Công tác kiểm kê hiện vật là khâu công tác quan trọng của Bảo tàng, là khâu then chốt ban đầu trong hoạt động của kho lưu giữ hiện vật, được thực hiện theo một quy trình thống nhất, khoa học.
Qua đó, thống kê được số lượng hiện vật đang được lưu giữ và bảo quản trong kho, giúp cho việc tìm kiếm, tra cứu thông tin liên quan đến hiện vật một cách nhanh chóng và chính xác.
Đồng thời, phát hiện ra những tài liệu, hiện vật còn thiếu trong kho bảo quản, để xây dựng kế hoạch sưu tầm hiện vật bổ sung; thực hiện việc đánh số ký hiệu kiểm kê phù hợp trên từng chất liệu hiện vật, mô tả hiện vật, lập danh mục hiện vật bị xuống cấp để có phương pháp bảo quản phù hợp nhằm duy trì tuổi thọ cho tài liệu, hiện vật, cung cấp thông tin phục vụ công tác trưng bày, thuyết minh.
Tính đến năm 2019, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có hơn 4.000 hiện vật gốc với nhiều chất liệu, có thành phần cấu tạo, nguồn gốc, hình dáng khác nhau, công tác kiểm kê hiện vật của bảo tàng đang từng bước được hoàn thiện hồ sơ khoa học; cán bộ thực hiện công tác kho vẫn duy trì cách làm truyền thống là quản lý hồ sơ hiện vật trên sổ sách, bước đầu nhập dữ liệu quản lý thông tin về hiện vật trên máy tính.
Đối với các hiện vật sau khi sưu tầm về bảo tàng sẽ được xây dựng hồ sơ hiện vật với đầy đủ các thông tin về hiện vật, sau đó trình Hội đồng khoa học của Bảo tàng xem xét và thẩm định. Trên cơ sở văn bản thẩm định của Hội đồng Khoa học, cán bộ sưu tầm và cán bộ kiểm kê, bảo quản thống nhất nội dung và ký xác nhận trên Biên bản bàn giao hiện vật, và trình Giám đốc Bảo tàng ra quyết định nhập kho tạm của bảo tàng với các hồ sơ kèm theo.
Quy trình kiểm kê hiện vật của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hiện nay được tiến hành theo các bước sau:
Bước 1: Kiểm kê bước đầu
Hiện vật nhập kho tạm sẽ được phân loại, bảo quản sơ bộ, vào sổ đăng ký hiện vật tạm thời; cuối cùng là vào sổ đăng ký hiện vật trở thành hiện vật bảo tàng. Hiện vật sau khi được ghi vào sổ đăng ký hiện vật sẽ tiếp tục được cán bộ kho ghi vào các sổ phân loại hiện vật theo chất liệu.
Bước 2: Kiểm kê khoa học
Sau khi đăng ký, đánh số, các hiện vật mới sưu tầm được sắp xếp vào các kho bảo quản theo chất liệu tương ứng; lập phiếu kiểm kê khoa học, bước đầu nhập dữ liệu quản lý thông tin về hiện vật trên máy tính.
Hiện nay, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thực hiện việc đánh số hiện vật và sử dụng các loại sổ sách (sổ đăng ký hiện vật, sổ phân loại hiên vật), biểu mẫu khoa học được áp dụng theo Quyết định số 70/2006/QĐ-BVHTT về việc ban hành quy chế kiểm kê hiện vật bảo tàng ngày 15/9/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Ngoài những loại sổ chính như trên, Bảo tàng còn có các loại sổ theo dõi xuất - nhập tài liệu, hiện vật; phiếu xuất nhập hiện vật.
Trong những năm qua, hoạt động kiểm kê tài liệu, hiện vật của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã có nhiều cố gắng dần vào nề nếp, đã có sự thống nhất trong việc sử dụng các loại sổ sách, phích phiếu dùng trong công tác kiểm kê nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác kiểm kê tài liệu, hiện vật của bảo tàng, cần đầu tư hơn nữa về kinh phí, trang thiết bị cho công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật, xây dựng các sưu tập hiện vật; chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, đề xuất định hướng sưu tầm hiện vật đối với những mảng còn trống, từ đó nâng cao chất lượng hiệu quả công tác sưu tầm nhất là khâu ghi chép, lập hồ sơ khoa học cho hiện vật. Hệ thống kho bảo quản còn chật hẹp trong khi khối lượng hiện vật quá lớn làm cho hiện vật thiếu không gian để sắp xếp khoa học, gây khó khăn cho công tác kiểm kê, bảo quản. Vì vậy trong lương lai, kho cơ sở của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cần được nâng cấp trang thiết bị, mở rộng diện tích để bảo quản và lưu giữ nhằm kéo dài tuổi thọ cho hiện vật, đảm bảo tính khoa học, có thể hướng đến hệ thống kho mở trong tương lai. /.