Cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, Lào có chung với Việt Nam 2.069km đường biên giới và cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ. Lịch sử phát triển và nên văn hóa của nhân dân Lào có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Việt Nam và Lào đã sát cánh bên nhau, vượt qua những khó khăn, thử thách đấu tranh đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giành độc lập về cho dân tộc mình.
Ngay từ khi Ðảng cộng sản Ðông Dương ra đời trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng của các nước Việt Nam, Miên, Lào, tình hữu nghị và mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đã được các lãnh tụ của hai dân tộc là đặt nền móng. Nghị quyết Hội nghị tháng 10/1930 xác định phải khuếch trương phong trào cách mạng cho đều khắp các xứ Đông Dương, nhân dân Đông Dương cần đoàn kết chống ách thống trị của thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc, với tinh thần “Dân tộc Việt Nam đoàn kết chặt chẽ với dân tộc Miên, Lào thì sức mạnh đủ đánh tan thực dân Pháp”, liên minh các nước phải đoàn kết chiến đấu đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Từ đây phong trào giải phóng dân tộc của cả hai nước có mối quan hệ mật thiết với nhau, cùng ủng hộ, giúp đỡ nhau trên tất cả các mặt trận.
Cách mạng tháng 8 thành công, ngày 02/9/1945, Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Và chỉ hơn một tháng sau đó, ngày 12/10/1945 tại thủ đô Viên Chăn, Chính phủ lâm thời Lào Itsala được thành lập, thông qua Hiến Pháp và tuyên bố nền độc lập trước thế giới. Cũng chính Việt Nam là nước đầu tiên gửi thiệp chúc mừng và tuyên bố thừa nhận Chính phủ Lào độc lập và ký Hiệp ước hợp tác tương trợ Việt Lào vào ngày 30/10/1945.
Ngày 20/01/1949, dưới sự giúp đỡ của cách mạng Việt Nam, đội quân lực lượng vũ trang đầu tiên của Lào được thành lập mang tên Lạtsạvông, là tiền thân của Quân đội Nhân dân Lào hiện nay. Sự ra đời của Đội Lạtsạvông đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của cách mạng Lào, đưa các cuộc đấu tranh vũ trang của Lào trở nên quy củ, có hiệu quả hơn dưới sự trợ giúp đắc lực của người anh em Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định nghĩa vụ của quân tình nguyện Việt Nam đối với Lào "phải đề cao tinh thần hi sinh quốc tế" và rằng "Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình". Theo đó cán bộ và quân tình nguyện Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Lào xây dựng cơ sở chính trị và vũ trang quần chúng, phát động chiến tranh du kích rộng khắp. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh chi viện quân sự cho các chiến trường Lào, riêng năm 1951, lực lượng cán bộ và bộ đội Việt Nam chi viện cho chiến trường Lào tăng lên đến 12.000 người.
Những năm 1953, 1954 mặt trận Đông Dương trở thành điểm nóng về quân sự của thế giới khi cả hai bên tham chiến đều mong muốn nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Thực dân Pháp thay Tổng chỉ huy, Navarre lên nắm quyền, tiến hành nhiều hoạt động trên khắp các mặt trận. Trong bối cảnh đó, Việt Nam và Lào phối hợp mở chiến dịch Thượng Lào (từ 13/4 đến 03/5/1953). Tham gia Bộ Chỉ huy chiến dịch là các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Quân đội Việt Nam: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái... Phía Lào có Hoàng thân Xuphanuvông, đồng chí Cayxỏn Phômvihản. Trải qua 20 ngày đêm sát cánh chiến đấu, chiến dịch Thượng Lào đã giành được thắng lợi to lớn. Lực lượng vũ trang của hai nước đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 1/5 tổng số lực lượng địch ở Lào, giải phóng hơn 4.000km2, gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và Phongxalỳ với hàng vạn dân. Lực lượng kháng chiến Lào mở rộng địa bàn đứng chân. Từ đây, hậu phương kháng chiến của cách mạng Lào đã nối thông với vùng tự do của Việt Nam. Lực lượng vũ trang Pathét Lào ngày càng được tôi luyện trong chiến đấu và trưởng thành. Về phía Việt Nam, chiến thắng Thượng Lào đã tạo ra thế chiến lược mới cho cuộc kháng chiến, mở rộng vùng giải phóng, giải tỏa đường biên giới với Lào và giành được quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ.
Trong Đông Xuân 1953 - 1954, bộ đội và quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục phối hợp với bộ đội Pathét Lào mở hàng loạt các cuộc tiến công vừa và nhỏ tại Trung Lào, Hạ Lào khiến chúng phải phân tán phần lớn đội quân cơ động chiến lược đang tập trung ở đồng bằng Bắc bộ để đối phó. Cùng với những kế sách khác trên khắp chiến trường Việt Nam, kế hoạch Navarre đã bị phá sản hoàn toàn, người Pháp tiếp tục bế tắc trong việc bình ổn Đông Dương. Và chỉ không lâu sau đó, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra đời, trở thành điểm hẹn lịch sử không tưởng khi nơi đây trở thành trận đánh cuối cùng của người Pháp tại Đông Dương. Việt Minh bằng sự chuẩn bị kỹ càng, chiến lược hợp lý và tinh thần chiến đấu ngoan cường đã đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định, quan trọng. Hơn 5 tháng kể từ ngày bắt đầu lên Điện Biên Phủ, Pháp trở thành một trong những đội quân xâm lược thảm bại nhất khi toàn bộ lực lượng chiến đấu bị đối phương tiêu diệt hoặc bắt sống (bao gồm cả Bộ chỉ huy)
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử không chỉ bởi ta đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp sau 9 năm trường kỳ mà còn bởi thắng lợi tạo đà để Việt Nam và Lào giành thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ. Sự phối hợp chiến đấu có hiệu quả của quân đội, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã chứng minh lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Kháng chiến của Việt Nam, của Miên, của Lào là của chung của chúng ta. Việt Nam có kháng chiến thành công thì Miên, Lào mới thắng lợi và Miên, Lào có thắng lợi thì Việt Nam mới hoàn toàn thắng lợi. Việt Nam, Miên, Lào như anh em ruột thịt trong nhà...”.
Tuy nhiên với nhiều điều khoản không được công nhận đã dẫn đường cho Mỹ vào Đông Dương. Từ năm 1954 trở đi, mặc dù miền Bắc đã được giải phóng nhưng ta vẫn phải tiếp tục đánh Mỹ ở miền Nam. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào cùng bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ hết sức ác liệt. Có chung một kẻ thù, tình đoàn kết, quan hệ chiến đấu keo sơn giữa nhân dân Việt Nam và Lào thời kỳ chống thực dân Pháp, nay cùng chung chiến hào chống Mỹ, tiếp tục được kế thừa, nâng lên và phát triển.
Ðã có biết bao tấm gương chiến đấu, hy sinh của hàng triệu người yêu nước Lào và Việt Nam, nhiều người ngã xuống, vì độc lập, tự do của mỗi nước; không ít người vì tình hữu nghị, đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào. Và cho đến nay, Việt Nam vẫn tiếp tục đón nhận những hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam trở về từ Lào./.