Là tỉnh miền núi phía Tây Bắc tổ quốc, tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống với nên văn hóa lâu đời trong đó nổi bật là Di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ gắn liền với chiến thắng năm 1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta.
Di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ đã được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt theo quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng chính phủ. Hiện nay Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ quản lý 43 di tích thành phần của khu di tích này, trong đó có 05 di tích đã được trùng tu tôn tạo và Nhà trưng bày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có thu phí, phục vụ khách tham quan. Các điểm di tích chủ yếu là đồi núi, kết cấu đất, lại cách xa nhau trải dài từ Đèo Pha Đin (hướng đi Sơn La) đến Mường Pồn, thuộc địa phận huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ.
Cùng với sự phát triển của xã hội, trong những năm qua công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích chiến trường Điện Biên Phủ ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và các cấp, các ngành, Di tích lịch sử chiến trường đã trở thành điểm đến ưa thích của đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế đồng thời cũng là thế mạnh thu hút khách du lịch đến với Điện Biên, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển, đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Một trong những nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và các di tích chiến trường Điện Biên Phủ, đặc biệt là phổ biến luật di sản văn hóa, nâng cao trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị của di sản trên cổng thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trang thông tin điện tử của đơn vị và phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương. Tình hình an ninh trật tự tại các điểm di tích ổn định, đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho khách tham quan. Đội ngũ bảo vệ được đầu tư về số lượng tới chất lượng, nghiệp vụ an ninh trật tự và trang thiết bị đảm bảo về thời gian trực 24/24, tăng cường vào các dịp nghỉ lễ, tết. Di tích được quét dọn sạch sẽ trước giờ phục vụ. Đội ngũ thuyết minh tại điểm cũng được thường xuyên trau dồi kiến thức, kỹ năng, chuyên môn đảm bảo tối đa nhu cầu phục vụ khách tham quan.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ngày càng nhiều các di tích thành phần được đầu tư nâng cấp, từ việc khoanh vùng, cắm mốc, đặt bia di tích tại những di tích còn thô sơ như di tích: Sở chỉ huy hậu cần, Ủy ban kháng chiến hành chính, cho tới việc thường xuyên sửa chữa nhỏ, nâng cấp các di tích đang phục vụ như: Sở chỉ huy chiến dịch Điện biên Phủ tại Mường Phăng, Đồi D1 (Tượng đài chiến thắng), … Săp tới đây sau khi hoàn thiện việc tôn tạo, di tích Trung tâm đề kháng Him Lam cũng sẽ đưa vào sử dụng, phục vụ khách tham quan.
Tính đến nay đã có 13 di tích và hiện vật ngoài trời được đầu tư xây dựng hệ thống mái che bằng kính cường lực nhằm bảo vệ một cách tối ưu các di tích và hiện vật này dưới tác động của môi trường, thiên nhiên. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư với các điểm di tích và hiện vật khác. Với xu hướng đẩy mạnh công tác “xã hội hóa” việc trùng tu, tôn tạo di tích, các di tích chiến trường Điện Biên Phủ, các hiện vật kho, hiện vật ngoài trời và đặc biệt từ khi công trình Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đi vào hoạt động đã góp phần to lớn trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt là công tác bảo vệ, bảo quản, tuyên truyền, giới thiệu chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và các điểm di tích.
Trong công tác nghiệp vụ, luôn chú trọng sưu tầm, vận động kêu gọi ủng hộ, hiến tặng tài liệu, hiện vật liên quan tới chiến dịch Điện Biên Phủ cho nhà Bảo tàng mới. Xây dựng kế hoạch sưu tầm và hoàn thiện các bộ sưu tập hiện vật, bổ xung nội dung trưng bày về chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngày 05/5/2014 công trình Bảo tàng Chiến thắng Điện biên Phủ giai đoạn I vừa được khánh thành, bàn giao đưa vào sử dụng góp phần hoàn thiện cơ sở vật chất, đảm bảo yêu cầu về giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ, xứng tầm với giá trị của Di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã tiến hành điều tra, kiểm kê di tích trên toàn tỉnh. Đây là hoạt động quan trọng nhằm nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học, pháp lý cho di tích, là căn cứ để khoanh vùng, quy hoạch và tiến tới đầu tư, tôn tạo các di tích. Hoạt động này dự kiến sẽ được tiến hành thường xuyên, triệt để và chất lượng. Ngoài ra được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện việc đo tọa độ, mốc giới và vẽ bản đồ cho 24 điểm di tích thành phần, bổ sung vào khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó cũng từng bước hoàn thiện hồ sơ khoa học cho hiện vật; đã hoàn thiện lý lịch cho 24 điểm di tích, trình Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, kịp thời hoàn thiện hồ sơ khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ.
Nhờ làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích chiến trường Điện Biên Phủ nên số lượng khách đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về Di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ ngày càng tăng, năm sau thường cao hơn năm trước. Đặc biệt trong dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2014), trong năm 2014 có gần 600.000 lượt khách, gấp gần 3 lần lượng khách tham quan trong năm 2013. Nhận thức của người dân được nâng cao, nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất hoặc di dời chỗ ở, trả lại đất cho di tích.
Tuy nhiên nhiều điểm di tích còn chưa khoanh vùng, cắm mốc, quy hoạch; chưa có lực lượng bảo vệ thường trực, ông tác quản lý còn phụ thuộc vào chính quyền địa phương tại nơi có điểm di tích; địa hình di tích rộng, chủ yếu là đồi núi, các điểm di tích nằm rải rác cách xa nhau, nhiều di tích còn nằm lẫn khu dân cư; các yếu tố về thiên nhiên, thời tiết trong điều kiện hầu hết các di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ chủ yếu là đồi núi rộng, các điểm di tích lại nằm rải rác, các cụm di tích đều là trận địa dã chiến và nằm lộ thiên; trình độ hiểu biết và ý thức của người dân chưa đồng đều, chủ yếu là giá trị của di sản văn hóa còn hạn chế, … là những khó khăn, thách thức còn gặp phải trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích mà để giải quyết được những vấn đề này cần sự chung tay của các cấp các ngành và của toàn xã hội.
Cùng với sự phát triển của xã hội, trong những năm qua công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích chiến trường Điện Biên Phủ ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và các cấp, các ngành, Di tích lịch sử chiến trường đã trở thành điểm đến ưa thích của đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế, trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và ma