Nhằm loại bỏ các tác nhân gây hại từ môi trường, phòng ngừa và hạn chế những nguy cơ làm hư hỏng hiện vật, từ đó, kéo dài tuổi thọ và bảo vệ tính nguyên gốc cho hiện vật. Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ phối hợp với Chuyên gia bảo quản Viện Hóa học - Vật liệu, tiến hành bảo quản trị liệu hiện vật chất liệu tre, gỗ tại nhà trưng bày Bảo tàng và lưu giữ trong kho cơ sở.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hiện đang lưu giữ hơn 7.000 tài liệu, hiện vật, với nhiều chất liệu khác nhau. Trong đó, hiện vật chất liệu tre, gỗ là một trong những chất liệu có độ bền cơ học thấp, dễ bị ảnh hưởng từ các tác nhân môi trường như: nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, nấm mốc… dẫn đến phá huỷ kết cấu, làm ảnh hưởng đến tính nguyên gốc của hiện vật, nếu không kịp thời bảo quản sẽ có nguy cơ xuống cấp, hư hỏng và lây lan sang các hiện vật khác.
Trước thực trạng đó, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã phối hợp với các chuyên gia thực hiện bảo quản hiện vật chất liệu tre, gỗ theo các bước sau:
- Chụp ảnh hiện vật trước khi bảo quản.
- Tiến hành khảo sát từng hiện vật và ghi thông số ban đầu, định hướng bảo quản cho từng hiện vật vào phiếu bảo quản hiện vật.
- Phân tích mẫu hiện vật: Xác định tình trạng nấm mốc, hệ côn trùng, mối mọt, độ bám dính bụi bẩn, tạp chất trên bề mặt gỗ; Phân tích sự hư hỏng cấu trúc.
- Vệ sinh cơ học loại bỏ bụi bẩn, keo và các tạp chất bám dính: Dùng phương pháp cơ học để hút bụi bẩn và tạp chất; Phương pháp hóa học tẩy, lau bằng các dung môi hữu cơ, đối với hiện vật bị dính keo, nhựa bám bề mặt.
- Gia cố, tu sửa, trám vá, phục hồi, khôi phục lại tính nguyên vẹn của hiện vật.
- Khử côn trùng, nấm mốc, mối mọt: Bằng phương pháp xông hơi hóa chất diệt trùng; Tạo môi trường yếm khí bằng các tấm Polyetylen (PE), sắp xếp hiện vật theo nguyên tắc hiện vật tiếp xúc trực tiếp với khí xông diệt khuẩn; Dán kín các mép bằng keo dán, tạo môi trường kín tuyệt đối để thuốc không thoát khí ra ngoài; Thời gian ủ thuốc và xông 20 ngày, sau đó tháo bỏ lớp bạt phủ và sắp xếp hiện vật về vị trí bảo quản lưu giữ tại kho.
- Lập hồ sơ bảo quản: Tình trạng hiện vật trước khi bảo quản (Hình ảnh, ghi chép); Lập phiếu bảo quản (Mỗi hiện vật được lập một phiếu điền đầy đủ thông tin về tên gọi, chất liệu, mức độ bảo quản, nguyên nhân hư hỏng, quy trình thực hiện bảo quản, các vật liệu sử dụng trong quá trình bảo quản, chỉ định sau bảo quản). Kết quả bảo quản (Hình ảnh hiện vật tre, gỗ trước và sau khi bảo quản); Điều kiện, môi trường lưu giữ sau khi bảo quản hiện vật.
Kết quả, Bảo tàng Chiến thắng đã bảo quản được 65 hiện vật tre, gỗ. Quá trình bảo quản đảm bảo tính khoa học và tính nguyên trạng của hiện vật. Trong thời gian tới Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện biên Phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo quản trị liệu cho các hiện vật chất liệu khác, nhằm phục vụ công tác trung bày, giáo dục, phát huy giá trị của các hiện vật, phục vu nhu cầu nghiên cứu, tham quan và hưởng thụ văn hoá của công chúng trong và ngoài nước.