Hơn 60 năm hoạt động, phấn đấu vì lý tưởng của Đảng, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng - người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo mẫu mực, người chiến sĩ trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người chính là một tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tuỵ; tinh thần anh dũng, bất khuất; và đức tính khiêm tốn, giản dị.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một trong những chiến sĩ lớp đầu tiên của phong trào công nhân và phong trào cách mạng vô sản Việt Nam, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Chân dung Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Đồng chí Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 30/3/1980), trong một gia đình nông dân khá giả tại Cù lao Ông Hổ, làng Mỹ Hòa Hưng, Tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang), là con trai đầu lòng của ông Tôn Văn Đề và bà Nguyễn Thị Dị, lúc nhỏ thường được gọi là Hai Thắng.

Đồng chí Tôn Đức Thắng sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược, các phong trào yêu nước bị thất bại và đàn áp đẫm máu. Bối cảnh đó đã sớm hun đúc lòng căm thù giặc và tinh thần yêu nước sâu sắc của người thanh niên Tôn Đức Thắng. Bên cạnh đó, quê hương An Giang – mảnh đất giàu truyền thống yêu nước đã góp phần bồi đắp những phẩm chất quý báu trong Bác ngay từ thủa ấu thơ. Thời niên thiếu, Bác Tôn được thầy giáo yêu nước là ông Nguyễn Thượng Khách - người thầy đầu tiên giáo dục lòng yêu nước cho Tôn Đức Thắng dạy học chữ Nho. 

Năm 1907, sau khi học xong bậc Sơ học tại trường Tiểu học Long Xuyên (nay là Trường Tiểu học Nguyễn Du) Bác Tôn đã rời mảnh đất An Giang và quyết định chọn Sài Gòn – Chợ Lớn là nơi sinh sống, lập nghiệp – mở đầu cho cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và đầy nhiệt huyết.

Từ những năm 1929 -1945, với ý chí kiên cường và phẩm chất cách mạng sáng ngời của người cộng sản, đồng chí Tôn Đức Thắng đã bất khuất vượt qua sự đầy ải trong địa ngục trần gian của thực dân Pháp ở Khám Lớn (Sài Gòn) và ngục tù Côn Đảo.

Đặc biệt, đến ngày 23/12/1945, nhân dân Sài Gòn đã giành được thắng lợi lớn trong việc tiến hành cuộc Tổng tuyển cử.Với sự tín nhiệm cao và lòng quý mến sâu sắc, Bác Tôn đã được các tầng lớp đồng bào ta ở Sài Gòn đồng lòng nhất trí bầu làm người đại biểu tạiQuốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ( 06/01/1946).

Năm 1947, đồng chí được cử làm Tổng thanh tra của Chính phủ và quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Năm 1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, đồng chí được bầu làm Trưởng Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương.

Năm 1950, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Xô.

Năm 1951, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Được cử làm Phó trưởng Ban Dân vận- Mặt trận Trung ương.

Năm 1955 , được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tháng 7, được bầu là Chủ tịch danh dự Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam và được Đại hội Hòa bình thế giới bầu làm Ủy viên Hòa bình thế giới. Ngày 20/9, kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa I bầu làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội.

Năm 1960 , tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1969 , sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tại kỳ họp đặc biệt Quốc hội khóa III, đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1976 , tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI- Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng chí Tôn Đức Thắng vinh dự được nhận Huân chương sao vàng - Huân chương cao quý của nước Việt Nam, Huân chương Lê-nin của nước Nga - Xô Viết, Huân chương Soukhe- Bator của nước Mông Cổ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trên cương vị nào, đồng chí cũng luôn chăm lo đến tình đoàn kết quốc tế, thắt chặt mối quan hệ giữa nhân dân ta với bạn bè trên thế giới. Trong các hoạt động của mình, đồng chí luôn tranh thủ mọi điều kiện, mọi thời điểm lịch sử để giúp nhân dân tiến bộ trên thế giới thấy rõ bản chất xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, đồng thời bày tỏ khát khao, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là tấm gương cần kiệm cho nước, cho dân và trong cả cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng; suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Trọn đời, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một tấm gương ngời sáng về phẩm chất cao đẹp của người cộng sản

Trên 60 năm hoạt động cách mạng, với nhiều cống hiến trọn vẹn, liên tục, có hiệu quả cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu cho tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, thuỷ chung, được bạn bè thế giới ghi nhận và tôn vinh.

Nhân dịp Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng ta càng thêm kính trọng và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới đồng chí - một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một người bạn chiến đấu thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người chiến sĩ hết sức trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, một nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng, của dân tộc, đã hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ Quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là dịp để chúng ta học tập,rèn luyện, noi theo để phấn đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam, dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.725
      Online: 54