Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tuy không trực tiếp cầm súng ra mặt trận nhưng những chiến sỹ anh nuôi đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo sức khoẻ cho bộ đội – Một đóng góp thầm lặng góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong số 32 anh hùng được Nhà nước tuyên dương phong tặng, truy tặng danh hiệu anh hùng LLVTND trong đó có một chiến sỹ anh nuôi đó là đồng chí Đinh Văn Mẫu Đại đoàn 312.
Đồng chí Đinh Văn Mẫu là người dân tộc Mường, sinh năm 1924, xã Ngọc Lập, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Khi còn là bộ đội địa phương ở huyện, Đinh Văn Mẫu là người có ý chí bền bỉ, tích cực trong mọi hoạt động. Đồng chí đã tham gia 2 trận đánh lớn, trong đó có trận chiến thắng Ngọc Lập 1947. Trong chiến đó, đồng chí đã diệt 3 tên địch, mang được 7 tử sĩ và 3 thương binh ra ngoài an toàn. Năm 1949, Đinh Văn Mẫu được bổ sung vào bộ đội chủ lực, được phân công làm chiến sĩ nuôi quân. Qua 7 năm liên tục làm cấp dưỡng, phục vụ 8 chiến dịch, anh nuôi Đinh Văn Mẫu đã phát huy nhiều sáng kiến, vượt qua mọi khó khăn ác liệt, hết lòng phục vụ đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Anh hùng lực lượng vũ tranh Nhân dân Đinh Văn Mẫu
Đặc biệt, trong những lúc hành quân, đồng chí thường xuyên gánh nặng từ 50 đến 60 kg vượt đèo dốc, sông suối theo đơn vị đảm bảo kịp thời cơm nước cho bộ đội. Có lần, đồng đội cùng đơn vị cấp dưỡng bị ốm, Đinh Văn Mẫu đã gánh tới 80 kg mà vẫn theo kịp đơn vị truy kích địch và lo đủ cơm canh cho bộ đội. Trong chiến dịch Lý Thường Kiệt tháng 8/1951, một lần mang cơm ra trận địa, nhưng không gặp bộ đội, vì đơn vị đang mải truy kích địch, Đinh Văn Mẫu biết bộ đội lúc này đang rất đói, mệt nên đồng chí đã bình tĩnh động viên anh em hướng theo tiếng súng để tìm đơn vị bảo đảm cho bộ đội ăn no tiếp tục chiến đấu.
Trong Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, trong một lần gặp nước lũ chảy xiết, anh em cấp dưỡng đang lúng túng chưa biết bằng cách nào để vượt lũ tiếp tế thì Đinh Văn Mẫu dũng cảm bơi vượt sang trước, dùng dây rừng căng qua suối, buộc vào gốc cây to hai bên bờ để anh em vượt sang an toàn, Đinh Văn Mẫu còn đội cả ba gánh cơm của các đồng chí yếu vượt suối an toàn, nên đã bảo đảm cơm ăn cho bộ đội trước giờ nổ súng.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến sĩ anh nuôi Đinh Văn Mẫu thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Trên đường hành quân, các anh nuôi của đơn vị không quản ngại khó khăn gánh nặng, đào bếp, nấu cơm để anh em chiến sĩ có cơm ăn, nước uống kịp thời.
Trong trận đánh mở màn vào Him Lam đơn vị đồng chí Đinh Văn Mẫu đảm nhiệm trên hướng thứ yếu. Trong đêm ngày 12/3 năm 1954, Đinh Văn Mẫu cùng đồng đội thức thâu đêm nấu cơm, nắm thành từng nắm để bộ đội mang theo cùng với nước uống, tất cả được hoàn tất trong đêm. Đến sáng ngày 13/3/1954, toàn đơn vị với quân trang, vũ khí, đạn dược đầy đủ còn có những nắm cơm gói lá, bi đông nước bên mình. Đúng 17 giờ, pháo binh ta đồng loạt nhả đạn, dội sấm sét xuống Him Lam. Quân ta anh dũng chiến đấu, đến 23 giờ 30 phút ngày 13/3 trung tâm đề kháng Him Lam hoàn toàn bị tiêu diệt.
Trong đợt tấn công thứ hai của chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 nhận nhiệm vụ tấn công tiêu diệt cứ điểm Đồi D. Sau hơn 2 giờ chiến đấu, các chiến sĩ Trung đoàn 209 đã làm chủ hoàn toàn D1, thừa thắng trung đoàn trưởng lệnh cho đơn vị tấn công sang cứ điểm Đồi D2. Trận đánh Đồi D2 kéo dài tới gần sáng, quân Pháp hốt hoảng bỏ chạy về Trung tâm Mường Thanh. Quân ta nhanh chóng chiếm các lô cốt, ụ súng của địch và xây dựng trận địa phòng ngự tại cứ điểm C1, D1, D2 đồng thời yểm trợ cho các đơn vị bạn tiếp tục tấn công.
Công tác đảm bảo cơm nước cho các đơn vị ngoài trận địa phòng ngự cũng vô cùng vất vả, gian nan. Nấu được cơm, canh, nước uống trong điều kiện quân Pháp luôn ném bom đánh phá ác liệt đã khó, việc đưa cơm canh, nước uống ra tận nơi chiến hào còn khó khăn gấp bội lần. Mỗi ngày anh nuôi phải đi về hai, ba chuyến trên chặng đường 3km vượt qua những ngọn đồi trơ trụi, mặt đất nóng bỏng và ngổn ngang mảnh vỡ của bom đạn để hoàn thành nhiệm vụ. Cơm, canh, nước uống có khi được đựng vào cặp lồng, ống tre, túi ni lông hay được gói trong những chiếc lá rồi đeo trên lưng để dễ dàng di chuyển qua địa hình khó khăn hiểm trở. Để hạn chế bị thương vong, các anh nuôi phải mang theo súng hay lựu đạn để tự vệ nếu gặp quân địch thì sẵn sàng chiến đấu. Đường mang cơm từ D1 sang D2 phải vượt qua một đoạn hào nông, ban ngày luôn bị địch bắn phá dữ dội, nhiều anh em nuôi quân rất ngại khi mang cơm ra trận địa qua đoạn đường này, anh nuôi Đinh Văn Mẫu đã có sáng kiến gói cơm thành gói to, bọc ni lông, vải dù ngụy trang ra ngoài cẩn thận, rồi khéo léo bò qua, kéo theo gói cơm. Sáng kiến đó đã được cả tổ học theo và an toàn vượt qua lửa đạn dầy đặc của kẻ thù, đưa được cơm đến từng chiến sỹ với tinh thần phục vụ vô điều kiện, miễn sao bộ đội ăn no đánh thắng kẻ thù. Hành động dũng cảm, sáng tạo của đồng chí Đinh Văn Mẫu đã giải quyết được vấn đề tư tưởng cho anh em nuôi quân và động viên bộ đội ngoài trận địa, góp phần vào chiến thắng chung của đơn vị.
Trong suốt chiến dịch, trong các bữa ăn của bộ đội ta luôn thiếu rau xanh. Hiểu được điều đó, là người dân tộc Mường sống ở miền núi nên đồng chí Đinh Văn Mẫu bằng kinh nghiệm của mình đã tích cực vào rừng đào lấy măng, đào củ mài nấu canh, nấu cháo bồi dưỡng cho bộ đội bị ốm, hái rau rừng để cải thiện bữa ăn bảo đảm sức khỏe cho bộ đội, thực hiện tốt khẩu hiệu "Ăn no đánh thắng”.
Trong các chiến dịch nói chung và đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Đinh Văn Mẫu luôn là tấm gương sáng về ý thức tốt, trách nhiệm cao, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, lao động tích cực, cần cù, tận tụy với đồng đội, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, phục vụ đơn vị. Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ chiến sĩ anh nuôi Đinh Văn Mẫu đã được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Chiến công hạng ba, được Đại đoàn và Trung đoàn khen thưởng 9 lần và được bầu là chiến sĩ thi đua của đại đoàn. Ngày 7/5/1956, đồng chí Đinh Văn Mẫu được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba.