Trong vô số những di tích của khu Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ, phần lớn là di tích thuộc Tập đoàn cứ điểm năm xưa, Di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng trở nên hùng dũng, uy nghiêm, trang trọng hơn tất cả. Nổi bật với khu rừng già nguyên sinh, bao bọc bên trong là vẻ yên tĩnh, vắng lặng và tuyệt đối bí mật. Năm xưa nơi đây vinh dự được chọn đặt địa điểm đóng quân của Tướng Võ Nguyên Giáp và tham mưu của mình trong chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đến với Mường Phăng là đến với cội nguồn lịch sử, cội nguồn dân tộc, cội nguồn của chiến thắng.

Cuối năm 1953, Đại đội cảnh vệ 425 do đồng chí Đỗ Hải phụ trách được nhận nhiệm vụ phối hợp với một trung đội công binh xây dựng Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ trong một khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên. Vốn đã có kinh nghiệm xây dựng cơ quan chỉ huy từ những chiến dịch trước, với chiến dịch Điện Biên Phủ lại càng quan trọng hơn cả về tính chất và quy mô nên việc đảm bảo an toàn và tuyệt đối bí mật được đặt lên hàng đầu. Ngày 31 tháng 1 năm 1954, sau hai lần tạm đóng tại hang Thẩm Púa (cách Tuần Giáo 15km) và hang Huổi He (xã Nà Tấu), Sở chỉ huy chiến dịch chuyển địa điểm vào Mường Phăng, khu rừng nguyên sinh phía Đông cánh đồng Mường Thanh. Mỗi cơ quan gồm có lán và hầm vừa là nơi làm việc và nghỉ ngơi khi cần thiết. Những lán nhỏ đơn sơ được dựng từ những vật liệu sẵn có ngay tại khu rừng này, dọc theo con suối dưới chân núi. 105 ngày cơ quan chỉ huy chiến dịch ở đây là những tháng ngày an toàn, bí mật, đảm bảo được làm việc và sinh hoạt trong điều kiện tối ưu nhất có thể.

Nổi bật tại Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ là đường hầm xuyên sơn thông giữa hai lán làm việc của đồng chí Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái bởi kết cấu, công năng và sự kỳ vĩ của nó. Kết thúc đợt tấn công thứ nhất, ta bắt đầu việc đào hầm. Điều quan trọng nhất là đào một đường hầm chắc chắn, tránh được đạn, máy bay trinh sát của địch. Trong điều kiện chỉ có một đồng chí là thợ mỏ và đồng chí Thành Xuân Thi, người đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng sở chỉ huy, các chiến sĩ hầu hết chưa từng có kinh nghiệm trong việc này. Thêm vào đó ta không có la bàn, không có thước đo, hơn 50 người là lực lượng của đại đội cảnh vệ và trung đoàn công binh đã thay nhau đào liên tục cả ngày lẫn đêm trong không khí khẩn trương và yêu cầu cấp bách của chiến dịch. Đường hầm được đào từ hai hướng Đông và Tây, thông nhau ở giữa lòng đồi. Ta đã không lường trước hết được những khó khăn có thể gặp phải. Càng đào vào sâu càng thiếu dưỡng khí, thiếu ánh sáng và đặc biệt việc định hướng để thông nhau là vô cùng khó. Trong khi đào, cứ 5m lại phải chống cây rừng và kê đòn tay đỡ trần hầm, chúng tôi còn phải đào thêm các hốc đặt đèn dầu và khoảng 25 đến 40 phút lại phải thay ca một lần. Ngoài cuốc xẻng, còn lại là sự thông minh sáng tạo và lòng quyết tâm sắt đá để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trải qua 28 ngày đêm, đường hầm được hoàn thành, cũng là lúc bàn tay các chiến sĩ đã chai sần, phồng rộp, những chiếc cuốc, xẻng bị mòn dẹt với muôn hình vạn dạng. Đường hầm có chiều dài 69m, chiều cao 1,7m, rộng từ 1 đến 3m với một phòng họp (là nơi đào chệch hướng); 5 ngách phụ là nơi đặt máy thông tin trong đó 1 máy thông tin nối từ Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ với Bộ chính trị Trung ương Đảng, Hồ Chủ tịch và cơ quan chi viện tiền phương; 4 máy còn lại nối với các đại đoàn tham gia chiến đấu ở ngoài mặt trận và nhận lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch. Chỗ đào chệch hướng, được sửa sang thành một phòng họp có lỗ thông hơi và có đặt thang để thoát hiểm lên trên. Đường hầm được đưa vào sử dụng từ giữa đợt tấn công thứ hai. Đây là công trình vĩ đại, kỳ công nhất tại Sở chỉ huy ở Mường Phăng, đã đảm bảo sự an toàn, bí mật cho Bộ chỉ huy chiến dịch, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Rừng Mường Phăng, nơi làm việc của Bộ chỉ huy chiến dịch, đơn sơ, giản dị cũng chính như bản chất con người Việt Nam vậy. Họ hành quân, di chuyển ra chiến trường bằng đường bộ, họ chở gạo, lương thực bằng những chiếc xe đạp thồ nặng do chính đối phương sản xuất. Họ kéo pháo lên núi bằng tay. Họ đánh giặc bằng những loại vũ khí chiến lợi phẩm. Đôi khi vinh quang xuất phát từ những điều bình dị nhất.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 697.987
Online: 61