Điện Biên Phủ là chiến dịch công kiên quy mô lớn nhất của quân đội ta từ trước tới nay, là chiến dịch quan trọng quyết định tính chất cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược đã kéo dài. Lần đầu tiên, một trận chiến được chuẩn bị kỹ lưỡng trên mọi phương diện nhằm đảm bảo yếu tố tất thắng. Hàng loạt những con đường được củng cố, sửa chữa hoặc mở mới từ khắp các miền tự do đảm bảo được liên thông lên Điện biên Phủ.

Trước đó dưới ách thống trị và đô hộ của Pháp, hệ thống đường bộ ở nước ta thấp kém, chủ yếu là dành cho thô sơ, xe thồ hoặc đi bộ; quốc lộ thì chật hẹp, ghò ghề, xấu xí, tỉnh lộ thì sơ sài, lồi lõm, đường sông thác ghềnh, lởm chởm đá. Chúng chỉ ích kỷ ra sức bóc lột, khai thác thuộc địa, không quan tâm tới cơ sở hạ tầng cũng như đời sống nhân dân. Từ sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ta đã chủ trương vừa chống giặc ngoại xâm vừa đầy mạnh phát triển nông nghiệp, văn hóa, giáo dục, y tế nhưng chưa chú ý đến giao thông. Chính vì vậy cho đến khi trước chiến dịch Điện Biên Phủ, vấn để mở đường, thông đường là một yêu cầu cấp bách cho vận chuyển hậu cần, các lực lượng tiến lên giải phóng Điện Biên Phủ.

Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ có các đơn vị chủ lực mạnh nhất của quân đội ta lúc bấy giờ. Ngoại trừ Đại đoàn 325 làm nhiệm vụ tại mặt trận Tây Nguyên, còn lại các Đại đoàn 304, 308, 312, 316, 320, (thiếu một số trung đoàn) đều hành quân ra mặt trận. Đại đoàn công pháo 351 cũng xuất trận với đội hình mạnh nhất của cao xạ, sơn pháo, cối, đặc biệt có sự tham gia lần đầu tiên của 24 khẩu lựu pháo 105mm. Hậu cần là yếu tố tiên quyết; tổng cục cung cấp được thành lập ở Trung ương có nhiệm vụ vận động hậu cần từ vùng do ta kiểm soát chi viện cho Điện Biên Phủ và tích cực huy động nguồn tại chỗ, đảm bảo nguyên tắc "Đánh chắc, tiến chắc". Lần đầu tiên ta chứng kiến cảnh "cả nước cùng ra trận" với một khí thế phấn khởi, tấp nập của những anh xe thồ, chị dân công, đồng bào các dân tộc, các lực lượng chiến đấu, xe chở vũ khí, đạn dược, văn công,... Bộ chỉ huy chiến dịch được thành lập với những đồng chí cốt cán; vẫn là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã chỉ huy đánh thắng các chiến dịch trước đó làm Chỉ huy trưởng. Trong khi đến Navarre là viên tướng thứ bảy có mặt tại Đông Dương chỉ huy quân viễn chinh Pháp, ta vẫn vững một chỉ huy.

Trăm mọi ngả đường lên Điện Biên Phủ. Đó là con đường số 41 từ Lạng Sơn qua Cao Bằng; là con đường số 3 qua Bắc Cạn về Thái Nguyên; là con đường 13 từ Yên Bái ra đường 41 đi Hòa Bình, Lai Châu; là con đường sông Hồng, sông Mã từ Thanh Hóa, đồng bằng Liên khu III ngược lên Tây Bắc; đường Tạ Khoa, Cò Nòi; đường Pa Nậm Cúm về Lai Châu trên sông Nậm Na với hàng trăm thác ghềnh; trực tiếp là con đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ. Đấy là chưa kể đến những con đường trên triền núi, đường kéo pháo bằng tay và sau này là những con đường cơ động cho pháo. Những con đường ấy, từ không có đến có, từ đường bụi cây giăng kín lối từ lâu đã không có dấu chân người được phát quang, sửa sang đảm bảo lưu thông thuận lợi; từ đường mòn chỉ dành cho người và ngựa đi bộ đã có thể cho xe vận tải đi qua; từ những thác ghềnh hung dữ đến những đường sông thuyền, bè tấp nập đua nhau vượt sóng. Màu đất mới, mùi thuốc nổ trên những con đường mới mở đến đâu, niềm vui lại nhân lên đến đấy. Thêm một tuyến đường được thông, bước chân những người vận chuyển lại như nhanh hơn, khỏe hơn đến đấy.

Làm đường không chỉ dành cho công binh nữa. Gặp những đoạn đường khó, đồng bào dân tộc cũng sắn tay cùng làm. Đường đèo núi, vực thẳm, dân công cũng sắn tay với cuốc, thuổng chung sức bới, đào đất. Bộ binh, pháo binh cũng xung phong mở lối. Những con đường cứ thể liên tiếp được mở ra. Thành công nhất là trong một tháng "Mở đường thắng lợi", bộ đội ta và thanh niên xung phong đã làm nên một việc thần kỳ. Con đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ, dài 82km, trước đây chỉ rộng 1m, đả được mở rộng và sửa sang cho xe kéo pháo vào cách Điện Biên 15km. Từ đây, các khẩu pháo sẽ được kéo bằng tay vào những trận địa trên quãng đường dài 15km. Đường kéo pháo rộng ba mét, chạy từ cửa rừng Nà Nham, qua đỉnh Pha sông cao 1.150 mét, xuống Bản Tấu, đường Điện Biên Phủ - Lai Châu, tới Bản Nghễu, mở mới hoàn toàn. Để bảo đảm bí mật, nó phải được ngụy trang toàn bộ, không cho máy bay trinh sát phát hiện. Thời gian làm đường dự kiến trong một ngày, một đêm. Ta đã rải bộ đội suốt dọc đường, làm xong trong 20 giờ.

Địch rất nhạy cảm trước từng diễn biến mới của Việt Minh. Bản đồ quân sự của Pháp liên tục được vạch thêm khi những con đường mới của Việt Minh xuất hiện bằng mạng lưới điệp viên và hệ thống trinh sát không quân cung cấp. Bên cạnh những chiếc máy bay tiếp tế cho Điện Biên Phủ, trên bầu trời xuất hiện thêm những chiếc máy bay trinh sát, máy bay chiến đấu thả bom bươm bướm, bom phá, bom napan nhằm phá hoại các con đường của ta, ta gặp không ít khó khăn. Trên nhiều tuyến, công binh, bộ đội phải làm vào ban đêm, có những đoạn làm lại nhiều lần. Tại nhiều vị trí, bom dội liên tục, nhiều chiến sĩ công binh hi sinh, dân công, xe tải chạy vào rừng tránh bom địch. Chúng còn làm mưa nhân tạo làm sụt lở các tuyến đường hòng ngăn chặn tiếp tế cho Điện Biên Phủ.

Theo số liệu thống kê sau này, trên đoạn đường Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ, địch ném mỗi ngày đêm bình quân 13 tấn bom; số lượng này trên đèo Pha Đin, giữa đoạn đường Sơn La - Lai Châu là 17 tấn. Đoạn giữa Cò Nòi và yên Bái là 14 tấn, ngã ba Cò Nòi 69 tấn; riêng đèo Lũng Lô mỗi ngày 31 tấn bom. Cùng với những tính toán về việc vận chuyển hậu cần, rằng những chiếc xe thồ, ghánh gồng, thuyền mảng sao có thể sánh được với cầu hàng không hiện đại, được coi là ưu thế lớn nhất của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với những chiếc Đa-cô-ta đầy uy lực. Nhưng chúng đã nhầm.

Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch của những kỳ tích. Ta đã làm nên những kỳ tích chưa từng có trước đó trong lịch sử chiến tranh nhân dân và lịch sử chiến tranh thế giới. Giữa mưa bom, bão đạn quân thù từng chiếc xe đạp thồ, anh dân công, chị ghánh gồng vẫn len lỏi luồn rừng, vượt núi; từng đoàn xe chở pháo, vũ khí, đạn dược vẫn tiến từng bước; hàng vạn người vẫn ầm ầm khí thế nhằm hướng mặt trận Điện Biên Phủ thẳng tiến. Và dòng chảy ấy chưa bao giờ dừng. Ngược lại một niềm tin, sự lạc quan luôn hiện hữu. Những câu ca dao luôn vang lên trên các tuyến đường hành quân, là động lực để những bước chân luôn tiến bước:

"Mau lên hỡi bạn xe thồ,

Đường ra mặt trận vui mô cho bằng.

Qua rừng, qua núi băng băng,

Xe thồ đè bẹp xe tăng quân thù"...

Không thể ngăn chặn con đường lên Điện Biên Phủ làm đau đầu chỉ huy Pháp. Các số liệu báo cáo về vận chuyển lên Điện Biên Phủ của Việt Minh khiến chúng kinh hoàng. Từ thái độ lạc quan ban đầu từ sức mạnh của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mang lại đã thêm những lo lắng trước sức mạnh hậu cần không tưởng của quân đối phương. Vậy nên Navarre đã tính toán đến kế hoạch rút lui Xenephone (tên của một tướng trong thần thoại Hi Lạp đã thực hiện cuộc rút lui cho một vạn quân) nhằm tính bài "chuồn" trong trường hợp Điện Biên Phủ thất thủ. Tuy nhiên kế hoạch Xenephone và sau này là kế hoạch Anbatrot không bao giờ thực hiện được bởi Việt Minh đã chặn mọi con đường có thể rút chạy.

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, toàn bộ quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị loại khỏi vòng chiến đấu, kết thúc cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp oanh liệt của nhân dân Việt Nam. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều chiến sĩ công binh được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tháng 10 năm 2014, thêm bốn đồng chí thanh niên xung phong được phong tặng và truy tặng danh hiệu này nhờ những thành tích xuất sắc trong công tác mở đường và rà phá bom mìn.

Chính sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của ý chí, niềm tin, của tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước đã làm nên những kỳ tích, những con đường huyền thoại. Ta không thể có một Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm chấu, chấn động địa cầu" nếu không có những con đường như thế, một dân tộc như thế.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.820
      Online: 32