Với chức năng bảo tồn, phát huy giá trị di tích chiến trường Điện Biên Phủ, hiện nay Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đang lưu giữ hơn 3000 tài liệu, hiện vật liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong những năm qua, bên cạnh việc sưu tầm bổ xung hiện vật cho kho cơ sở, công tác nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học cho hiện vật luôn được triển khai thực hiện có hiệu quả, là cơ sở pháp lý cho hiện vật đưa vào lưu giữ, trưng bày.

Xuất phát từ nhận thức và yêu cầu độ chính xác cao về nội dung của hiện vật trong việc bảo quản lâu dài và tuyên truyền về chiến thắng Điện Biên Phủ, đặc biệt trong mối quan hệ với những khâu quan trọng khác của nghiệp vụ bảo tàng, công tác nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học cho hiện vật luôn được quan tâm đúng mức. Hiện nay công tác này thuộc trách nhiệm của phòng Nghiệp vụ với 8 cán bộ, viên chức thực thi công việc. Các hiện vật với đủ các chất liệu từ giấy, gỗ, kim loại, … được sưu tập, ủng hộ từ nhiều nguồn khác nhau. Trong quá trình sưu tầm, bằng chuyên môn, nghiệp vụ sau khi xác định chính xác nguồn gốc thì hiện vật được mang về bảo quản và bắt đầu tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học. Mỗi hiện vật đều gắn liền với những nội dung lịch sử của từng không gian, thời gian, địa điểm, con người, … trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Căn cứ từ những thông tin trong quá trình sưu tầm, từng hiện vật sẽ được mô tả hình dáng, kích cỡ, màu sắc cũng như xuất xứ (năm sản xuất, nước sản xuất), thời gian xuất hiện và niêm yết thông tin đúng với thực tế lịch sử của nó. Quá trình này đòi hỏi người nghiên cứu phải am hiểu về cổ vật, lịch sử của chiến thắng Điện Biên, đặc biệt phải có kỹ năng phân tích, đánh giá và tư duy logic mới đem lại độ chính xác cao.

Đối với những tài liệu, hiện vật sưu tầm từ cựu chiến sĩ Điện Biên, thương binh, dân công, thanh niên xung phong, ... đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, những hiện vật có nội dung chính xác gần như tuyệt đối, dễ dàng trong quá trình lập hồ sơ khoa học. Bên cạnh đó thì khó khăn nhất là đa số các hiện vật được sưu tầm trong dân, chủ yếu là đồng bào các dân tộc lân cận xung quanh khu vực tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm xưa. Họ chỉ là những người thu lượm lại từ chiến trường sau khi chiến tranh kết thúc hoặc nghe kể lại từ ông cha nên nếu chỉ căn cứ vào lời kể này sẽ không đủ chứng cứ và tính xác thực để lập hồ sơ. Đã có những hồ sơ khoa học hiện vật phải nghiên cứu trong thời gian dài, tiếp cận những nhà nghiên cứu và nhiều nhân chứng khác mới hoàn thành, nhiều hiện vật có giá trị phải tiến hành hội thảo khoa học chuyên môn. Nhiều hiện vật giấy bị mờ hết chữ, mất góc theo thời gian; các hiện vật gỗ, tre bị mối mọt không được như nguyên vẹn, hiện vật kim loại bị han rỉ, ... là một thử thách lớn trong quá trình nghiên cứu. Đôi khi có những hiện vật chỉ gọi tên chính xác cũng là một vấn đề đáng nói.

Hiện nay Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã thành lập Hội đồng Khoa học, định kỳ họp 1 lần/tháng đã định hướng đúng đắn cho công tác nghiệp vụ nói chung và lập hồ sơ khoa học cho hiện vật nói riêng. Nguồn tư liệu về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng liên tục được bổ xung và khá đa dạng như: sách, báo, ghi âm lời kể của nhân chứng, video, hình ảnh, ... đã là những công cụ đắc lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của Bảo tàng.

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, công trình Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ giai đoạn 1 đã được khánh thành, bao gồm hạng mục Nhà trưng bày, kho cơ sở và phòng làm việc đã góp phần hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Theo đó Nhà trưng bày chiến thắng Điện Biên Phủ được thiết kế, nghiên cứu và trưng bày mới với nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị tiêu biểu. Dựa vào hồ sơ khoa học đã có, Bảo tàng đã xây dựng được nội dung thuyết minh cho hiện vật, đáp ứng yêu cầu thực tế, trợ giúp đắc lực cho công tác tuyên truyền, giới thiệu, phục vụ khách đến tham quan, tìm hiểu.

Đến nay công tác nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học cho hiện vật đã cho thấy hướng đi đúng trong phương pháp và biện pháp tiếp cận. Điều đó thể hiện ở số lượng và chất lượng các hồ sơ khoa học được lập và thẩm định hằng năm, luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch giao. Trong những năm gần đây, hằng trăm hiện vật trong kho cơ sở và sưu tầm mới được lập và hoàn thiện hồ sơ mang nội dung sâu sắc, có giá trị lưu giữ và trưng bày lâu dài, được đánh giá cao. Đây là kết quả khả quan, tạo tiền đề và định hướng vững chắc trong quá trình khẳng định và đề nghị công nhận Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lên loại II, nâng cao vị thế của Bảo tàng trong cả nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh Điện Biên, là thế mạnh về phát triển du lịch.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.824
      Online: 35