Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, ta dành được thắng lợi quan trọng nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược trong khi Pháp nhận lại thất bại cay đắng trong chiến tranh Đông Dương, kết thúc hành trình áp đặt chế độ Thực dân tại bán đảo này. Nhìn lại hơn 3 tháng chuẩn bị và 56 ngày đêm khói lửa của trận đánh, có nhiều nguyên nhân dân tới thành bại của cả hai phía, trong đó không thể không nhắc tới địa thế, địa hình của mảnh đất Điện Biên Phủ. Nếu như Việt Minh biết khắc phục những khó khăn, tận dụng ưu thế thì ngược lại, Pháp lại không tính toán nhiều những nhược điểm của Điện Biên Phủ nên bị sa lầy trong cái bẫy do chính mình tạo ra.

Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn nằm ở phía Tây vùng núi rừng Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 500km, cách biên giới các nước Trung Hoa, Miến Điện, Thái Lan từ 150 đến 300km. Thung lũng này có chiều rộng từ 6 đến 8km, chiều dài khoảng 18km, nằm gần biên giới Việt Lào, trên một ngã ba của nhiều tuyến đường quan trọng. Với vị trí đặc biệt, Pháp và Mỹ coi Điện Biên Phủ là ngã tư chiến lược quan trọng không những đối với chiến trường Đông Dương mà còn đối với miền Đông Nam Á. Một  trục giao thông nối liền các miền biên giới Lào, Thái Lan, Miến Điện và Trung Quốc. Đó là “một cái chìa khóa để bảo vệ Thượng Lào”, một “bàn xoay” có thể xoay đi bốn phía Việt Nam, Lào, Miến Điện và Trung Quốc. Đây cũng sẽ trở thành một căn cứ không quân, lục quân lợi hại phục vụ tối ưu cho các chính sách mà Pháp tiến hành ở Việt nam. Từ Điện Biên Phủ, quân Pháp có thể bảo vệ được Lào rồi từ đó đánh chiếm ra các vùng đã mất ở Tây Bắc trong năm 1953 - 1954 và  tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của đối phương nếu họ đến đấy.

Điện Biên Phủ có một dạng địa hình khá đặc biệt, bốn bên là núi hoặc những quả đồi nối tiếp nhau. Ở giữa có một dải đất bằng phẳng giống như một thung lũng lọt thỏm giữa trùng điệp của núi non. Dải đất bằng phẳng đó được tô đậm bởi cánh đồng Mường Thanh rộng lớn, hiếm có đạt năng suất rất cao, nhiều thống kê cho thấy lương thực còn có thể nuôi sống từ 20.000 đến 25.000 người trong nhiều tháng. Với con mắt của một nhà binh, Navarre đã nhìn thấy những ưu điểm của vùng đất này: "Đất này mà xe tăng cơ động thì tuyệt. Sân bay kia có thể sửa lại và mở rộng gấp hai ba lần. Đảo mắt lên những ngọn núi cao vút, rất xa, vây quanh lòng chảo, viên tướng thấy một không gian rộng cho phép các loại máy bay hoạt động, lên xuống dễ dàng. Những ngọn núi đó, bức thành thiên nhiên ngăn chặn không cho đối phương đặt pháo với tầm tới lòng chảo. Ôi chao! một địa bàn lý tưởng để xây dựng một căn cứ không quân, lục quân hiện đại lớn vào bậc nhất Đông Dương".

Bên cạnh đó, những tính toán của Navarre về khó khăn của Việt Minh đã khiến viên tướng này hài lòng. Việt Minh không thể mở đường lên Điện Biên Phủ bằng sức lao động thủ công nên không thể đưa pháo vào trận địa và vận chuyển cơ giới qua vùng Tây Bắc hiểm trở, nếu có thì cũng là rất ít. Cũng vì thế, vấn đề lương thực là một vấn đề nan giải đối với một lực lượng chiến đấu lên đến hàng chục vạn người.

Việt Minh không thể chịu nổi thời tiết, khí hậu khắc nghiệt ở Tây Bắc. Là những người miền xuôi, họ sẽ đau ốm, mệt mỏi không thể duy trì được sức chiến đấu liên tục. Mùa mưa tới vận tải khó, đời sống chiến hào sẽ thiếu thốn, sẽ xảy ra nạn dịch lúc đó không đánh cũng thua.

Bộ đội chủ lực Việt Nam không thể nào tiếp cận được các trung tâm đề kháng của Tập đoàn cứ điểm mà không bị thương vong và không thể nào đánh liên tục cả ngày lẫn đêm kéo dài hằng tháng trời.

Trên thực tế những gì diễn ra sau đó không nằm trong bất cứ sự tính toán nào của Pháp. Ngay khi nhận thấy Pháp đổ bộ lên Điện Biên Phủ và âm mưu xây dựng Tập đoàn quân sự mạnh tại đây, Bộ Chính trị đã quyết định "chấp nhận chiến đấu" và dốc toàn lực để đánh trận quan trọng này. Điện Biên Phủ khá xa trung tâm, đường xá đi lại khó khăn, hiểm trở chủ yếu là đèo núi. Để có thể đánh trận này, mọi nguồn lực đều phải đưa từ hậu phương lên, và chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ. 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn pháo binh, hàng chục nghìn dân công, thanh niên xung phong, từ vùng do ta kiểm soát được huy động tham gia chiến dịch.

Con đường lên Điện Biên Phủ vừa đi vừa "mở", nhiều tuyến sửa chữa, nhiều đoạn mở mới. Địch liên tục ném bom, phá hủy đường, ngăn chặn sự tiếp tiện cho Điện Biên Phủ, trong đó khó khăn nhất là Cò Nòi (thuộc địa bàn huyện Sơn la) đã trở thành "cửa tử" cần phải vượt qua nếu muốn lên Điện Biên Phủ. Ta đã lập nên những kỳ tích khi vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, tiếp lương, tải đạn, ... và con đường ấy vẫn luôn đều đặn cung cấp những nhu cầu thiết yếu cho chiến dịch.

Địch kiểm soát khu vực dưới lòng chảo, ta buộc phải chọn vị trí bên trên những triền núi xung quanh. Khó khăn lớn nhất là làm thế nào để kéo pháo lên những vị trí ấy qua những đốc cao, vực sâu để đến được hầm trú ẩn, dựa vào những tán cây rừng, tránh con mắt soi mói của địch. Trước hết cần phải mở đường để kéo pháo, ta đã hoàn thành xong chỉ sau 20 giờ với độ dốc chênh vênh có đoạn lên đến ... độ. Việc kéo pháo hoàn toàn sử dụng sức người, tất nhiên năng xuất không cao. Ta đã không thể kéo hết pháo vào thời điểm đã định để bắt đầu cuộc tiến công. Bộ chỉ huy chiến dịch, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ định thay đổi phương châm chiến đấu, đưa pháo quay trở lại vị trí ban đầu, mở những tuyến đường mới cơ động hơn cho pháo. Công việc sẽ được thực hiện song song với những nhiệm vụ khác cho đến ngày dự kiến nổ súng tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào đầu tháng 3/1954. Pháo sẽ là điều bất ngờ ta dành cho Pháp, tất nhiên chỉ là những đòn phủ đầu để mở cửa, bộ binh sẽ là lực lượng chính tiếp cận và đánh chiếm các cứ điểm. Bộ đội ta sẽ đào những đường hào bên ngoài, vòng quanh các cứ điểm, tạo thành thế bao vây. Ta sẽ bóc từng lớp vỏ của "con nhím", cơ hội đến sẽ dốc toàn lực và đánh vào trung tâm.

Khi đánh giá Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ta nhận thấy những nhược điểm cơ bản của nó mà không biết khi người Pháp và Mỹ chọn địa điểm này có từng cân nhắc đến không.

Thứ nhất, địa thế của một thung lũng lòng chảo, núi non bao bọc xung quanh, đã bị người Pháp đánh giá sai khi quyết định xây dựng một Tập đoàn cứ điểm tại nơi đây. Rõ ràng, khi chọn cho mình ở một vị trí thấp hơn, Navarre đã tự đẩy mình vào thế bị động phòng ngự, đối phương có thể nổ súng bất cứ lúc nào. Nếu quân đội của tướng Giáp chọn vị trí trên những ngọn núi xung quanh thì Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sẽ rơi vào tình thế bất lợi, bị bao vây, kìm hãm. Nhà báo Ghi-lanh đã từng ví: Điện Biên Phủ như một “sân vận động mà Việt Minh đã chiếm những hàng ghế bậc cao”.         

Thứ hai, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị cô lập, nằm chơ vơ giữa núi rừng trùng trùng, điệp điệp, rất xa những căn cứ hậu phương của Thực dân Pháp. Mọi nguồn viện trợ, tiếp tế cho “con nhím” này chỉ bằng một con đường duy nhất là hàng không. Nếu đường giao thông này bị cô lập thì Tập đoàn cứ điểm này sẽ nguy khốn. Và thực tế sau này đã chứng minh, khi quân đội của tướng Giáp chiếm được sân bay Mường Thanh, cắt đứt được con đường vận chuyển duy nhất này, "con nhím" Điện Biên Phủ đã bị “đói” một cách trầm trọng và mất dần sức chiến đấu.    

Cho dù đó chỉ là một phần nguyên nhân người Pháp sụp đổ tại Điện Biên Phủ thì ngay từ đầu, đó cũng chính là mầm mống báo hiệu sự thất bại cay đắng của quân đội viễn chinh Pháp sau này.     


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 698.425
      Online: 46