Nhân dịp Kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí Trần Minh Quang đã tặng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ những kỷ vật quý báu mà đồng chí đã lưu giữ hơn 60 năm qua. Trong những tài liệu và hiện vật đồng chí Trần Minh Quang tặng bảo tàng, tấm Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên (kèm giấy chứng nhận) là kỷ vật đồng chí vô cùng trân trọng, nâng niu bởi đó là phần thưởng đồng chí được Bác Hồ tặng sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ.
Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên là phần thưởng vô giá mà Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng những cán bộ và chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ ngày 13/3-7/5/1954. Tấm huy hiệu do họa sĩ Mai Văn Hiến và Nguyễn Bích thiết kế gồm: hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng với dòng chữ "Quyết chiến, quyết thắng" nổi bật phía trên là một chiến sĩ quả cảm, đội mũ nan lưới đang cầm súng hướng về phía trước. Bên trái nòng pháo cao xạ giương lên sẵn sàng nhằm thẳng quân thù mà bắn. Trên huy hiệu còn có hình ảnh rừng núi và dòng chữ “Xuân 1954” để ghi đấu trận đánh quan trọng này.

Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên do đồng chí Trần Minh Quang tặng
Đồng chí Trần Minh Quang sinh ngày 24/10/1932 tại Hợp Minh, Trấn Yên, Yên Bái, hiện đang trú quán tại phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay, đồng chí Trần Minh Quang là Trưởng Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng chí nhập ngũ ngày 15/3/1946, biên chế Đại đoàn 2 Chiến khu 10. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí là y tá trưởng, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Qua trao đổi với đồng chí Quang, tôi được nghe đồng chí kể lại: "Tuy thời gian đã trải qua nhiều năm, nhưng tôi còn nhớ rõ hình ảnh những bàn chân của đồng đội bị thương do bom, mìn của địch thả xuống, không đêm nào là không có thương binh bị trúng mìn. Giọng đồng chí nghẹn ngào: "Đau xót nhất là chúng tôi phải xử lý cắt chân đồng đội bị dập nát".
Trong 56 ngày đêm khói lửa tại mặt trận Điện Biên Phủ, với cương vị là y tá trưởng cứu chữa thương binh, bệnh binh, đồng chí Quang đã có hai sáng kiến: Sáng kiến thứ nhất là đơn vị giao cho ông làm chiếc đèn mổ (vì ở chiến trường không có điện), ông lấy chiếc đi-a-mô từ xe đạp cũ để làm mô-tơ phát điện, tìm kiếm dây cao su làm dây cô-roa để quay, bóng đèn đặt trong hòm gỗ chiếu sáng để mổ. Sáng kiến thứ hai là làm dụng cụ rửa tay tự động bằng ròng rọc, dẫn nước bằng ống cao su. Những sáng kiến của đồng chí Quang đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc và cứu chữa thương binh, bệnh binh. Mặc dù không trực tiếp cầm súng nhưng nhiệm vụ của đồng chí Quang nói riêng và của lực lượng quân y nói chung cũng căng thẳng, quyết liệt, đảm bảo sức khỏe và quân số chiến đấu cho các đơn vị. Chính tấm lòng tận tụy, tinh thần trách nhiện cao, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của người thầy thuốc đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại ngày 7/5/1954./.