Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Người khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức thêu dệt mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Do đó, ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”, bởi Đảng sớm nhận ra, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng.

Ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) được thành lập. Để đánh dấu sự kiện này, Đảng quyết định chọn ngày 20/10 hằng năm là ngày truyền thống của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đồng thời, xem đây là ngày kỉ niệm nhằm tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là “Ngày Phụ nữ Việt Nam”. Vào dịp này, phụ nữ Việt Nam được mọi người bày tỏ sự quan tâm và tôn vinh bằng nhiều hình thức khác nhau. Có thể gửi tặng những món quà, những bó hoa tươi thắm, những lời chúc yêu thương.

 Phụ nữ Việt Nam vốn sinh ra trong một đất nước với nền văn minh nông nghiệp, dựa trên nền tảng nghề trồng lúa nước và thủ công nghiệp nên phụ nữ Việt Nam đã trở thành lực lượng lao động chính. Bên cạnh đó, nước ta luôn bị kẻ thù xâm lược, đời sống nghèo khổ. Từ thực tế đó nên phụ nữ Việt Nam có bản sắc, phong cách riêng. Họ là những chiến sĩ chống ngoại xâm kiên cường, dũng cảm, là người lao động cần cù, sáng tạo, thông minh, là người giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển bản sắc và tinh hoa văn hoá dân tộc. Ngoài ra, họ còn là những người mẹ dịu hiền, đảm đang, trung hậu đã sản sinh ra những thế hệ anh hùng cho dân tộc.

Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ Việt Nam là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nhất nên luôn có yêu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng.

Ngay từ những ngày đầu chống Thực dân Pháp xâm lược, phụ nữ Việt Nam đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du. Ngoài ra còn có nhiều phụ nữ nổi tiếng tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai…

Từ năm 1927 những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ Việt Nam như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ. Năm 1927 nhóm các chị Nguyễn Thị Lưu, Nguyễn Thị Minh Lãng, Nguyễn Thị Thủy là ba chị em ở làng Phật Tích (Bắc Ninh) tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, các chị tuyên truyền, xây dựng tổ học nghề đăng ten và học chữ. Nhóm chị Thái Thị Bôi có các chị Lê Trung Lương, Nguyễn Thị Hồng, Huỳnh Thuyên tham gia sinh hoạt ở trường nữ học Đồng Khánh.

Năm 1928, nhóm chị Nguyễn Thị Minh Khai cùng Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị An tham gia sinh hoạt hội đỏ của Tân Việt. Nhóm này liên hệ với chị Xân, chị Thiu, chị Nhuận, chị Liên thành lập tờ Phụ nữ Giải phóng ở Vinh.

Năm 1930, trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ở Nghệ An, Hà Tĩnh có 12.946 chị tham gia phụ nữ giải phóng, cùng nhân dân đấu tranh thành lập chính quyền Xô Viết ở trên 300 xã.

Ngày 01/5/1930, chị Nguyễn Thị Thập đã tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh của hơn 4.000 nông dân ở hai huyện Châu Thành, Mỹ Tho, trong đó có hàng ngàn phụ nữ tham gia.

Có thể nói, phụ nữ là một phần không thể thiếu đã góp phần vào sự thành công của cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong công cuộc xây dựng đất nước, phụ nữ đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Trải qua 90 năm, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ngày càng lớn mạnh,  phụ nữ Việt Nam ngày càng có tri thức, có sức khoẻ, càng năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng. Trong công cuộc đổi mới đất nước, những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam lại tiếp tục được khẳng định và phát huy mạnh mẽ. Các tầng lớp phụ nữ luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, tích cực thi đua, phấn đấu vươn lên đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, đã xuất hiện nhiều gương phụ nữ tài năng, điển hình tiêu biểu với những cống hiến xuất sắc trong lãnh đạo quản lý, nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh, xoá đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Hưởng ứng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, toàn thể chị em phụ nữ Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điên Biên Phủ nói riêng và Phụ nữ Việt Nam nói chung sẽ luôn phấn đấu trưởng thành về mọi mặt, từ  trình độ chuyên môn đến kỹ năng nghề nghiệp. Không chỉ “đảm việc nhà” mà còn “giỏi việc nước”, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng:"Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang"./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 698.152
      Online: 53