Ngày 04/4/1954, Đại tướng Henri Navarre, Tư lệnh quân Viễn chinh Pháp ở Đông Dương ra bản Nhật lệnh số 8 gửi các lực lượng lục quân, hải quân, không quân dưới quyền. Nhiều nhà báo Pháp có mặt ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thời ấy đã bày tỏ phản ứng phản đối bản Nhật lệnh này.
Bản Nhật lệnh số 8 của Đại tướng Henri Navarre hiện đang trưng bày ở Nhà trưng bày Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Xin được trích dịch ít đoạn trong bản Nhật lệnh này:
"... Dưới sự chỉ huy của Đại tá De Castries, nhiều tuần qua những đơn vị quân đội liên hiệp Pháp chiến đấu ở Điện Biên Phủ đã ngày đêm đẩy lùi nhiều cuộc tiến công ác liệt của một đối phương có số quân đông hơn ta gấp bội.
Những hy sinh anh dũng của những người ngã xuống,lòng dũng cảm tuyệt vời của các chiến binh đã góp thêm chiến thắng mới cho vinh quang của quân đội ta...
Họ xứng đáng được thế giới tự do ngưỡng mộ... Lòng dũng cảm của họ là một mẫu mực mãi xứng đáng được nêu gương, đáng được tổ quốc tự hào và biết ơn...".
Khi đọc bản Nhật lệnh số 8 của tướng Henri Navarre, một số nhà báo, nhà văn Pháp sống trong những căn hầm xung quanh Sở Chỉ huy Điện Biên Phủ ở Mường Thanh cho biết: những binh sĩ Pháp, Châu Phi, ngụy Việt, ngụy Thái... có mặt ở lòng chảo Điện Biên Phủ đã thấy rất rõ những lời động viên trong bản Nhật lệnh chỉ đánh lừa được những người ngoài cuộc ở Hà Nội, Sài Gòn ...
Nhà văn Becnard Fall dẫn lời trung sĩ Ku-bi-ắc nói về buổi chiều ngày 13/3/1954, khi Việt Minh mở màn chiến dịch, tấn công đồn Béatrice (Him Lam):
"Vào khoảng 16 giờ 15 phút, tôi ngồi trong một căn hầm kiên cố, chạm cốc với một anh bạn thì có lệnh về vị trí chiến đấu. Tôi về ngay căn hầm của mình. Đúng là giờ tận thế đã tới ... Tôi có cảm giác Béatrice bay lên trời tan thành tro bụi ... Chúng tôi nói với nhau không biết Việt Minh lấy ở đâu mà nhiều pháo đạn đến thế. Đạn pháo đối phương nã xuống đầu chúng tôi như một cơn mưa đá ... Các lô cốt, đường hào trong cứ điểm lần lượt bị bắn sập, chôn vùi cả người lẫn vũ khí".
Ông Becnard Fall cho biết tiếp chỉ trong 5 ngày chiến đấu từ 13/3 đến 17/3, cả 3 cứ điểm kiên cố ở Bắc Điện Biên Phủ là Him Lam, Độc Lập, Bản kéo đã bị xoa sổ. Các sĩ quan chỉ huy Pegó, Pác-đi, Gô-xê bị tử trận; Méc-cơ-nem, bị bắt làm tù binh, hầu hết các tiểu đoàn Thái ở Bản Kéo không tuân lệnh chỉ huy Cờ-lác Săm, đã kéo cờ trắng ra đầu hàng. Trung tá Tờ-răng-cát nhăc đến câu nói của chỉ huy pháo binh Piroth nói trước khi Piroth tự sát:"... Tôi đã mất hết danh dự khi bị De Castries khiển trách vì tôi đã hứa với ông là sẽ đánh bại pháo binh Việt Minh thế mà bây giờ tình thế lại hoàn toàn ngược với lời tôi đã hứa. Tôi buộc lòng phải ra đi... ".
Nhiều nhà báo đưa tin thất bại của quân Pháp những ngày cuối tháng 3/1954:
"Thứ sáu 19/3 phát hiện những đường hào mới của Việt Minh đào cách Nam sân bay Mường Thanh 600m về phía Tây. Nhiều đội tuần tra của ta bị pháo đối phương bắn chặn. 15 giờ, một bức điện của chỉ huy gửi tướng Cogny ở Hà Nội trong đó có đoạn đề nghị khi Điện Biên Phủ thất thủ, xin được ra lệnh cho trung tá Lalande phá hủy toàn bộ pháo rồi mở đường rút chạy về phía Lào.
Tướng Cogny đã được xem những tấm ảnh chụp từ máy bay thấy rõ các đường hào của Việt Minh dần vây chặt, bóp nghẹt khu chỉ huy trung tâm Mường Thanh".
"Sáng thứ tư 24/3, trung tá Keller, Tham mưu trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, sau một cơn hoảng loạn thần kinh, phải đưa lên lên máy bay về Hà Nội ".
"Sáng thứ bảy 27/3, chiếc Dakota số 267 của đại úy phi công Đa-ti-gớt bị bắn rơi ở Nam Eliane 3. Cả 7 người trong phi hành đoàn đều bị chết. 1 giờ 50 phút chiều chiếc Dakota của phi đoàn vận tải 2/63 bị cao xạ đối phương bắn cháy ".
"Chủ nhật 28/3, thiếu tá Bờ-lăng-sơ, chỉ huy phó lữ đoàn 1/64 bay trên chiếc máy bay Đen-ta Cô-ca, chuẩn bị hạ cánh xuống Mường Thanh lúc 3 giờ 45 phút sáng thì bị cao xạ Việt Minh bắn dữ dội. Các cọc chuẩn hướng dẫn đường bay đã bị pháo đối phương bắn hỏng nên tuy máy bay hạ cánh được xuống Mường Thanh nhưng bị vỡ một thùng dầu. Lúc 13 giờ, định bay về Hà Nội thì máy bay của Bờ-lăng-sơ bị pháo binh Việt Minh bắn cháy. Pháo binh Việt Minh đã bắn với một mức chính xác tuyệt vời. Người ta nghĩ không quân Pháp sẽ còn bị đối phương gây nhiều khó khăn".
Trên đây là một số dòng ghi có tính biên niên trung thực của một số nhà báo, nhà văn Pháp có mặt ở Chỉ huy sở Trung tâm Mường Thanh ghi lại những sự việc xẩy ra trước khi bản nhật lệnh số 8 của tướng Navarre được gửi đến Điện Biên Phủ có ít ngày.
Do đó những lời động viên trong Nhật lệnh không còn có tác dụng gì đối với họ.
Những lời động viên xuông. Những ảo vọng không thể thực hiện.
Đại tướng bốn sao Henri Navarre có lẽ cũng cảm giác thấy khó có thể che giấu nổi những thất bại trong cuộc chiến ở Điện biên Phủ nên có thêm mấy câu kết trong Nhật lệnh:
"Tôi biết rất rõ cái ác liệt trong cuộc chiến đấu ngăn chặn kẻ thù của chúng ta thực hiện những ảo tưởng chiến tranh của họ.
Tôi cảm ơn và kêu gọi các sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ các lực lượng lục quân, hải quân, không quân hãy noi gương các chiến binh Điện Biên Phủ tiếp tục cố gắng cho đến ngày thắng lợi mà tôi tin chắc sẽ đến với chúng ta.
Henri Navarre "
Ông Navarre cho rằng tinh thần quyết chiến quyết thắng của đối phương là những "ảo tưởng". Ông quá hy vọng vào cái thắng lợi sẽ đến với quân Pháp.
Nhưng mọi điều đều đã đi ngược với những suy nghĩ của ông.
Các phóng viên báo chí sống trong Chỉ huy sở trung tâm Mường Thanh đã lần lượt trung thực công bố những thất bại của quân Viễn chinh Pháp trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trên những bản sơ đồ của đối phương vẽ mà quân ta đã chiếm được sau chiến thắng Điện Biên Phủ.
Theo dõi trên những sơ đồ đó, từng thời gian lần lượt vòng vây lửa của các chiến sĩ Điện Biên Phủ Việt Nam xiết chặt quanh hầm của tướng De Castries cho đến khi tấm sơ đồ có ghi dòng chữ : "Trận chiến kết thúc chiều 07/5/1954".
Trên sơ đồ, anh em ta thấy xác định vị trí hầm tướng De Castries có lá cờ Pháp, quanh hầm tướng De Castries là những mũi tên chỉ hướng tấn công của quân ta .
Chiều ngày 07/5/1954, sau khi tướng De Castries cùng toàn bộ sĩ quan tham mưu Tập đoàn cứ điểm được dẫn ra khu tập trung tù hàng binh, một số chiến sĩ Điện Biên Phủ của ta đã lấy được bản Nhật lệnh số 8 nói trên trong hầm tướng De Castries.
Anh em dịch và đọc cho nhau nghe những dòng cuối của bản Nhật lệnh:
"Tiếp tục cố gắng cho đến ngày thắng lợi mà tôi tin chắc sẽ đến với chúng ta.
Ký tên: Henri Navarre ".
Mọi người cười nói:
"Đấy mới thực là những ảo tưởng không thể thực hiện của Tướng Navarre".