Từ trước khi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, ta chủ trương đánh địch tại nhiều địa bàn trọng yếu trên khắp cả nước, nhằm phân tán lực lượng địch, đẩy mạnh chiến tranh du kích, dành những thắng lợi quan trọng góp sức cho Điện Biên Phủ. Tại Tây Nguyên, ngay từ giữa tháng 1, ta đã ngăn chặn thành công cuộc hành quân Cuộc hành quân “Atlante” của Thực dân Pháp.
Tây Nguyên là một dải đất hẹp, chạy dọc bờ biển, nằm ở Nam Trung Bộ nối liền hai miền Bắc - Nam Việt Nam, tiếp giáp với Hạ Lào và Bắc Campuchia, có vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất trên chiến trường Đông Dương. Từ lâu, Tây Nguyên vẫn được quân Pháp coi là một hậu phương an toàn.
Cuộc hành quân “Atlante” được tướng Salan đề nghị trong bản nghiên cứu gửi Navarre vào tháng 5/1953 khi vừa nhậm chức. Theo đó, đây trở thành một phần của kế hoạch Navarre, là một trong nhiều cuộc hành quân sẽ thực hiện trong Đông - Xuân 1953 - 1954 của Pháp.
Mục đích của cuộc hành quân này là tiêu diệt Liên khu V, ngăn chặn sự chi viện về quân số, vũ khí, tiền bạc cho Lực lượng Việt Minh đang đóng ở phía Nam Việt Nam và Campuchia. Hơn nữa, khu vực này có lợi thế về sản xuất lúa gạo và đánh cá, phong trào du kích không phát triển bằng những vùng khác. Hơn thế, chiếm được Tây Nguyên, sẽ là một sự uy hiếp lớn đối với Việt Minh, là chiến thắng về mặt tinh thần cho một cuộc đụng độ lớn hơn tại Điện Biên Phủ.
Ngày 20/01/1954, Pháp tiến quân vào Phú Yên, thực hiện cuộc hành quân Atlante, trước cuộc tiến công của Việt Minh vào Tây Nguyên chỉ vài ngày. Trước đó, Pháp dự đoán về một cuộc tấn công của Liên khu V vào Đà Nẵng hoặc vào Nha Trang, nhiều khả năng là vào vùng Tây Nguyên và dự phòng 5 binh đoàn cơ động để chống đỡ. Tuy nhiên lực lượng cần thiết để vừa tiến hành cuộc hành quân “Atlante” vừa đủ đảm nhận công việc bảo vệ được sử dụng 6 binh đoàn cơ động: Binh đoàn cơ động số 10 (gồm những người Bắc Phi); binh đoàn cơ động số 41 và binh đoàn cơ động số 420 (tuyển từ vùng cao); binh đoàn cơ động số 21(tuyển từ Trung Bộ), binh đoàn cơ động số 110 (tuyển từ Nam Bộ) và binh đoàn cơ động số 100 (một phần tuyển từ Nam Bộ). Chính vì sử dụng nhiều lực lượng là người Việt Nam mà sau này Navarre phải thừa nhận trong cuốn Đông Dương hấp hối, rằng: "Còn chúng ta, rất thất vọng về các đơn vị người Việt Nam và người Thượng: đào ngũ, từ chối ra trận, bỏ vị trí chiến đấu, thậm chí đào ngũ cả đơn vị, nổi loạn cùng những khó khăn trong việc sử dụng lính Thượng ở vùng đồng bằng và sử dụng người Kinh trên cao nguyên".
Như dự định, từ giữa tháng 01/1954, Việt Minh tấn công đồng loạt ở liên khu V. Pháp đau đầu chống đỡ các cuộc phản kích tại Quảng Nam, Khánh Hòa, An Khuê. Đêm 26/01, cuộc tấn công vào Tây Nguyên chính thức bắt đầu. Lực lượng Việt Minh chủ yếu là hai trung đoàn 108 và 803, đánh mạnh ở Bắc Kon Tum. Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp lệnh cho De Beaufort rút bỏ thị xã Kon Tum, tạm dừng cuộc hành quân Atlante ở Phú Yên để đưa phần lớn lực lượng lên ứng cứu Tây Nguyên: Binh đoàn cơ động số 100 giữ Pleiku, Binh đoàn cơ động số 11 và 21 giữ đường 19 - An Khê, Binh đoàn cơ động số 41 và 42 giữ Nam Tây Nguyên đồng thời làm lực lượng dự bị cho các hướng. Tuy nhiên vẫn không ngăn chặn được Việt Minh giải phóng Thị xã Kon Tum.
Không giữ được Kon Tum và phải tạm dừng cuộc hành quân Atlante ở Phú Yên, Pháp bố trí lực lượng trên địa bàn Liên khu 5 thành 2 khối: khối Tây Nguyên và khối đồng bằng. Giữa tháng 2/1954, Việt Minh tiếp tục những đợt tiến công mới tại Tây Nguyên. Cuối tháng 02/1954, Navarre đưa Binh đoàn cơ động dù (đơn vị dự bị chiến lược ) ở Hà Nội vào chiến trường Nam Trung Bộ tham gia thực hành bước 2 cuộc hành quân Atlante. Ngày 10/3, Pháp đưa quân từ Bắc Phú Yên theo đường bộ bắt đầu tiến ra Bình Định, đến ngày 12/3 đổ bộ bằng đường biển vào Quy Nhơn. Trước tình hình đó, Việt Minh sử dụng hai tiểu đoàn của Trung đoàn 803 cùng Trung đoàn 96 và 108 đánh đánh chặn, làm tiêu hao khá nhiều lực lượng chiến đấu.
Một ngày sau khi quân Pháp đổ bộ vào Quy Nhơn, chủ lực Việt Minh trên chiến trường chính Bắc Bộ tấn công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến trường Tây Nguyên tiếp tục những trận căng thẳng trên mặt trận An Khê, Pleiku, Nam Tây Nguyên, khiến lực lượng Pháp liên tục rút quân từ nhiều vị trí khác nhau về tổ chức phòng thủ, tái chiếm. Binh đoàn cơ động số 42 đang ở Bình Định quay về phòng thủ đường 7. Binh đoàn cơ động số 41 ở Diêu Trì (Bình Định) cũng phải rút về phòng thủ Tuy Hoà.
Đến cuối tháng 4/1954, Navarre rút Binh đoàn cơ động số 11 và 21 cùng một số tiểu đoàn ngụy đi ứng cứu các chiến trường khác và thực hiện việc phòng thủ tại Nam Trung Bộ. Tình hình địch ngày càng suy yếu. Quyền chủ động tiến công trên toàn chiến trường thuộc về ta. Ngày 02/4/1954, Báo Thế Giới của Pháp thú nhận “Atlante đã phá sản hoàn toàn”. Tuy thất bại, nhưng Navarre vẫn khẳng định: "Atlante không làm ảnh hưởng đến các mặt trận khác, nhất là vùng Bắc Bộ".
Sự thất bại của cuộc hành quân Atlante gây nên một sự sa sút nặng nề về tinh thần đối với người Pháp. Cùng với việc đẩy mạnh chiến đấu tại các chiến trường phối hợp trên khắp Đông Dương, giải phóng nhiều vùng đất đai, tiêu hao nhiều sinh lực địch, sau 56 ngày đêm chiến đấu, cầm cự tại Điện Biên Phủ, Pháp đã mắc phải chính cái bẫy mà mình giăng ra, kết thúc giấc mộng Đông Dương sau nhiều thập kỷ đặt ách thống trị./.