"Cư ngụ" trên đỉnh Di tích Đồi A1 từ sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 07/5/1954 là một trong những chiếc xe tăng M24 do Mỹ sản xuất, được Pháp sử dụng để đối đầu với Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong số 10 cái được đưa lên Điện Biên Phủ, chiếc xe tăng này tên Bazeille, được đặt tên giống một Thị trấn ở miền Nam nước Pháp và còn khá nguyên vẹn lúc bị thu giữ.

Đến cuối năm 1953, sau nhiều nỗ lực nhằm ổn định trật tự, dành lại thế chủ động tại Đông Dương nhưng không thành, Thực dân Pháp đã quyết định xây dựng Tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh chưa từng có ở Đông Dương tại thung lũng vùng chảo phía Tây Bắc Việt Nam. Pháp muốn "nhúng chân" vào Việt Nam, nhân cơ hội này hết lòng viện trợ cho Pháp, chi phí để xây dựng cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đều do Mỹ đảm nhiệm. Về lực lượng, Pháp sử dụng những đơn vị lính tinh nhuệ bậc nhất mà mình có, trong đó có những binh đoàn từng tham gia chiến tranh thế giới mà chưa từng thua một trận đánh nào. Về hỏa lực và vũ khí, cũng là những loại tiến tiến, hiện đại nhất trong đó đáng chú ý là 10 chiếc xe tăng hạng nhẹ M24.

Những chiếc tăng này thuộc dòng xe M24 mang tên Charfee, do các hãng sản xuất vũ khí Mỹ chế tạo năm 1943 và được sử dụng nhiều trong giai đoạn cuối chiến tranh thế giới lần thứ hai. Dòng xe này được đặt tên theo tên của Thiếu tướng Lục quân Hoa Kỳ Adna R. Chaffee, Jr., người được mệnh danh là "Cha đẻ của lực lượng thiết giáp Hoa Kỳ”, người vừa qua đời trước đó vài năm.

Đây là loại tăng chiến đấu hạng nhẹ được phát triển từ loại M5 trước đó, nặng hơn 18 tấn, trang bị pháo 75mm. Ngoài ra, có một súng máy Browning 12,7mm trên nóc tháp pháo và hai súng máy 7,62mm. Xe dài 5,56m (bao gồm cả chiều dài pháo chính), cao 2,77m và rộng 3m. Toàn thân xe được bọc giáp dày 9 - 25mm. Mỗi kíp xe theo tiêu chuẩn có 5 người.

Người Pháp đưa M24 đến Đông Dương từ những năm 1950, 1951 nhằm càn quét khắp các chiến trường Đông Dương, gây cho bộ đội ta những khó khăn, thiệt hại không nhỏ do chưa có thiết bị chống tăng hiệu quả. Sau này, Việt Minh được trang bị DKZ không giật, đạn lõm mới khống chế được sự "hoành hành" của M24. Tháng 12/1953, khi xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, để tăng cường sức mạnh phòng thủ và thị uy quân đối phương, Bộ Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương quyết định đưa 10 chiếc xe tăng M24 lên đó. Số xe tăng này được tháo rời ra thành từng bộ phận ở sân bay Cát Bi, Hải Phòng rồi được hệ thống hàng không uy lực của Pháp đưa lên sân bay Mường Thanh, hoặc thả dù xuống rồi lắp ráp lại như cũ bởi một đội ngũ kỹ thuật viên chuyên nghiệp.

10 chiếc xe tăng được biên chế thành Đại đội số 3, thuộc Trung đoàn Kỵ binh hạng nhẹ số 1, bao gồm 1 xe chỉ huy và 3 phân đội (mỗi phân đội 3 xe). Theo cuốn sách "The Last Valley" (Thung lũng cuối cùng) của tác giả Martin Windrow thì chiếc xe chỉ huy đại đội mang tên Conti (lấy từ tên Tiểu đoàn 3 Trung đoàn kỵ binh hạng nhẹ số 1 - Régiment Conti Cavalerie.), hai phân đội tăng ở phân khu Mường Thanh được chia thành Phân đội Blou (Xanh dương), gồm các xe Bazeille, Douaumont, Mulhouse và Phân đội Rouge (Đỏ): Ettlingen, Posen, Smolensk. Phân đội tăng đóng tại Phân khu Nam, Hồng Cúm mang tên Vert (Xanh lá cây), gồm 2 xe tăng mang tên Ratisbonne và Neumach. Chỉ huy đại đội là Đại úy Yves Hervouët. Tên những chiếc xe tăng do những người lính Lê dương gốc Đức đặt để tưởng nhớ những địa danh ở quê hương.

Nhiệm vụ của những chiếc xe tăng này chủ yếu dẫn đầu đội hình trong các cuộc càn quét ra xung quanh và khi Việt Minh bắt đầu tiến công thì xe tăng chủ yếu làm nhiệm vụ dẫn dắt bộ binh "phản xung phong" để cản bước của bộ đội Việt Minh, giành lại các cứ điểm (hoặc phần cứ điểm bị mất).

Trong thực tế, các trận phản xung phong của quân Pháp có xe tăng thường rất nguy hiểm, gây nhiều thiệt hại cho phía Việt Minh như trận phản kích ở đồi Độc Lập ngày 13/3, trận phản kích chiếm lại con đường nối Hồng Cúm - Mường Thanh ngày 28/3 hay trận tiến công Đồi A1 ngày 01/4/1954.

Chiều muộn ngày 30/3/1954 ta thực hiện giai đoạn hai của chiến dịch Điện Biên Phủ bằng việc tấn công vào dãy cao điểm phía Đông của địch. Tại cứ điểm A1, ta gặp phải khó khăn do hệ thống hỏa lực dày đặc và sự chống trả quyết liệt của lính Pháp vì đây là cứ điểm quan trọng, "cánh cửa trong cùng" bảo vệ trung tâm Tập đoàn cứ điểm. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng gay go, ác liệt, ta và địch dành nhau từng thước đất. Đêm 31/3, ta chiếm được khoảng 2/3 cứ điểm, đến rạng sáng ngày 01/4, Pháp điều hơn 100 quân từ Mường Thanh tiến lên phản kích, pháo của chúng bắn trùm lên mặt đồi gây sát thương quân ta, đẩy quân ta về gần cửa mở. Cuộc chiến đấu ở đồi A1 vẫn diễn ra rất ác liệt, nhiều trận xung phong và phản xung phong diễn ra liên tiếp. Đến 5 giờ cùng ngày xe tăng, bộ binh của quân Pháp lại tiếp tục oanh tạc lên mặt đồi, 2 chiếc M24 không ngừng nhả đạn xối xả về phía quân ta. Ở hướng Đông Nam, Đại đội 674 Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174 do Đại đội trưởng Lâm Viết Hữu chỉ huy tổ chức chặn đánh địch, bắn cháy tại chỗ chiếc Bazeille. Chiếc còn lại quay đầu về phía cầu Mường Thanh.

Một số xe tăng khác thì bị pháo binh của Việt Minh tiêu diệt, như chiếc tăng hiện “phơi xác” trên cánh đồng Mường Thanh, đã bị Đại đội 802 pháo 105mm thuộc Trung đoàn pháo 45 bắn hạ ngày 23/4. Chiếc Ettlingen bị bắn cháy ngày 07/5, gần hầm tướng De Castries.

Đám cưới có một không hai diễn ra tại Hầm De Castries giữa Đại đoàn phó Đại đoàn 308 Cao Văn Khánh với y sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản, được chụp trên một trong những chiếc xe tăng bị bắn cháy, đã trở thành bức ảnh "để đơi" với nhiều thế hệ

Sau 56 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đập tan âm mưu thống trị của Thực dân Pháp, duộc chúng phải chấm dứt giấc mộng "Đông Dương" đã tồn tại nhiều thập kỷ. Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ta tiêu diệt và thu gọn đủ 10 chiếc xe tăng M24 của Pháp.

Ngoài chiếc nằm lại trên Đồi A1, còn hai chiếc khác khá nguyên vẹn, tham gia vào đoàn quân duyệt binh mừng chiến thắng ngày 13/5 tại Mường Phăng. Sau đó được đưa về Thủ đô Hà Nội tham gia diễu hành. Không có máy bay vận chuyển như người Pháp, bộ đội ta phải tháo rời từng bộ phận, vận chuyển bằng ô tô vận tải và lắp ráp tại Nhà máy ô tô, đảm bảo kỹ thuật trước khi vận hành trong biển cờ hoa và tiếng reo hò chiến thắng.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 698.253
      Online: 24