Đồng chí Nguyễn Văn Bạch sinh năm 1924 trong một gia đình nông dân nghèo thuộc thôn Đoàn, xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Thuở nhỏ, nhà nghèo, mới 15 tuổi, Nguyễn Văn Bạch đã phải đi chăn trâu và cày thuê gánh mướn cho nhà giàu lấy gạo, lấy tiền đỡ đần bố mẹ nuôi các em. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước chưa thực sự có hòa bình. Ngày 12/6/1949, Nguyễn Văn Bạch tình nguyện đi đánh giặc. Đồng chí cùng đơn vị tham gia chiến đấu trong nhiều chiến dịch và được chỉ huy tin cậy giao cho các nhiệm vụ: Đảm nhiệm bắn súng Badoka ở chiến dịch Lê Hồng Phong; đánh mìn chặn đường tiếp viện của địch ở Chiến dịch Biên giới Cao - Bắc - Lạng; đi xây dựng Sở chỉ huy chiến dịch Trần Hưng Đạo ở núi Tam Đảo; tháo gỡ bom mìn ở chiến dịch Tây Bắc và Thượng Lào…
Tháng 3/1951, Nguyễn Văn Bạch được điều động làm Tiểu đội trưởng đơn vị “đặc biệt” mới thành lập, gọi tắt là đội M83 do Đại đội trưởng Nguyễn Phú Xuyên Khung chỉ huy. Nhiệm vụ của đội là phá bom nổ chậm và bom bươm bướm ở dốc Pha Đin, đèo Bản Chẹn.
Trong chiến dịch Điện Phủ, ngày 30/3/1954 ta tiếp tục mở đợt tấn công thứ hai vào các cao điểm phía Đông. Tại đồi A1, cuộc chiến giằng co diễn ra rất ác liệt, hai bên giành nhau từng tấc đất. Ta cũng xác định muốn giải phóng Điện Biên Phủ bằng mọi cách phải chiếm được đồi A1.
Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chọn phương án đào hầm ngầm vào sâu trong lòng đồi tới tận chân lô cốt địch để đánh bộc phá. Một kế hoạch cụ thể được xây dựng, theo đó ta sẽ đào đường hầm ngầm từ phía trận địa ta đến chân lô cốt địch, sau đó đặt khối bộc phá nặng gần 960kg để đánh sập lô cốt địch. Đơn vị thực hiện nhiệm vụ đào hầm ngầm và đánh bộc phá là Đại đội công binh M83 (thuộc Trung đoàn công binh 151, Đại đoàn 351) do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung làm Đại đội trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Bạch là Tiểu đội trưởng. Đêm ngày 20/4, công việc đào hầm ngầm bắt đầu. Để đảm bảo bí mật, an toàn cho hầm ngầm, công việc ngụy trang cửa hầm được làm rất công phu; ngoài cửa hầm có mái che phủ đất để vừa chống lựu đạn và mảnh pháo từ trên cao ném xuống vừa che mắt địch; đất đá đào ra đều cho vào túi dù đưa ra ngoài, sau khi đổ còn ngụy trang rất kỹ. Càng đào vào sâu, công việc càng khó khăn vì vừa thiếu ánh sáng vừa thiếu không khí, nên bộ đội phải liên tục thay nhau ra ngoài để thở. Vừa đào hầm, Đại đội công binh M83 vừa lo đi tìm bom chưa nổ để gỡ thuốc làm bộc phá vì theo thiết kế, khối bộc phá phải đủ 1 tấn thuốc nổ mới đủ mạnh để đánh sập lô cốt địch, nhưng lúc ấy trong kho chỉ còn có 500kg. Lúc đó, đồng chí Nguyễn Văn Bạch đang đào hầm ngầm cùng đồng đội thì chỉ huy giao cho nhiệm vụ dẫn 3 chiến sĩ có kinh nghiệm bí mật di chuyển đến chiếc máy bay B24 của địch bị ta bắn rơi gần Bản Kéo để tháo gỡ 05 quả bom trong máy bay chưa nổ, lấy được gần 500kg thuốc nổ. Kiếm xong thuốc nổ, Nguyễn Văn Bạch cùng 3 chiến sĩ lại về đồi A1 tiếp tục đào hầm ngầm cho kịp kế hoạch tác chiến đã định.
Ngày 05/5, đường hầm ngầm hoàn thành cũng là lúc khối bộc phá đã chuẩn bị xong với 5 nụ xòe để đảm bảo chỉ cần điểm hỏa một lần cả khối bộc phá sẽ đồng loạt phát nổ. Đồng chí Nguyễn Văn Bạch được Đại đội trưởng Nguyễn Phú Xuyên Khung giao cho nhiệm vụ quan trọng, là điểm hỏa khối bộc phá nặng 960kg - đây là quả bộc phá lớn nhất của quân ta dùng trong thời kỳ đánh Thực dân Pháp.
Đêm ngày 06/5/1954, theo hợp đồng tác chiến, lúc nào pháo binh ta bắn dồn dập lên đồi A1 chính là lệnh cho đồng chí Nguyễn Văn Bạch giật nụ xòe bộc phá, mệnh lệnh được thực hiện vào lúc 20 giờ 30 phút. Giật nụ xòe bộc phá xong, đồng chí Bạch chạy trong giao thông hào về nơi an toàn, chạy được một đoạn ngắn thì khối bộc phá đã nổ làm rung chuyển đất trời Mường Thanh. Cột khói bốc cao ngùn ngụt, màu đen ngòm. Bất ngờ một tảng đất rơi vào chân làm Nguyễn Văn Bạch đau điếng nhưng vẫn phải cố bò về đơn vị để báo tin vui cho đồng đội. Nhìn lên đồi, đồng chí Nguyễn Văn Bạch đã thấy bộ đội ta trong chiến hào từ các hướng ào ạt xông lên giải phóng đồi A1. Về đến đơn vị, đồng chí Nguyễn Văn Bạch được cán bộ, chiến sĩ đội M83 đón mừng như một người mới cải tử hoàn sinh trở lại nhà.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Nguyễn Văn Bạch luôn gan dạ, dũng cảm trong chiến đấu, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng danh “Anh cảm tử quân” của mặt trận Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.
Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Bạch được Nhà nước tặng hai Huân chương Chiến công hạng Ba với một dòng chữ "Để tưởng lệ công trạng với Tổ quốc" dành cho hai thành tích xuất sắc: phá bom nổ chậm ở đèo Bản Chẹn và giật nụ xòe khối bộc phá ở đồi A1.
Với thành tích nổi bật trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí Nguyễn Văn Bạch còn được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ngày 23/02/2010, đồng chí Nguyễn Văn Bạch được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân theo Quyết định 212/QĐ-CTN của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.