Chiến tranh đã lùi xa hơn 60 năm, nhưng những chứng tích về một thời “máu lửa” vẫn còn ghi dấu trên mảnh đất Điện Biên. Cùng với sự hiện diện của những di tích như: Đồi A1, cầu Mường Thanh, hầm De Castries, đồi Him Lam… những hiện vật, tài liệu đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng là minh chứng ghi dấu những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng hào hùng của quân và dân ta, góp phần kể lại cho thế hệ sau bản hùng ca chiến thắng của dân tộc.
Trong hàng nghìn hiện vật đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi hiện vật đều chứa đựng một câu chuyện riêng. Trong số những hiện vật góp phần làm nổi bật hệ thống trưng bày của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ phải kể đến chiếc “Xe cút kít” của ông Trịnh Đình Bầm - dân công tỉnh Thanh Hóa. Như hàng triệu nông dân lúc bấy giờ, sau khi được giải phóng khỏi ách thống trị của phong kiến và thực dân, có ruộng đất để cày cấy; ông Bầm cùng gia đình hăng hái tăng gia sản xuất. Khi chiến dịch Ðiện Biên Phủ diễn ra, gia đình ông tích cực đóng góp gạo nuôi quân và tiên phong đi dân công phục vụ chiến dịch. Ngày ấy, phương tiện đi lại vô cùng khó khăn, thiếu thốn nói gì đến việc có xe để vận chuyển lương thực, thực phẩm lên phục vụ chiến dịch. Ðể có phương tiện vận chuyển lương thực, ông Bầm đã tự tay đóng chiếc xe cút kít cho mình. Càng xe làm bằng gỗ, có hai chân chống bằng tre, bánh xe có đường kính 75cm, được ghép từ ba mảnh gỗ, trong đó có một mảnh sơn son thiếp vàng có những đường hoa văn đỏ, vàng xen lẫn rất đẹp. Đó chính là mảnh gỗ được lấy lừ bàn thờ tổ tiên của gia đình ông. Theo tín ngưỡng của người dân Việt Nam, bàn thờ tổ tiên là nơi quan trọng, thiêng liêng, là nơi “bất khả xâm phạm”; là nơi để con cháu trong gia đình bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ tổ tiên. Mặc dù biết là “phạm huý” với tổ tiên, nhưng vì lòng căm thù giặc sâu sắc, tất cả vì độc lập tự do của dân tộc, ông Bầm đã tháo cả bàn thờ tổ tiên của gia đình ghép lại thành chiếc bánh xe cút kít để vận chuyển lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong một lần đến thăm quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, sau khi nghe thuyết minh về chiếc xe cút kít, một du khách nước ngoài không khỏi ngạc nhiên và thán phục đã thốt lên rằng: “Một dân tộc giám hy sinh cả tín ngưỡng của mình để giành lấy độc lập tự do, thì dân tộc ấy tất sẽ giành thắng lợi”. Và quả nhiên là vậy, chiếc xe cút kít tưởng chừng như đơn giản, thô sơ và vô tri nhưng trong đó lại chứa đựng cả một tinh thần yêu nước và khao khát giành độc lập tự do bằng bất cứ giá nào.
Chiếc xe cút kít đã gắn bó với ông Trịnh Đình Bầm trong suốt 4 tháng, trên đoạn đường dài 20km từ kho lương Sánh Lược đi lên phố Cống tới Trạm Luồng. Ông Trịnh Đình Bầm đã nâng tải trọng xe của mình từ 200kg lên đến 280kg trên một chuyến và ông đã vận chuyển được 12.000kg lương thực phục vụ chiến dịch. Với thành tích trên, ông được Hội đồng Cung cấp Liên khu 4 tặng bằng khen và được tuyên dương trước toàn tỉnh Thanh Hóa.

Hiện vật Chiếc xe Cút kít
Một câu chuyện khác cũng khiến du khách không khỏi xúc động và thán phục trước ý chí của những người dân công, đó là câu chuyện về chiếc “Xe đạp thồ” của ông Ma Văn Thắng - dân công tỉnh Phú Thọ. Để đảm bảo một khối lượng lớn về lương thực, vũ khí, đạn dược cho chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng vạn dân công đã được huy động lên đường vận chuyển lương thực, trong số đó có ông Ma Văn Thắng quê ở xã Thanh Minh, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Ông được phân công làm đoàn trưởng đoàn xe đạp thồ tỉnh Phú Thọ gồm 100 người, có phiên hiệu là T20. Nhiệm vụ chính của Đoàn T20 là chở hàng từ kho Âu Lạc (Yên Bái) lên chân đèo Pha Đin (Sơn La). Với quãng đường dài hơn 200km phải vượt qua rất nhiều cây cầu, con suối và đèo cao nhưng đoàn xe đạp thồ của ông Ma Văn Thắng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vận chuyển lương thực đúng thời hạn. Trung bình mỗi chiếc xe vận chuyển được từ 100 đến 150kg lương thực. Nhưng riêng ông Ma Văn thắng đã nâng tải trọng chiếc xe đạp thồ của mình lên đến 337 kg trên một chuyến. Sở dĩ chiếc xe đạp thồ có tải trọng như vậy là do ông Ma Văn thắng đã có sáng kiến chế tạo cho xe thêm rất nhiều bộ phận như: “tay ngai”, “tay phanh”, “lốp kép”; phía trước ghi đông có một chiếc giá bằng sắt, dùng để những ống bơ chứa lương thực, đó là khẩu phần ăn giành cho quá trình đi đường của mình, còn toàn bộ số lương thực phía sau giành cho mặt trận. Chính những chiếc xe đạp thồ thô sơ này đã trở thành một loại “vũ khí đặc biệt” của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ và không một người Pháp nào có thể ngờ tới, một chiếc xe đạp do chính họ sản xuất khi được gia cố lại vành, săm, lốp, nan hoa tới tay cầm đã trở thành phương tiện có sức chở ghê gớm đến vậy. Với sáng kiến và thành tích chở gạo của mình, ông Thắng đã trở thành tấm gương được nhiều dân công khác học tập. Kết thúc chiến dịch, đoàn xe đạp thồ T20 đã vận chuyển được 85 tấn hàng cho mặt trận, vượt chỉ tiêu 15% và được tặng thưởng cờ Nông lâm Quốc tế. Riêng ông Ma Văn Thắng vận chuyển được 3.700 kg hàng hóa trên tổng chiều dài 2.100km đường rừng núi và chiếc xe của ông đã trở thành chiếc xe đạp thồ đạt năng suất cao nhất trong chiến dịch. Với thành tích nổi bật ông Ma Văn Thắng đã được Ban chỉ huy chiến dịch và Ban Cung cấp mặt trận tặng thưởng 2 Bằng khen, 1 Huân chương chiến công hạng Ba.

Hiện vật xe đạp thồ
Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, chính Navarre đã phải thốt lên rằng: Một trong những lý do khiến ông ta thất bại trong chiến dịch Điện Biên Phủ lại chính bởi những chiếc xe đạp thồ thô sơ, đơn giản, được điều khiển bởi những người dân công Việt Minh ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, ngủ ngay trên những mảnh lilon dải ở bìa rừng, nhưng lại có khả năng điều khiển những chiếc xe đạp có trọng tải hàng trăm kg, đã đánh bại các loại vũ khí tối tân hiện đại như xe tăng, pháo lớn của Quân đội Pháp. Đây là một phương tiện có vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển lương thực, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Nếu như câu chuyện về chiếc “Xe đạp thồ” của ông Ma Văn Thắng thể hiện ý chí, nghị lực và lòng quyết tâm của người dân công thì câu chuyện kể về chiếc “máy điện thanh” của chiến sĩ thông tin Chu Văn Mùi lại thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường, quả cảm, không quản ngại hy sinh quyết tâm giữ vững thông tin liên lạc trên mặt trận. Trong đợt tấn công thứ hai của chiến dịch Điên Biên Phủ, nhiệm vụ của ta là tiêu diệt các cao điểm phía Đông, tiến tới triệt đường bay, đường tiếp tế, thu hẹp phạm vi chiếm đóng và vùng trời của Phân khu Trung Tâm. Nếu như tại các cứ điểm khác ta nhanh chóng mở cửa và tiêu diệt lực lượng địch chỉ sau vài giờ chiến đấu, thì tại cứ điểm A1 lại xuất phát chậm hơn và vấp phải hỏa lực mạnh của địch nên quân ta bị thương vong nhiều. Cuộc chiến đấu tại đây diễn ra vô cùng ác liệt, địch liên tục tăng viện lực lượng và không quân, tiến hành nhiều cuộc phản kích hòng chiếm lại các vị trí ta chiếm được trước đó. Trong một đợt đánh chặn địch, Đại đội trưởng Bảo Sằng hy sinh, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hùng Sinh bị thương, mất liên lạc với đại đoàn. Đồng chí Chu Văn Mùi được giao nhiệm vụ về phòng ngự và nối đường dây liên lạc tại A1. Anh đã sử dụng chiếc máy điện thanh nặng 25 kg để nối liên lạc với Trung đoàn trưởng. Trong quá trình di chuyển có những lúc anh phải giả chết, bò trên xác đồng đội để vượt qua làn mưa bom bão đạn của quân thù. Sau 3 ngày đêm chiến đấu căng thẳng, mệt mỏi, không thức ăn, nước uống, bị cô lập với mặt trận phía sau, đồng chí Mùi đã phải dùng bát sắt hứng nước giải của mình uống làm dịu cơn khát để tiếp tục chiến đấu. Chính đồng chí Chu Văn Mùi đã tìm thấy đồng chí Nguyễn Hùng Sinh bị thương đang nằm trong hầm. Nhờ chiếc máy điện thanh của đồng chí Chu Văn Mùi mà đường dây liên lạc từ Trung đoàn trưởng đến Đại đoàn được nối lại trên đồi A1, đồng chí Nguyễn Hùng Sinh đã liên lạc với các trận địa pháo của ta bắn và ngăn chặn nhiều đợt tấn công của địch. Chiến công của đồng chí Chu Văn Mùi đã góp phần làm nên chiến thắng giòn giã tại cứ điểm A1. Ngày 31/5/1955 đồng chí Chu Văn Mùi được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và tặng thưởng 01 Huân chương Quân công Hạng Ba và 9 lần được đại đoàn, trung đoàn khen.

Hiện vật Máy điện thanh
Bên cạnh chiếc “Máy điện thanh” thì “Chiếc áo lụa” của đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung - người trực tiếp chỉ đạo đội công binh M83 đào đường hầm đặt bộc phá trên đồi A1 cũng ẩn chứa một câu chuyện riêng. Nguồn gốc của chiếc áo lụa này là của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kiến An, Hải Phòng tặng Bác Hồ nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/1946. Đây là món quà ý nghĩa mà Bác Hồ đã nâng niu và trân trọng trước những tình cảm của chị em Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng dành cho Bác. Đến năm 1953, Bác đã tặng lại chiếc áo lụa này cho đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, bởi ông đã có thành tích xuất sắc trong việc phá bon nổ chậm để mở đường vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là phần thưởng xứng đáng, là niềm tự hào của đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung. Trên đường hành quân cũng như khi làm nhiệm vụ phá bon nổ chậm, đồng chí luôn mặc chiếc áo này để tự khuyến khích bản thân mình cũng như động viên tinh thần anh em trong đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt trong trận đánh tại cứ điểm A1, đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung được giao nhiệm vụ chỉ huy đội công binh M83 bí mật đào đường hầm ngầm để đặt bộc phá. Việc đào hầm gặp rất nhiều khó khăn, vất vả vì đất đồi cứng và nhiều đá sỏi, ta lại đào ngay dưới tầm hỏa lực của quân Pháp. Càng đào vào sâu càng thiếu dưỡng khí, nhiều chiến sỹ đã bị ngất trong quá trình đào. Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung đã nghĩ tới chiếc áo lụa của Bác trao tặng mà mình luôn mặc và hình ảnh Bác như hiện ra trước mắt, từ đó tiếp thêm sức mạnh cho đồng chí và đồng đội, mọi mệt nhọc và khó khăn đều tan biến. Đường hầm đã nhanh chóng hoàn thành, khối thuốc nổ được đưa vào điểm hỏa, tiếng nổ của khối bộc phá khiến cho quân pháp hoang mang, hoảng loạn. Chớp thời cơ các đơn vị của ta nhanh chóng tiêu diệt gọn A1. Chiến thắng A1 đã góp phần tạo điều kiện cho các đơn vị của ta tiến tới tổng công kích tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào ngày 07/5/1954. Ngày 21/10/2014, đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Hiện vật Chiếc áo lụa
Đó mới chỉ là một số những hiện vật tiêu biểu trong hàng nghìn hiện vật đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; là minh chứng cho cuộc chiến đấu gian khổ nhưng hào hùng của dân tộc Việt Nam. Sự hiện hữu của các hiện vật là nhân chứng đang âm thầm kể lại cho thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống kiên cường, lòng quả cảm và quyết tâm tiêu diệt kẻ thù, giải phóng đất nước bằng bất cứ giá nào của dân tộc Việt Nam./.