Chiến dịch Điện Biên Phủ là thắng lợi lớn nhất, có tính chất quyết định trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta. Đến nay sau nhiều thập kỷ nhìn lại, ta nhận thấy có rất nhiều nhân tố đưa đến thắng lợi quan trọng đó từ khách quan tới chủ quan. Về mặt quân sự, từ nhiều năm trước Điện Biên Phủ, ta đã vận dụng đường lối chiến tranh nhân dân, đưa nhiệm vụ đấu tranh không chỉ của riêng quân đội mà của toàn dân, trên tất cả các lĩnh vực. Và thực tế lịch sử đã chứng minh đó là con đường đúng đắn không chỉ trong kháng chiến chống Pháp mà sau đó là kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thu non sông về một mối.
Cho đến trước chiến dịch Điện Biên Phủ, bên cạnh quân chủ lực là bộ đội chính quy chưa bao giờ lớn mạnh đến thế, ta đã tạo được một mạng lưới bộ đội địa phương, du kích và các lực lượng chiến đấu tại chỗ trên khắp cả nước. Cũng theo đó, bằng nhiều hính thức ta phát triển chiến tranh du kích, gây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng chính quyền nhân dân. Trung ương Đảng cũng chủ trương củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, phát triển nông nghiệp, tăng gia sản xuất cùng với đẩy mạnh văn hóa, giáo dục, y tế.
Navarre sang Đông Dương thay thế Salan, thực hiện nhiều hoạt động nhằm kiềm chế phong trào cách mạng đang phát triển tại đây, đưa nước Pháp trở lại vị trí tối cao sau nhiều năm bất ổn. Kế hoạch Navarre ra đời nhanh chóng thất bại trước những đòn đối phó của Việt Minh trên khắp các mặt trận. Điện Biên Phủ trở thành điểm hẹn có tính toán của Tổng chỉ huy Quân đội Pháp nếu không muốn Mỹ thế chân nhằm đương đầu với Quân đội Việt Nam, dập tắt "những ý muốn điên rồ" của họ.
Hạ tuần tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định "chấp nhận" đương đầu với Pháp tại Điện Biên Phủ. Ta sẽ thực hiện chiến dịch với quy mô lớn trên cở sở tổ chức cuộc tổng lực về mọi mặt, quyết tâm giành bằng được thắng lợi trong trận chiến quyết định này. Đảng ủy chiến dịch được chỉ định gồm Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng; Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng; Lê Liêm - Chủ nhiệm Chính trị; Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm Cung cấp. Các đại đoàn chủ chốt được lệnh hành quân: 304, 308, 312, 316, 351. Riêng pháo binh, lần đầu tiên ta đưa Đại bác 105 lên đường gồm 24 khẩu, trở thành bất ngờ lớn nhất đối với địch quân.
Tin rằng mình hoàn toàn làm chủ vùng trời, mặt đất và gây khiếp đảm cho đối phương khi liên tục tàn phá các con đường hòng ngăn chặn bước tiến của quân ta. Những tính toán chiến lược của Pháp cũng cho rằng Việt Minh không thể mở đường lên Điện Biên Phủ bằng sức lao động thủ công nên không thể đưa pháo vào trận địa và vận chuyển cơ giới qua vùng Tây Bắc hiểm trở, nếu có thì cũng là rất ít. Cũng vì thế, vấn đề lương thực là một vấn đề nan giải đối với một lực lượng chiến đấu lên đến hàng chục vạn người. Trên thực tế những gì đã diễn ra sau đó không nằm trong bất cứ sự tính toán nào của Navarre. Tướng Giáp cũng có những tính toán của mình và đó là những tính toán của người Việt Nam trên mảnh đất mà họ được quyền làm chủ. Từ vấn đề mở đường, hậu cần, đưa pháo vào trận địa cho đến chiến thuật đánh lấn, bắn tỉa và công kiên lâu dài đã được cân nhắc kỹ lưỡng đảm bảo cho một trận đánh chắc thắng.
Tại lòng chảo Mường Thanh, khi những cứ điểm đầu tiên xuất hiện cũng là lúc trên khắp nẻo đường lên Điện Biên Phủ, quân và dân ta cũng đang thực hiện những công việc đầu tiên của chiến dịch. Trong khi địch tham chiến với những lực lượng, công cụ, vũ khí hiện đại nhất thì ta dùng toàn lực của nhân dân với truyền thống yêu nước nồng nàn từ bao đời. Trung ương Đảng và Bác Hồ đã huy động sức mạnh của hậu phương, tổ chức chi viện cho tiền tuyến, đảm bảo tốt công tác hậu cần chiến dịch. Hội đồng Cung cấp mặt trận ở trung ương do đồng chí Phạm Văn Đồng (lúc ấy là Phó Thủ tướng) làm chủ tịch và đồng chí Nguyễn Văn Trân, Tổng thanh tra Chính phủ, làm phó thủ tịch. Không riêng ở trung ương mà các địa phương cũng thành lập Hội đồng Cung cấp mặt trận của liên khu, của tỉnh do đồng chí chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến trực tiếp chịu trách nhiệm.
Để phối hợp giữa Hội đồng Cung cấp quốc gia với Tổng cục Hậu cần, công tác hậu cần chiến dịch lần đầu được phân thành hai tuyến: tuyến hậu phương và tuyến chiến dịch. Tuyến hậu phương do Tổng cục Cung cấp và Hội đồng cung cấp mặt trận trung ương, Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3 và Liên khu 4 đảm nhiệm, chuyển hàng từ Việt Bắc tới Ba Khe, từ Liên khu 3, Liên khu 4 tới Suối Rút. Tuyến chiến dịch do Tổng cục Cung cấp tiền phương và hội đồng cung cấp mặt trận khu Tây Bắc chịu trách nhiệm, đưa hàng từ Ba Khe, Suối Rút lên Điện Biên Phủ. Tổ chức mới này cho phép bộ phận cung cấp tiền phương tập trung toàn bộ sức lực lo công việc ở phía trước. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh lúc ấy là ủy viên Bộ Chính trị, đích thân vào thường trú ở Thanh Hóa, để huy động nhân tài, vật lực cho Điện Biên Phủ từ Thanh Nghệ Tĩnh. Không riêng ở trung ương mà các địa phương cũng thành lập Hội đồng Cung cấp mặt trận của liên khu, của tỉnh do đồng chí chủ tịch Uy ban hành chính kháng chiến trực tiếp chịu trách nhiệm. Hơn 300 cán bộ đang làm công tác phát động quần chúng đấu tranh cải cách ruộng đất, được tăng cường cho công tác hậu cần mặt trận. Bộ máy hậu cần chiến dịch lên tới 3.200 người, dân công tuyến chiến dịch có lúc huy động hơn 30.000 người.
Từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, vùng mới giải phóng Tây Bắc, đến vùng du kích và căn cứ du kích ở đồng bằng Bắc bộ đều dồn sức người, sức của cho Điện Biên với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Lần đầu tiên trong lịch sử cả dân tộc đã ra mặt trận cùng bộ đội đánh giặc với đủ lực lượng từ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; già, trẻ, gái, trai từ nhiều địa phương. Một cuộc cách mạng về hậu cần đã làm cho một khối lượng khổng lồ lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược, vũ khí, … từ vùng do Việt Minh kiểm soát được chuyển lên Điện Biên Phủ một cách nhanh chóng, liên tục không ngừng nghỉ. Số lượng những người vận chuyển này nhiều hơn quân đội, gấp nhiều lần quân đội và được tổ chức, biên chế như quân đội. Máy bay trinh sát của Pháp liên tục dội bom xuống những tuyến đường, ngăn chặn bước tiến của quân ta, đau thương không phải là ít nhưng chưa bao giờ con đường lên Điện Biên Phủ bị cắt đứt. Hàng trăm dân công sửa đường vẫn miệt mài làm việc, vẫn lặng lẽ hi sinh để cho tuyến đường luôn được thông suốt; để cho việc tải lương, tải đạn chưa bao giờ bị chậm trễ, ngừng nghỉ.
Cùng với việc tích cực chuẩn bị chiến trường, ở hậu phương (vùng mới giải phóng) Đảng ta quyết tâm thực hiện chủ trương cải cách ruộng đất, đem lại ruộng đất cho người dân. Có thể nói lần đầu tiên người dân được làm chủ trên chính mảnh đất của họ, là bước ngoặt trong cuộc sống của dân cày, động viên được các tầng lớp nhân dân ở vùng tự do, mới giải phóng và sau lưng địch tin tưởng vào đường lối của Đảng, một lòng một dạ đi theo cách mạng; sẵn sàng chi viện hết mình cho tiền tuyến. Chủ trương này còn mang lại cho cả cán bộ, chiến sĩ ở tiền tuyến yên tâm chiến đấu, hoàn thành sứ mệnh cách mạng của mình. Vì thế, toàn dân tộc đã tạo thành khối đại đoàn kết, dồn sức người, sức của, sức tinh thần cho chiến dịch. Thực tiễn đã khẳng định: đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc của Đảng và sức mạnh to lớn của nhân dân là nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của chiến dịch.
Khi Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân các dân tộc Lai Châu đã nỗ lực dồn sức người, sức của phục vụ chiến dịch. Ủy ban kháng chiến hành chính được thành lập, đặt cơ quan gần Bộ chỉ huy chiến dịch, thực hiện công tác dân vận, vận động bà con quyên góp tối đa của cải, vật chất kịp thời phục vụ nhu cầu hậu cần của Bộ chỉ huy chiến dịch trong rừng Mường Phăng. Vào những ngày têt Giáp Ngọ năm 1954, đồng chí Lò Văn Hặc (Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính) đã dẫn đầu đoàn đại biểu đồng bào người Thái, người Mông, người Dao, ...tới chúc tết Bộ chỉ huy mặt trận và bộ đội, khẳng định quyết tâm của nhân dân các dân tộc Tây Bắc sẽ đứng lên sát cánh cùng bộ đội tiêu diệt giặc. Tổng kết chiến dịch sau này Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đóng góp cho chiến dịch Điện Biên Phủ 2.666 tấn gạo (vượt 64 tấn), 226 tấn thịt (vượt 43 tấn), 210 tấn rau xanh; huy động được 16.972 dân công, tính ra ngày công bằng 568.139 ngày, 348 ngựa thồ; 62 thuyền, hàng trăm mảng; góp 25.070 cây gỗ các loại để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội vượt qua. Đúng như đồng chí Trần Đăng Ninh - Cục trưởng Cục hậu cần đã khẳng định: “một cân gạo, một cân thịt, một cân rau ở Tuần Giáo giá trị gấp nhiều lần so với từ hậu phương chuyển đến”. Những sự đóng góp này là những sự cố gắng vượt bậc của nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu.
Chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài trong 56 ngày đêm với ba đợt tấn công. Ta từng bước bóc từng lớp vỏ cứng của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Khó khăn lớn nhất trong giai đoạn 2, khi cuộc chiến giữa hai bên bước vào giai đoạn ác liệt, Tây Bắc bước vào mùa mưa nhưng hậu cần chưa bao giờ bị gián đoạn. Cho đến khi kết thúc chiến dịch, trong khi quân địch ngày càng tuyệt vọng vì đói, khát, thiếu lương thực, thuốc men thì bộ đội ta vẫn được đảm bảo ăn no, được chăm sóc tốt. Sở chỉ huy hậu cần còn khéo điều động những đoàn văn công ra tận mặt trận phục vụ, các chiến sĩ ta còn được đọc báo (những tờ báo được in ấn và xuất bản ngay tại mặt trận) sau những giờ nghỉ giải lao... Đó là những món ăn tinh thần to lớn góp phần động viên bộ đội yên tâm chiến đấu, quyết tâm tiêu diệt địch, giành thắng lợi cuối cùng.
Đường lối chiến tranh nhân dân đã được Bác Hồ khẳng định ngay từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945, phải dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân mà tiến hành bởi "Chiến tranh ngày nay phức tạp và hết sức khó khăn, không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó thì không thể thắng được". Cuộc kháng chiến toàn quốc diễn ra vào cuối năm 1946 cũng từ đó mà ra. Những bài học kinh nghiệm về chiến tranh nhân dân không chỉ được vận dụng và phát triển cao hơn trong chiến tranh chống Đế quốc Mỹ sau đó mà còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay và mai sau./.