Sự thất bại của kế hoạch Navarre đã dẫn tới sự ra đời của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, một căn cứ quân sự khổng lồ được tô vẽ cầu kỳ, được đầu tư kỹ lưỡng, là canh bạc cuối cùng của người Pháp nhằm bình định Đông Dương sau nhiều năm "loạn lạc". Tuy nhiên Điện Biên Phủ lại là dấu chấm hết cho số phận của Pháp tại Đông Dương khiến ngay nước Pháp bàng hoàng và nguy cơ về sự áp đặt chế độ thực dân tại các nước thuộc địa khác cũng không còn.

Chọn Điện Biên Phủ, Navarre không nghi ngờ gì về khả năng cung cấp khổng lồ của hệ thống hàng không uy lực và sức mạnh quân sự với lực lượng tham gia chiến đấu dũng mãnh nhất, được trang bị vũ khí hiện đại, tối tân nhất với sự chi viện tối đa của Mỹ. De Castries là người biến ý tưởng của Navarre thành sự thật khi chỉ trong một thời gian ngắn, lòng chảo Điện Biên trở thành cái bẫy khổng lồ với 49 cứ điểm chia làm 3 phân khu trong mối liên hệ, ràng buộc lẫn nhau, có thể yểm trợ nhau cùng chiến đấu. Bộ chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương coi Điện Biên Phủ là một "pháo đài không thể công phá" và tin chắc "sẽ gây cho Việt Minh một thất bại nghiêm trọng" ở đây và "Mục đích của Điện Biên Phủ là để nghiền nát ý muốn điên rồ của Việt Minh". Nhiều quan chức cấp cao và các tướng tá Pháp, Mỹ đến thăm Điện Biên Phủ đã nói: "Đây là một Verdun ở châu Á", "Đây là một hình thức phòng ngự rất mạnh, ngay trong đại chiến thứ hai cũng không sánh kịp", Bộ trưởng Quốc phòng Plêven đã có một “ấn tượng sảng khoái” sau khi lên Điện Biên Phủ, tận mắt chiêm ngưỡng “Verdun châu Á”, trở về Paris lớn tiếng tuyên bố trước Quốc hội Pháp rằng: “Tôi không tìm thấy người nào nghi ngờ tính vững chắc của tập đoàn cứ điểm. Tôi đánh giá cao tinh thần và lòng tin của binh sĩ Pháp ở đây. Họ đang mong đợi cuộc công kích của Việt Minh...”. De Castries còn cho quân rải truyền đơn, thách thức quân đội Việt Nam

“Gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp:         

Nghe tin ngài mang nhiều Đại Đoàn lên đây để giao chiến và định đem quân vào ăn tết trong Điện Biên Phủ. Chúng tôi sẵn sàng đón tiếp ngài.

Kí tên: De Castries

Chỉ huy GONO".        

Có lẽ quá tự tin vào kế hoạch "Điện Biên Phủ", tự hào về những gì mình có trong tay mà người Pháp không thể nghĩ tới một cái kết thảm hại đến vậy chỉ 5 tháng sau khi thả quân xuống đây. Hơn 16.200 lính đồn trú, bao gồm nhiều thành phần, trong đó có những đơn vị thiện chiến nhất, nhiều lần giành thắng lợi trong chiến tranh thế giới thứ hai lại không thể mang về cho nước Pháp một chiến thắng quan trọng vào thời điểm có tính chất quyết định này. Ngay cả Bộ chỉ huy mà trực tiếp là những người đứng đầu như Navarre, Cogni, De Castries cũng thất thần ngay từ những ngày đầu tiên khi cuộc chiến chính thức bắt đầu. Kế hoạch rút lui đã được tính toán trước, dự định thực hiện nhưng rốt cuộc cũng không thể cứu nguy cho số phận những người Pháp có mặt tại Điện Biên Phủ. Số tù binh Pháp bị bắt là hơn 10.000 tên trong đó đã bao gồm cả những người điều hành, dẫn dắt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cho đến ngày tan rã.

Cách đó nửa vòng trái đất, cái tin thất trận nhanh chóng đến với nước Pháp. Cả nước Pháp như chết lặng, sự im lặng đến khó tin. Thủ tướng Lanien  đăng đàn trước Quốc hội Pháp trong bộ đồ đen, với bộ mặt ảm đạm, nghẹn ngào nói: "Chính phủ vừa được tin khu trung tâm Điện Biên Phủ đã thất thủ sau 20 giờ kịch chiến liên tục". Cuốn "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có viết:

"Trừ các nghị viên cộng sản và một số nghị sĩ cấp tiến, toàn bộ cử tọa đều đứng dậy, bàng hoàng. Hội trường lặng phắc bật lên tiếng nức nở của một nữ nghị sĩ Lanien nói tiếp: "Trước khi khai mạc hội nghị về Đông Dương, kẻ địch muốn giành được sự sụp đổ của Điện Biên Phủ. Họ tưởng có thể giáng một đòn quyết định vào tinh thần nước Pháp. Đối lại thiện chí, sự mong muốn hòa bình của Pháp, họ đã đáp lại bằng sự hy sinh hàng ngàn binh lính, dùng số đông đánh quy những người anh hùng của chúng ta từ năm mươi lăm ngày nay đã làm dấy lên sự ngưỡng mộ của thế giới". Một lần nữa, người cầm đầu chính phủ Pháp lại tự nhận là có "thiện chí hòa bình", và chúng ta thì bị gạt sang phía những kẻ chống lại!

Tổng giám mục Pari, Hồng y giáo chủ Phentanh (Feltin mở lễ mixa trọng thể cầu nguyện cho những người đã chết và bị bắt làm tù binh ở Điện Biên Phủ.

Nhà hát kịch Pari bãi bỏ chương trình biểu diễn balê đầu tiên sau chiến tranh thế giới lần thứ hai của Nhà hát Mạc Tư Khoa. Vô tuyến trưyền hình thay thế toàn bộ các tiết mục buổi tối bằng những đĩa nhạc cổ điển, những khúc tưởng niệm. Một không khí tang tóc bao trùm Thủ đô nước Pháp".

Hội nghị Giơnevơ về vấn đề Đông Dương chuẩn bị diễn ra, đúng lúc người Pháp chẳng còn gì trong tay để thương lượng. Thảm họa Điện Biên Phủ đã chấm dứt vĩnh viễn sự có mặt của Pháp tại Đông Dương, khuấy động các nước thuộc địa Pháp đứng dậy giành độc lập, nguy cơ về một sự tan rã của chế độ thực dân hiển hiện ngày một rõ hơn.

Vấn đề đặt ra đối với nước Pháp, ai sẽ là người chịu trách nhiệm về thất bại này, một trong những thất bại lớn nhất trong lịch sử đem lại những hệ lụy không tưởng và đưa Pháp vào một thời kỳ "đen tối'. Mâu thuẫn giữa Navarre và Cogni từ trước đó ngày càng được đẩy lên cao khi hai người không ngừng đổ tội lẫn nhau trước chính phủ Pháp. Nước Pháp đang duy trì nhiều thuộc địa khắp Châu Á, Phi, Mỹ La tinh cũng cần phải bình ổn, tránh những sự lặp lại của những "Điện Biên Phủ" tại những nước này. Báo chí phương Tây và chính nước Pháp cũng không ngừng thông tin, mổ xẻ vấn đề, trong khi chính những tờ báo ấy trước đó không lâu cũng đã từng ca ngợi hết lời Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Một số báo khác cố gắng duy trì “tinh thần Pháp” bằng những bài viết ca ngợi sự anh hùng đến phút cuối của tướng De Castries và các binh sĩ. Tờ L’Aurore số ra ngày 8 tháng 5 với nhan đề: “Nước Pháp tự hào về những binh sĩ của mình trong Điện Biên Phủ”. Nhưng sự thật là De Castries đã đầu hàng. “Với việc cho cắm lá cờ trắng trên hầm chỉ huy, tướng De Castries đã hạ vũ khí và đặt dấu chấm hết cho chiến dịch Điện Biên Phủ. 16 đại tá, 1.749 sĩ quan và hạ sĩ quan, 11.721 quân nhân theo ông vào trại tù binh” - Salgó László viết. Những người vốn đã thổi phồng quá mức về Điện Biên Phủ giờ đây chuyển sang phân tích, quy trách nhiệm. Rằng “Nước Pháp mắc kẹt trong những việc đã rồi, trong ảo tưởng và lừa bịp”, và “Nước Pháp thua là vì đã tiến hành một cuộc chiến tranh phi nghĩa, v.v…

Dù có cố biện hộ, cố vớt vát, cố nói tránh như thế nào nhưng tất cả đều cố tránh một sự thật: “Điện Biên Phủ là thất bại to nhất kể từ ngày Pháp đầu hàng Đức năm 1940” (Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trên báo “Cứu Quốc”)./.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.671
      Online: 48