Ngày 13 tháng 6 năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên phối hợp với Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân tổ chức Lễ phát động hiến tặng tư liệu, tài liệu, hiện vật, kỉ vật... liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ, ngay sau khi phát động đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cựu chiến binh và thân nhân của các cựu chiến binh trên cả nước, gửi tài liệu hiện vật cho Bảo tàng.
Các kỉ vật, hiện vật, tài liệu đã tiếp nhận chủ yếu là những hiện vật gắn liền với các cựu chiến binh trong thời gian tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như những chiếc ba lô, dao găm, chăn len, hộp dao cạo râu, đôi dép lốp.... Một trong số đó là chiếc chăn len, kỷ vật của đồng chí Lâm Đức Hạp chiến sĩ pháo binh là Trung đội phó của Đại đội 815 Trung đoàn 367, Đại đoàn 351.
Đồng chí Lâm Đức Hạp sinh năm 1930 quê xã Phúc Khánh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Nhập ngũ năm 1948 và được biên chế vào đơn vị Đại đội 815 Liên khu 3 Trung đoàn 34. Tháng 4 năm 1953 Trung đoàn 367 thành lập, đồng chí được biên chế vào Trung đoàn và giữ chức vụ là Trung đội trưởng, ngay sau đó được sang Trung Quốc tham gia lớp tập huấn huấn luyện pháo binh và nhận pháo viện trợ. Trong thời gian học tại đây Lâm Đức Hạp được học nguyên tắc chiến thuật của Đại đội, Tiểu đoàn và Trung đoàn pháo cao xạ trong chiến đấu độc lập và chiến đấu hiệp đồng, chi viện và bảo vệ bộ binh trong chiến đấu tiến công và phòng ngự.
Tháng 11 năm 1953, đồng chí cùng đồng đội hành quân về nước và tham gia chiến Điện Biên Phủ. Cũng như bao chiến sĩ khác hành trang chỉ vẻn vẹn trong chiếc ba lô với đầy đủ quân tư trang như: quần áo, giày, mũ...Và đặc biệt là chiếc chăn len, tặng phẩm của đồng chí Mao Trạch Đông - Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tặng cho các chiến sĩ của khóa học trong một lần đến thăm hỏi và động viên. Chiếc chăn này luôn được đồng chí Lâm Đức Hạp và đồng đội mang theo trên khắp các nẻo đường chiến dịch. Đặc biệt là trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau những ngày kéo pháo vào, kéo pháo ra, rồi lại vào trận địa, gian nan vất vả, thời tiết khắc nghiệt mưa, lạnh, chiếc chăn len đã được đồng chí cùng đồng đội sử dụng để đắp giữ ấm trong những đêm giá lạnh, có chững chiếc chăn khi đồng đội hy sinh tại chiến trường, các chiến sĩ dùng để gói thi hài các chiến sĩ để mai táng,
Ngày 13/3/1954, đơn vị đơn vị của đồng chí được giao nhiệm vụ hiệp đồng tác chiến với Đại đoàn 312, tấn công vào Him lam mở màn cho chiến dịch. Rồi cũng đến ngày các pháo thủ được thực hiện ước mơ nã pháo lên đầu giặc Pháp, máy bay Pháp xuất hiện, lần đầu tiên pháo cao xạ 37mm có mặt tại chiến trường Điện Biên xuất trận tạo thành núi lửa đánh tan đội hình máy bay trinh thám và chiến đấu của quân Pháp giúp bộ binh tiến sâu vào trận địa. Đêm hôm đó, quân ta làm chủ cứ điểm Him Lam, mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Đến sáng ngày 14/3/1954, khi lớp sương mù tan hết thì chiếc máy bay trinh sát Morane của Pháp đến gần trận địa của đơn vị đồng chí Hạp, sau khi quan sát kỹ các mục tiêu các khẩu đội đồng loạt điểm xạ bắn trúng chiếc máy bay của Pháp. Đây là chiếc máy bay đầu tiên bị ta bắn cháy trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngay sau đó Đại đội 815 đã được chỉ huy trung đoàn tặng cờ và được Bộ tư lệnh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba. Những ngày tiếp theo đơn vị của đồng chí Hạp cùng với các đơn vị khác bắn rơi nhiều máy bay các loại, lập nhiều thành tích xuất sác trong chiến dịch.
Sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ đồng chí Lâm Đức Hạp còn tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, chiếc chăn len đã theo ông đi khắp chiến trường hai cuộc chiến. Dù năm tháng đã khiến chiếc vỏ chăn bạc màu, sờn cũ nhưng Ông Lâm Đức Hạp luôn nâng niu, giữ gìn cẩn thận. Năm 2014 hưởng ứng cuộc vận động "Hiến tặng kỷ vật kháng chiến cho Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ" do tỉnh Điện Biên phát động, ông đã trao lại chiếc vỏ chăn này với mong muốn kỷ vật sẽ được gìn giữ mãi mãi để "truyền lửa" cho thế hệ mai sau./.