Có thể thấy, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, thanh niên xung phong là lực lượng chủ lực sát cánh với bộ đội có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, mở hàng trăm km đường, vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm vũ khí, phá hàng nghìn quả bom các loại, san lấp hố bom bảo đảm giao thông…

Xuất phát từ yêu cầu bức thiết của cuộc kháng chiến chống Pháp cứu nước, ngày 15/7/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành lập Đội Thanh niên xung phong. Thanh niên xung phong đã thật sự đem tinh thần xung phong của thanh niên, xung phong trên chiến trường Điện Biên Phủ, cùng quân đội, dân công, đồng bào Tây Bắc góp phần cống hiến xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Vào ngày 20/11/1953, Pháp cho quân nhảy dù xuống cánh đồng Mường Thanh chiếm đóng Điện Biên Phủ. Với mục tiêu làm bàn đạp chiếm lại Tây Bắc, khống chế chiến Thượng Lào, đồng thời giữ quân chủ lực ta ở Việt Bắc để quân Pháp rảnh tay hoạt động ở đồng bằng Bắc Bộ và đánh chiếm Liên khu 5.

Trước tình hình quân Pháp ở Điện Biên Phủ,  trong cuộc họp quan trọng ngày 06/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp và nghe Tổng Quân ủy báo cáo kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ 1953 - 1954. Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của và giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận. Cũng trong cuộc họp này Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải hoàn thành cho kỳ được”.

Với phương châm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, hàng vạn người dân đã hăng hái tình nguyện xung phong tham gia lực lượng xung kích phục vụ chiến dịch. Là một chiến dịch lớn, dài ngày, trong khi trận địa lại nằm ở vị trí rất bất lợi cho công tác hậu cần bởi Điện Biên Phủ cách xa hậu phương tới 400 - 500 km, địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt vì vậy việc tiếp tế là vô cùng khó khăn quyết định đến thành bại của chiến dịch.

Nhiệm vụ chính của thanh niên xung phong được Hội đồng Cung cấp mặt trận Điện Biên Phủ (có tên mật là T.100) giao là bảo đảm giao thông thông suốt cho chiến dịch, làm kho tàng, lán trại, canh gác bảo vệ, tải thương, tải đạn và hàng chục loại việc khác nữa... Cho đến khi mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng thanh niên xung phong trung ương có khoảng 15.000 cán bộ, đội viên (bao gồm cả số thanh niên xung phong công tác chuyển sang) được bố trí trên các địa phương: Đội 36 phục vụ các cơ quan Đảng và Nhà nước ở An toàn khu; Đội 38 làm đường 1B từ biên giới Lạng Sơn-Trung Quốc tới Thái Nguyên để tiếp nhận hàng viện trợ của các nước, làm đường 13 từ Yên Bái sang Sơn La; Đội 34 và Đội 40 trực tiếp bảo đảm giao thông từ Mộc Châu đến gần Điện Biên Phủ, dài trên 200km. Trừ các Đại đội 401, 404 phục vụ hỏa tuyến, các Đại đội 298, 409, 410 phục vụ Hội đồng Cung cấp mặt trận (T.100), Đại đội 291 phục vụ ở Thượng Lào, các đại đội còn lại được đóng rải rác trên tuyến đường 41 (nay là đường số 6) nhưng tập trung nhất là ngã ba Cò Nòi, đèo Chiềng Đông, đèo Chiềng Pắc, đèo Sơn La, đèo Pha Đin, ngã ba Tuần Giáo, cầu Tà Vài và Yên Châu, v.v...

Ngay khi quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ thì vấn đề mở đường, sửa đường để hành quân, vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược vào mặt trận được xem là nhiệm vụ then chốt, trong đó lực lượng thanh niên xung phong góp phần quan trọng cho chiến dịch. Trong suốt những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, anh em trong các đội thanh niên xung phong ngày đêm chiến đấu giành giật với quân Pháp từng giờ, từng phút. Vừa phá bom nổ chậm, vừa san lấp hố bom khôi phục đường, bằng mọi biện pháp để thông xe đưa hàng ra mặt trận.

Ngoài bộ phận lớn phục vụ ở tuyến giữa, thanh niên xung phong còn cử một bộ phận ở hỏa tuyến như tải đạn, chăm sóc thương binh, trông giữ tù binh, làm giao thông liên lạc từ trung tuyến đến hỏa tuyến. Tuy thanh niên xung phong chỉ là một lực lượng nhỏ nhưng lại là lớp người tuổi trẻ, hăng hái, lại được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật cao, tình nguyện phục vụ đến kháng chiến thành công nên được giao nhiệm vụ ở các trọng điểm của chiến dịch. Với quyết tâm "Thanh niên xung phong còn thì mạch giao thông luôn được giữ vững", thanh niên xung phong không chỉ làm đường, phục vụ chiến đấu anh dũng và đầy sáng tạo mà trong chiến dịch còn chuyển sang bộ đội 8.000 quân (kể cả 2.000 quân của Đội 38) trực tiếp cầm súng chiến đấu.

Ngày 7/5/1954, sau 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, quân ta đã tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, diệt và bắt sống 16.000 quân địch. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng.

Trong không khí vui mừng phấn khởi, các đơn vị bộ đội, dân công lần lượt hành quân về xuôi thì các đơn vị thanh niên xung phong tiếp tục nhận nhiệm vụ ở lại cùng một số đơn vị hậu cần của quân đội thu dọn chiến trường. Với tinh thần khẩn trương, chỉ trong thời gian ngắn, thanh niên xung phong cùng với các đơn vị quân đội đã thu hồi, phân loại xong toàn bộ hàng ngàn tấn chiến lợi phẩm.

Lực lượng thanh niên xung phong đã cống hiến hết sức mình, với tất cả lòng nhiệt huyết, thấm đượm mồ hôi, nước mắt, xương máu của mình góp phần làm nên chiến thắng. Ngày 8/5/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có “Thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ”. Trong thư có đoạn: “Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang”.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, có trên 16.000 đội viên thanh niên xung phong ngày đêm sát vai cùng bộ đội phục vụ chiến đấu và có hơn 8.000 cán bộ, đội viên lập công xuất sắc và trưởng thành nhanh chóng được tuyển chọn bổ sung vào các đơn vị bộ đội ngay tại chiến trường. Kết thúc chiến dịch Ðiện Biên Phủ, lực lượng thanh niên xung phong đã được Bác Hồ tặng cờ Thi đua mang dòng chữ "Dũng cảm, lập công xuất sắc", được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất... Năm 2010, lực lượng thanh niên xung phong mặt trận Ðiện Biên Phủ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Những đóng góp của thế hệ thanh niên xung phong năm xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị, trở thành động lực thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay tiến bước noi theo, viết tiếp những bản hùng ca, xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.669
      Online: 46