Cuối tháng 3 năm 2014, đoàn Cựu chiến binh Pháo binh Bông lau chúng tôi đã lên thăm Điện Biên. Chúng tôi đi trên đoạn đường từ hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát sang cầu Mường Thanh, nhớ tới trận đánh đầu tiên của pháo binh tên lửa góp phần đập tan đợt phản kích cuối cùng của quân Pháp ở Điện Biên Phủ sáng ngày 07 tháng 5 năm 1954, tôi xin kể lại câu chuyện với đại tá Cao Sơn, ông nguyên là Đoàn trưởng Đoàn pháo binh Bông lau, người đã trực tiếp chỉ huy tôi những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ông cũng là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 224 - đơn vị pháo binh tên lửa đầu tiên của quân đội ta, đơn vị được anh em Đại đoàn 312 hồi ấy ca ngợi là “Rồng lửa trên bầu trời Điện Biên”.

Kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lần thứ 60, người cựu binh đã độ tuổi 90, đời binh nghiệp của ông có rất nhiều kỷ niệm nhưng theo ông sâu sắc nhất là dịp ông được giao nhiệm vụ tổ chức huấn luyện và chiến đấu cho một đơn vị mới với một loại vũ khí mới lần đầu tiên trang bị cho quân đội ta chỉ vẻn vẹn trong vòng hơn nửa tháng, dẫu chỉ là một tiểu đoàn nhưng đơn vị pháo binh ấy có một sứ mệnh rất lớn được Bộ tổng Tư lệnh giao cho là lực lượng dự bị chiến dịch, đập tan bẻ gãy một thủ đoạn tác chiến chiến dịch của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ là tổ chức các lực lượng phản kích lại quân ta. Kể cho tôi nghe về bối cảnh ra đời và trận chiến đấu đầu tiên của pháo binh tên lửa, đại tá Cao Sơn nói: Hồi ấy đợt 1 và đợt 2 của chiến dịch ta đã dùng lựu pháo 105, pháo binh ta đã làm địch bất ngờ và choáng váng. Đặc biệt sơn pháo 75mm ngắm bắn trực tiếp là nỗi kinh hoàng cho cả boongke hầm ngầm của chúng. Trên hướng Đông vào trung tuần tháng 4/1954 địch vẫn giữ 2/3 đồi A1, một nửa đồi C1 và cả đồi C2 tạo ra thế chân vạc chặn hướng tấn công vào đầu Đông cầu Mường Thanh. Ở đồi A1 địch có hệ thống công sự hầm ngầm vững chắc cùng với bọn chiếm giữ đồi C2, chúng tạo ra một bàn đạp rất lợi hại đánh tạt sườn vào quân ta khi tiến lên A1. Pháo binh súng cối của tập đoàn cứ điểm tuy đã bị ta đánh thiệt hại nặng vẫn còn khoảng 40 khẩu, qua chiến đấu khả năng gọi và bắn đã chính xác hơn. Ở những nơi ta và địch giành giật từng tấc đất từng mét hào mỗi khi phát hiện xung kích ta bọn địch liền chui vào hầm ngầm cố thủ và gọi cho pháo binh súng cối và cả xe tăng bắn tới ác liệt gây thương vong ngăn chặn ta. Đặc biệt, những chiếc tăng M24 với pháo 40mm và trọng liên từ trên đồi A1 bắn xuống tầm 150 đến 250m rất hiệu quả. Những chiếc tăng cơ động từ hầm Đờ Cát ra bờ Tây sông Nậm Rốm có thể nhả đạn lên đồi C1 - C2 và A1 chỉ trong cự ly từ 300 đến dưới 400m, chúng thực sự là những chiếc lô cốt di động, hỏa lực di động ngăn chặn quân ta rất hiệu quả. Quân ta tấn công lên 3 lần thì kẻ địch phản kích chiếm lại 4 lần. Từ cuối tháng 4, phản kích trở thành thủ đoạn tác chiến chiến dịch chủ yếu của địch ở Điện Biên Phủ.

Chuẩn bị cho đợt 3 công tác chính trị tư tưởng tập trung vào việc xây dựng ý chí quyết tâm quyết chiến quyết thắng, đánh chắc tiến chắc. Tư tưởng hữu khuynh tiêu cực ngại khó ngại khổ ngại hy sinh, ngại chiến đấu lâu dài được đấu tranh, từng bước được đẩy lùi. Ta tổ chức đào hệ thống giao thông hào tiến sát vào các cứ điểm chia cắt sân bay Mường Thanh xiết chặt vòng vây ngăn chặn tiếp tế của địch hạn chế thương vong bộ đội ta. Ở Đại đoàn 351 có chủ trương chọn một số pháo thủ trong các đơn vị sơn pháo 75 và cối 120 một số chiến sĩ lái xe trinh sát kế toán thông tin từ các đơn vị lựu pháo 105 nhưng vẫn giữ bí mật. Ngày 20/4/1954 đồng chí Cao Sơn lúc đó là tiểu đoàn phó tiểu đoàn 2 lựu pháo E45 pháo binh có lệnh lên gặp đồng chí Chính ủy đại đoàn Phạm Ngọc Mậu nhận nhiệm vụ mới. Ngày 22/4/1954 giữa khu rừng già gần Tuần Giáo trước sự có mặt của đồng chí Tham mưu trưởng đại đoàn Doãn Tuế - Tiểu đoàn trưởng Cao Sơn tổ chức lễ thành lập ra mắt Tiểu đoàn 224 pháo binh tên lửa đầu tiên của quân đội ta, đơn vị nằm trong biên chế của đại đoàn 351. Lấy ngày thành lập tiểu đoàn làm phiên hiệu đơn vị, cán bộ chiến sĩ toàn tiểu đoàn được động viên nhận rõ vinh dự trách nhiệm niềm tự hào được tham gia một chiến dịch lịch sử trọng đại, thời cơ lập công báo công của mọi người đã tới rồi.

Chấp hành nghiêm mệnh lệnh và để giữ bí mật đơn vị vừa tổ chức biên chế vừa triển khai huấn luyện tiểu đoàn thực hiện biên chế đến đâu giao nhiệm vụ tổ chức huấn luyện đến đó. Trong khẩu đội pháo phân công các số, sáu khẩu đội lập thành đại đội. Tiểu đoàn có hai địa đội tổng số có 12 khẩu pháo hỏa tiễn và trung đội trinh sát kế toán thông tin phục vụ người chỉ huy, quân số khoảng 200. Mệnh lệnh cấp trên cho: Mười ngày bước vào chiến đấu được. Ngày 24/4: Huấn luyện đài quan sát trong đó người chỉ huy hợp đồng động tác với chiến sĩ trinh sát kết toán thông tin và trận địa pháo. Tập xác định tọa độ bằng hai đài quan sát, bắn thử bằng phương pháp bao bọc, tìm lượng sửa cho pháo bắn, tập truyền khẩu lệnh từ chỉ huy xuống trận địa pháo. Ở trận địa, tổ chức học tập chức trách nhiệm vụ từng vị trí. Sử dụng đĩa điểm hỏa, thao tác chuẩn bị đạn, tháo, lắp đạn, chấp hành khẩu lệnh từ sở chỉ huy về. Hxit là tên gọi của chúng tôi đối với dàn tên lửa trên đó lắp 6 ống khói nòng trơn xếp thành hai hàng mỗi hàng ba ống, ống phóng cỡ nòng 107mm dài 1,4m. Dàn phóng có hai lốp đặc, hành quân đường dài hồi đó chúng tôi đặt một dàn lên thùng xe Molotova loại bốn bánh quen gọi là xe MH cùng với 6 pháo thủ. Sáng sớm 01/5/1954 đồng chí Doãn Tuế xuống Tiểu đoàn 224 truyền đạt mệnh lệnh của mặt trận mở đợt 3 Tổng công kích tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ông hạ lệnh Tiểu đoàn 224 triển khai đội hình chiến đấu - tiểu đoàn có nhiệm vụ: một là sẵn sàng bẻ gẫy đánh tan bọn địch phản kích, hai là chế áp sở chỉ huy, ba là chế áp trận địa pháo phía Bắc sân bay, mọi công tác chuẩn bị phải hoàn thành trước 17h ngày 05/5/1954.

Đêm 02 và 03 tháng 5 từ Tuần Giáo lên Điện Biên tiểu đoàn bí mật hành quân cơ động vượt 72 km đường rừng núi đèo cao dốc đá về vị trí tập kết an toàn. Kể từ ngày được chọn về tập trung tới nơi chuẩn bị chiến đấu anh em ai cũng hết sức cố gắng tìm hiểu nhiệm vụ, có nhiều tấm gương học tập rèn luyện để làm thế nào góp phần lập công xuất sắc nhất. Rạng sáng ngày 04/5 lợi dụng sương mù che mắt phi pháo địch chúng tôi chiếm lĩnh trận địa.

Hai đại đội bố trí ở Bắc Him Lam lên bản Nà Lơi chính diện 200m sâu 100m. Sở chỉ huy tiểu đoàn dùng sở chỉ huy cũ của Tiểu đoàn 2, E45 pháo binh cách hầm Đờ Cát và cầu Mường Thanh khoảng 5500 đến 6000m. Hai đài quan sát ở trên đồi D và E, chiều ngày 02/5 các chiến sĩ ta đã chiếm lĩnh xong. Phần tử bắn do E45 pháo binh cung cấp. Như vậy chỉ sau hơn mười ngày nhận nhiệm vụ toàn tiểu đoàn đã triển khai xong đội hình chiến đấu. Chiều ngày 05/5 để giữ bí mật cấp trên dùng pháo lựu 105 chỉ thị mục tiêu và ra lệnh cho Tiểu đoàn 224 tổ chức bắn thử, toàn tiểu đoàn mỗi khẩu đội được bắn thử trên một ống phóng tìm ra lượng sửa nhưng vẫn giữ được bí mật vũ khí mới của ta với địch.

Khoảng 20h30 ngày 06/5 tiểu đoàn lệnh cho đại đội 1 bắn 3 loạt vào M203b trận địa pháo 105 Bắc sân bay Mường Thanh, nửa đêm tiểu đoàn cho Đại đội 2 bắn 3 loạt vào M307 trận địa pháo 105 Bắc sân bay Mường Thanh. Bị hai trận bắn phá hoại của pháo binh tên lửa từ đêm hôm đó trừ phân khu Hồng Cúm pháo địch ở toàn mặt trận đã câm họng. Rạng sáng 07/5 toàn tiểu đoàn bắn 2 loạt vào M sở chỉ huy của Đờ Cát không thấy địch phản ứng bắn lại. Về kỹ năng chiến đấu, khẩu H6 với đĩa điểm hỏa trong 6 giây là đã phóng đi 6 quả tên lửa theo tuần tự cứ một quả ở trên đến một quả ở dưới từ trái qua phải, khi phóng mỗi quả nặng chừng 24kg, tầm bắn xa 8km tầm bắn hiệu quả (tản mát ít nhât) 5 - 7km, cụm điểm nổ và vùng sát thương của một khẩu có hình ô van 200x300m do sóng xung kích nhiệt độ cao và mảnh kim loại văng ra. 9h ngày 07/5/1954 trời đã tan sương cả hai đài quan sát các trinh sát viên đều phát hiện nhiều tốp lính Pháp từ các hầm hào ở khu Sở chỉ huy của Đờ Cát chui ra, chúng đi ra hướng cầu Mường Thanh gần đến cầu chúng đi thưa dần, gần như hàng một, có tên lội dưới sông… Kế hoạch hỏa lực của tiểu đoàn đã có phần tử bắn ở cả hai đầu cầu chỉ cách nhau 200m. Bọn địch lại đang tập trung rất đông gần khu hầm ngầm của viên tướng chỉ huy. Đồng chí Cao Sơn tính toán nếu trên gọi bắn vào đầu cầu thì pháo ta sẽ kém hiệu quả, ông đã quyết định ra lệnh: “Hướng sang phải 0 - 20, tầm tăng 300, nạp đạn!”.

Vừa hay có lệnh đồng chí Tham mưu trưởng gọi bắn, lập tức tiểu đoàn trưởng hô to: “Loạt 1. Bắn!”. Hơn 5 phút đã qua đi vẫn mịt mù khói, bụi đất vàng khè bao trùm khu vực mục tiêu. Ông gọi xuống trận địa: “Loạt 2. Nạp đạn!”. Khẩu lệnh vừa dứt ít phút đúng khi trên đài báo cáo: “Thấy rõ mục tiêu!”, trên lại ra lệnh: “Bắn tiếp loạt 2”. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 224 hô lớn: “Loạt 2. Bắn!”.

Sau loạt đạn thứ hai 5 - 7 phút khói mới tan dần. Khu vực mục tiêu mờ mờ hiện dần đủ cho cả hai đài các trinh sát viên thấy hàng trăm xác giặc đã đền tội, qua ống kính các anh thấy những tên sống sót, đứa dưới sông kẻ trên đường chúng đang vật vã quằn quại, nỗi kinh hoàng, đau đớn đang tìm kiếm sự sống. Như vậy, Tiểu đoàn 224 - tiểu đoàn Hxit đã hoàn thành nhiệm vụ: Chế áp được Sở chỉ huy, trận địa pháo binh địch, sáng nay đã nổ súng bẻ gãy đập tan mũi phản kích của chúng ra cầu Mường Thanh làm thất bại một thủ đoạn tác chiến chiến dịch chủ yếu của địch tạo thuận lợi cho các đơn vị quân ta tiến lên tổng công kích thắng lợi, kéo lá cờ Quyết chiến Quyết thắng trên hầm của tướng Pháp Đờ Cát vào chiều ngày 7 tháng 5 năm 1954./.

Ghi chép của Đinh Vượng

Những ý kiến của bác Cao Sơn, nhân chứng của sự kiện:

“Đọc bài kể chuyện của anh Đinh Vượng, tôi thấy anh đã đầu tư nhiều công sức cho bài viết. Nghiên cứu, sưu tầm tài liệu về H6, phỏng vấn người hướng dẫn và cả việc kết hợp chuyến tham quan Điện Biên Phủ để nghiên cứu khẩu H6 và các mục tiêu đã bắn của d H6 ở Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Nội dung bài viết rất sinh động, số liệu về cơ bản là trung thực, chuẩn xác.

Cần nói thêm rằng: Sự xuất hiện bất ngờ của d H6, với những tính năng tác chiến ưu việt: trong một thời gian ngắn (khoảng 10”) đã phóng đi một lượng đạn tương đối lớn (72 viên). Khi nó văng đi hàng trăm nghìn mảnh nhỏ với nhiệt độ và sóng xung kích khủng khiếp, rất thích hợp để chế áp sinh lực của địch khi chúng phản kích và trận địa pháo khi đang bắn, do đó đã đập tan thủ đoạn tác chiến chủ yếu ở đợt 3 chiến dịch, góp phần quan trọng buộc địch chúng phải đầu hàng ngay chiều 7/5, đưa Điện Biên Phủ đến toàn thắng.

Xin thay mặt cho chí sỹ d H6 rất cảm ơn anh Vượng đã làm được một việc mà chúng tôi chưa làm được”.

Cao Sơn

Nguyên Đại đoàn dH6


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.928
      Online: 48