ lực ta đến nay chỉ mới đánh tiêu diệt cao nhất là một tiểu đoàn địch tăng cường có công sự vững chắc ở Nghĩa Lộ. Khi đánh vào tập đoàn cứ điểm ở Nà Sản chúng ta mới đánh từng tiểu đoàn địch trong công sự dã chiến mà còn đánh rất dở. Thứ hai, trận này ta không có xe tăng, máy bay nhưng hợp đồng bộ binh, pháo binh quy mô cũng là lần đầu, bộ đội lại chưa qua diễn tập. Vừa qua đã có trung đoàn trưởng xin trả bớt súng vì không biết phối hợp như thế nào. Thứ ba, bộ đội ta từ trước tới nay chỉ quen tác chiến ban đêm ở những địa hình dễ ẩn náu. Chủ lực của ta chưa có kinh nghiệm tác chiến ban ngày trên địa hình bằng phẳng với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng, trận đánh lại diễn ra trên một cánh đồng trống trải có chiều dài 13km, rộng 6km… tất cả những khó khăn này ta đều chưa bàn cách giải quyết”.
Sáng ngày 26/1/1954 cuộc họp Đảng uỷ mặt trận được triệu tập. Các đồng chí trong đảng uỷ xuống đơn vị nắm tình hình chưa đủ, trong khi chờ đợi cuộc họp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp trưởng đoàn cố vấn quân sự của bạn phân tích các khó khăn lớn rồi kết luận “nếu đánh là thất bại” và đại tướng đã nêu chủ trương hoãn cuộc tiến công tới thời điểm thích hợp. Ngay chiều 26/1/1954 thu quân về vị trí tập kết chuẩn bị lại theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”. Đồng chí trưởng đoàn cố vấn quân sự đã đồng ý với kết luận của đại tướng Võ Nguyên Giáp và làm việc với các chuyên gia của đoàn.
Cuộc họp Đảng uỷ mặt trận diễn ra trong bầu không khí thẳng thắn: có rất nhiều ý kiến chưa thống nhất giữa phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” và phương châm “đánh chắc tiến chắc”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi ra mặt trận đã được Bác Hồ trao nhiệm vụ “trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, Đại tướng đã quyết định hoãn cuộc tiến công, đồng thời lệnh cho bộ đội trên toàn mặt trận lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị đảm bảo triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu; hậu cần chuẩn bị theo phương châm mới.
Sau khi kết luận cuộc họp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phân công Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái ra lệnh cho pháo binh và trao nhiệm vụ mới cho đại đoàn 308. Mọi việc diễn ra nhanh gọn và tất cả các đơn vị đều triệt để chấp hành mệnh lệnh.
Phải nói rằng quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi đó không thể dùng điện đài, Đại tướng đã viết thư hoả tốc gửi về báo cáo Bộ Chính trị, sau ít ngày, Đại tướng nhận được thư của Tổng bí thư Trường Chinh cho biết Bác và các anh ở nhà nhất trí cho rằng quyết định thay đổi phương châm là hoàn toàn đúng đắn, Trung ương Đảng và Chính phủ sẽ động viên toàn dân dốc toàn lực chi viện cho tiền tuyến tới khi bộ đội giành thắng lợi tại Điện Biên Phủ.
Ở mặt trận Điện Biên Phủ, mặc dù mỗi người còn có những băn khoăn suy nghĩ khác nhau nhưng toàn thể cán bộ chiến sĩ đã triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân, biểu thị một niềm tin, một tinh thần kỷ luật tuyệt vời của đội quân cách mạng. Hậu phương lớn cả nước với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến” “Tất cả để chiến thắng” quân và dân ta đã không tiếc mồ hôi, xương máu đảm bảo việc tiếp tế đạn dược, lương thực cho chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Từ những nhận định sáng suốt của bộ chỉ huy mặt trận, từ những nỗ lực và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân ta, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã giành thắng lợi hoàn toàn.
Hang Thẩm Púa, địa điểm đặt Sở chỉ huy đầu tiên ở Chiềng Sinh, Tuần Giáo và hang Huổi He ở Nà Tấu, huyện Điện Biên, nơi đã từng được chứng kiến thời khắc quan trọng về quyết định thay đổi phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” thành phương châm “đánh chắc tiến chắc” của Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ mà người đứng đầu là Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã trở thành một trong những di tích của Di tích chiến trường Điện Biên Phủ./.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (2014). Di tích lịch sử và Văn hoá Điện Biên Phủ, NXB Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ, tháng 4 năm 2014.