Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lực lượng pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam gây bất ngờ cho Thực dân Pháp, đóng vai trò quan trọng, một trong những yếu tố quyết định làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Trong trận chiến này bên cạnh 4 đại đoàn bộ binh ta có một đại đoàn công pháo (bao gồm pháo binh và công binh) do đồng chí Đào Văn Trường chỉ huy. Thực tế đã cho thấy, pháo binh của ta đã lập được nhiều kì tích. Với sự giúp đỡ của các đơn vị bạn, ta đã kéo được những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn qua những đoạn đường núi cao, hiểm trở vào trận địa, để rồi khi thay đổi phương châm từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" vẫn những khẩu pháo ấy lại được cẩn trọng đưa về vị trí tập kết một cách an toàn tuyệt đối. Bên cạnh đó sự xuất hiện lần đầu của pháo 105mm và cách đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh với quy mô lớn đã đem lại hiệu quả bất ngờ, ta đã giành được những thắng lợi quan trọng đầu tiên ngay sau trận mở màn tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Khi chiến dịch Điện Biên Phủ đang vào đoạn cao trào, ưu thế chiến trường đang có lợi cho ta; Thực dân Pháp đã mât hầu hết các cứ điểm quan trọng trong điều kiện chi viện của chúng không thể tiếp cận được với lực lượng chiến đấu tại Điện Biên Phủ. Lúc này, 12 dàn hỏa tiễn 6 nòng (ta quen gọi là H6) do Liên Xô viện trợ được chuyển đến chiến trường trước khi đợt tấn công thứ ba bắt đầu. Một tiểu đoàn H6 được thành lập ngay tại chiến trường do Trung đoàn 676 phụ trách, tiểu đoàn được mang phiên hiệu 224, kịp thời bổ sung cho mặt trận. Tuy nhiên loại vũ khí này lực lượng pháo binh của ta chưa từng được huấn luyện, sử dụng và lượng đạn không có nhiều nên ta để dành sử dụng vào những ngày tiến công cuối cùng, dành bất ngờ cho quân Pháp. Đây là loại pháo phản lực phóng loạt, bắn theo nguyên lý phản lực, 6 nòng cỡ 102mm bắn đạn nặng 20kg, nòng trơn nên có độ tản mát lớn, lại thêm tốc độ bắn rất nhanh nên phù hợp với nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch.
Để đảm bảo bất ngờ đến ngày 4/5/1954 toàn bộ 12 dàn hỏa tiễn H6 đã vào vị trí tập kết, chiếm lĩnh trận địa. để có thể bắn thẳng vào khu trung tâm Mường Thanh. Chiều ngày 5/5/1954, tiểu đoàn đã tổ chức bắn thử, từng đại đội sẽ bắn thử vào một trong những trận địa của quân Pháp ở Mường Thanh, mỗi khẩu đội chỉ được bắn một viên đạn một nòng vào một mục tiêu. Do bắn thử là bắn vào mục tiêu chiến đấu, đường đạn bay và tiếng nổ của loại hỏa tiễn H6 này rất dễ phát hiện, nên khi bắn mục tiêu nào, đều có pháo 105mm của Trung đoàn lựu pháo 45 bắn kèm để cho quân Pháp không phát hiện ra pháo H6 của quân ta.
Đêm ngày 6/5/1954, ta mới chính thức đưa pháo H6 vào tham chiến tấn công cứ điểm A1 và khu trung tâm Mường thanh. Trước đó, A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất của Thực dân Pháp, cánh cửa cuối cùng bảo vệ khu Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Với nỗ lực cuối cùng nhằm bảo vệ cho kỳ được cơ quan đầu não của minh, De Castries đã dồn toàn bộ sức mạnh còn lại để bảo vệ cứ điểm này. Kết thúc đợt tấn công thứ 2, ta vẫn không thể kết thúc được trận đánh, A1 trở thành vấn đề nhức nhối của Bộ chỉ huy chiến dịch. Một kế hoạch đào hầm ngầm từ phía trận địa của ta sang hầm ngầm cố thủ của chúng được thực hiện bắt đầu từ ngày 20/4, sau khi ta phát hiện đây là nguyên nhân chính khiến lực lượng của ta không thể vượt qua tầm hỏa lực của chúng trên đỉnh đồi. Trong thời gian này cùng với các nhiệm vụ trọng tâm khác chuẩn bị cho đợt tiến công thứ ba hướng tới tấn công tổng lực nhằm kết thúc số phận của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Hầm ngầm được đào xong, thời gian dự tính là tối 6/5. Khoảng 20 giờ, hỏa lực của ta bắt đầu bắn tập trung vào A1, C2, cứ điểm 506, Bắc Mường Thanh, cứ điểm 310, Tây Mường Thanh. 12 dàn pháo hỏa tiễn H6 đã yểm trợ đắc lực cho cuộc tiến công cao điểm A1 và chế áp các trận địa pháo địch. Lần đầu tiễn xuất hiện 12 dàn hỏa tiễn H6 đã phát huy uy lực với tiếng gió rít ầm ầm và chuỗi đàn bay dồn dập, liên tục, tiếng rít, tiếng nổ dữ dội, không dứt của loại vũ khí mới này đã làm quân Pháp vô cùng hoảng sợ, khiếp vía. Đợt pháo kích kéo dài 45 phút. Địch phản ứng một cách yếu ớt, nhưng chúng đã có chuẩn bị từ trước. Khi pháo ta vừa ngừng bắn, tất cả những khẩu pháo còn lại của Tập đoàn cứ điểm tập trung trút đạn xuống những vị trí chiến hào của lực lượng ta xung quanh A1 và C2. Đến 20 giờ 30 phút, một tiếng nổ âm vang trầm đục kèm theo những cột khói bốc cao, đất đá nổ tung trên đỉnh đồi đã khiến quân địch bất ngờ, toàn bộ quân địch bị tiêu diệt, một số khác bị thương, hoảng loạn tột độ. Tiếng nổ không được như mong đợi, ta không thể sử dụng làm hiệu lệnh tấn công trên toàn mặt trận. Sau tiếng nổ, lực lượng của ta từ các hướng tấn công vào các vị trí đã định của địch. Cuộc chiến kéo dài đến hơn 4 giờ sáng ngày mùng 7 tháng 5. Cuối cùng A1 cũng nằm trong tay ta sau rất nhiều tổn thất nặng nề. Nhưng đó vẫn chưa phải là chiến sự kéo dài nhất. Khi A1 nằm trong tầm kiểm soát, pháo binh ở đây đã yểm trợ đắc lực cho quân ta tiêu diệt nốt cứ điểm C2. Đến gần trưa cùng ngày, ta mới chiếm được C2, do sự ngoan cố không lui của địch mà đáng lẽ phải tiêu diệt khi kết thúc đợt tấn công thứ hai. Công cuộc đánh chiếm các ngọn đồi phía Đông cuối cùng cũng kết thúc.
Sau khi tiêu diệt được A1, C2, hỏa lực pháo binh từ trên những cao điểm này của ta tiếp tục yểm trợ cho bộ binh tiêu diệt các vị trí còn lại tại trung tâm của địch. Hỏa lực của ta gây nhiều đám cháy tại khu trung tâm, tiêu diệt khá nhiều sinh lực địch, đồng thời khiến chúng hoảng loạn bỏ chạy khỏi vị trí chiến đấu. 3 giờ chiều, cuộc tổng công kích vào khu sở chỉ huy địch bắt đầu. Quân ta từ các phía tiến thẳng vào hầm chỉ huy của De Castries. 5 giờ 30 phút chiều, De Castries cùng toàn bộ tham mưu của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống.
Với sự xuất hiện lần đầu của pháo hỏa tiễn H6, mặc dù mới được trang bị về cách thức và kỹ thuật sử dụng, tuy nhiên loại pháo mới này đã phát huy tác dụng, góp phần khống chế pháo địch, gây sự hoang mang, hoảng loạn cho quân Pháp. Ta đã gây được những khó khăn, thách thức và những đòn quyết định, góp phần làm nên sự thắng lợi của đợt tấn công thứ ba cũng như chiến thắng chung của toàn chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Ngay tối ngày 7/5 theo lệnh của cấp trên, Tiểu đoàn 224 đã lập tức tiến hành rút khỏi trận địa, trở về vùng hậu cứ của Đại đoàn 351 ở Tuyên Quang để giữ bí mật về loại vũ khí này đối với quân Pháp. Cũng chính vì vậy, dù đã lập được công lớn nhưng Tiểu đoàn 224 không tham gia vào buổi lễ duyệt binh mừng chiến thắng tại Mường Phăng.
Nằm cách Sở chỉ huy chiến dịch 300m về phía Đông Bắc là nơi quân và dân ta long trọng tổ chức lễ duyệt binh mừng chiến thắng vào ngày 13/5/1954. Trong Dự án tôn tạo Di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ đã thực hiện ý tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp quy hoạch thành khuôn viên trên nền bãi duyệt binh cũ và đặt một cụm tượng đài nhân kỷ niệm 55 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Cùng với di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, cụm Tượng đài chiến thắng tại Công viên Mường Phăng cũng là một điểm dừng chân không thể bỏ qua khi đến với khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Người dân địa phương quen gọi nơi này với cái tên thân thiết, gần gũi “Tượng đài mừng công”.
Chính giữa tượng đài, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp uy nghi, cao đẹp đã góp phần tái hiện sinh động thời khắc lịch sử 60 năm về trước. Chắc hẳn, khi những người con đã chiến đấu tại chiến trường xưa hay bao thế hệ mai sau được chiêm ngưỡng tác phẩm này đều sẽ có cùng một dòng cảm xúc, một niềm tự hào dân tộc và một lòng biết ơn những chiến sĩ đã dũng cảm đấu tranh giành lại từng tấc đất, quyết không cam chịu nỗi đau mất nước, mất độc lập, chủ quyền.
Cụm tượng đài nặng 700 tấn với chiều cao 9,8m, rộng 6m, dài 15,58m; cấu trúc của cụm tượng đài gồm 25 nhân vật cao bình quân 2,7m (13 nhân vật toàn thân, 12 nhân vật bán thân) đại diện các lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng 6 lá cờ, trong đó có 5 lá cờ nhỏ cao 7m, tượng trưng cho 5 đại đoàn tham gia chiến dịch: Đại đoàn 312, Đại đoàn 316, Đại đoàn 308, Đại đoàn 351, Đại đoàn 304; 1 lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” lớn ở giữa cao 9m, phía dưới có bức phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cấu trúc Tượng đài bao gồm Đại tướng Võ Nguyên Giáp trang trọng đứng ở chính giữa đọc bức thư của Bác Hồ, hai bên là Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, phó Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ (bên phải) và đồng chí Lò Văn Hặc, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Lai Châu cũ (bên trái). Ngoài ra các hình tượng khác tượng trưng các binh chủng đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như: pháo binh (Pháo H6, pháo cao xạ), bộ binh, công binh, thông tin, quân y, cao xạ, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, mỗi người một vẻ trông thật hoành tráng. Đó còn là những tấm gương về đức hi sinh, lòng quả cảm và tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh vì nền độc lập tự do của tổ quốc. Khối cây rừng và vũ khí, khối bệ tượng có tạo hình nghệ thuật, bệ tượng cao 1,25m, rộng 3m, dài 16,4m. Phía sau tượng là xe tăng, pháo cao xạ, toát lên hình ảnh chiến thắng oai hùng của quân và dân ta.
Cũng trong dịp kỷ niệm 55 chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên phủ đã tôn tạo lại trận Địa Pháo H6 tại xã Thanh Minh Thành Phố Điện Biên Phủ