Trong trận Điện Biên Phủ, người ta nhắc nhiều đến Navarre và De Castries với vai trò chính của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nhưng ít ai biết, còn một nhân vật cũng không kém phần quan trọng trong việc "dẫn dắt" nước Pháp đi vào con đường cùng tại Việt Nam và họ đã bại trận đau đớn như thế nào trước một nước thuộc địa nhỏ bé ở bán đảo Đông Dương.
Cogny, Tư lệnh Bắc Bộ, một tướng lính được đào tạo bài bản của Quân đội Pháp. Tài liệu có ghi lại, Cogny sinh ngày 24/4/1904 tại Normandie, Pháp, có cha là một cảnh sát. Cogny dành được khá nhiều bằng cấp trước khi tham gia quân đội như: Bằng Kỹ sư tại trường Bách Khoa - Pari, bằng tốt nghiệp Học viện Khoa học Chính trị Pháp và bằng Tiến sĩ Luật. Cogny trở thành lính Pháp từ trước Chiến tranh thế giới thứ hai, sau đó tốt nghiệp trường pháo binh Fontainebleau năm 1929, trở thành chỉ huy một pháo đội khi chiến tranh bắt đầu nổ ra.
Trong thời kỳ Thế chiến thứ hai, Cogny đã hai lần bị bắt. Lần thứ nhất tháng 6/1940 là tù binh của Đức quốc xã, sau đó một năm Cogny trốn thoát bằng cách trần truồng bò qua cống thoát nước và trở về tham gia kháng chiến Pháp. Năm 1943, Cogny bị bắt lần thứ hai nhưng không được may mắn như lần trước. Trải qua nhiều lần hỏi cung, tra tấn, chuyển từ hết nhà tù này sang trại tập trung khác tháng 4/1945, Cogny được thả khi sức khỏe khá tồi tệ. Chiếc gậy luôn mang theo bên mình từ sau năm 1945 do chấn thương ở chân không thể phục hồi dùng để chống suốt quãng đời còn lại của Cogny.
Cogny được bổ nhiệm thư ký điều hành cho Bộ trưởng bộ Quốc phòng Pháp, tiếp đó là Bộ tham mưu của tướng Jean de Lattre de Tassigny năm 1947. Tháng 12/1950, Cogny sang Việt Nam cùng với Raoul Salan phụ tá cho tướng Jean de Lattre de Tassigny khi viên tướng này được bổ nhiệm làm Cao ủy Pháp tại Đông Dương. Rồi lần lượt Salan thế chân Jean de Lattre de Tassigny (từ trần do bệnh) và Navarre thế chân Salan (một nước cờ nhằm thay đổi cục diện chiến trường Việt Nam của Chính phủ Pháp), Cogny trở thành tướng nắm quyền chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Bắc Kỳ.
Dưới thời Navarre, Cogny là một phụ tá ương ngạnh và thường tỏ ra không đồng tình với những quyết định của Chỉ huy của mình. Cũng giống như Salan, Cogny luôn muốn thiết lập một căn cứ ở Điện Biên Phủ ngay từ đầu nhưng kế hoạch này chưa bao giờ được Navarre chú ý tới. Chỉ đến khi nhận thất các hoạt động của Pháp từ cuối năm 1953 không đem lại hiệu quả, dẫn tới sự thất bại dần dần của kế hoạch mang tên mình thì Navarre bắt buộc phải thực hiện cuộc hành quân Castror nhảy dù xuống Điện Biên Phủ nhằm ngăn chặn Đại đoàn 316 của Việt Minh đang hành quân lên đây. Sau khi cân nhắc vị trí chiến lược của Điện Biên Phủ, Navarre đã quyết định xây dựng một tập đoàn cứ điểm kiểu Nà Sản nhằm thu hút quân chủ lực Việt Nam đến đây, rơi vào cái bẫy mà Pháp sẽ giăng sẵn, dành lại thế chủ động trong chiến tranh Đông Dương đã nhiều năm khiến Pháp rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Cùng với việc đồng tình chọn De Castries làm Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thì đây là những sự đồng tình hiếm hoi mà người ta thấy kể từ khi Navarre và Cogny hợp tác chung.
Cogni là người trực tiếp, sát sao với Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngay sau khi quân Pháp được tin Đại đoàn 316 đã xuất hiện ở Tuần Giáo, trực tiếp uy hiếp Lai Châu, Cogni lập tức ra lệnh thực hiện cuộc hành binh Pollux đưa toàn bộ lực lượng từ Lai Châu về Điện Biên Phủ, tổ chức lực lượng tại đây, thâm nhập sâu vào vùng giải phóng, khống chế dân chúng, tạo một vành đai an toàn chung quanh những vị trí đóng quân. Lực lượng ở Điện Biên Phủ và ở Lai Châu rút về sẽ được thống nhất thành "Binh đoàn tác chiến ở Tây Bắc" dưới một sự chỉ huy chung. Cuộc hành binh được miêu tả là khá lớn, được trang bị đầy đủ súng ống, đạn dược, được máy bay B26 ném bom napan bảo vệ và khoảng hơn 2.100 lính trong đó có 8 trung úy, và 34 hạ sĩ quan Pháp, rời Lai Châu ngày 09/12. Bernard Fall kể lại "...Khi những người sống sót của đại đội lừa ngựa Thái và đại đội nhẹ 428 tới Điện Biên Phủ, ngày 22/12, chỉ còn 10 người Pháp, trong đó có viên trung úy Ulpat và 175 binh lính Thái. Gần 2.000 lính biệt kích, hàng trăm người dân sự, cũng như 2 sĩ quan, 25 hạ sĩ quan Pháp không còn lên tiếng khi điểm danh. Hơn thế, Việt Minh đã thu được đủ vũ khí để trang bị cho một trung đoàn".
Thật vậy, 316 đã đuổi theo quân địch hàng trăm km đường rừng, suốt ngày đêm. Bộ đội ta vừa kết hợp tiến công vừa kêu gọi đầu hàng. Số hàng binh Thái rất đông. Không một người Thái nào trong số này sau khi được tha quay trở lại với quân địch. 316 đã tiêu diệt và làm tan rã 25 đại đội địch, thu nhiều vũ khí, lừa ngựa, quân trang, quân dụng.
Từ khi xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cho đến trước khi diễn ra trận đánh, cả Navarre và Cogny không ngừng lên thăm Điện Biên Phủ, tổng cộng Navarre đã lên đây 9 lần, Cogny 11 lần. Cogny khá lạc quan với công trình này và từng khẳng định: "Vị trí phòng ngự của chúng ta mạnh hơn Nà Sản nhiều. Pháo binh của ta không chỉ mạnh hơn mà còn được đặt ở vị trí hoạt động có hiệu quả hơn. Quân Việt Minh phải vượt 500km đường bị ném bom để có thể tới đây. Không nên làm điều gì để Việt Minh không tiến đánh". Không chỉ Cogny, hơn 50 tướng tá và chính khách của Pháp, Mỹ đến thăm Điện Biên đều cho rằng đây là một pháo đài "bất khả xâm phạm".

Cogny (ngoài cùng bên phải) cùng De Castries (giữa) và Navarre thị sát Điện Biên Phủ
Tài liệu có ghi lại, trong suốt cuộc chiến, Cogny luôn mâu thuẫn với cấp trên Navarre về việc bố trí lực lượng tại Điện Biên Phủ. Cogny luôn tiếp tục tìm cách tăng viện cho Điện Biên Phủ và lực lượng trên toàn Bắc Bộ, yêu cầu Navarre cần san sẻ từ những vùng khác. Thậm chí khi trả lời một lá thư chê trách của Navarre ngày 29/3/1954, Cogny đã thông báo cho cấp trên của mình là ông không còn muốn phục vụ dưới sự chỉ huy của ông ta nữa và từ đó quan hệ giữa hai người bị xấu đi đáng kể. Navarre đã đi xa hơn bằng cách đe dọa điều tra Cogny về tội "chủ bại" trong một thông cáo báo chí.
Vào nhừng giờ phút hấp hối của "con nhím" Điện Biên Phủ, Cogny đã nói những lời cuối cùng với De Castries: "Tướng quân! Tất cả những gì ông đã làm được đều rất tốt, không được hàng, không được để bị bắt sống, ông phải tự sát. . . Cả nước Pháp sẽ ghi nhớ công lao của ông. . .". Ở đầu dây bên này De Castries dập gót giày đứng nghiêm hứa với Cogny bằng một giọng cảm động rằng ông ta sẽ tử thủ đến cùng. Nhưng, cái mệnh lệnh đó sẽ không bao giờ được thực hiện bởi ngay sau đó trong cuộc nói chuyện với vợ mình, bằng một giọng xúc động, De Castries đã hứa là sẽ về để rồi chưa đầy nửa giờ đồng hồ tiếp theo người ta nhìn thấy những lá cờ trắng mọc lên khắp nơi, trong đó có hầm Sở chỉ huy.
Cuộc chiến ở Đông Dương kết thúc, tranh cãi giữa hai tướng Navarre và Cogny ngày càng trở nên trầm trọng khi cả hai không ngừng đổ lỗi cho nhau về thất bại đã xảy ra. Một ủy ban điều tra của Chính phủ Pháp được thành lập nhằm đưa vào những căn cứ xác đáng nhất về vấn đề mâu thuẩn giữa hai người. Về phía Navarre, đã cho ra đời hai cuốn sách "Đông Dương hấp hối" và "Thời điểm của những sự thật" được cho là phơi bày những sự thật tố cáo Cogny, người trực tiếp dẫn tới những sai lầm trầm trọng , đưa đến những hệ quả xấu trong quá trình chỉ huy trận Điện Biên Phủ.
Sau trận Điện Biên Phủ, Cogny tiếp tục tham gia chiến tranh ở Trung Phi. Ngày 11.9.1968, Cogny tử nạn trên chuyến bay của hãng Air France khi bay qua Địa Trung Hải đã bị rơi ở gần Nice. cùng với 94 người khác./.