Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, ta không chỉ thực hiện riêng Điện Biên Phủ mà còn tiến công chiến lược trên nhiều chiến trường phối hợp, góp phần phân tán và tiêu diệt nhiều sinh lực địch, không cho chúng co cụm, tăng cường nhiều cho Điện Biên Phủ.
Phối hợp với chiến trường chính, ngày 08/3, trên đường số 5 Hà Nội - Hải Phòng, bộ đội ta san phẳng 13 bốt và tháp canh, giao thông bị ách tắc suốt đêm. Phần lớn "thức ăn" của con nhím Điện Biên Phủ được chuyển bằng đường biển, rồi từ cảng Hải Phòng qua đường 5 lên Hà Nội và thả dù xuống Điện Biên Phủ bằng cầu hàng không. Đánh mạnh trên tuyến giao thông này, ta làm gián đoạn việc tiếp tế cho Điện Biên Phủ ngay khi trận đánh chuẩn bị bắt đầu.
Với tinh thần "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", toàn Đảng, toàn dân đều dồn sức cho Điện Biên Phủ. Trung ương Đảng và Chính phủ, đã tập trung lãnh đạo quân đội và nhân dân thực hiện kế hoạch tiến công trên hầu khắp các mặt trận cùng với việc vận động hậu cần tại những vùng do ta kiểm soát là những nhiệm vụ quan trọng nhất trong giai đoạn này. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đi Liên khu 4 đẩy mạnh công tác chi viện tiền tuyến, Đồng chí Văn Tiến Dũng đi Liên khu 3 chỉ đạo những hoạt động ở đồng bằng Bắc Bộ phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ.
Tại Trung Bộ, bộ đội ta đánh vị trí An Hòa ở Thừa Thiên Huế, diệt 200 quân địch, san phẳng cứ điểm đèo Thượng An diệt sáu đại đội; phục kích ở chân Đèo Măng Giang tiêu diệt gọn một đoàn xe quân sự địch; tập kích ở Lây Rinh gây thiệt hại nặng cho binh đoàn cơ động địch ở Triều Tiên về, đánh nhiều trận vận động phục kích lớn diệt từng đoàn tàu, từng đoàn xe vận tải. Tại Thanh Hóa, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5/1954, các đơn vị bộ đội địa phương huyện phối hợp cùng dân quân du kích các xã Điền Hộ, Liên Sơn (thuộc các xã Nga Điền, Nga Liên, Nga Thái ngày nay)... khống chế tiêu diệt nhiều sinh lực địch, không cho chúng di chuyển quân bổ sung cho chiến trường Điện Biên Phủ. Ngày 05/5/1954, Đại đội 109 bộ đội địa phương huyện Nga Sơn cùng dân quân du kích thôn đánh chặn 4 đại đội địch khi chúng đang hành quân, diệt 29 tên, làm bị thương 17 tên...
Tại Nam Bộ, trước tinh thần chiến đấu sa sút của binh lính và lực lượng thiếu hụt nghiêm trọng, ngày 12/4, Thủ tướng Ngụy quyền Sài Gòn ra quyết định bắt thanh niên từ 21 đến 25 tuổi đều phải nhập ngũ và lập tòa án binh khẩn cấp xét xử những ngươi đào ngũ. Những hoạt động của các lực lượng vũ trang trên toàn miền đều được đẩy mạnh để phối hợp với Điện Biên Phủ, loại từng trung đội, đại đội và tiểu đoàn địch khỏi vòng chiến đấu. Các tiểu đoàn chủ lực tiến sâu vào vùng tạm chiếm tiêu diệt nhiều đồn bốt, tiến công bốt An Nhơn (Hóc Món) nằm sát nách Sài Gòn, giữa ban ngày. Tại Tây Nam Bộ, từ đầu tháng 4, Bộ tư lệnh Phân phát động phong trào phá “sóc tự trị vũ trang” do địch lập và lần lượt phá được 22 “sóc tự trị vũ trang”, xây dựng chính quyền cách mạng do người dân tộc quản lý, có nhiều xã xây dựng được lực lượng du kích khá mạnh. Ở Tiền Giang, từ tháng 2 đến thắng 5 lần lượt các xã, huyện được giải phóng, lực lượng du kích địa phương tiêu diệt hàng trăm tên địch, đánh chìm hàng chục tàu và ghe của địch, tiêu diệt hàng trăm địch và nhiều đồn bốt, lực lượng vũ trang địa phương phát triển mạnh.
Tại Trung Lào, các Trung đoàn 66 và 18 tiếp tục hoạt động giam chân quân cơ động địch ở Xên, cùng với quân giải phóng Ítxala Lào đánh Chămpátsắc tiêu diệt và làm tan rã quân địch ở đây, bắt sống Phó vương Bun ùm ở Đôntalạt. Tại Campuchia, Trung đoàn 101 tiến sâu vào Đông Bắc Campuehia, vượt sông Mê Công... Cuối tháng 4, một vùng rộng lớn Đông - Nam tỉnh Prétvihia và Đông - Bắc tỉnh Công Phông Thom được giải phóng. Một bộ phận của Trung đoàn 101 thọc sâu vào tỉnh Kratiê bắt liên lạc với Nam Bộ. Hướng về Điện Biên Phủ, tất cả các chiến trường trên toàn Đông Dương không ngừng hoạt động suốt Đông Xuân 1953 - 1954 để tạo điều kiện cho chiến trường chính giành thắng lợi cuối cùng.
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, nhưng trên toàn mặt trận bộ đội ta vẫn đang hoàn thành những mục tiêu đã định. Từ trung tuần tháng 5/1954, lực lượng vũ trang ta đã đẩy mạnh sức ép chung quanh đồng bằng Bắc Bộ. Trung đoàn 95 thuộc Đại đoàn 325 làm lực lượng dự bị của Bộ ở Nghệ An, được điều gấp ra Hà Nam. Trung đoàn 64 của Đại đoàn 320 tiếp tực đứng chân ở Thái Bình. Hai trung đoàn khác của 320 là 48 và 52 vẫn hoạt động ở Nam Định và Hà Nam.
Ngày 11/5, Trung đoàn 48 tập kích Thượng Tố (cách Nam Phủ Lý 2km) tiêu diệt gần 400 quân địch. Trung đoàn 95 tiêu hao nặng binh đoàn cơ động số 4 ở Phủ Lý. Ngày 18/5, Trung đoàn 52 đánh vị trí Thức Hòa (Giao Thủy), bốn đại đội địch ra hàng. Huyện Giao Thủy được hoàn toàn giải phóng. Cùng ngày, bên tả ngạn sông Hồng, Trung đoàn 64 phục kích trên đưởng 39 Thái Bình, diệt hai đại đội, đánh quân viện tới giải vây cho Triều Dương, tiêu diệt 700 tên.
Ngày 03/6, ta phục kích ở Triều Dương (Nam Định) diệt và bắt sống 500 tên. Cùng ngày, Trung đoàn 48 và 52 phối hợp đánh Đông Biên (Nam Định) tiêu diệt tiểu đoàn khinh quân ngụy 702 và bốn đại đội địa phương quân, diệt 170 tên, bắt sống 621 tên, thu toàn bộ vũ khí. Trung đoàn 9 bức rút nhiều đồn bốt ở địch ở Nam Định, Ninh Bình và bức hàng hai vị trí Chùa Cao, Phúc Nhạc. Trung đoàn 36 đánh vị trí công sự mới Cầu Lồ ở Bắc Giang. Ngày 24/6, Pháp thực hiện cuộc rút quân khỏi An Khuê, đã rơi vào trận địa phục kích của dân quân Liên khu 5. Hầu hết binh đoàn, khoảng 1.200 người, trong đó có viên quan năm và cơ quan chỉ huy, cùng với 250 xe cơ giới và toàn bộ lực lượng pháo binh bị tiêu diệt.
Bên tả ngạn sông Hồng, ngày 30/6, Trung đoàn 64 hoạt động trên đường 10 (Thái Bình) phục kích tiêu diệt một tiểu đoàn quân ngụy, thu hai khẩu pháo 105. Địch ở Thái Bình hoang mang bỏ Cầu Bo rút chạy. Ngày 01/7, Trung đoàn 64 tiếp quản thị xã Thái Bình. Tại Hữu Ngạn, ngày 30/6, địch rút khỏi Phát Diệm và Ninh Bình. Trung đoàn 52 truy kích bắt 700 tên, thu 5 khẩu pháo (có một khẩu 105mm). Cùng ngày, địch ở Bùi Chu rút chạy, Trung đoàn 52 truy kích tới Nam Định, địch ở đây cũng vội vã rút chạy. Bộ đội ta tiếp quản thành phố Nam Định ngày 01/7/1954.
Ngày 03/7, địch rút khỏi thị xã Phủ Lý. Tại Sơn Tây, Trung đoàn 57 ráo riết truy kích địch, giải phóng đại bộ phận tỉnh Sơn Tây. Ngày 07/7, Trung đoàn 57 phục kích binh đoàn cơ động số 8 đi giải vây cho Trình Viễn (Hà Đông) diệt 400 tên.
Đại đoàn 320 dồn toàn bộ lực lượng sang Thái Bình, chủ trương bao vây thị xã Hưng Yên, tiêu diệt địch ở các thị trận Phụ Dực, Ninh Giang. Đại đoàn 308 cũng chuyển vào hoạt động trên đường 13.
Hiệp định Gionever được ký kết, lệnh ngừng bắn được thực hiện ở Bắc Bộ từ ngày 27/7, ở Trung Bộ từ ngày 01/8, ở Lào, từ ngày 06/8, ở Campuchia từ ngày 07/8 và cuối cùng ở Nam Bộ từ ngày 11/8/1954.
Cùng với Điện Biên Phủ ta đẩy mạnh những cuộc tiến công chiến lược đánh vào những vùng Pháp tập trung lực lượng nhằm tiêu hao sinh lực của chúng. Sự sụp đổ dần dần của Điện Biên Phủ cho đến ngày tàn cuối cùng chiều 07/5/1954, ta cũng dành được những thắng lợi quan trọng trên nhiều chiến trường khác trong cả nước, dập tắt hoàn toàn tham vọng của Pháp tại Việt Nam và toàn cõi Đông Dương./.