Nhằm ghi nhận, cảm ơn và khuyến khích những người đã hiến máu tiếp tục hiến máu nhắc lại. Năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hiệp hội truyền máu quốc tế và Hiệp hội người hiến máu thế giới đã thống nhất lấy ngày 14/6 là Ngày thế giới dành chi người hiên máu (World Blood Donor Day).
Năm 1900, nhà bác học người Mỹ gốc Áo là Karl Landsteiner đã phát hiện ra nhóm máu hệ ABO mở ra một kỷ nguyên mới cho truyền máu. Truyền máu phát triển mạnh hơn sau khi Reuben Ottenberg nêu ra sơ đồ truyền máu vào năm 1913 dựa vào sự hòa hợp giữa nhóm máu người cho và người nhận.
Để tưởng niệm công lao to lớn của Giáo sư Karl Landsteiner trong truyền máu, sau này ngày sinh của Ông – ngày 14 tháng 6 đã được chọn là ngày “Thế giới tôn vinh người hiến máu”.
Mục đích của Ngày thế giới dành cho người hiến máu không phải để vận động được nhiều người hiến máu vào dịp này mà là để kêu gọi các quốc gia, kêu gọi cộng đồng hãy ghi nhận và tổ chức các sự kiện nhằm tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của những người đã hiến máu, họ là những người bình thường, nhưng đối với người bệnh, họ là những người hùng.
“Hiến máu nhân đạo” là một hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp. Chỉ cần hiến một phần máu của mình bạn đã cứu được rất nhiều người trước nguy cơ mất người thân, bạn bè và trước tiên là cứu được tính mạng của chính các người bệnh đang cần đến máu.
Việc hiến máu ngoài mang lại ý nghĩa với cộng đồng thì với bản thân người cho máu cũng có lợi ích rất nhiều: Mỗi lần tham gia hiến máu, người hiến máu được bác sĩ khám và tư vấn cho người hiến máu; Hiến máu giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ bệnh gan và ung thư…
Nhiều năm qua, phong trào “Hiến máu nhân đạo” luôn được tập thể viên chức, người lao động Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ hưởng ứng tham gia tích cực. Thông qua hoạt động này, viên chức, người lao động Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mong muốn chung tay cùng với cộng đồng hỗ trợ kịp thời các trường hợp cần cung cấp máu để điều trị bệnh, cứu người - “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.