Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đã kết thúc vẻ vang bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ buộc Pháp phải kí vào hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Trong chiến công chung của cả dân tộc không thể không kể đến sự đóng góp to lớn của lực lượng Thanh niên xung phong, một lực lượng tự nguyện được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện.

Trong số những người lính trực tiếp cầm súng đánh giặc thì có những người lính TNXP tham gia chiến đấu, vận chuyển lương thực, phá đá mở đường, phá bom nổ chậm..., có người gửi lại ước mơ, tuổi thanh xuân nơi chiến trường, có người may mắn được trở về, được sống trong hòa bình và tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho công cuộc xây dựng đất nước. Những câu chuyện phá bom, mở đường như được sống lại khi  những người lính già, cựu TNXP, từng góp phần viết lên trang sử hào hùng của dân tộc và những người đã được suy tôn là "Vua phá bom” và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân là TNXP trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

1. Đồng chí: Nguyễn Tiến Thụ

Sinh năm 1934 tại thôn Đình Cả, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1951 đồng chí công tác tại huyện bộ Việt Minh Tiên Du thì được cử tham gia đội TNXP công tác Trung ương, làm Phân đội phó của Phân đội Tô Hiệu. Năm 1952 được điều đi phục vụ chiến dịch Tây Bắc, tham gia mở đường từ Yên Bái lên Nghĩa Lộ.

Năm 1954 Đoàn TNXP Trung ương được thành lập theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Vũ Kỳ làm đoàn trưởng, lúc này đồng chí Nguyễn Tiến Thụ được điều chuyển về đoàn vào Đội phá bom  Đội 40 TNXP  phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 5 ngày học tập đồng chí được điều về ngã ba Cò Nòi cùng các Đội 401,403, 407, của đội 40

Ngã ba Cò Nòi là điểm giao nhau của hai con đường 41 và 13, đây là một thung lũng hẹp, những ngày ác liệt nơi đây hứng chịu đến 300 quả bom các loại như bom phá, bom nổ chậm, bom bươm bướm, đây là những loại bom cực kỳ nguy hiểm và gây sát thương cao. Từ trên máy bay thả xuống quả bom lớn mở ra, bên trong có 200 quả bom nhỏ bay khắp nơi hạ xuống mặt đất va vào vật là phát nổ, có những quả không nổ thì phải phá bom. Trong lần phá bom vào tháng 3/1954, đơn vị đã phát hiện một quả bom nổ chậm loại 500kg nằm ngay giữa đường, còn một số quả nằm ở sườn đồi, đồng chí Thụ phân công đồng chí Tảo và đồng chí Ngoạn phá quả sườn đồi còn đích thân đồng chí cùng một số đồng đội dùng chiếc thuốn dài hơn 3m, đây là loại dụng cụ tối ưu dùng để phá bom.....

Vào khoảng giữa tháng 3/1954 địch tăng cường đánh phá đoạn đường ngầm Hát Lót để ngăn chặn dân công vận chuyển lương thực vào mặt trận, đoạn đường này được Đại đội 404 phụ trách, đồng chí Thụ được cử sang làm Đại đội phó phụ trách phá bom trên tuyến đường ác liệt này, trong thời gian này đồng chí đã cùng với đồng đội, có nhiều sáng kiến, tìm ra nguyên lý phá các loại bom đảm bảo giao thông thông suốt ở những “Toạ độ lửa”. Khó khăn lớn nhất là đồng chí đã nghiên cứu nguyên lý tháo được loại bom bươm bướm, đồng chí đã sáng kiến đào một hố cá nhân, chui người xuống và dơ hai tay lên trên để tháo thử, nếu bom nổ thì chỉ cụt mất hai tay. Nhưng trong lần tháo thử đó đồng chí Thụ đã tháo thành công loại bom bươm bướm, từ đó giảm thương vong cho đồng đội khi tiến hành phá bom. Ngoài ra đồng chí còn sáng kiến khi có bom thì kéo tất cả vào một khu vực rồi cho bộc phá vào nổ, sẽ rất có hiệu quả và tránh thương vong cho đồng đội. Kết quả phá được 120 quả bom các loại, trong đó có 7 quả bom nổ chậm, 50 quả bom bươm bướm,....

Đồng chí được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Ba, Huân chương kháng chiến hạng Nhì, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Hoàng Quốc Việt tặng bằng khen về thành tích “dũng cảm phá bom nổ chậm” ở Điện Biên Phủ, là chiến sĩ thi đua số 1 của toàn đoàn Thanh niên Xung Phong.

2. Đồng chí: Cao Xuân Thọ

Đồng chí Cao Xuân Thọ sinh ra trong một gia đình nghèo, ngay từ nhỏ Cao Xuân Thọ đã siêng năng, cần cù và có tinh thần yêu nước. Đồng chí tham gia cách mạng, gia nhập Thanh niên xung phong để cống hiến trí tuệ, sức lực, tài năng cho sự nghiệp chiến đấu, giải phóng dân tộc.

Năm 1953, Đoàn Thanh niên xung phong được thành lập với mật danh Đoàn X-P, khi đó Đoàn quyết định thành lập đội phá bom nổ chậm. Hai đội TNXP 40 và 34 được điều ra làm nhiệm vụ bảo vệ Đường 13 và 41 phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng chí Cao Xuân Thọ được cử làm Đội trưởng Đội phá bom Đại đội 404 (thuộc Đội 40), đội của đồng chí phụ trách phá bom, thông đường tại ngã ba Cò Nòi và đường ngầm Hát Lót (Sơn La).

Cò Nòi là ngã ba nối liền Đường 13 và Đường 41 (từ Khu 4 đi Hòa Bình và lên Điện Biên). Con đường có thung lũng hẹp và rất sâu và là cửa ngõ tiến vào Tây Bắc, là tuyến đường nối thông đồng bằng Bắc Bộ, Chiến khu Việt Bắc và Khu IV với chiến trường Điện Biên Phủ, chính vì thế nó là con đường độc đạo vào Điện Biên Phủ. Nếu quân ta để ngã ba này bị tắc thì không thể vận chuyển được xe, pháo, lương thực, đạn dược, vũ khí cho chiến dịch. Hiểu được điều này, quân địch đã tập trung đánh phá ác liệt, nhằm cắt đứt sự chi viện của quân và dân ta với chiến dịch. Địch đánh phá liên tục, tốp máy bay này vừa rời đi, tốp khác đã kéo đến, nhiều lúc Cao Xuân Thọ cùng các chiến sĩ trong Đội phá bom 404 còn chưa phá xong loạt bom nổ chậm vừa rải, quân địch đã tiếp tục thả bom mới xuống. Bom chồng bom thi nhau phát nổ, khói lửa ngập trời, núi rừng rung chuyển, đất đá văng khắp nơi, hòa lẫn trong đó không ít máu, xương của các chiến sỹ TNXP mở đường.

Khi đó dụng cụ phá bom mà Cao Xuân Thọ và các chiến sĩ TNXP sử dụng rất thô sơ, chỉ là cuốc, xẻng, thuốn và thuốc nổ. Thế nhưng, với tinh thần tất cả cho chiến dịch, không sợ hy sinh, gian khổ, với bản lĩnh kiên cường và sự sáng tạo, Cao Xuân Thọ đã cùng đồng đội ngày đêm bám đường, phá hủy hết quả bom này đến quả bom khác do địch thả xuống. Thấy máy bay thả bom, Cao Xuân Thọ cùng đồng đội lập tức theo dõi, quan sát, xác định vị trí bom rơi, đợi máy bay địch đi khỏi là lao ra phá bom ngay, để thông đường cho bộ đội và xe của ta di chuyển an toàn, kịp thời.

Bản thân đội trưởng Cao Xuân Thọ vừa chỉ huy vừa trực tiếp phá bom, thu gom được hơn 100 quả bom các loại. Đặc biệt đơn vị đã 4 lần làm lễ truy điệu sống Cao Xuân Thọ trước khi ra trận. Tháng 3/1954, trong một lần cùng đồng đội phá quả bom nằm dưới suối sâu cách đường ngầm Tà Vài 4m, Cao Xuân Thọ đã thông minh, mưu trí, áp dụng kinh nghiệm của người dân quê mình mỗi lần đi biển, anh uống 2 - 3 bát nước mắm rồi lặn xuống, một lúc sau anh phát hiện quả bom nằm ở khe đá. Trước khi lặn, Cao Xuân Thọ đã lấy dây rừng buộc vào lưng và dặn anh em, khi anh ốp được bộc phá vào ngòi, dòng dây cháy chậm xong sẽ giật dây ba lần để đồng đội kéo lên bờ. Sau những phút giây nín thở chờ đợi, đồng đội đã vỡ òa niềm vui khi thấy dây được giật liền ba lần. Anh được kéo lên và chỉ sau 20 phút kích nổ, một tiếng nổ vang trời, cột nước cao tung tóe hàng chục mét. Nhìn thấy cầu Tà Vài được thông đường, thông xe an toàn Cao Xuân Thọ quên đi cái lạnh, quên cả hiểm nguy mà mình vừa trải qua.

Kết thúc chiến dịch đồng chí Cao Xuân Thọ đã phá được trên 100 quả bom các loại được Bác Hồ tặng 3 lần huy hiệu của Người, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, là chiến sĩ thi đua toàn quốc của lực lượng Công - Nông - Binh…

3. Đồng chí: Trịnh Văn Huyền

Đồng chí Trịnh Văn Huyền, sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Lúc còn nhỏ phải đi làm thuê, cho địa chủ. Khi cách mạng tháng 8/1945 thành công, đồng chí được bầu làm phân đoàn trưởng Đoàn Thanh niên cứu quốc và đội trưởng Đội Du kích thôn Phúc Trường.

Tiếp tục tham gia dân công phục vụ các chiến dịch, rồi chuyển sang bộ đội chủ lực, giữa năm 1953, đồng chí xin đơn vị chuyển sang thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong quá trình tham gia đồng chí đã có nhiều sáng kiến đặc biệt. Ở đèo Chẹn, ngày đêm địch ném bom đánh phá không cho bộ đội và xe chở hàng của ta vào chiến dịch. Dù địa hình hiểm trở, lực lượng chủ yếu làm thủ công đồng chí Huyền đã đề xuất chia đèo Chẹn làm 3 đoạn, đoạn khó nhất, dốc nhất thì bố trí lực lượng khỏe, không sợ hy sinh, làm ngày 3 ca và kết quả đã tăng năng suất lên 600%. Đồng thời, đưa ra sáng kiến đan sọt đổ đá ngăn suối để cho xe vận chuyển hậu cần, vũ khí trang bị qua suối kịp thời phục vụ chiến dịch

Khi làm nhiệm vụ ở ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin, nơi địch đánh phá vô cùng ác liệt, lực lượng TNXP hy sinh rất nhiều, đồng chí đưa ra sáng kiến phá bom nổ chậm bằng cách dùng cây hóp đá (thuộc họ tre) dài 4 - 5m, người nằm dưới hố an toàn rồi dùng cây hóp đá chọc cho quả bom lăn và tự nổ, chỉ trong 2 giờ, phá được 39 quả bom bươm bướm. Với kinh nghiệm này, có ngày toàn đội phá được 130 quả bom các loại. Chính đồng chí Huyền là người đưa năng suất đục lỗ, nhồi thuốc mìn phá đá tăng gấp 5 lần định mức. Đặc biệt, ngày 26/4/1954, 10 xe chở hàng hóa, vũ khí khi đến đèo Pha Đin thì bị địch phát hiện, cho nhiều tốp máy bay đánh phá. Một xe đi đầu bốc khói, dù bị thương nặng nhưng Trịnh Văn Huyền đã dũng cảm nhảy lên xe dập lửa và hô hào đồng đội đến ứng cứu. Nghe tiếng hô của đồng chí, cả Đội xông vào bốc và vận chuyển hàng vào nơi an toàn, cứu được 8 xe ô tô, 437 viên đạn đại bác 105mm riêng đồng chí Huyền cứu được 19 quả đạn ở xe đang bị cháy.

Hành động dũng cảm của Trịnh Văn Huyền đã mở đầu cho hàng loạt tấm gương dũng cảm. Ngay sau đó thay mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Nguyễn Văn Huyên (thư ký của Đại tướng) trao Huân chương Chiến thắng hạng Nhì cho ông và gửi thư khen. Kết quả là đồng chí cùng đồng đội phá được 124 quả bom các loại, có nhiều sáng kiến đưa năng suất lên cao để mở đường nhanh, cùng đồng đội cứu được 437 viên đạn 105mm.

4. Đồng chí: Trần Văn Cam

Đồng chí Trần Văn Cam sinh ra trong một vùng quê nghèo. Lớn lên chứng kiến cảnh quê hương, đất nước bị giặc Pháp xâm lược, Trần Văn Cam sớm có lòng căm thù giặc và quyết tâm đóng góp sức mình đánh đuổi giặc xâm lăng. Chính vì thế Trần Văn Cam đã tham gia cách mạng rất sớm, đồng chí gia nhập đội TNXP 40 và được chọn cử vào trung đội cảm tử chuyên phá bom mìn để thông đường, trong mọi tình huống.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trung đội phá bom do Trần Văn Cam phụ trách có nhiệm vụ  phá bom, mở đường, bắc cầu cho xe vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược cho chiến trường tại ngã ba Cò Nòi, tỉnh Sơn La, đây là con đường giao thông huyết mạch được mệnh danh là “Chảo lửa”, là “Túi bom”, “Cửa tử”. đây cũng là điểm xung yếu nhất, quyết liệt nhất để vận chuyển lương thực, thực phẩm vũ khí từ hậu phương cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính vì lẽ đó quân địch bắn phá rất ác liệt. Có ngày  thực dân Pháp  đã ném hơn 300 quả bom xuống ngã ba Cò Nòi, có đợt chúng đánh phá 2, 3 tuần liên tục, ném bon giải thảm và kết hợp nhiều bom trong một trận nhằm hủy diệt  lực lượng và làm tê liệt giao thông của ta. Với phương châm và khẩu hiệu  “TNXP có thể hy sinh những quyết không để huyết mạnh giao thông bị tắc”, “Không để đường tắc 4 tiếng trong ngày”, đồng chí Trần Văn Cam đã chỉ huy đội của mình khẩn trương và nhanh chóng phá bom để kịp thời chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc men cho bộ đội chiến đấu. Sau mỗi trận địch đánh phá, thả bom xuống phá đường. Đội phá bom của Trần Văn Cam lập tức dò bom, cắm tiêu, phá bom. Không quản ngài khó khăn, gian khổ, có những hôm trời mưa, gió rét, đất nhão, đường trơn, Trần Văn Cam cùng đồng đội kiên cường, miệt mài, quyết tâm vừa phá bom, vừa san lấp hố bom, khôi phục đường. Ngày ngày chiến đấu giành giật với quân địch từng giờ, từng phút. Dù gian khổ thiếu thốn, nhưng Trần Văn Cam và đồng đội vẫn giữ vững phẩm chất thanh niên xung phong, Phẩm chất bộ đội Cụ Hồ.

Trần Văn Cam đã cùng đồng đội dũng cảm rà phá được trên 120 quả bom các loại kịp  thời giải phóng đường cho xe ta vào Điện Biên Phủ, 4 lần đơn vị làm lễ truy điệu sống, 11 lần bị bom vùi lấp nhưng vẫn kiên trì hoàn thành tốt nhiệm vụ, được gặp Bác Hồ và được tặng huy hiệu của Người, được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì, là chiến sĩ thi đua số 1 của Đoàn Thanh niên xung phong.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.664
      Online: 45