Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một “Bạch Đằng”, một “Chi Lăng” hay một “Đống Đa” trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa. Chiến thắng đó được kết tinh bởi rất nhiều nhân tố trong đó công tác giao thông vận tải là một trong những nhân tố góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong bất kỳ một trận chiến nào, vấn đề đảm bảo giao thông vận tải luôn được đặt nên hàng đầu và là yếu tố góp phần làm nên chiến thắng. Đặc biệt đối với một chiến dịch lớn như Chiến dịch Điện Biên Phủ, một chiến dịch có ý nghĩa quyết chiến chiến lược đối với cả hai bên Việt Nam và Thực dân Pháp thì vấn đề tổ chức mở đường, bảo vệ hệ thống đường để hành quân và vận chuyển các loại vật chất hậu cần, phương tiện chiến tranh phục vụ cho chiến dịch trở nên vô cùng cấp thiết, có ý nghĩa sống còn. Trong cuộc họp ngày 06/12/1953 của Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Tỉn Keo, Định hóa, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chiến dịch Điện Biên Phủ là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề giao thông vận tải, cùng với việc chuẩn bị phương án tác chiến, lực lượng, phương tiện chiến đấu... tuyến giao thông vận tải phục vụ cho chiến dịch được Trung ương Đảng chỉ đạo triển khai ráo riết từ Bộ đến các địa phương và các đơn vị cơ sở. Nhiệm vụ mở đường và bảo đảm giao thông vận tải cho chiến dịch, phục vụ chiến đấu cho 42.750 cán bộ, chiến sỹ, trong đó có lực lượng pháo binh, cơ giới và 260.000 dân công hoạt động chuyển quân tập kết trước, trong và sau chiến dịch trở nên cấp bách và phải đảm bảo chất lượng.
Trước khi mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngành giao thông công chính và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã huy động hàng vạn dân công, thanh niên xung phong làm nhiệm vụ giao thông vận tải triển khai nhiệm vụ mở đường, bắc cầu để bộ đội, các lực lương vận tải và dân công tiếp vận tiến vào mặt trận. Các hệ thống đường đã khôi phục, sửa chữa trước đây được làm lại kiên cố hơn, như mở rộng nền, mặt đường từ 5m - 8 m, thực hiện nhiều giải pháp chống lún, sụt, lầy lội, cầu được gia cố đảm bảo tải trọng. Đường, cầu, phà phải đảm bảo lưu thông với khối lượng lớn, xe kéo pháo hạng nặng đi lại dễ dàng.
Hệ thống trục chính phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ có chiều dài 2.500km, trên ba hướng tuyến được triển khai các lực lượng làm đường như sau:
Hướng tuyến chính phía Bắc từ biên giới Việt - Trung về Thái Nguyên đi Yên Bái theo đường 13 bến Ba Khe - Cò Nòi (giáp đường 41 phía Nam tỉnh Sơn La). Đây là trục chính vận chuyển các loại vũ khí, khí tài phục vụ chiến dịch nên chúng ta tập trung 02 vạn dân công với khoảng 02 triệu ngày công thi công suốt ngày đêm, làm mới đoạn đường Yên Bái - Cò Nòi (nối đường 41), sửa chữa, mở rộng và nâng cấp toàn tuyến với tổng chiều dài 310km xuyên qua các đèo dốc như: Đèo Cà, Đèo Khế, La Hiền, Lũng Lô, Đèo Chẹn…
Đồng thời, để tạo chân hàng từ biên giới Việt - Trung về tập kết tại Bắc Kạn, Thái Nguyên, ngành giao thông vận tải hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên đã huy động một khối lượng nhân lực lớn sửa chữa, nâng cấp và mở tiếp tuyến đường từ Thủy Khẩu đi Bắc Kạn và Thái Nguyên; đường Võ Nhai - Bắc Sơn và mở rộng bến phà Thác Oánh; đường Cao Bằng - Bắc Kạn qua Chợ Mới - Bờ Đậu lên Tây Bắc hoặc Cao Bằng - Bắc Kạn - Tuyên Quang - Yên Bái - Ba Khe - Cò Nòi…; đường 31 - Chợ Chu - Quán Vuông - Khuôn Ngàn nối đường 3 lên căn cứ an toàn Đèo Khế. Đầu năm 1953, quân và dân ta mở tuyến mới từ biên giới Việt - Trung về Thái Nguyên - đường Võ Nhai - Phổ Yên nối đường Lạng Sơn - Bắc Sơn - Đình Cả - La Hiên - Linh Nham. Đầu năm 1954, Việt Nam tiếp tục huy động lực lượng làm đường 1B từ Đồng Đăng đi Thái Nguyên. Đường này trở thành con đường lớn nhất thời kỳ chống thực dân Pháp, có bề mặt rộng 5,5m, rải đá cấp phối.
Hướng tuyến phía Nam từ Nghệ An - Thanh Hóa và vùng tự do Liên khu III ra Hòa Bình dài trên 320km. Chúng ta đã huy động tới 2,6 vạn dân công với khoảng 2,6 triệu ngày công làm đường và bảo đảm giao thông cho các loại xe thô sơ, xe thồ vận chuyển lương thực, thực phẩm ra chiến trường. Trước đó, từ năm 1952 - 1953, ngành giao thông vận tải hai tỉnh đã huy động lực lượng thanh niên xung phong và dân công làm tuyến đường này, nối với đường 7 phục vụ các chiến dịch Tây Bắc, Hòa Bình và Thượng Lào. Để phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngành giao thông vận tải hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An tiếp tục khôi phục, nâng cấp và bảo đảm giao thông trên toàn tuyến. Riêng tỉnh Thanh Hóa tập trung 13.564 dân công và 6.320 thanh niên xung phong của Khu làm đường 15A đoạn Hồi Xuân - Mục Sơn, Mục Sơn - Đồng Trầu dài 114km. Nhân dân vùng đồng bằng Liên khu III từ Nho Quan và các vùng Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình nô nức đi dân công vận chuyển lương thực, thực phẩm lên Hòa Bình và tiếp tục vận chuyển lên Chiến trường Điện Biên Phủ.
Hướng tuyến Đông - Tây từ Hòa Bình theo đường 6 (41), 42 đi Tuần Giáo - Điện Biên Phủ cũng được gấp rút xây dựng. Đây là trục chính quy tụ các hướng vận tải từ phía Bắc vào, phía Nam ra, phía Đông lên để tiếp tục đi thẳng ra chiến trường. Do lưu lượng phương tiện vận tải, xe kéo pháo, xe thồ, bộ đội, dân công đi lại trên tuyến chính quá đông, thường ùn tắc, chúng ta chủ trương mở thêm một số tuyến mới để phân luồng vận tải như: Mở tuyến từ vùng sông Mã đi Mường Luân - Na Sang vận chuyển gạo của dân công Thanh Hóa lên phục vụ cho các đơn vị tác chiến ở phía Nam Điện Biên Phủ; mở đường cho vận tải thô sơ theo đường mòn vượt núi qua Khẩu Hu, Co Chạy ở phía Bắc Điện Biên Phủ để tập kết gạo, đạn cho các đơn vị tác chiến ở phía Bắc và phía Tây Điện Biên Phủ; mở tuyến vận chuyển từ Ba Nậm Cúm qua Lai Châu đi Bản Tấu.
Trên cơ sở mở, nâng cấp trục chính tuyến đường giao thông vận tải phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta đã hình thành nên mạng lưới giao thông trục chính tiếp tế, vận tải dày đặc, liên hoàn chặt chẽ. Mạng lưới đường giao thông trục chính tiếp tế vận tải cho Chiến dịch Điện Biên Phủ được hình thành như sau:
Tuyến Lạng Sơn - Thái Nguyên- Yên Bái- Ba Khe - Cò Lòi - Sơn La Tuần Giáo - Điện Biên Phủ: Đây là tuyến chính, có khối lượng vận tải lớn, nhất là vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng bao gồm: cả hàng viện trợ của Trung Quốc, Liên Xô và các nước bạn.
Tuyến Cao Bằng - Bắc Cạn - Tuyên Quang - Yên Bái - Ba Khe - Cò Lòi - Sơn La - Tuần Giáo - Điện Biên Phủ.
Hướng tuyến từ khu IV ra xuất phát từ Nhệ an - Thanh Hóa - Suối Rút - Mộc Châu - Cò Lòi - Sơn La - Tuần Giáo - Điện Biên Phủ.
Các tuyến từ Liên khu III, Nho Quan lên Hòa Bình, Suối Rút - Mộc Châu - Cò Lòi - Sơn La - Tuần Giáo - Điện Biên Phủ và từ thượng nguồn sông Mã lên phía Nam Điện Biên Phủ. Với sự nỗ lực của hàng chục vạn cán bộ, chiến sỹ, dân công, thanh niên xung phong, chúng ta đã hình thành lên một mạng lưới đường với tổng chiều dài luồng tuyến vận tải cho Chiến dịch Điện Biên Phủ lên tới 3.500km. Nếu tính các đoạn tuyến nối tiếp nhau, tổng chiều dài đường là 2.500km. Trên các tuyến đường hướng ra chiến trường Điện Biên Phủ, lực lượng quân đội, dân công, thanh niên xung phong làm đường tiếp tế vận tải phải vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, mưa dầm, gió rét, đường sá xa xôi, hiểm trở, đèo cao, dốc đứng và còn phải vượt qua mưa bom, bão đạn của quân địch. Những đoạn đường như Tuần Giáo - Điện Biên Phủ, Lai Châu - Sơn La, Yên Bái - Cò Lòi... không quân địch đánh phá 24/24 giờ. Ngã ba Cò Lòi thường xuyên ghánh phải chịu hơn 60 tấn bon, đạn/ngày. Mặc dù vậy, các lực lượng giao thông vận tải, thanh niên xung phong dân công vẫn kiên cường vượt qua mọi khó khăn, gian khổ bất chấp bom đạn và hy sinh, hăng hái mở đường và tiếp vận ra mặt trận. Theo tổng kết tổng số dân công vận tải, làm đường phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ là 261.453 người (bằng 3 triệu ngày công) Hệ thống này được xây dựng bằng sức lao động và cả xương máu của hàng vạn dân công, thanh niên xung phong, công binh… Ngoài ra, ta còn tận dụng khai thác sông Đà, thượng nguồn sông Mã, sông Nậm Na để vận chuyển cho chiến dịch.
Trong cuộc kháng chiến chống Thực dân pháp xâm lược chưa bao giờ ta huy động một lực lượng phương tiện vận tải lớn như trong Chiến dịch Điện Biên Phủ bao gồm: lực lượng vận tải cơ giới của quân đội, đoàn xe quốc doanh: 28 chiếc, ô tô vận tải các loại của Bộ Giao thông Công chính: 16 đội xe – 628 chiếc; lực lượng vận tải, gánh, vác bộ hùng hậu với hàng chục vạn dân công và 20.991 xe đạp thồ, 7.000 xe cút kít, 736 xe trâu, 500 xe ngựa cùng hàng nghìn bè mảng, thuyền. Khối lượng lương thực, thực phẩm, nhân dân các địa phương đã vận chuyển cho chiến dịch: 25.056 tấn gạo, 907 tấn thịt, 268 tấn muối, 62,7 tấn đường, 565 tấn thức ăn khô… cùng hàng nghìn tấn vũ khí, khí tài vào chiến dịch.
Có thể nói, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, để làm nên trang sử vĩ đại đó phải kể đến sự đóng góp vô cùng quan trọng của lực lượng giao thông vận tải. Họ đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh để phá núi, bắc cầu, vượt đèo qua suối, đắp đường... giữ vững mạch máu giao thông cho chiến dịch. Hàng ngàn km đường giao thông đã được mở, hàng trục vạn tấn vũ khí, lương thực đã được vận chuyển kịp thời phục vụ mặt trận. Đây là sức mạnh to lớn, là những chiến công kỳ diệu bắt nguồn từ đường lối “giao thông vận tải nhân dân” của Đảng và lòng yêu nước nồng nàn của hàng triệu con người trên mặt trận giao thông vận tải. Hào khí thắng lợi và tinh thần quật cường của cả dân tộc ta tại Điện Biên Phủ năm 1954 mãi mãi tỏa sáng, ghi tạc vào lịch sử không chỉ của Việt Nam mà còn sống mãi trong lịch sử nhân loại như một biểu tưởng đập tan cường quyền, áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân cũ.