Vừa cùng toàn dân tiến hành thắng lợi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Việt Nam giải phóng quân và các đội quân cách mạng đã phải bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Căn cứ tình hình thực tiễn, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đường lối chiến lược kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh; trong đó, hết sức coi trọng xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc.

Cuối năm 1945, Việt Nam giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc đoàn và phát triển lực lượng lên tới 50.000 bộ đội chủ lực, tổ chức thành 40 chi đội cùng hàng chục vạn người thuộc các đội tự vệ, tự vệ chiến đấu, du kích không thoát ly sản xuất, trực tiếp bảo vệ chính quyền cách mạng ở cơ sở[1]. Vận dụng kinh nghiệm của Chiến dịch Việt Bắc về thực hiện phương châm “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, từ năm 1948, Bộ Tổng Chỉ huy thực hiện phân tán một phần ba lực lượng chủ lực về hoạt động ở các địa bàn quan trọng, phối hợp cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương gây dựng lại cơ sở, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân.

Đầu năm 1949, một số tiểu đoàn ở các liên khu được điều động về để tổ chức các trung đoàn 77, 102; tiếp đó Trung đoàn Sông Lô, Trung đoàn Cao - Bắc - Lạng được điều về xây dựng thành các trung đoàn chủ lực 209, 174 của Bộ Tổng tư lệnh. Thực hiện quyết định của Bộ Quốc phòng, ngày 28-8-1949, Đại đoàn 308 - Quân Tiên phong, đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam chính thức thành lập[2].

Trên cơ sở sự phát triển nhanh chóng của lực lượng vũ trang ba thứ quân, Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Biên giới (1950) nhằm đập tan mưu đồ phong tỏa biên giới của thực dân Pháp, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Phát huy sức mạnh tiến công của đại đoàn bộ binh và các trung đoàn chủ lực, Quân đội nhân dân Việt Nam đã vận dụng hiệu quả nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện”, làm nên thắng lợi to lớn của Chiến dịch Biên giới.

Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được trang hoàng trên chiếc xe tăng thu được của địch diễu hành mừng chiến thắng tại Điện Biên Phủ, năm 1954. Ảnh tư liệu

Trước yêu cầu tác chiến tập trung, mở những chiến dịch lớn, từ cuối năm 1950 đến cuối năm 1952, Quân đội nhân dân Việt Nam đã xây dựng thêm 5 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn binh chủng[3] và liên tiếp mở các chiến dịch quy mô ngày càng lớn cả về phạm vi địa bàn và lực lượng sử dụng, vận dụng nhiều chiến thuật sáng tạo, hiệu quả, đưa kháng chiến phát triển vững chắc. Trong Chiến cục Đông Xuân 1953 - 1954, lực lượng vũ trang ba thứ quân đã phát huy vai trò của từng thứ quân trong hoạt động tác chiến, kết hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang cách mạng Lào và Campuchia, thực hiện căng kéo, buộc địch phải phân tán lực lượng trên các chiến trường Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào....

Bước vào trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã hình thành khối chủ lực lớn, kết hợp vận dụng nghệ thuật chiến dịch đặc sắc, tiêu diệt tập đoàn phòng ngự mạnh nhất của quân Pháp ở chiến trường Đông Dương lúc bấy giờ.

Sau năm 1954, ở miền Bắc, Quân đội nhân dân Việt Nam chuyển sang thực hiện chức năng, nhiệm vụ mới là bảo vệ công cuộc xây dựng đất nước, tích cực tham gia sản xuất, công tác, góp phần khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiếp quản vùng mới giải phóng.

Đối với miền Nam, Nghị quyết Trung ương 15 ra đời đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam, tạo điều kiện để lực lượng vũ trang chuẩn bị và làm nòng cốt cho phong trào Đồng khởi giành thắng lợi. Cùng với việc tổ chức lại lực lượng vũ trang miền Nam, tháng 5-1959, Tổng Quân ủy chỉ đạo mở tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, cung ứng ngày càng lớn nguồn nhân lực, vật lực cần thiết cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ.

Quán triệt đường lối chung của cách mạng Việt Nam đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (9-1960) của Đảng, tháng 1-1961, Tổng Quân ủy ra Chỉ thị Thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam - một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Đến năm 1963, Quân giải phóng miền Nam đã phát triển lên đến 70.000 quân, đồng thời đẩy mạnh tác chiến với nhiều trận đánh quy mô nhỏ và vừa, tiêu biểu là chiến thắng Ấp Bắc (1-1963), mở ra phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trên toàn chiến trường miền Nam. Từ đánh tập trung quy mô cấp đại đội, tiểu đoàn, Quân giải phóng miền Nam phát triển lên tác chiến quy mô trung đoàn trong Chiến dịch Bình Giã (12-1964 – 1-1965), tiến lên giành thắng lợi trong các chiến dịch Đồng Xoài, Ba Gia (1965), góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và quân đồng minh vào tham chiến ở miền Nam, đối tượng tác chiến mới được trang bị vũ khí, phương tiện hiện đại đã làm xuất hiện tâm lý “ngại Mỹ, sợ Mỹ” trong một bộ phận quân và dân miền Nam. Cùng với việc xây dựng quyết tâm chiến đấu, Quân giải phóng miền Nam phát triển lực lượng lên tới 5 sư đoàn (1, 2, 3, 5 và 9) bố trí thành ba khối chủ lực cơ động ở Đông Nam Bộ, Khu 5 và Tây Nguyên; đồng thời, đẩy mạnh tác chiến tập trung của bộ đội chủ lực kết hợp tác chiến rộng khắp của bộ đội địa phương, dân quân du kích, giành được những chiến thắng liên tiếp trong cuộc đối đầu trực tiếp với quân Mỹ ở Núi Thành, Vạn Tường, Plei Me... góp phần củng cố quyết tâm “đánh Mỹ” và khả năng “thắng Mỹ”. Qua đó, Quân giải phóng miền Nam không ngừng nâng cao khả năng chiến đấu, tìm ra cách đánh hiệu quả và đẩy mạnh thế tiến công, liên tiếp đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô năm 1965 - 1966 và 1966 - 1967 của địch, mở ra thời cơ để thực hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, đẩy chiến lược “Chiến tranh cục bộ” đến bờ vực phá sản.

Triển khai chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đẩy mạnh thủ đoạn “quét và giữ”, làm suy giảm thế trận và lực lượng của cách mạng miền Nam. Trên cơ sở tiếp nhận nhiều đơn vị với đủ quân số, vũ khí, trang bị từ miền Bắc, năm 1972, Quân giải phóng miền Nam nhanh chóng xây dựng, củng cố lực lượng, đẩy mạnh tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn và giành thắng lợi to lớn trong cuộc tiến công chiến lược. Trong lúc đó, quân và dân miền Bắc đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ vào cuối năm 1972, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, chấp nhận rút hết quân Mỹ và quân đồng minh, hoàn thành mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”.

Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập. Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân

Thực hiện chủ trương “Đông Đương là một chiến trường thống nhất”, Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp tác chiến hiệu quả cùng lực lượng cách mạng Lào trong hàng loạt trận chiến đấu và chiến dịch như Nậm Thà (1962), Đường số 8, Đường số 12 (1963), Cánh Đồng Chum (1964, 1969, 1970 và 1972), Đường 9 - Nam Lào 1971, góp phần làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” của Mỹ ở Lào. Đồng thời, Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp cùng nhân dân Campuchia làm thất bại cuộc tiến công xâm lược Campchia của quân Mỹ và ngụy quân Sài Gòn (4-1970), đập tan các cuộc hành quân lớn như Chen La I (6-1970), Toàn thắng (2-1971), Chen La II (8-1971), góp phần giúp cho cách mạng Campuchia từng bước vượt qua thử thách để giành được thắng lợi quyết định.

Khi thời cơ thực hiện mục tiêu “đánh cho ngụy nhào” chín muồi, đầu năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát huy sức mạnh tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, “châm ngòi”, thúc đẩy quần chúng vùng dậy đấu tranh. Ngược lại, lực lượng quần chúng nhân dân với hình thức đấu tranh đa dạng, phong phú đã hỗ trợ tích cực cho Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện thành công các chiến dịch Phước Long, Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng và giành thắng lợi trọn vẹn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xuất phát từ thực tiễn cuộc đấu tranh chiến tranh giải phóng dân tộc, ngay từ sớm, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức, rèn luyện những đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn dựa chắc vào nhân dân, vừa xây dựng, vừa chiến đấu và trưởng thành nhanh chóng về quy mô, tổ chức, lực lượng, không ngừng hoàn thiện về chiến thuật, nghệ thuật chiến dịch; cùng toàn dân từng bước làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn các kế hoạch và chiến lược chiến tranh của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của Đảng, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

(còn nữa)


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.670
      Online: 47