Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hôm nay, du khách sẽ được giới thiệu tham quan, chiêm ngưỡng, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, đặc sắc góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Chỉ là những vật vô tri, vô giác, đơn giản và tầm thường, dưới bàn tay con người, những kỷ vật ấy đã làm nên điều kỳ diệu mà những câu chuyện, chiến công về nó sẽ khiến bất cứ ai cũng phải trầm trồ, thán phục.

Một trong những hiện vật ấy mà chúng tôi muốn nhắc tới là chiếc xe đạp thồ huyền thoại trên cung đường vận chuyển từ Thanh Hóa và nhiều vùng miền khác vượt đèo cao, suối sâu, mưa bom, lửa đạn quân thù để chở từng kilogam lương thực, hàng hóa lên Điện Biên Phủ. Lạ là ở chỗ khái niệm xe đạp vốn là nó nhưng đến chiến dịch Điện Biên Phủ, nghiễm nhiên nó được gọi với một cái tên mới không thể chính xác hơn “xe đạp thồ”.

Hiện vật "Xe đạp thồ" đang được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Vào cái thời kỳ ấy, xe đạp là một tài sản có giá trị, không phải gia đình nào cũng có thể mua được. Sở hữu được nó phải là những gia đình có điều kiện, hơn thế muốn đi được còn phải đăng ký, được cấp biển số xe. Ấy vậy mà đến chiến dịch Điện Biên Phủ ta huy động được 20.991 chiếc xe đạp dùng để thồ, vận chuyển hàng phục vụ cho chiến dịch, trở thanh loại phương tiện vận chuyển chính, cơ động, năng xuất, được ví như “vua vận tải” chiến trường. Sở dĩ là “Vua vận tải” vì có nhiều ưu điểm vượt trội so với nhiều phương tiện vận chuyển khác. Không cần nhiên liệu, nhỏ gọn, có thể ngụy trang trong bất cứ tình huống nào hoặc dễ dàng ẩn nấp tránh máy bay trinh sát và khi hỏng lại dễ sửa chữa. Một chiếc xe đạp thồ có thể di chuyển trên mọi con đường dù là hẹp nhế và có thể vận chuyển được khoảng 100kg hàng hóa nhờ gia cố thêm một số bộ phận để dễ dàng vận chuyển. Ghi đông xe được buộc một đoạn tre già - chắc bằng cổ tay, dài khoảng một mét. Trục yên xe cũng được gắn thêm một đoạn tre, cao hơn yên xe khoảng 50cm làm tăng sức chịu lực của xe để cầm, vừa giữ thăng bằng cho xe, vừa đẩy xe đi; thêm vào đó, những người dân công vận chuyển còn lót vải thừa, quần áo hỏng, săm xe cũ… cuốn vào bánh làm tăng độ bền săm, lốp khi đi đường rừng núi ghập ghềnh. Nhờ đó, xe đạp thồ cứ nối tiếp nhau thành hàng dài lên Điện Biên Phủ, có dân công vận chuyển nhiều lượt lên Điện Biên Phủ, khối lượng hàng hóa không biết bao nhiêu mà kể.

Con đường vận chuyển lên Điện Biên Phủ tưởng chừng như chua bao giờ gian nan, khó khăn như thế. Từ nhiều vùng khác nhau, dân công ta vượt qua thác ghềnh, suối sâu, đèo cao, vực thẳm. Ban ngày còn dễ đi, ban đêm chỉ sơ hở chút là nguy hiểm đến tính mạng. Thời tiết vùng rừng núi lại nghịch, gió rét, mưa rừng, muỗi, vắt làm nản lòng người đi. Cộng thêm tiếng bom đạn ghầm rít, chỉ trực chờ bắn phá cản bước chân vận chuyển người đi. Lâu dần thành quen, mức trọng tải được nâng dần từ 100kg lên 150kg, rồi 200kg, năng suất xe đạp thồ cao hơn nhiều lần dân công gánh bộ, qua đó gạo nấu ăn dọc đường cho người chuyên chở hàng cũng giảm xuống nhiều lần. Đội quân xe đạp thồ cũng được tổ chức, biên chế như quân đội, thành từng đoàn theo từng địa phương lúc cần thiết có thể hỗ trợ, giúp đỡ nhau trên đường đi; lúc khác có thể phân tán theo tình hình thực tế. Trong nhiều tài liệu còn ghi, mỗi đoàn xe đạp thồ còn có những xe chuyên chở vật liệu, phụ tùng để thay thế dọc đường khi cần thiết. Nhờ đó, trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch, Điện Biên Phủ chưa bao giờ bị gián đoạn về hậu cần từ lương thực, thực phẩm, thuốc men và những nhu yếu phẩm cần thiết. Đã có nhiều kỷ lục gắn liền với chiếc xe đạp thồ ấy. Tại Bảo tàng Chiến thắng lich sử Điện Biên Phủ hiện đang trưng bày chiếc xe đạp thồ của ông Ma Văn Thắng ở Thanh Lâu, Thanh Ba, Phú Thọ, một trong những dân công tiêu biểu cho việc vận chuyển. Nhiều lần lên Điện Biên Phủ, đã có lần thồ hàng của ông đạt kỷ lục 325kg, cao nhất chiến dịch, trở thành tấm gương tiêu biểu trong công tác hậu cần thể hiện tinh thần yêu nước, sẵn sàng phục vụ chiến dịch. Trong nhiều trường hợp, chiếc xe đạp thồ còn có thể tải thương, là trợ lý đắc lực cho quân y.

Trước đó, người Pháp khi sang xâm chiếm Việt Nam đã mang theo những chiếc xe đạp này. Gần 100 năm độ hộ, kế thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, nước Pháp không thể ngờ có ngày họ bị đánh bại bởi chính những chiếc xe đạp ấy. Những tài liệu sau này ghi lại rằng, khi tính toán về khả năng hậu cần của Việt Minh không thể sánh được với những chuyến vận tải khổng lồ bằng đường hàng không, Nava cho rằng Việt Nam sẽ nhanh chóng bại trận vì dám đương đầu với Pháp. Chỉ đến khi dòng chảy bất tậntrên con đường vận chuyển hàng hóa lên Điện Biên Phủ chưa bao giờ ngừng mà ngày siết mạnh hơn bao giờ hết và sự tiếp tế cho Điện Biên Phủ bằng máy bay của Pháp ngày càng ít, càng về sau quá nửa trong số đó thuộc về Việt Minh, thì Nava mới phải cúi đầu chấp nhận một sự thật: Người Pháp thua bởi chính những chiếc xe đạp mà họ sản xuất ra. Không phải người Pháp không phát hiện ra những chiếc xe đạp ấy là nguồn vận chuyển chính cho Điện Biên Phủ mà những nỗ lực để ngăn chặn nó chưa bao giờ thực hiện được. Dưới mưa bom, bão đạn quân thù, những dân công hỏa tuyến, tình nguyện viên phục vụ chiến dịch đã trở thành những anh hùng thầm lặng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại trong lịch sử dân tộc.

Sách, báo, tài liệu của nhiều nước khi viết về trận Điện Biên Phủ gọi sự kiện những chiếc xe đạp thồ là một trong những điều kỳ diệu trong lịch sử chiến tranh trước đó chưa từng có. Bản chất cuộc chiến đấu chống lại các đế quốc trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của người Việt Nam từ hàng nghìn năm, đã là điều kỳ diệu. Mỗi người Việt Nam luôn thấm đẫm tinh thần dân tộc, yêu nước, bất cứ ai cũng có thể là anh hùng, bất cứ ai cũng có thể làm nên điều kì diệu. Và chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 cũng là một điều kỳ diệu như thế./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 698.002
      Online: 77