Luật Di sản văn hóa đã xác định: “Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của Nhân dân”. Chính vì vậy, khả năng khai thác và phát triển hoạt động của Bảo tàng rất đa dạng, phong phú và có nhiều mục đích khác nhau. Việc tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu tại Bảo tàng còn giúp cho công chúng có cái nhìn đa chiều về văn hóa, nghệ thuật và lịch sử.
Ở một số quốc gia, Bảo tàng là điểm đến hấp dẫn mang lại nguồn thu lớn đóng góp vào phát triển của kinh tế - xã hội; không chỉ vậy, Bảo tàng còn là niềm tự hào của mỗi người dân thậm chí còn trở thành thương hiệu, là hình ảnh đặc trưng quảng bá đất nước, tiêu biểu như Bảo tàng Louvre (Pháp), Viện Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan (New York)...
Ở Việt Nam, với bề dày hàng nghìn năm lịch sử, nước ta có hệ thống Bảo tàng phong phú, đa dạng cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, đa số các Bảo tàng hiện nay mới chỉ thực hiện nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn di sản văn hóa... chưa thực sự trở thành nơi học tập hoặc là điểm đến hấp dẫn công chúng, tạo nguồn thu trong việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Đối với Điện Biên, một tỉnh miền núi biên giới còn rất nhiều khó khăn. Với quan điểm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, là nền tảng, tiềm lực quan trọng cho phát triển du lịch của tỉnh nhà. Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm là "Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn" với mục tiêu đến năm 2025, Điện Biên sẽ đón 1,3 triệu lượt khách du lịch, trong đó 30.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu đạt 2.400 tỷ đồng).
Những năm vừa qua, tỉnh Điện Biên rất chú trọng đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử liên quan đến Chiến thắng Điện Biên Phủ, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho công trình Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ - nơi trưng bày, giới thiệu các tài liệu hiện vật liên quan đến chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp nhân kỷ niệm 60 năm, 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày nay
Đối với các hoạt động của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và ngành VHTTDL, là nơi đón tiếp nhiều đoàn khách của TW và các tỉnh, thành trong cả nước đến tham quan, tìm hiểu về chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ngoài ra, Bảo tàng còn là “điạ chỉ đỏ’ trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, hun đúc tinh thần yêu nước của các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Hằng năm, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đón tiếp và phục vụ hơn 100 ngàn lượt khách tham quan. Tuy nhiên, trong 3 năm từ 2019 đến năm 2021, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng như các Bảo tàng trên cả nước, thiếu vắng khách tham quan, đặc biệt là khách quốc tế giảm sâu (trung bình chỉ đón khoảng 20 đến 25 ngàn lượt khách/năm). Đến tháng 4/2022, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cùng với chính sách kích cầu du lịch của tỉnh, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã mở cửa trở lại và đón tiếp đông đảo các đoàn khách tham quan. Đặc biêt không chỉ nhận được sự quan tâm, thu hút của khách tham quan từ các tỉnh, thành trong cả nước mà lần đầu tiên đồng bào các dân tộc trong tỉnh, các tổ chức, cá nhân, các cấp học từ mầm non đến học sinh, sinh viên các trường học trong và ngoài tỉnh cũng tổ chức đến tham quan và học tập tại Bảo tàng.

Đồng bào các dân tộc tham quan chiêm ngưỡng bức tranh Panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ"
Để có được sự quan tâm từ công chúng và số lượng khách tham quan tăng cao, nhất là từ khi nhận bàn giao và đưa vào khai thác phát huy giá trị của Bức tranh Panorama “chiến dịch Điện Biên Phủ”. Khác với việc trưng bày tài liệu, hiện vật truyền thống và chuyên ngành Bảo tàng học, việc tái hiện chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ - chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, bằng ngôn ngữ hội họa, kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật từ điêu khắc, âm nhạc, sắp đặt trưng bày... đã tạo nên một công trình nghệ thuật hoành tráng và độc đáo lần đầu tiên có ở Việt Nam và Đông Nam Á. Việc tiếp nhận quản lý và phát huy giá trị bức tranh là một thử thách lớn đối với tập thể lãnh đạo và viên chức Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, vì đây là một tác phẩm nghệ thuật hội họa mới, lần đầu thực hiện tại Việt Nam và mang tầm thế giới.
Tháng 4/2022, được sự nhất trí của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Chiến thắng đã tiếp nhận hiện trạng Bức tranh Panorama “chiến dịch Điện Biên Phủ” đưa vào khai thác phát huy giá trị phục vụ khách đến tham quan.

Một trong những trường đoạn của bức tranh Panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ"
Để công tác quản lý được thực hiện khoa học đảm bảo theo quy trình và phát huy tối đa giá trị trong việc phục vụ nhu cầu nghiên cứu, hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng. Tập thể lãnh đạo đơn vị đã rất quyết liệt, chủ động, nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn và đưa ra những giải pháp thực hiện sáng tạo, hiệu quả, cụ thể sau:
* Giải pháp về công tác chỉ đạo, điều hành
- Bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đơn vị tích cực đổi mới các hoạt động của bảo tàng thu hút khách tham quan, đưa bảo tàng trở thành trung tâm sinh hoạt, chính trị, văn hóa, khoa học, vui chơi giải trí tích cực trên địa bàn tỉnh.
- Chủ động tổ chức triển khai các hoạt động chuyên môn, khoa học, hiệu quả, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, từng bộ phận đảm bảo tiến độ, chất lượng.
- Xây dựng Phương án quản lý vận hành phát huy giá trị Tranh Panorama đưa vào thử nghiệm, xin ý kiến các phòng quản lý nhà nước, các đơn vị chuyên môn trong ngành và lựa chọn các ý kiến tham gia của các đoàn khách tham quan để hoàn thiện Phương án tối ưu trình Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt đưa vào phục vụ chính thức.
- Xây dựng Chương trình, Kế hoạch thực hiện theo tháng, quý, năm và định hướng hoạt động giai đoạn theo đúng chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
* Giải pháp về nguồn nhân lực
- Để chuẩn bị cho việc tiếp nhận và vận hành bức tranh Panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" đồng thời thực hiện dự án "Cải tạo, nâng cấp và hiện đại hoá phòng trưng bày, giới thiệu tổng thể chiến dịch Điện Biên Phủ trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ". Đơn vị đã cử viên chức đi nghiên cứu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo quản tranh sơn dầu; số hoá các tài liệu, hiện vật và các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ tại các bảo tàng lớn trong nước.
- Xây dựng phương án cụ thể đảm bảo vị trí việc làm, sắp xếp viên chức, người lao động phù hợp với năng lực, sở trường để phát huy hiệu quả công tác, từng bước chuyên nghiệp hóa trong công tác đón tiếp, phục vụ.
- Thường xuyên bồi dưỡng gắn với kiểm tra, đánh giá chất lượng chuyên môn của viên chức, người lao động về các mặt (đặc biệt là đội ngũ Hướng dẫn viên về: tư tưởng chính trị, ý thức trách nhiệm, kĩ năng giao tiếp ứng xử, xử lý tình huống...)
- Biểu dương, động viên kịp thời những viên chức, người lao động có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.
* Về công tác chuyên môn
- Biên tập và thực hiện Bài giới thiệu tranh Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ, lồng ghép với điều khiển âm nhạc, ánh sáng tạo ấn tượng, cảm xúc cho người xem.
- Đầu tư mua sắm các trang thiết bị và cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng công tác đón tiếp, phục vụ các đoàn khách tham quan.
- Tập trung nguồn nhân lực cải tạo cảnh quan tại khuôn viên Bảo tàng Chiến thắng tăng sự hấp dẫn cả về nội dung và hình thức, tạo nên một diện mạo mới.
* Giải pháp về công tác tuyên truyền
- Xây dựng kế hoạch truyền thông, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương thực hiện quảng bá về Bảo tàng và bức tranh Panorama, tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.
- Đa dạng hoạt động truyền thông quảng bá bằng nhiều nội dung, hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng điện tử, mạng xã hội như Facebook, Zalo... tạo hiệu ứng mạnh mẽ.
- Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, các sự kiện, hoạt động trải nghiệm cho học sinh, sinh viên và các tổ chức, đơn vị tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
- Kịp thời thông tin, tuyên truyền về sự thay đổi phí tham quan, thời gian mở cửa phục vụ, tạo sự chủ động cho khách và không để xảy ra phản ứng tiêu cực từ khách tham quan.
- Thường xuyên khảo sát lấy ý kiến tham gia của khách tham quan đối với các hoạt động của Bảo tàng, công tác quản lý phát huy giá trị bức tranh Panorama.
- Kết nối các hoạt động của Bảo tàng với các doanh nghiệp kinh doanh Lữ hành thông qua thư ngỏ để các doanh nghiệp thuận tiện cho việc thông tin, quảng bá về bức tranh và hoạt động của Bảo tàng.
Trước tình hình hội nhập và phát triển không ngừng của đất nước, tập thể viên chức, người lao động của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Trong đó quan tâm một số nhiệm vụ trọng tâm như: tổ chức các hoạt động chuyên môn đáp ứng tiêu chí nâng hạng bảo tàng, thực hiện thủ tục đăng kí xác lập kỉ lục thế giới đối với Bức tranh Panorama; tích cự đổi mới các hoạt động truyền thông, các chương trình giáo dục lịch sử, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bảo tàng… phấn đấu đưa Bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn khu vực Tây Bắc, là trung tâm sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí tích cực trong tỉnh, là điểm sáng của du lịch Điện Biên, thu hút khách du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tiếp tục xây dựng và phát triển Bảo tàng xứng tầm với Chiến thắng Điện Biên Phủ và là nơi đang lưu giữ và phát huy công trình nghệ thuật, tranh vẽ quy mô và tầm cỡ Thế giới.