Năm 1954, lịch sử đã đưa Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội viễn chinh Pháp tới trận đánh quyết định tại một nơi không hẹn trước đó là Điện Biên Phủ.
Trên cánh đồng Mường Thanh, Quân đội nhân dân Việt Nam đã chọn một hình thức tác chiến bằng trận địa chiến hào bao vây và tấn công, hình thức tác chiến chiến thuật hết sức độc đáo mà trước đây chưa từng có trong lịch sử chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là một trong những yếu tố quyết định làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu”. Chiến thắng vĩ đại ấy đã đi vào những trang sử quân sự không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.
Ngày 20/11/1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống cánh đồng Mường Thanh chiếm đóng Điện Biên Phủ. Sau khi cân nhắc kỹ vị trí chiến lược, ngày 03/12/1953 Navarre – Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp, quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất chưa từng có ở Đông Dương với 49 cứ điểm chia làm 3 phân khu, khoanh làm 8 cụm. Mỗi cụm cứ điểm được bố trí hệ thống hỏa lực mạnh, công sự kiên cố, có khả năng phòng ngự độc lập. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được giới quân sự Pháp, Mỹ đánh giá là một “pháo đài bất khả xâm phạm”, một chiếc “nhọt tụ độc” nhằm thu hút và tiêu diệt lực lượng chủ lực của Việt Minh.

Quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ
Ngay sau khi có mặt tại Điện Biên Phủ, một trong những công việc làm đầu tiên của quân Pháp là san phẳng mọi chướng ngại vật trong thung lũng Mường Thanh để tạo điều kiện tối đa cho tầm nhìn, tầm bắn hiệu quả của các loại hỏa lực, triệt phá nơi ẩn lấp và cơ động lực lượng của đối phương.
Để hạn chế thương vong cho bộ đội, một tháng trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu xây dựng trận địa chiến hào bao vây tiến công. Trung đoàn 141 và 209 Đại đoàn 312 đào giao thông hào từ vị trí trú quân ở Quang Tum qua Tà Lèng đến cách hàng rào cứ điểm Him Lam từ 100m đến 200m. Trung đoàn 88 Đại đoàn 308 và Trung đoàn 165 Đại đoàn 312 đào giao thông hào từ phía Nam bản Nà Hi qua bản Pom Khoang đến sát cứ điểm Độc Lập. Trung đoàn 36 Đại đoàn 308 đào giao thông hào tới sát cứ điểm Bản Kéo.
17 giờ ngày 13/3/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở đợt tấn công đầu tiên vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong 5 ngày chiến đấu ta đã giành được thắng lợi to lớn, tiêu diệt hoàn toàn 3 cụm cứ điểm: Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo mở toang cánh cửa phía Bắc và Đông Bắc vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nhờ có hệ thống giao thông hào quân ta đã giảm bớt được rất nhiều thương vong cho chiến sĩ.
Ngày 17/3/1954, Bộ chỉ huy chiến dịch tổ chức hội nghị sơ kết đợt I tại Sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng, Đảng ủy mặt trận đã đề ra 3 nhiệm vụ:
Một là: Phải nhanh chóng tiếp cận, bao vây địch bằng cách xây dựng trận địa tiến công và bao vây khắp các mặt trận Đông, Tây, Nam, Bắc, trong cự ly có hiệu quả của tất cả các loại súng lớn, nhỏ của ta đồng thời chia cắt phân khu Hồng Cúm với phân khu Trung tâm.
Hai là: Tiếp tục đánh bóc thêm một số cứ điểm ở ngoài vỏ của Tập đoàn cứ điểm theo nguyên tắc đảm bảo chắc thắng.
Ba là: Phải khống chế sân bay của địch cho hiệu quả, chuẩn bị đánh địch phản kích, tăng cường những hoạt động nhỏ, tiêu hao, quấy rối địch.
Trong ba nhiệm vụ trên, nhiệm vụ xây dựng trận địa tiến công và bao vây là quan trọng nhất. Dựa trên những yêu cầu về chiến thuật cần có 2 loại giao thông hào: Đường hào trục và đường hào nhánh.
Đường hào trục: Chạy xung quanh toàn bộ phân khu Trung tâm, dùng để cơ động Pháo, vận chuyển thương binh, điều động lượng lớn bộ đội. Đường hào trục có chiều sâu 1,7m, miệng rộng 1,8m, đáy rộng 1,2m.
Đường hào nhánh: Là đường hào bộ binh, chạy từ vị trí trú quân của các đơn vị ra cánh đồng cắt ngang đường hào trục tiến vào các vị trí mục tiêu mà ta định tiêu diệt, dọc đường hào có ụ súng chiến đấu, hầm trú ẩn, hàm ếch. Đường hào nhánh có chiều sâu từ 1,5 đến 1,6m, miệng rộng 0,8m, đáy rộng 0,5m.
Có thể nói đây là một công trình quy mô đồ sộ, với khối lượng công việc đào đắp to lớn, lại diễn ra dưới hỏa lực quyết liệt của quân Pháp. Việc xây dựng chiến hào phải tiến hành vào ban đêm, làm đếm đâu ngụy trang đến đó.
Bộ chỉ huy chiến dịch giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị:
Đại đoàn 308, xây dựng đường giao thông hào trục từ phía Nam cứ điểm Độc Lập qua Bản Kéo, Pe Nọi, Nậm Bó, Bản Mé, Bản Co Mỵ tới sông Nậm Rốm và đường giao thông hào trục từ Pe Nọi vào vị trí tập kết của bộ đội phía Tây Mường Thanh, làm trận địa tiến công để chuẩn bị công kích cứ điểm 106.
Đại đoàn 312,xây dựng đường giao thông hào trục nối với đường hào trục của Đại đoàn 308 ở cứ điểm Độc Lập qua cứ điểm Him Lam, Noong Bua, nối liền với giao thông hào trục của Đại đoàn 316, làm trận địa tiến công để chuẩn bị công kích các cứ điểm D, E, 105.
Đại đoàn 316, xây dựng đường giao thông hào trục từ Noong Bua nối với giao thông hào trục của Đại đoàn 312 quaBản Bánh, Bản Ten tới sông Nậm Rốm ngang qua Co Mỵ nối với giao thông hào trục của Đại đoàn 308, làm trận địa tiến công để chuẩn bị công kích các cứ điểm A, C.
Không chỉ các Đại đoàn bộ binh xây dựng trận địa chiến hào mà các đơn vị Pháo binh trên dãy núi Tà Lèng, Pú Hồng Mèo cũng di chuyển xuống xây dựng các trận địa mới gần với mục tiêu hơn.
Khi bắt tay vào xây dựng trận địa tiến công và bao vây trong đợt 2, các đơn vị phải xây dựng thời gian biểu cho bộ đội hoạt động. Buổi sáng là giờ ngủ, khoảng cách giữa bữa cơm trưa và cơm chiều là thời gian chuẩn bị nguyên vật liệu để xây dựng chiến hào, sau giờ cơm chiều là thời gian đào trận địa, mỗi ngày đào từ 14 đến 18 giờ. Những đêm giá rét mà mồ hôi vẫn tuôn chảy, gặp những chỗ đất rắn hay nhiều sỏi đá, bàn tay các chiến sĩ phồng rộp, rớm máu. Nhưng gian khổ nhất là khi gặp ruộng lầy các chiến sĩ phải dùng tay, mũ, áo mưa để đựng bùn đổ đi, sau đó phải đóng cọc chèn phên hai bên thành hào phòng sụt lở.
Khi đường hào kéo dài hàng chục kilômét trên cánh đồng thì không còn cách nào ngụy trang được, mỗi mét chiến hào bắt đầu phải trả bằng xương máu. Quân đội Pháp đã sử dụng tối đa sức mạnh của không quân thả bom suốt ngày đêm, hỏa lực từ các trận địa pháo và các đơn vị phản kích nhằm ngăn cản công việc xây dựng trận địa chiến hào của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhưng mỗi ngày qua các đường hào lại kéo dài thêm, để bảo vệ trận địa các đơn vị bộ binh đã di chuyển từ nơi trú quân ra ở ngay tại những chiến hào mới đào xong.

Các chiến sỹ công binh tiếp tục đào giao thông hào xây dựng trận địa tấn công và bao vây (tháng 3/1954)
Sau 10 ngày, hơn 100km đường hào đã được đào xong. 17 giờ ngày 30/3/1954, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã phát lệnh đợt tấn công thứ 2 vào Tập đoàn cứ điểm Điểm Biên Phủ. Ngay trong đêm, Đại đoàn 316 và 312 đã nhanh chóng chiếm được các cứ điểm E, D1, D2. Cứ điểm A1, C1 chiếm được một nửa.
Hướng Tây: Đại đoàn 308 bao vây, uy hiếp cứ điểm 311, một phần lớn 2 Đại đội Ngụy Thái ra hàng, một số rút về Mường Thanh. Đêm 2/4/1954, Trung đoàn 36 đào dũi qua hàng rào cứ điểm 106 đánh chiếm cứ điểm này trong một khoảng thời gian ngắn, mở đầu chiến thuật “vây, lấn”. Ngày 9/4/1954, tại cứ điểm E1 Trung đoàn 141 đào giao thông hào ra tả ngạn sông Nậm Rốm, vượt sông bám hữa ngạn vừa chiến đấu vừa đào hào hướng lấn vào Sân bay. Đêm 16/4/1954, giao thông hào của Trung đoàn 141 dũi sát vào đường băng, cắt Sân bay một nửa về phía Nam. Giao thông hào của Trung đoàn 165 tiến gần vào cứ điểm 105. Phía Tây Bắc giao thông hào của Trung đoàn 36 cắt rời cứ điểm 105 với 206, đêm 18/4/1954 Trung đoàn 165 tiến công đánh chiếm cứ điểm 105.
Ngày 9/4/1954, từ cứ điểm 106 đã chiếm được, Trung đoàn 36 đào đường hào hướng vào cứ điểm 206. Đào được 2 đêm thì máy bay trinh sát của quân Pháp phát hiện dùng hỏa lực ngăn chặn. Các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã sử dụng “con cúi” rơm để tránh đạn bắn thẳng. Ngày 15/3/1954, ba mũi hào của Trung đoàn 36 cách lớp hàng rào dây thép gai đầu tiên của cứ điểm 206 khoảng 200m. Vận dụng chiến thuật “Vây, lấn, tấn, diệt” các đơn vị vừa bắn tỉa tiêu hao sinh lực địch, đoạt dù tiếp tế, dùng “con cúi” chắn đạn, tiếp tục đào hào qua lớp rào thứ 2, thứ 3. Ban ngày các chiến sĩ đào dũi phía dưới đánh sập đất bên trên xuống, kéo ra sau, xúc sang hai bên. Ngày 20/4/1954, bộ đội Việt Minh đã đào xuyên qua năm hàng rào. Các mũi xung kích của Trung đoàn 36 từ các đầu mút chiến hào vọt lên nhanh chóng tiến vào cứ điểm, bị đánh bất ngờ quân Pháp không kịp trở tay. Sau 1 giờ Trung đoàn 36 đã chiếm cứ điểm 206. Sáng 23/4/1954, quân Pháp đưa Tiểu đoàn dù Lê dương số 2 ra phản kích. Trung đoàn 88 và 141 chặn đánh, tiêu diệt một phần quân dù và xe tăng buộc họ phải rút lui. Sân bay “Dạ dày” của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã bị cắt đứt hoàn toàn.

"Con cúi" làm bằng rơm dùng để chắn đạn trong quá trình đào hào
Chỉ với những chiếc cuốc, xẻng thô sơ, con cúi bằng rơm làm lá chắn, không có máy móc hỗ trợ,nhưng hệ thống chiến hào của Quân đội nhân dân Việt Nam, vẫn không ngừng phát triển hình thành nên một “Tập đoàn cứ điểm di động” bao quanh “Tập đoàn cứ điểm cố định” của quân Pháp. Từng ngày thu hẹp phạm vi chiếm đóng và vùng trời, đồng thời bóp nghẹt sự sống của quân Pháp tại Điện Biên Phủ.
Cuối tháng 4/1954, tình hình của quân Pháp tại Điện Biên Phủ hết sức nguy khốn. Đảng ủy, BộChỉ huy chiến dịch đề ra nhiệm vụ cho đợt tấn công thứ 3: Đánh chiếm các cao điểm còn lại ở phía Đông, tiêu diệt sinh lực địch, phát triển sâu hơn nữa trận địa tiến công và bao vây, phát huy tất cả các loại hỏa lực, bắn phá tung thâm, uy hiếp vùng trời còn lại của quân Pháp, chuẩn bị chuyển sang tổng công kích.
17 giờ ngày 01/5/1954, toàn mặt trận bước vào đợt tấn công thứ 3. Tại C1 vừa dứt tiếng pháo, tổ cắm cờ và tiểu đội xung kích Đại đội 811, Tiểu đoàn 888, Trung đoàn 167 đánh chiếm vị trí cột cờ sau 5 phút. Trung đoàn 98 và Đại đội 811 hình thành hai mũi chia cắt, đánh giáp lá cà tiêu diệt toàn bộ cứ điểm C1.Phía tả ngạn sông Nậm Rốm, Trung đoàn 209 đánh chiếm cứ điểm 505, 505A. Phía Tây, Trung đoàn 88 đào đường hào xuyên qua hàng rào tiêu diệt cứ điểm 311A. Ở Hồng Cúm, đêm 04/5/1954, từ giao thông hào Trung đoàn 36 tiến công tiêu diệt cứ điểm 311B.
Ở A1, Trung đoàn 174 đã đào đường hầm dài 47m vào sát Sở chỉ huy của quân Pháp, đặt 960kg thuốc nổ. 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954 khối bộc phá được giật nổ. Đến 4 giờ 30 phút 07/5/1954, Trung đoàn 174 làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1. Sáng ngày 07/5/1954, các cứ điểm 506, 310, C1, 507, 508, 509 bị quân ta tiêu diệt hoàn. Trận địa bao vây và tiến công còn cách Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ 300m.
15 giờ ngày 07/5/1954, Bộ chỉ huy chiến dịch phát lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận. 17 giờ 30 phút, Đại đội 360, Tiểu đàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 đã tiến thẳng vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt sống tướng DeCastries và toàn bộ Bộ tham mưu. Ở Hồng Cúm, Quân Pháp rút chạy nhưng bị Đại đoàn 304 vây bắt hoàn toàn. Đến 24 giờ, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi.

Tường De Castries cùng toàn bộ Bộ tham mưu bị bắt sống
Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, chính người Pháp đã thống kê rằng Quân đội nhân dân Việt Nam đã đào được hơn 400km giao thông hào trên chiến trường Điện Biên Phủ. Đối với quân Pháp, hệ thống chiến hào ấy giống như “những chiếc vòi của con Bạch tuộc khổng lồ” từng ngày siết chặt lấy cổ, chân tay của họ. Mặc dù cố sức vùng vẫy, giãy giụa bằng nhiều cuộc phản kích lớn, nhỏ nhưng không có cách nào tháo gỡ nổi.
Nhiều binh lính Pháp, sau khi bị bắt làm tù binh vẫn chưa hết cảm giác sợ hãi về những tiếng đào đất mà họ ví như những “mũi khoan thép ”xoáy vào óc, những tiếng “búa của tử thần”.
Ký giả Giuyn Roa trong tác phẩm “Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp” có viết: “Kẻ thù biết rất rõ chiến thắng của họ bắt đầu từ những mũi cuốc và lưỡi xẻng của họ”, “Không hiểu những con người cầm xẻng, cầm cuốc, có tầm vóc nhỏ bé ấy, lấy đâu ra sức chịu đựng phi thường để làm được những công việc cực kỳ nặng nhọc, lấy đâu ra sức mạnh tinh thần để tiến lên đào những thước hào đầu tiên, khi họ phải phơi mình lộ trên mặt đất dưới sự khống chế của chiến xa, đại bác và máy bay”.
Nhà báo Úc Wilfred Burchett đã viết trong Việt Nam tất thắng lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh hiện đại, giao thông hào được xếp lên hàng đầu coi như một thứ vũ khí tấn công... Tiến công bằng giao thông hào, đấy là bí quyết thắng lợi củaQuân đội nhân dân Việt Nam tại Điện Biên Phủ”.
Với chiến thuật đào hào vây lấn, Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ khắc phục được địa hình trống trải mà còn từng bước áp sát, sử dụng các hỏa lực bắn gần tiêu diệt các cứ điểm của quân Pháp, hạn chế được rất nhiều thương vong cho cán bộ chiến sĩ. Hệ thống chiến hào đã trở thành bàn đạp tiến công vô cùng thuận lợi, góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn giữ nguyên ý nghĩa và giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam và cả nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Chiến thắng vĩ đại ấy mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.