Sau khi nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, Thực dân Pháp đã quyết định xây dựng tại đây một Tập đoàn cứ điểm mạnh với 49 cứ điểm nằm trong 8 cụm cứ điểm thuộc ba phân khu Bắc, Trung, Nam. Mỗi cụm cứ điểm là một hệ thống phòng ngự có binh, hỏa lực mạnh, hệ thống công sự vững chắc, chung quanh là hào giao thông và hàng rào dây thép gai, khả năng phòng ngự mạnh và được trang bị các loại vũ khí, thiết bị hiện đại nhất lúc bấy giờ trong sự giúp sức tối đa của Mỹ. Đối với cả Pháp và Mỹ, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra đời án ngữ phía Tây Bắc Việt Nam với mục đích bảo vệ Thượng Lào đồng thời là ngón đòn quyết định hòng nhử quân chủ lực Việt Nam đến đây để tiêu diệt, chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài mà chưa được như mong đợi.
Nỗ lực, kỳ công dựng một cái bẫy ở lòng chảo Điện Biên Phủ, De Castries đâu có ngờ rằng từ các phía bên trên các dãy núi xung quanh lòng chảo, một cái bẫy khác cũng đang dần được hình thành. Mỗi động tĩnh, hành động, diễn biến của De Castries và Tập đoàn cứ điểm không qua được tầm mắt của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thật vậy, sau khi nắm được toàn bộ âm mưu của Thực dân Pháp, Bộ chính trị, Trung ương Đảng đã đã có những quyết định, kế sách hợp lý, sẵn sàng chấp nhận giao chiến, hạ quyết tâm tiêu diệt bằng được Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh, có thể có tính chất quyết định số phận của cả hai bên, trước khi đế quốc Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương. Mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch được gấp rút thực hiện trong điều kiện vô cùng khó khăn của mặt trận Điện Biên Phủ. Nơi đây xa viện trợ bên ngoài, cách xa các căn cứ và vùng an toàn của ta; con đường ra mặt trận lại vô cùng hiểm trở vì đường vận tải bộ là đường độc đạo. Trước Cách mạng Tháng Tám, đây cũng không phải là tuyến đường chính vận tải lên Tây Bắc, nhiều năm đã không sử dụng, rất khó khăn khi đưa vũ khí hạng nặng lên, cũng như bảo đảm hậu cần - kỹ thuật cho chiến đấu dài ngày. Với truyền thống yêu nước, ý chí căm thù giặc, lần đầu tiên trong lịch sử cả nước đã cùng ra mặt trận với bộ đội.
Thực tế đã cho thấy với địa hình đặc biệt của Điện Biên Phủ không phải là không có lợi cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Những vùng rừng núi và những quả đồi liên tiếp bao bọc bốn phía lòng chảo phía dưới giúp ta có thể che giấu được các loại vũ khí, đặc biệt là những khẩu pháo to mà địch khó phát hiện ra được. Bộ chỉ huy kéo pháo được thành lập do đồng chí Lê Trọng Tấn, tư lệnh 312, làm chỉ huy trưởng, đồng phí Phạm Ngọc Mậu, Chính ủy 351, làm chính ủy, đồng thời cử đồng chí Đỗ Đức Kiên, Trưởng ban Tác chiến chiến dịch và một số cán bộ tham mưu xuống cùng bàn kế hoạch và kiểm tra đôn đốc. Với quyết định đánh nhanh, điều quan trọng là phải kéo được những khẩu pháo đó vào đúng vị trí và sẵn sàng nhả đạn, trận đánh mới có thể bắt đầu. Xe chở pháo chỉ chuyển pháo tới cửa rừng Nà Nham (km 69 đường Tuần Giáo vào Điện Biên) vì tiếng máy ô tô nổ trong đêm dễ bị phát hiện lại đi qua một số nơi có hỏa lực mạnh và hệ thống lô cốt, hầm ngầm của địch. Đại đoàn 308, một đại đội Sơn Pháo, một tiểu đoàn công binh ''hơn 5000'' con người được giao nhiệm vụ mở đường kéo pháo bằng tay. Và đó là một con đường đặc biệt, duy nhất chưa từng có trên thế giới với chiều dài 15km, chiều rộng 3m chạy từ cửa rừng Nà Nham, qua đỉnh Pha sông cao 1.150 mét, xuống Bản Tấu, đường Điện Biên Phủ - Lai Châu, tới Bản Nghễu được mở mới hoàn toàn. Để bảo đảm bí mật, nó phải được ngụy trang toàn bộ, không cho máy bay trinh sát phát hiện. Thời gian làm đường dự kiến trong một ngày, một đêm. Ta đã rải bộ đội suốt dọc đường, làm xong trong 20 giờ. Đây là một con đường kéo pháo khá dài nằm trên địa hình hiểm trở, nhiều dốc cao, vực sâu. Trên con đường ấy ta đã kéo những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn, vượt qua những đoạn đường núi cheo leo, hiểm trở, dốc cao, vực sâu lại bị máy bay và pháo địch cản trở để đến được hầm trú ẩn dành cho pháo đã được ngụy trang từ trước. Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới có một con đường kéo pháo bằng tay.
Được giao toàn quyền quyết định, vừa là Bí thư Đảng ủy kiêm Tổng tư lệnh mặt trận, tướng Giáp đã có những cân nhắc, tính toán chiến lược để có thể giành được chiến thắng quan trọng ở chiến dịch này. Gần tới ngày dự định nổ súng (sau 7 ngày đêm), số pháo được chuyển tới vị trí tập kết mới được 1/3. Sau khi phân tích tình hình thực tế và khả năng chiến đấu của quân đội mình, ông đã có "quyết định quan trọng nhất cuộc đời cầm quân" thay đổi phương châm tác chiến từ "Đánh nhanh, thắng nhanh" sang "Đánh chắc, tiến chắc". Hàng loạt nhiệm vụ được đặt ra để thực hiện phương án mới trong đó kéo pháo ra khỏi trận địa, lui về địa điểm tập kết, chuẩn bị lại là một quyết định không tưởng. Hành trình kéo pháo vào gian nan là thế, hành trình kéo pháo ra còn khó khăn gấp bội phần. Thực dân Pháp liên tục trút bom phá, bom napan, đại bác địch suốt ngày đêm ở những nơi chúng nghi ngờ, loại bỏ mọi hiểm họa có thể xảy đến với Tập đoàn cứ điểm. Những đỉnh đèo, khu rừng nham nhở hố bom, hố đại bác, cây cối đổ gãy, xơ xác như vừa trải qua một cơn lốc xoáy. Nhưng các chiến sĩ ta đã xông vào giữa đám cháy chiến đấu với lửa không để lan tới nơi đặt pháo. Ở những đoạn đường trống, việc chuyển pháo phải tiến hành ban đêm. Bất thần xuất hiện những ánh chớp giật, tiếp theo là tiếng nổ ầm ầm, mảnh đạn cháy bỏng chém gãy những cành cây cắm vào vách núi. Chính trị viên hô to: "Các đồng chí! Quyết không rời pháo!" Các chiến sĩ gan dạ bám chặt dây kéo, chân như đóng xuống đất, nghiến răng ghìm pháo. Bài "Quốc tế ca" trầm hùng vang lên như tiếp thêm một sức mạnh nhiệm máu giúp họ vượt qua giờ phút hiểm nghèo.
Không chỉ có vậy, bộ đội ta đã hành động nhanh chóng, bí mật trong một thời gian ngắn và những gì họ đạt được là cả một kỳ tích không dễ gì có được một lần thứ hai. Vì những con đường mòn rất hẹp với chiều rộng 3m, mọi cố gắng đưa pháo vào trận địa chỉ bằng sức người, chỉ cần bánh xe chệch hướng một chút, pháo sẽ rơi xuống khe núi sâu. Với nỗ lực phi thường, kiên nhẫn và sự hi sinh thầm lặng, những người lính Việt Nam đã kéo được pháo vào vị trí chiến đấu trước mưa bom bão đạn bắn phá của máy bay oanh tạc. Chính trong những lúc gian khổ, hiểm nguy, những tấm gương “Vì nước quên thân” luôn sáng ngời. Một lần nữa lại có người hi sinh anh dũng khi chiến dịch vẫn chưa bắt đầu. Trên đường kéo pháo ra, qua dốc Chuối với độ nghiêng khoảng 70 độ, dây tời bị đứt, pháo đang đà lao xuống vực. Anh Tô Vĩnh Diện đã không ngần ngại ôm chèn lao vào bánh pháo. Đồng đội anh cũng lao vào giữ pháo. Pháo được cứu nhưng anh thì đã nằm xuống trên con đường kéo pháo huyền thoại. Đồng đội nghiêng mình trước khẩu đội trưởng 26 tuổi kiên cường đã hy sinh thân mình cứu pháo. Đám tang anh được âm thầm tổ chức trong rừng vắng vì chiến dịch chưa mở màn, phải giữ bí mật cho những con đường kéo pháo nên không có hương khói thắp trên mồ anh, không có tiếng súng vĩnh biệt anh. Sáng hôm sau noi gương anh Tô Vĩnh Diện nhiều chiến sỹ bị ốm, bị thương cũng đổ hết ra mặt đường kéo pháo quyết tâm đánh địch trong trận quyết chiến này. Tấm gương ấy, con người ấy đã trở thành động lực trong mỗi bước chiến đấu của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Rạng sáng ngày 4 tháng 2 năm 1954 khẩu pháo cuối cùng được kéo về vị trí tập kết. Sau 11 ngày đêm gian khổ toàn bộ pháo của ta đã được tập kết ra khu vực an toàn ''lúc đó là mùng 2 tết nguyên đán. Ban chỉ huy tiểu đoàn tổ chức cho bộ đội ăn tết muộn trong rừng''
Bài hát Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân ra đời trong hoàn cảnh này, đã trở thanh một kiệt tác về chiến đấu trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta. Những ca từ bất hủ ấy sẽ còn vẫn còn vang mãi với thời gian “Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi; Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù...”.
Chúng ta đã nhận thấy không thể tiếp tục kéo những khẩu pháo nặng hai tấn lên núi bằng tay, và bố trí trận địa pháo trên những địa hình trống trải trong một trận đánh dài ngày. 6 trục đường cơ động cho pháo được xây dựng qua nhiều vùng đồi núi cao nối liền từ phía Đông sang phía Bắc Mường Thanh. Những khẩu pháo đặt ở đây có thể bắn tới mục tiêu xa nhất là Hồng Cúm. Các trận địa pháo được cấu trúc vững chắc, đủ sức chịu đựng những trận oanh kích của máy bay và pháo binh nếu chẳng may bị lộ bố trí tại các sườn núi bên trong lòng chảo. Hầm pháo nằm sâu trong lòng núi, có công sự ẩn nấp riêng, đủ rộng để pháo thủ thao tác dễ dàng khi chiến đấu. Cạnh hầm pháo, là hầm chỉ huy và hầm chứa đạn. Bên mỗi trận địa thật đều có một trận địa giả để thu hút bom đạn địch. Việc ngụy trang toàn bộ công trình được thực hiện một cách hoàn hảo trước con mắt xoi mói của máy bay trinh sát và những tính toán của địch.
Sau khi chuẩn bị kỹ càng, 17 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức mở màn với việc 40 khẩu pháo 75mm và súng cối 120mm đồng loạt bắn cấp tập vào cứ điểm Him Lam. Trong trận pháo kích này ta đã bắn tới 2.000 quả đạn. Đây là lần đầu tiên quân đội ta bắn nhiều đạn pháo đến như vậy.
Sau Him Lam, các cứ điểm còn lại ở phân khu Bắc tiếp tục bị tấn công và chịu chung số phận. Lực lượng pháo binh Pháp cũng bắn trả mãnh liệt. Kết thúc đợt tấn công thứ nhất họ đã bắn trả lại hơn 10.000 quả đạn nhưng không gây được chút tổn thương nào cho các khẩu pháo của ta. Điều đó cũng khiến cho viên chỉ huy pháo binh Pháp Charles Piroth phải hoảng sợ tột độ và đã tự sát trong hầm của mình.
Trong suốt nhiều ngày tiếp theo của chiến dịch, bộ đội pháo binh tiếp tục “sát cánh” với bộ binh tấn công các cứ điểm địch cho tới ngày Điện Biên Phủ toàn thắng.
Theo một số tài liệu, trong trận chiến ở Điện Biên Phủ, quân Pháp đã bắn hết hơn 110.000 đạn pháo cỡ 105mm trở lại. Trong khi đó, quân ta chỉ bắn hết khoảng 20.000 quả pháo 105mm. Một con số thấp hơn nhiều lần, nhưng hiệu quả đạt được lại rất cao.
Hiện nay tại Di tích Đường kéo pháo bằng tay năm xưa đã được xây dựng, đặt một tượng đài kéo pháo hoành tráng, đặt bia nơi anh Tô Vĩnh Diện hi sinh nhằm tôn vinh sự hi sinh của anh cho chiến dịch Điện Biên Phủ và xây dựng một nhà sàn tại đầu đường rẽ vào khu di tích là nơi tiếp đón khách đến tham quan, tìm hiểu di tích.
Hồng Nhung