Ngày 7 tháng 5 năm 1954 ta đại thắng ở Điện Biên Phủ kết thúc cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược kéo dài 9 năm kể từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945. Chiến thắng này đã đưa nhân dân Việt Nam thoát khỏi chế độ Thực dân đô hộ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng đi lên chủ nghĩa xã hội và cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Chiến thắng ấy là sự tất yếu của lịch sử từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Một trong những yếu tố ấy chính là tình cảnh khốn cùng của lính Pháp tại Điện Biên Phủ ngay từ đầu cuộc chiến, để sau này mỗi khi hồi tưởng lại họ luôn coi đó là “địa ngục trần gian”.

Ngày 20 tháng 11 năm 1953, Thực dân Pháp cho 6 tiểu đoàn dù với khoảng 4.500 lính nhảy dù xuống cánh đồng Mường Thanh nhằm ngăn chặn Đại đoàn 316 hành quân lên Tây Bắc giải phóng vùng đất này. Sau khi nghiên cứu kỹ vị trí chiến lược của Điện Biên Phủ, Navarre “chấp nhận” chiến đấu ở Điện Biên Phủ bằng một tập đoàn cứ điểm “mạnh chưa từng có ở Đông Dương” với lực lượng quân cơ động chiến đấu mạnh, vũ khí chiến tranh hiện đại và sự viện trợ hoàn toàn bằng không quân từ Hà Nội và Hải Phòng dưới sự viện trợ khổng lồ của Mỹ. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hình thành với hệ thống binh, hỏa lực mạnh, sẵn sàng chiến đấu với sự tập trung cao độ và sự háo hức mong chờ của những người đứng đầu Pháp và Mỹ. Hẳn nhiên, không phải vô cớ mà họ xây dựng một cái bẫy khổng lồ ở sâu trong căn cứ của quân đối phương mà lại trắng tay. Đây là nỗ lực cao nhất trong chiến tranh Đông Dương nhằm tiêu diệt quân chủ lực Việt Nam và kết thúc thế giằng co đang bất lợi cho nước Pháp.

Điện biên Phủ là trận công kiên quy mô lớn nhất từ trước tới nay của quân đội ta. Ngay khi người Pháp bắt đầu xây dựng tập đoàn cứ điểm dưới lòng chảo thì từ trên các triền núi xung quanh, quân và dân ta cũng đang tích cực chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài. Hậu cần được chuẩn bị kỹ càng, pháo được nhanh chóng kéo ra mặt trận, các quân đoàn chủ lực nô nức hành quân lên Điện Biên Phủ. Phương án tác chiến được thay đổi cho phù hợp, công tác đào hào, xây dựng trận địa cũng được gấp rút hoàn thành, ngày giờ cũng được xác định. Ta mong muốn chắc thắng trong trận này, quyết tâm đánh đuổi Thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi Việt Nam.

Ngày 13 tháng 3 năm 1954, ta nổ súng tấn công vào Trung tâm đề kháng Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, mở cánh cửa phía Đông Bắc vào trung tâm tập đoàn cứ điểm. Địch không hề bất ngờ về thời gian cũng như địa điểm đánh chiếm của quân ta. Cái làm họ hoảng loạn chính là sức mạnh pháo binh chưa bao giờ nghĩ tới mà quân đội nhân dân Việt Nam có thể làm được. Thật vậy, lần đầu tiên ta đã đưa được pháo 105mm vào mặt trận mà địch không hề biết. Pháo được đưa lên Điện Biên Phủ một cách an toàn, kéo vào trận địa trên các dãy núi hướng về lòng chảo, được dựng hầm trú ẩn và ngụy trang cẩn thận. Đã có những cuộc truy kích, lùng xục của Pháp trước trận đánh nhằm tiêu diệt, phá hủy các vị trí của ta nhưng đều thất bại. Chính vì vậy ngay khi những loạt đạn pháo đầu tiên của ta nổ trên bầu trời, nã vào cứ điểm Him Lam đã khiến chúng hoang mang cực độ, nhiều lính Pháp còn liên tưởng tới ngày tận thế. Piroth ngơ ngác, không tin vào những gì đang xảy ra, ngay trong đêm dội hơn 6000 đại bác ra chung quanh để đáp trả nhưng không có tác dụng. Nhanh chóng mất Him Lam sau 5 giờ chiến đấu, Độc Lập gần 2 ngày sau đó, bản Kéo bị bức hàng vô điều kiện, các tiểu đoàn lính Thái và một số lính đánh thuê quay đầu về phía Việt Minh khiến cho tinh thần chiến đấu của quân đồn trú Pháp lung lay.

Sau 5 ngày chiến đấu, ta tiêu diệt được 6 trong số 49 cứ điểm của Mường Thanh. Navarre than phiền: "Tổn thất của chúng ta là nặng nề và chúng ta đã tiêu phí một số rất lớn vũ khí, dự trữ của chúng ta đã bị xuống rất thấp, cần phải nhiều thời gian mới bổ sung được". Cônhi thú nhận với một số nhà báo: "Điện Biên Phủ quả là một cái bẫy, nhưng không phải là cái bẫy với Việt Minh nữa, mà đã thành một cái bẫy đối với chúng ta". Lực lượng phản kích không thể giành lại những vị trí đã mất, pháo binh địch tỏ ra bất lực trước pháo binh ta. Đặc biệt, chỗ dựa của tập đoàn cứ điểm là sân bay đã bị uy hiếp nghiêm trọng. Con nhím Điện Biên Phủ đã mất đi một sức mạnh quan trọng là lực lượng không quân tại chỗ. Cả tập đoàn cứ điểm chỉ có một trạm phẫu thuật với 40 giường. Số thương binh đã lên tới hàng trăm, nay mai sẽ nhanh chóng tăng lên hàng ngàn. Không thể bảo đảm việt tiếp tế lâu dài cho một đội quân 12.000 người chỉ bằng thả dù ở một khu vực vùng trời cũng như các bãi thả dù đã bị cao xạ và pháo mặt đất của đối phương khống chế... Đây chính là cơn ác mộng đối với bộ chỉ huy Pháp. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã tiêu thụ một số lượng đạn dược khổng lồ: 12.600 viên đại bác 105, 10.000 viên đạn cối 120, 3.000 viên đạn trọng pháo 155, chiếm gần nửa số lượng dự trữ. Một nửa số súng cối 120mm bị phá hủy hoàn toàn và 4 khẩu đại bác 105, 155mm hỏng cần được thay thế.

Tinh thần binh lính của tập đoàn cứ điểm sa sút đáng kể. Kenlê (Keller), viên trung tá tham mưu trưởng của Đờ Cát, mất tinh thần, từ chối làm việc, chọn một căn hầm vững chắc, úp chiếc mũ sắt lên mặt, ngồi suốt ngày không nói năng gì. Đờ Cát phải báo cáo Cônhi và yêu cầu triệu hồi y với lý do Hà Nội "gọi về họp". Nhiều lính lê dương thoát chết ở Him Lam bổ sung về các đơn vị từ chối tiếp tục chiến đấu, thậm chí một số bỗng dưng biến mất! Có thể họ đã chạy sang hàng ngũ đối phương, cũng có thể họ đã trở thành những "con chuột Nậm Rốm”. De Castries không ra khỏi hầm chỉ huy như thường lệ. Người ta không còn thấy thấp thoáng chiếc mũ ca-lô đỏ của ông ta đi kiểm tra các cứ điểm như vẫn làm. Nhưng có lẽ đau đớn nhất phải nói đến Trung tá Piroth, Chỉ huy pháo binh của quân đội Pháp. Piroth bị mất một bên cánh tay ở Ý năm 1943 trong thế chiến thứ hai. Sự thất thủ nhanh chóng của phòng tuyến phía Bắc dưới sức mạnh không tưởng của pháo binh Việt Nam, Piroth đã tự sát bằng quả lựu đạn ngay trong căn hầm chỉ huy pháo. Ngay khi nhận được tin, để tránh làm mất tinh thần binh sĩ, De Castries đã cho lấp căn hầm đó đi, giấu biệt tin tức Piroth tự sát và chỉ báo cáo tình hình đó cho vị chỉ huy của mình ở Hà Nội.

Chuẩn bị cho đợt tấn công thứ hai, nhiệm vụ quan trọng nhất là xây dựng trận địa tiến công và bao vây, tạo thành chiếc thòng lọng siết chặt trung tâm tập đoàn cứ điểm, cắt đứt liên lạc và hỗ trợ của phân khu Nam. Kéo dài những khó khăn từ thất bại ngay từ đợt đầu, về phía địch quân thương binh không có hầm mà nằm, không đủ thuốc để chữa, công sự một phần bị sụp một phần bị rung chuyển, tiếp tế không đầy đủ, thỉnh thoảng lại ăn một quả đại bác của ta, lại thêm thương vong. Cũng trong thời gian này pháo cao xạ của ta đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với những viên phi công trước đó vẫn coi khoảng không là nơi tuyệt đối an toàn. Các loại máy bay chiến đấu vận tải, kể cả những siêu pháo đài bay của Hoa Kỳ liên tiếp bị bắn rơi trên bầu trời Điện Biên Phủ.

Việt Minh cũng liên tiếp mở những cuộc oanh tạc dữ dội, những đợt xung kích bất ngờ vào các vị trí đã định sẵn làm tiêu hao một phần nhỏ sinh lực quân đồn trú Pháp. Không chỉ có vậy, ngay từ những ngày đầu của trận chiến, bằng cách đánh áp sát họ đã làm tê liệt hệ thống sân bay vô cùng quan trọng của Pháp, loại bỏ khả năng cất, hạ cánh tại sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm. Từ ngày 27 tháng 3 trở đi không một máy bay nào có thể tiếp cận được với Điện Biên Phủ. Mọi tiếp tế của Hà Nội cho Tập đoàn cứ điểm chỉ bằng con đường thả . Điều này cho thấy cầu hàng không mà Bộ chỉ huy Pháp đặt rất nhiều kỳ vọng trên thực tế lại không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cấp thiết của Tập đoàn cứ điểm khổng lồ tại thung lũng Mường Thanh.

Phạm vi chiếm đóng ngày càng bị thu hẹp, quân Pháp không thể tiếp cận được với sân bay. Mọi tiếp viện cho Điện Biên Phủ chỉ còn trông chờ vào dù tiếp tế. Chúng thả quân vào ban đêm còn thực phẩm và đạn dược vào ban ngày. Tuy nhiên, Pháp không thể thường xuyên duy trì được các hoạt động tiếp tế đó. Phong trào “săn tây bắn tỉa” của Việt Minh hoạt động mạnh, máy bay Pháp buộc phải bay cao hơn và thả dù từ độ cao hơn 2.000m, cộng với gió mạnh khiến nhiều dù thả đồ tiếp tế rơi không đúng chỗ, lạc sang trận địa bao vây của đối phương. Pháo cao xạ của Việt Minh kiểm soát chặt chẽ và làm chủ bầu trời. Hoạt động không quân bị thu hẹp lại, tinh thần sĩ quan, binh lính Pháp căng thẳng và sút kém trông thấy. Họ bị cô lập với thế giới bên ngoài và luôn bị uy hiếp bởi các đợt pháo kích. Mùa mưa lại tới, các hầm công sự của quân Pháp trở nên lầy lội, nhếch nhác. Trong hầm là một mớ hỗn độn cả người sống và người chết. Số quân Pháp đã chết không có chỗ chôn. Số thương binh không di tản được, lại không được cấp cứu kịp thời chất đầy trong các hầm công sự của Pháp và chỉ chờ chết. Số còn lại cố trú ẩn trong hầm với một tinh thần hoảng loạn, sợ sệt; bệnh tật, đói khát luôn rình rập. Tình cảnh của quân đồn trú Pháp ngày càng trở nên cùng cực, bi đát.

Đến cuối tháng 3 trận địa ta đã đến sát các cứ điểm địch, phá vỡ kết cầu và quy mô ban đầu hệ thống công sự của địch. Lúc này bên cạnh tập đoàn cứ điểm của địch, đã xuất hiện một tập đoàn di động của ta. Ta quyết định mở cuộc tấn công thứ hai vào chiều muộn ngày 30 tháng 3. Ta nhanh chóng chiếm được dãy đồi D, C1, E, duy chỉ còn A1 và C2 vẫn ở thế giằng co và một số vị trí quan trọng gần sân bay. Trận địa phòng ngự được củng cố tại các cứ điểm đã chiếm được, tiếp tục củng cố lực lượng tiếp tục chiến đấu, thừa cơ chiếm các vị trí còn lại, nhưng A1 quả là một bài toán khó, ta tổn thất khá nhiều tại đây.

Trong lúc cuộc chiến tại Điện Biên Phủ đang diễn ra gay go, quyết liệt, ngày 15 tháng 4, De Castries đã được thăng lên cấp Thiếu tướng, bên cạnh đó một số chỉ huy và các binh lính khác trên chiến trường trong đó có Trung tá Langlais cũng được lên hàm theo lời gợi ý của Tổng thống Mỹ. Cogny còn gửi lon Thiếu tướng và các đồ mừng. Hiển nhiên tất cả đều biết đó là một quyết định mang tính chất chính trị nhằm động viên De Castries và quân đồn trú Pháp ở Điện Biên Phủ tiếp tục chiến đấu đến cùng. Đối với tất cả những người Pháp có mặt tại Điện Biên Phủ, đây có thể được coi là tín hiệu vui mừng nhất kể từ khi có Tập đoàn cứ điểm. Một buổi ăn mừng lên lon ảm đạm được diễn ra ngay tại Sở chỉ huy với lon Thiếu tướng của De Castries được chế tác từ vỏ đồ hộp, được chúc tụng bằng thứ rượu vang chua loét và tinh thần có phần khiếp đảm của vô số những kẻ cố gắng nở nụ cười nhưng chỉ chờ cơ hội để có thể thoát được địa ngục trần gian này. Về chiếc lon Thiếu tướng của De Castries, sau này có tài liệu ghi lại rằng chính những tên lính Lê Dương đóng tại cứ điểm C1 đã nhặt được tại chiến hào một kiện hàng trong đó có ghi rõ: “Gửi tận tay Tướng De Castries”. Lúc đầu họ định chuyển kiện hàng này về Ban tham mưu, nhưng khi phát hiện ra hai chai rượu Mác tanh trong hộp bị vỡ, họ lại quyết định không gửi lên. Họ sợ De Castries sẽ cho rằng họ uống hết rượu rồi đập vỡ chai đi. Họ khám trong kiện hàng lấy thuốc lá Luxky ra hút rồi chôn phù hiệu cấp tướng đi. Từ đó người ta không bao giờ còn nhìn thấy lon thiếu tướng đó nữa.

Tại Hà Nội, trong Tổng hành dinh của Navarre người ta bắt đầu mâu thuẫn, bới móc và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau về cái “pháo đài bất khả xâm phạm” ở Điện Biên Phủ. Tất cả cũng chỉ vì người ta biết khó có thể cứu vãn được tình cảnh ngày càng bi đát của Tập đoàn cứ điểm này. Họ ngồi đây và cãi nhau. Ở Điện Biên Phủ số quân đồn trú Pháp đang phải cố chống trả trong vòng vây của Quân đội Nhân dân Việt Nam với một tinh thần rời rạc. Cho dù đó là lí do gì để trút bỏ trách nhiệm thì cái cách họ đưa quân đến lòng chảo phía Tây Bắc Việt Nam này để chiến đấu giành chiến thắng và không tìm cho họ được một lối thoát khi sắp thất bại là một tội ác không gì có thể bao biện được. 

Đêm 1 tháng 5 năm 1954, quân Việt Minh mở đợt tấn công thứ ba vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Bằng nỗ lực phi thương, ta đã đào hệ thống hầm ngầm đặt khối bộc phá tại cứ điểm A1, tiêu diệt địch và chiếm được cứ điểm này vào rạng sáng ngày 7 tháng 5, tình thế của Tập đoàn cứ điểm đã như “ngàn cân treo sợi tóc”. Đến 17 giờ chiều, cờ trắng mọc khắp nơi trên các hầm công sự của Pháp, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Việt Minh, lần đầu tiên ta bắt sống được toàn bộ Bộ chỉ huy của quân đối phương và toàn bộ địch quân giơ tay đầu hàng. Với nước Pháp, đó là sự thảm bại. Với quân đồn trú Pháp trong các hầm công sự ngập ngụa bùn lầy và xác chết, có thể đó là sự giải thoát.

Hơn sáu tháng sau khi quyết định đánh chiếm Điện Biên Phủ, người Pháp đã chính thức chấm dứt những tính toán đối với Đông Dương. Ở vùng đất này Quân đội Việt Minh đã đánh bại Quân đội Pháp bất chấp "cuộc chơi" này đã được người Pháp tính toán để giành chiến thắng.

Và để kết thúc bài viết xin trích đoạn trong cuốn “Điện Biên Phủ - Nhớ lại để suy ngẫm” của tác giả Trần Thái Bình:

“Dưới trời Tây Bắc, lúc khói súng, khói đạn bom mới dần tan, đi xuyên qua rừng là hàng đoàn lũ lượt những tù binh người Pháp, người Bắc Phi, người Trung Phi, người Trung Âu, hoặc bước bộ, hoặc trên xe, được dẫn tới các trại tù binh ở miền xa chiến trường. Ở đấy họ không bị đánh đập hoặc ngược đãi tàn bạo như đã sợ mà chỉ tai nghe, mắt thấy được những điều mới, làm thay đổi cả tâm hồn và ý thức.

Trong những cuộc nói chuyện, trao đổi tự do ở những giờ gọi là “lớp học”, những người Angieri, Ma rốc được hỏi:

“Các anh là những chiến binh giỏi mà tại sao các anh lại đánh cho bọn thực dân?

Sao các anh không chiến đấu cho chính các anh, để đất nước mình thuộc về tay mình?

Những lý luận đưa ra với các viên sĩ quan, hạ sĩ quan Angieri đã khiến cho có người, như một viên trung úy đã phát biểu rằng:

- Một cuộc chiến tranh thuộc địa, mình đã nếm đủ! Những mối dây ràng buộc cường quốc thực dân với những dân tộc bị trị đã đứt tung vĩnh viễn rồi”.

Người sĩ quan Angieri ấy đã xin ở lại vào hàng ngũ Việt Minh, nhưng đã được thân ái khuyên:

- Chúng tôi đã làm nghĩa vụ cho đất nước chúng tôi. Các bạn cũng có tổ quốc, để làm nghĩa vụ cho đất nước của các bạn.

Được ta trao trả tự do, người Angieri ấy đã trở về tổ quốc. Anh là Slimane Hoffman. Mấy năm sau, anh tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng Angieri, chiến đấu và trở thành một đại tá cục trưởng. anh đã thực hiện một Điện Biên Phủ ở tổ quốc mình.

Đó là ý nghĩa thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam. Nó như một tiếng sấm rền vang ra khắp thế giới. Sau Điện Biên Phủ 1954 của Việt Nam, người ta không lấy làm lạ khi bao người Châu Phi ở các thuộc địa cũng đứng lên chiến đấu giành độc lập với những tiếng hô vang đầy sức mạnh:

- Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh! Giáp! Giáp! Điện Biên Phủ”.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 698.062
Online: 61