Trong tiến trình lịch sử phát triển của Thủ đô Hà Nội, ngày 10/10/1954 là một mốc son lịch sử, đánh dấu thất bại hoàn toàn của Chủ nghĩa Thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Hà Nội và Đất nước. Thủ đô sạch bóng quân thù, hân hoan đón mừng những người conchiến thắng trở về.
Kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua và chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử. Quân, dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước kiên cường tranh đấu, bền bỉ lao động, sáng tạo nền văn hiến rực rỡ, lập nhiều chiến công hiển hách lưu danh muôn đời. Trong lịch sử phát triển Thủ đô Hà Nội, ngày 10/10/1954 là một mốc son lịch sử, đánh dấu thất bại hoàn toàn của Thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước không có ước nguyện nào hơn là được sống trong không khí hòa bình để xây dựng và phát triển. Ngày 19/12/1946, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân, dân Hà Nội đã cùng với nhân dân cả nước nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước.
Với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt, Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, kìm chân và tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện để cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta tạm rút khỏi Hà Nội an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Trung ương giao.
Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Hiệp định Geneve về đình chiến ở Đông Dương được ký kết, Thực dân Pháp rút hết quân về nước, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia); lập lại hòa bình ở Việt Nam, miền Bắc hoàn toàn giải phóng.
Ngày 06/9/1954, Trung ương Đảng ra Nghị quyết thành lập Đảng ủy tiếp quản Thủ đô, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, làm Bí thư Thành ủy Hà Nội và trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy tiếp quản Thủ đô.
Ngày 17/9/1954, Chính phủ ra quyết định thành lập Ủy ban quân chính Hà Nội, do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, đồng chí Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch.
Từ cuối tháng 9/1954, ở ngoại thành Hà Nội, địch đã rút quân khỏi một số đồn bốt, như Đông Trì, Khương Thượng, Nhân Chính, Cầu Mới, Nhổn… Cũng từ cuối tháng 9/1954, trên thực tế ta đã làm chủ vùng ngoại thành Hà Nội.
Ngày 08/10/1954, Ban Tiếp nhận Quân sự của ta triển khai ở 06 khu vực nội thành và huyện Gia Lâm, tiếp nhận bàn giao cơ quan và các vị trí quân sự. Bộ đội ta tiến vào Đê La Thành, Vĩnh Tuy, Ngã Tư Sở, Cầu Giấy, Nhật Tân và bố trí canh gác cùng lính Pháp ở những vị trí cần thiết. Địch rút đến đâu, ta tiếp quản đến đó.
Đến 16 giờ ngày 09/10/1954, tốp lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên sang Gia Lâm. 16 giờ 30 phút, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát thành phố Hà Nội trong nguyên vẹn và an toàn. Cổng chào, khẩu hiệu dựng lên khắp các đường phố, cờ đỏ sao vàng rực rỡ trên khắp các tầng nhà.
Đúng 08 giờ sáng ngày 10/10/1954, các chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô mang trên ngực huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”, trở về với thành phố, quê hương - nơi sinh ra Trung đoàn.
Đến 15 giờ chiều, hàng chục nghìn Nhân dân và các đơn vị quân đội tham gia tiếp quản thành phố trang nghiêm dự lễ chào cờ tại sân vận động Cột Cờ. Cả Hà Nội bừng bừng câu hát Tiến quân ca, rạo rực niềm vui giải phóng, tràn ngập niềm tin, biết ơn Ðảng và Bác Hồ kính yêu.
Tại buổi lễ chào cờ này, Chủ tịch Ủy ban Quân chính, Vương Thừa Vũ đọc“Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới đồng bào, chiến sỹ Thủ đô nhân ngày giải phóng.
Trong “Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng” Bác viết: “Cùng đồng bào Hà Nội thân mến! Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuyxa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hoà bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào....”.
Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức được kéo lên tại Cột cờ Hà Nội. Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, tự hào về sự chỉ huy đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thủ đô Hà Nội hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân; nhân dân lao động vĩnh viễn xóa bỏ mọi chế độ áp bức, bóc lột, đứng lên làm chủ vận mệnh của mình và phấn khởi đi vào xây dựng xã hội mới, mở đầu sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày giải phóng Thủ đô, giờ đây thủ đô Hà Nội sạch bóng quân thù, mở ra một thời kỳ mới, vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến, mãi là biểu tượng vinh quang, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam độc lập, tự do, dân tộc. Sự kiện đó không những là niềm vui của người dân Hà Nội mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước.