Cách đây 72 năm,ngày 10/10/1949, Ban Cán sự Ðảng Lai Châu (tiền thân của Ðảng bộ tỉnh Ðiện Biên và Lai Châu ngày nay) được thành lập, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.Từ đây, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo Nhân dân tham gia ngày càng tích cực vào cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai và đưa quân đánh chiếm Lai Châu và phá hoại phong trào cách mạng ở châu Quỳnh Nhai. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng thấy cần phải xây dựng cơ sở cách mạng và tổ chức Đảng ở Lai Châu để lãnh đạo phong trào.
Tháng 3/1948, Liên khu uỷ 10 đã cử “đội xung phong Quyết Tiến” vào địa bàn Lai Châu để gây dựng cơ sở cách mạng. Sau 2 năm tích cực bám dân, bám cơ sở, gây dựng, phát động phong trào, “Đội xung phong Quyết Tiến” đã gây dựng được một loạt cơ sở cách mạng kéo dài từ Quỳnh Nhai sang Tuần Giáo, Điện Biên và phía Bắc Lào Cai. Để tổ chức quần chúng nhân dân thành một khối thống nhất và đưa cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp đến thắng lợi, Lai Châu cần phải có một tổ chức Đảng Cộng sản, Liên khu uỷ 10 đã trực tiếp chỉ đạo toàn diện đối với Lai Châu, thành lập “Tiểu ban Miền núi vận” để nghiên cứu tình hình Kinh tế - Chính trị - Xã hội của tỉnh Lai Châu.
Tháng 7/1949, Bộ Tư lệnh Liên khu 10 đã tập hợp những thanh niên của châu Quỳnh Nhai tại Đan Hà, tỉnh Phú Thọ để thành lập đội xung phong Lai Châu (có tên gọi khác là đội vũ trang tuyên truyền tỉnh Lai Châu) và cử đồng chí Hoàng Đông Tùng làm đội trưởng.
Ngày 27/8/1949, Ban Chấp hành Liên khu 10 ra Nghị quyết điều động một số cán bộ đang công tác tại 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai vào công tác tại Lai Châu.
Ngày 27/8/1949, Ban Chấp hành Liên khu 10 ra Nghị quyết điều động một số cán bộ đang công tác tại 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai vào công tác tại Lai Châu.
Ngày 01/10/1949, Chính uỷ Liên khu 10 ra quyết định thành lập Chi hội vũ trang Lai Châu, gồm các đồng chí đảng viên của đội xung phong Lai Châu, do đồng chí Hoàng Đông Tùng làm Bí thư chi bộ (chi bộ này là tiền thân của Đảng bộ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh ngày nay).
Ngày 10/10/1949, Ban Thường vụ Liên khu uỷ 10 ra Nghị quyết thành lập Ban cán sự Đảng Lai Châu (tiền thân của Ðảng bộ tỉnh Ðiện Biên và Lai Châu ngày nay) gồm 3 đồng chí: Nguyễn Bá Lạc (bí danh là Trần Quốc Mạnh), Tỉnh uỷ viên tỉnh Yên Bái làm trưởng ban, đồng chí Hoàng Đông Tùng, đội trưởng đội xung phong Lai Châu và đồng chí Tạ Nhật Tựu (bí danh là Hoàng Hoa Thưởng) - uỷ viên Văn phòng khu uỷ 10 làm uỷ viên. Nhiệm vụ của Ban cán sự đảng Lai Châu lúc này: “Gây dựng cơ sở quần chúng tiến tới tập hợp lực lượng, lãnh đạo nhân dân Lai Châu võ trang tranh đấu thu phục lại toàn bộ đất đai Thực dân Pháp và tay sai chiếm đóng”. Nghị quyết cũng đã nêu “Ban cán sự đảng Lai Châu thuộc quyền trực tiếp chỉ huy của Liên khu uỷ 10, nhưng phải mật thiết liên lạc với các Ban Tỉnh uỷ Sơn La, Lào Cai, Yên Bái để được sự giúp đỡ trong khi tiến hành công tác và phối hợp kế hoạch hành động với các đội xung phong hiện đang hoạt động trong đất hoặc giáp với Lai Châu”. Đây là bản Nghị quyết rất kịp thời và đúng đắn của Liên khu uỷ 10, đồng thời là cơ sở cho việc thành lập tổ chức Đảng ở Lai Châu. Ngày 10/10/1949 được lấy làm ngày kỷ niệm cho sự ra đời của Ðảng bộ tỉnh.
Trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, Đảng bộ tỉnh đã động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ngày 12/12/1953, Chiến dịch giải phóng Lai Châu - mở màn cho cuộc tấn công chiến lược Đông Xuân năm 1953 - 1954 giành thắng lợi giòn giã, thị trấn Lai Châu được giải phóng. Nhân dịp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư căn dặn đồng bào, cán bộ Lai Châu phải "Đoàn kết thân ái, giúp đỡ lẫn nhau; giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự; ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no; cán bộ thì phải thật sự gần gũi, giúp đỡ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết...". Những lời động viên, căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, khích lệ nhân dân Lai Châu hăng hái lao động sản xuất và tích cực tham gia kháng chiến, huy động sức người, sức của cho Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Dưới sự lãnh đạo của ban cán sự Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Kháng chiến hành chính, đồng bào và nhân dân các dân tộc Lai Châu tích cực tham gia đóng góp cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những đóng góp của đồng bào các dân tộc Lai Châu tuy nhỏ nhưng đã góp phần quan trọng, trực tiếp cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, quân và dân ta về tiếp quản Thủ đô. Gần một năm sau, ngày 29/4/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành sắc lệnh 230-SL thành lập khu tự trị Thái Mèo.
Ngày 27/10/1962, Quốc hội khóa VI ra nghị quyết đổi tên Khu tự trị Thái Mèo thành khu Tây Bắc và thành lập 3 tỉnh Lai Châu, Sơn La và Nghĩa Lộ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với khẩu hiệu "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", Đảng bộ, quân và dân Điện Biên vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, vừa chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần cùng quân dân cả nước giành thắng lợi lịch sử mùa xuân năm 1975 và làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào. Đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối, Điện Biên cùng cả nước bước vào một thời kỳ mới, vừa tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, anh dũng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, vừa đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm cùng cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày 26/9/2003, Chính phủ ra Nghị định 110/NĐ -CP thành lập Thành phố Điện Biên Phủ.
Ngày 26/11/2003, Quốc hội đã phê chuẩn việc điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Lai Châu. Theo đó, tỉnh Lai Châu được chia tách thành hai tỉnh là Lai Châu và Điện Biên. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Điện Biên xác định đây là cơ hội lịch sử để thực hiện ước muốn xóa hết đói nghèo, tiến tới xây dựng một Điện Biên mới, giàu và đẹp hơn.
Trải qua chặng đường 72 năm với 14 kỳ Đại hội, Ðảng bộ tỉnh Điện Biên đã lãnh đạo Nhân dân chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, giành được nhiều thành tựu trên các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, từng bước đưa Ðiện Biên vượt qua đói nghèo. Nhiều năm liền, tỉnh duy trì được đà tăng trưởng kinh tế khá và ổn định; cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực: giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp tăng tỷ trọng trong công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Sự nghiệp văn hóa, xã hội có bước phát triển: Quy mô, chất lượng giáo dục từng bước nâng lên, 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm chỉ đạo. Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, phát huy hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ đói nghèo. Các chương trình, dự án trọng điểm được tập trung triển khai; đẩy mạnh việc kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư. Diện mạo khu vực nông thôn, thành thị thay đổi rõ nét; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 37 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo sự chuyển biển tích cực về nhận thức của người dân nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ổn định; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Hoạt động đối ngoại được tăng cường, mở rộng; duy trì mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện với các tỉnh Bắc Lào, mở rộng quan hệ với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh Ðông Bắc Thái Lan, các tổ chức quốc tế... Qua đó, đã tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ cuộc sống bình yên hạnh phúc của nhân dân...
Tiếp nối những thành tựu đã đạt được vàđể tiếp tục đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới, Ðảng bộ tỉnh Điện Biên tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà ý chí tự lực, tự cường; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, nắm bắt thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; thực hiện thắng lợi mục tiêu,nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh đã đề ra, góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, xứng đáng là ngọn cờ lãnh đạo cách mạng địa phương.