Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, nó đe dọa đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và nhiều hệ lụy khác mà con người phải gánh chịu. Đặc biệt là rác thải nhựa, với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi nilon, hộp đựng đồ ăn, cốc…) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người trên toàn thế giới.
Những năm gần đây, rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. Mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó có 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi trên các đại dương.
Theo thống kê của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, Việt Nam hiện nằm trong 4 quốc gia có lượng phế phẩm nhựa thải ra môi trường nhiều nhất thế giới, ước tính hơn 1,8 triệu tấn mỗi năm. Lượng nhựa tiêu thụ tính trên đầu người ở Việt Nam vào năm 1990 chỉ có 3,8 kg, nhưng đến năm 2015 con số này đã tăng đột biến lên 41 kg.

Mặc dù hiện nay nhu cầu sử dụng sản phẩm nhựa của người dân còn cao nhưng khả năng xử lí rác thải nhựa ở Việt Nam vẫn rất hạn chế, chỉ khoảng 27% nhựa phế thải được tái chế đúng cách và hiệu quả. Không những thế, Việt Nam còn là 1 trong 5 nước có lượng rác thải nhựa đổ ra biển nhiều nhất thế giới, lên đến 0,73 triệu tấn mỗi năm. Nếu như không có hành động cụ thể, thiết thực nào để ngăn chặn tình trạng này, đến năm 2050, biển Việt Nam có nguy cơ chứa nhiều rác thải nhựa hơn sinh vật biển.
Với thực trạng tình trạng ô nhiễm môi trường có những diễn biến phức tạp và ô nhiễm môi trường đang là vấn đề không chỉ của riêng một vùng nào, mà ở khắp nơi, cả nông thôn, thành thị, miền núi, miền biển, cả các nguồn nước và không khí... Đặc biệt là sự ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và nilon gây ra, vì hiện nay việc loại bỏ chất thải nhựa là không dễ dàng bởi chưa tìm ra được sản phẩm rẻ hơn và tiện dụng hơn để thay thế hoặc do nhận thức của con người về tác hại của chất thải nhựa còn nhiều bất cập.
Nhận thức rõ được những tác hại , ảnh hưởng của rác thải nhựa. Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã tuyên truyền đến toàn thể viên chức và người lao động trong toàn đơn vị hiểu rõ về tác hại của rác thải đối với môi trường. Mỗi viên chức, người lao động cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng hành động cụ thể, thiết thực như: Gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi nilon khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm… , thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường tại công sở. Tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống và làm việc bằng những hành động nhỏ nhất như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; xử lý, lên án kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng…
Ngoài ra, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống rác thải nhựa trên trang Thông tin điện tử và trên Fanpage của đơn vị.
