Đối với số lính Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ, bị bắt chưa hẳn đã là đường cùng so với những gì họ từng chịu đựng ngay từ trong cuộc chiến. Cùng với chính sách khoan hồng của Việt Nam, chiều 07/5/1954 đối với nhiều hàng binh Pháp lại là sự giải thoát vĩ đại nhất kể từ khi đặt chân đến Đông Dương.

Sau gần 5 tháng vừa chuẩn bị, vừa chiến đấu, ngày 07/5/1954 ta đã tiêu diệt được Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống toàn bộ số quân đồn trú Pháp đang đóng tại đây, Niềm vui vỡ òa trong nước mắt khi tin thắng trận lan truyền đi khắp nơi, điện báo về Trung ương và hậu phương cũng nhanh chóng được chuyển. Cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc sau 9 năm trường kỳ, gian khổ. Lần đầu tiên ta bắt được Bộ chỉ huy của quân đối phương và số lượng tù binh lớn đến như vậy, hơn 12.000 tên. Vấn đề đặt ra lúc này là việc đảm bảo sinh hoạt cho toàn bộ số tù binh cho đến ngày rời khỏi Điện Biên Phủ.

Trước đó, ngay từ giữa cuộc chiến, nhiều lính Pháp không còn tinh thần chiến đấu, họ trốn tránh, ẩn nấp trong những chiếc hầm đào vội ở khắp nơi chờ ngày im tiếng súng. Số khác là những thương binh không được cứu chữa, chăm sóc, nằm vạ vật, cố thở chờ đợi số phận mình. Chiều 07/5, cùng với những tàn binh cuối cùng, họ cùng chung cảnh tù binh trước những hàng súng của bộ đội Việt Minh anh dũng quả cảm. Ai có thể ngờ được, một đội quân nhỏ bé Việt Nam lại có thể khiến một quân đội hùng mạnh như nước đại Pháp cúi đầu xin hàng trong một bối cảnh trước khi trận đấu diễn ra, họ có ưu thế về mọi mặt và là những kẻ thách thức. Ngày cuối cùng của cuộc chiến, họ trầm ngâm, im lặng như chưa từng có Điện Biên Phủ.

Chiều 07/5, tiếng súng vẫn dền vang bầu trời Mường Thanh, hôm sau lại yên bình đến kỳ lạ. Lạ còn ở chỗ, mới hôm trước còn là những con người ở hai bên chiến tuyến, hôm sau những người bị xâm lược đang cứu chữa cho chính kẻ thù của mình. Trạm tù binh được dựng lên ở khắp mọi nơi, được đối xử tử tế, được dựng lán trại ngủ nghỉ. Bác sĩ Việt Nam cùng với số ít bác sĩ Pháp chăm sóc tù binh bị thương, số thương binh nặng được chuyển gấp về Hà Nội chỉ mấy ngày sau nhờ chính sách khoan hồng của ta. Bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh thành lập một trại tù thương và cử đội ngũ cán bộ y tế có chuyên môn giỏi được điều động về trại tù thương cùng một số bác sĩ quân y Pháp bị bắt làm tù binh, khẩn trương bắt tay ngay vào việc chăm sóc, điều trị tù thương với một chế độ ăn uống hợp lý theo chỉ định của các bác sĩ điều trị. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương, sự chi viện đắc lực của ngành hậu cần về thuốc men, tinh thần làm việc tận tụy của cán bộ, nhân viên ban quản trị và đội ngũ cán bộ y tế của ta, sức khoẻ của tù thương dần dần hồi phục và chuyển dần về tuyến sau. 

Trong một cảnh khác, lần đầu tiên sau chuỗi thời gian tù túng, sống như địa ngục trần gian, niềm vui sướng của lính Pháp là được tắm thỏa thích không sợ bị trúng đạn hay pháo lửa gầm rít. Nhiều tù binh còn hát, chơi đàn, tỏ ra vui vẻ lạc quan khi bị bắt. Được phát gạo, thực phẩm, tù binh Pháp tự tổ chức nấu ăn trong khi bộ đội ta cũng chẳng được ăn đầy đủ, có nhiều đơn vị, bộ đội ta còn phải nhường lương thực cho hàng binh địch. Có lẽ quãng thời gian chiến đấu vừa qua là cực hình, là sự khổ ải mà những cấp chỉ huy của họ hoặc vô tình, hoặc cố tình không biết đến. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến người Pháp thất bại trong âm mưu tập đoàn cứ điểm này.

Tù binh Pháp có đủ cả, người Pháp, người Bắc Phi, người Trung Phi, người Trung Âu, người Việt dưới sự quản lý của Cục địch vận, sau trận Điện Biên Phủ được dẫn giải về các trại tù binh ở Tuyên Quang, Yên Bái, (trong đó có cả De Castries)... Hành trình dẫn giải tù binh cũng là một thử thách lớn đối với bộ đội ta. Vừa quản quân số, đảm bảo sinh hoạt thức ăn, nước uống, ngủ nghỉ cho phù hợp trong điều kiện vẫn có máy bay trinh sát của địch. Đã có nhiều lính Pháp bỏ trốn, làm xáo trộn hàng ngũ, gây khó khăn với bộ đội áp tải.  Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, số tù binh này được trao trả về chính quốc theo thỏa thuận.

Trong số những tù binh Pháp, có một nữ tù binh duy nhất tên Giơnever ĐơGala nữ y tá của Pháp. Ngay sau khi bị bắt, cô đã viết thư cho Hồ Chủ tịch xin được ân xá. Thư của cô được chấp thuận, cô đã cùng với các bác sĩ Việt Nam chăm sóc cho số tù binh bị thương. Sau này khi được phóng thích, cô đã vô cùng vui mừng, cảm ơn chính sách khoan hồng của những người bạn Việt Nam và sau này đã có cuốn sách viết về trận Điện Biên Phủ./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.705
      Online: 38