Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc Thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Từ sau Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, Quân đội Nhân dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, liên tiếp giành được những thắng lợi vẻ vang trong nhiều chiến dịch và giành thế chủ động trên chiến trường Bắc Bộ, đẩy quân Pháp vào thế bị động, lúng túng, mất quyền chủ động chiến lược trên chiến trường Đông Dương.
Đến năm 1953, cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương bước sang năm thứ 8. Quân đội Pháp rơi vào tình thế khốn đốn, buộc Pháp phải có những phương sách mới cấp thiết để cứu vãn tình thế. Chính phủ Pháp cho rằng: phải tập trung mọi cố gắng tìm ra một “lối thoát danh dự”, “lối thoát trong thắng lợi”, muốn đạt được mục tiêu đó, trước mắt cần ra sức đẩy mạnh chiến tranh, giành thắng lợi quân sự tương đối lớn.
Vào giữa năm 1953, với sự thỏa thuận của Mỹ, Chính phủ Pháp đã cử tướng Henri Navarre sang Đông Dương làm Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp thay tướng Salan. Sau một thời gian nghiên cứu, khảo sát chiến trường, Navarre đã cho ra đời một bản kế hoạch chiến lược tương đối hoàn chỉnh nhằm cải biến tình hình, hòng chuyển bại thành thắng, đem vinh quang về cho nước Pháp.
Theo kế hoạch của Navarre, trong Thu - Đông năm 1953, Quân đội Pháp sẽ tiến hành phòng ngự chiến lược ở miền Bắc; đến Xuân năm 1954, tiến công chiến lược ở miền Nam; tới Thu - Đông năm 1954 sẽ chuyển lực lượng cơ động ra Bắc Bộ thực hiện các đòn tiến công chiến lược, tiêu diệt một bộ phận quan trọng chủ lực ta, giành thắng lợi quân sự to lớn, kết thúc chiến tranh trong vòng 18 tháng, buộc ta phải đàn phán trong tình hình có lợi cho chúng. Nếu không chấp nhận những điều kiện của Pháp thì chúng sẽ tiêu diệt chủ lực ta.
Kế hoạch Navarre được Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua ngày 24/7/1953 và được giới quân sự Pháp, Mỹ đánh giá cao, được coi là “Một kế hoạch táo bạo, kiên quyết và có cơ sở vũng chắc”, “Cho phép hy vọng đủ mọi điều”
Về phía Việt Nam, sau khi nắm bắt được những nét cơ bản của kế hoạch Navarre. Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã triển khai kế hoạch tác chiến trong Đông - Xuân 1953 - 1954 là : “Sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tấn công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ tiêu diệt địch ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta; trong lúc đó đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường địch hậu và tích cực chuẩn bị mọi sự cần thiết trong nhân dân và bộ đội địa phương, dân quân du kích ở các vùng tự do, sẵn sàng đối phó với địch để cho bộ đội chủ lực rảnh tay làm nhiệm vụ”.
Từ chủ trương trên, Bộ Tổng tư lệnh đã chỉ đạo bộ đội chủ lực tiến hành những đòn tiến công và phản công trên các hướng Tây Bắc, Tây Nguyên - Duyên hải Trung Bộ, Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào. Trong Đông Xuân 1953 - 1954, Quân đội Việt Nam đã buộc Quân đội Pháp phải phân tán lực lượng cơ động trên khắp chiến trường, từ đó ta tập trung chủ lực về hướng Tây Bắc. Nhận thấy ý đồ chiến lược của Quân đội Việt Nam, Quân đội Pháp gấp rút tăng cường lực lượng, biến Điện Biên Phủ thành một Tập đoàn cứ điểm mạnh, buộc ta phải chấp nhận chiến đấu nếu muốn giải phóng Tây Bắc. Nhận định đây là một cơ hội lớn để tiêu diệt sinh lực địch, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.
Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, cả nước dồn sức chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Các đại đoàn chủ lực: 312, 316, 304, 308, 351 nhanh chóng tập kết, bạt rừng, xẻ núi mở đường kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch; dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch.
Theo chủ trương ban đầu, ta dự định thực hiện phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh”. Ngày 25/01/1954, 1/3 số pháo đã được kéo vào trận địa an toàn, bộ đội vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Nhưng sau khi nghiên cứu tình hình thực tế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy tình hình chiến trường có sự thay đổi liên tục: lực lượng địch không ngừng tăng lên, hệ thống công sự được củng cố vững chắc, các loại vũ khí hiện đại liên tục được máy bay vận chuyển lên Điện Biên Phủ. Bộ chỉ huy chiến dịch đã đưa ra quyết định mới: giữ vững quyết tâm tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thay đổi phương án tác chiến sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Thực hiện phương án tác chiến mới, chiến dịch Điện Biên Phủ được chia làm ba đợt:
Đợt tấn công thứ nhất (Từ ngày 13/3 đến ngày 17/3/1954): với nhiệm vụ: tiêu diệt các cứ điểm ở vùng ngoại vi bao gồm: Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo. Sau 5 ngày chiến đấu quân ta đã nhanh chóng làm chủ 3 cứ điểm. Tiêu diệt và bắt sống hơn 2.000 tên địch, Piroth - Tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ đã dùng lựu đạn tự sát vì bất lực trước pháo binh của Quân đội Việt Nam.
Đợt tấn công thứ hai: (Từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954), quân ta đồng loạt tiến công các cao điểm phía Đông ở Phân khu Trung tâm, thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Đây là đợt tiến công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, ta và Pháp giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt là cuộc chiến đấu tại cứ điểm C1, ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày, cứ điểm A1 giằng co tới hơn 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ hai, Phân khu Trung tâm đã nằm trong tầm kiểm soát của pháo binh ta. Quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần chiến đấu.
Đợ tấn công thứ 3: (Từ ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954), quân ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại, tiến tới tổng công kích tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, ta chiếm Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống Tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ tham mưu của quân Pháp. Đến 24 giờ cùng ngày, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Trải qua 56 ngày đêm “Khoét núi, ngủ hầm, mưa rầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tiêu diệt và bắt sống 16.200 quân, bắn rơi 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.
Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, góp phần đánh bại kế hoạch Navarre, làm tiêu tan hy vọng của Pháp và can thiệp Mỹ hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Đông Dương. Đồng thời tạo nên bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, quyết định đến việc ký Hiệp định Geneve về lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi xa, nhưng ý nghĩa và giá trị lịch sử của nó vẫn còn nguyên vẹn với dân tộc Việt Nam và cả nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới; xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một “Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa” trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của Chủ nghĩa đế quốc./.