Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng được coi như là xứ sở của hoa Ban. Cứ mỗi độ xuân về, hoa Ban lại bung cánh bừng nở trắng muốt trên những vạt núi, sườn đồi làm sáng bừng lên sức sống cho núi rừng.

Không chỉ chứa đựng vẻ đẹp tinh khôi, cây Ban còn mang trong mình sức sống mãnh liệt, dù trên đất khô cằn hay bám vào vách đá cheo leo, cứ qua mùa đông giá rét cây Ban lại trỗi dậy đâm chồi nảy lộc, nở hoa kết trái. Chính vì vậy, từ ngàn đời nay, rất tự nhiên hoa Ban đã đi vào đời sống văn hóa tinh thần của nhiều dân tộc tụ cư trên mảnh đất Điện Biên, trong đó tiêu biểu là dân tộc Thái. Họ yêu mến vẻ đẹp, trân trọng sức sống bền bỉ của hoa Ban. Để rồi từ đó, thông qua kho tàng văn học dân gian và những làn điệu dân ca, dân vũ, hình ảnh hoa Ban đã đi sâu vào tiềm thức, đời sống tinh thần đồng bào dân tộc nơi đây, tạo nên mối liên kết, giao hòa vô hình giữa hoa Ban và tâm hồn, cốt cách cư dân bản địa.

Truyền thuyết hoa Ban gắn liền với chuyện tình yêu mãnh liệt nhưng cũng đầy nước mắt giữa nàng Ban và chàng Khum. Chuyện kể rằng, ngày xưa vùng Tây Bắc có một cô gái tên Ban, xinh đẹp, nết na và có giọng hát mê đắm lòng người. Nhiều trai mường ngấp nghé nhưng trái tim nàng đã trao gửi cho chàng Khum, giỏi săn bắn và làm nương. Nhưng cha Ban chê  Khum nghèo nên đã gả cô cho con trai tạo mường vừa gù vừa lười biếng. Thấy cha cùng nhà tạo mường bàn chuyện cưới hỏi, nàng Ban chạy tìm người yêu cầu cứu. Đúng lúc chàng Khum đi xa. Tuyệt vọng, nàng Ban bèn buộc chiếc khăn piêu của mình vào cầu thang nhà Khum rồi vượt núi, vượt đèo tìm chàng. Nàng đi hết núi này, rừng khác gọi tên người yêu đến khản cả giọng, nhưng chàng ở xa nào có nghe thấy.Cuối cùng, kiệt sức, nàng gục xuống chết trên núi. Nơi đó sau này mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt vào mùa xuân. Dân các bản mường liền gọi là hoa Ban và coi đó là loài hoa tượng trưng cho hoa tình yêu chung thuỷ. Còn chàng Khum trở về thấy nàng đã bỏ đi, bèn theo tìm. Cuối cùng, chàng cũng kiệt sức mà chết, hoá thành con chim sống lẻ loi. Cứ đến mùa xuân, khi hoa Ban nở, chim lại cất tiếng gọi bạn tình da diết. Từ đó, mỗi khi xuân về, hoa Ban nở trắng núi rừng, trai  gái  vùng Tây Bắc lại rủ nhau đi hội, ca hát, múa xoè và bày tỏ tình yêu đôi lứa. Và từ sự tích về tình yêu trắng trong, chung thủy đó nàng Ban đã đi vào thơ ca của dân tộc Thái như một biểu tượng của tình yêu lứa đôi muôn đời.

Với sự gắn bó giữa hoa Ban và đời sống của nhân dân các dân tộc Điện Biên - Tây Bắc, trong đó tiêu biểu nhất là đồng bào dân tộc Thái, hình ảnh hoa Ban đã trở thành một loài hoa mang tính biểu tượng đẹp đẽ. Nét tinh khôi của hoa Ban tượng trưng cho vẻ đẹp xuân sắc, trong trắng của người con gái. Hoa Ban cũng là biểu trưng nhằm tôn vinh, minh chứng cho tình yêu bất diệt, thể hiện ước vọng ngàn đời của cộng đồng các dân tộc về hạnh phúc vĩnh cửu, vượt qua mọi lễ giáo, rào cản, định kiến xã hội và những khó khăn của cuộc sống. Không chỉ vậy, sức sống mạnh mẽ, vẫn xanh tươi trên vách núi đồi của hoa Ban còn là biểu tượng cho khát vọng vươn lên, chinh phục thiên nhiên, làm chủ bản mường của nhân dân các dân tộc Điện Biên.

Từ những ý nghĩa đầy nhân văn đó, đã hình thành nên thái độ ứng xử văn hóa của người dân Điện Biên với loài hoa Ban: vừa yêu mến, gần gũi, vừa trân trọng, tôn vinh; coi giữ gìn và phát triển loài hoa ban như giữ gìn truyền thống, nét văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.

Kế thừa tình cảm và thái độ ứng xử văn hóa với loài hoa Ban từ bao đời, đến nay, tỉnh Điện Biên chủ trương tôn vinh hoa Ban với mong muốn loài hoa này sẽ trở thành biểu tượng văn hóa cho mảnh đất, con người Điện Biên. Qua đó, cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, hoa Ban sẽ góp phần trở thành biểu tượng để tôn vinh các giá trị di sản văn hóa, giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh đến với du khách trong và ngoài nước.

 Điện Biên chọn ngày 13/3 hàng năm là ngày tổ chức Lễ hội Hoa Ban vì đây là thời điểm hoa Ban nở trắng rừng Tây Bắc. Và cũng vào ngày này năm 1954, tại Điện Biên Phủ đã diễn ra trận đánh mở màn của Quân đội nhân dân Việt Nam vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17h ngày 13/3/1954 quân đội Việt Nam mở màn đánh vào cứ điểm Him Lam. Sau hơn 5 giờ chiến đấu các chiến sỹ thuộc trung đoàn141 và trung đoàn 209, đại đoàn 312 đã tiêu diệt và làm chủ hoàn toàn cứ điểm mở toang “cánh cửa thép” tiến vào phân khu trung tâm. Trong trận đánh này xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, nổi bật là Tiểu đội phó Phan Đình Giót, người anh hùng đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai tại mỏm 2 tạo điều kiện cho đồng đội tiến lên tiêu diệt địch. Trận thắng Him Lam là trận mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng góp phần làm lên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Lễ hội Hoa Ban được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014 nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đến nay Lễ hội Hoa Ban đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên của tỉnh Điện Biên. Lễ hội Hoa Ban là ngày hội của nhân dân nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, đồng thời là cơ hội quảng bá thiên nhiên, con người và hình ảnh hoa Ban – biểu tượng của vùng Tây Bắc đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 698.087
      Online: 50