Trong xu thế phát triển chung của các bảo tàng hiện đại, yếu tố phát triển kinh tế luôn được coi trọng và được xem là định hướng để phát triển, tuy nhiên việc đề cao nhân tố văn hóa và yếu tố con người lại là những vấn đề được đề cao và quan tâm đặc biệt. Sự thay đổi tư duy, nhận thức gắn với sự sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm với mục đích sử dụng di sản của các vùng miền để thúc đẩy phát triển tại mỗi địa phương.
Các bảo tàng hiện nay không chỉ được biết đến như các viện hay những công trình được thiết kế nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu, trưng bày những minh chứng vật chất và phi vật chất thể hiện mối quan hệ giữa con người với môi trường sống của họ, mà còn là một không gian mở rộng lớn, nơi mà con người có thể trực tiếp thể hiện, giới thiệu sinh động đời sống tinh thần và vật chất của họ. Trọng tâm của bảo tàng được chuyển từ lấy các hiện vật, sưu tập hiện vật gốc làm trung tâm sang lấy con người với những câu chuyện về lịch sử, văn hóa, đời sống kinh tế xã hội của họ làm trung tâm.
Trong Hội nghị Tập huấn và Hội thảo khoa học ngành Di sản văn hóa năm 2020 Phó Giáo sư tiến sỹ Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã mở rộng cách tiếp cận mới với chức năng, nhiệm vụ cũng như các vấn đề xã hội của Bảo tàng như sau:
- Quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề sinh thái;
- Đặc biệt quan tâm đến con người với tư cách là trung tâm của phát triển và tiến bộ xã hội;
- Đa dạng các hình thức phản ánh và tổ hợp các nội dung hoạt động, đặc biệt là nội dung trưng bày;
- Quan tâm tới các ý tưởng thí nghiệm sáng tạo;
- Có nhiều cơ hội tương tác giữa con người và hiện vật, giữa cán bộ giáo dục bảo tàng và du khách;
- Tạo nhiều không gian trải nghiệm sáng tạo và các ý tưởng;
- Không gian và cơ hội cho việc tự học, tự giáo dục.
Như vậy có thể nói cách nhìn nhận và tiếp cận với chức năng, hoạt động của Bảo tàng hiện đại đã được mở rộng :
- Chức năng hàng đầu là bảo tồn di sản văn hóa
- Chức năng nghiên cứu khoa học bao gồm cả tự nhiên và xã hội
- Chức năng truyền thông ( phổ cập kiến thức, cung cấp thông tin khoa học, đặc biệt là tận dụng tất cả các phương tiện truyền thông để tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội)
- Chức năng giáo dục - một trong những chức năng chính của bảo tàng thông qua các chương trình giáo dục
- Với cách tiếp cận này, vai trò xã hội của bảo tàng ngày càng lớn và mở rộng hơn, phục vụ cho mục tiêu phát triển văn hóa, hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Tạo lập môi trường xã hội lành mạn phục vụ cho phát triển, đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển chú trọng vai trò của Di sản văn hóa và con người. Vận dụng sáng tạo cách tiếp cận nhằm biến di sản văn hóa từ dạng tài nguyên thành sản phẩm du lịch- văn hoá có chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, làm cho di sản văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực cho phát triển.