Hiếm có sự kiện lịch sử nào mà lại tạo nên nhiều cảm hứng cho thơ ca như chiến thắng Điện Biên Phủ. Những gian nan, vất vả, những hy sinh của quân và dân ta đã tạo cảm hứng cho các thi sỹ, nhạc sỹ, góp phần làm nên tên tuổi của họ trong nền văn học nghệ thuật nước nhà. Từ trong những cảm xúc của người nghệ sỹ, hình ảnh Điện Biên Phủ càng trở nên lừng lẫy, anh hùng…

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một bản hùng ca tráng lệ, chiến thắng này đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người con đất Việt, như một khúc khải hoàn ca bất diệt, một mốc son lịch sử chói lọi bằng vàng của thế giới. Chiến dịch Điện Biên phủ đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong… sáng tác ra những áng văn thơ trữ tình, bất hủ, trở thành những câu hò, điệu lý, bài ca đi cùng năm tháng. Những tác phẩm nghệ thuật sáng tác tại thời điểm diễn ra chiến dịch là món ăn tinh thần vô giá, tạo thêm động lực, cổ vũ niềm tin cho quân và dân ta tin vào thắng lợi của chiến dịch.

Theo chân những người lính ra trận, có không ít những văn nghệ sĩ, họ tận mắt chứng kiến những khó khăn, nguy hiểm và hy sinh mất mát trong chiến tranh, rất nhiều vần thơ, câu ca đã ra đời trong những giờ khắc lịch sử của chiến dịch, sau này trở thành những ca khúc bất hủ của nền nhạc cách mạng Việt Nam. Trên đường hành quân ngày đêm ra trận, từ câu nói giản dị của đồng đội "Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi" đã trở thành gợi ý để nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác ca khúc "Hành quân xa"  Với ca từ giản dị, tự nhiên, ngắn gọn, dễ thuộc nhưng vô cùng sâu sắc, nhịp điệu theo bước chân đi hào hùng. Bài hát đã lan truyền trong toàn quân và toàn dân, đã cổ vũ tinh thần quyết tâm chiến đấu, vượt qua mọi gian khổ giành chiến thắng và đã trở thành hành khúc bất hủ cho những người lính trên con đường hành quân ra trận.

  Trong không khí toàn dân ra trận, trên các nẻo đường rộn vang lời ca, tiếng hát hoà với những âm thanh của tiếng cuốc, tiếng xẻng mở đường, sửa đường cho chiến dịch đã tạo nên bức tranh hài hòa về màu sắc và âm thanh rất nhiều câu ca, điệu hò được chính những người chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong sáng tác tạo động lực cũng như gửi gắm niềm tin vào ngày mai chiến thắng.

“Đèo cao thì mặc đèo cao

Tinh thần tiếp vận còn cao hơn đèo

Điện Biên xa lắc ngàn trùng

Gạo không tới đích quyết không trở về”

 Trong công tác thi đua mở đường thắng lợi, lực lượng thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến cũng sáng tác ra những câu thơ để khuyến khích, động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ.

“Muốn cho công việc chạy đều

Công trường trật tự là điều tất nhiên”

“Thanh niên trai gái trong làng

Lập đội tiếp vận lên đàng tải lương

Hướng lên Tây Bắc tiền phương

Dân công quyết chí lên đường lập công”

Những lời ca tiếng hát không chỉ sáng tác phục vụ mặt trận, còn là những bài thơ ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, cơ hội để những chàng trai cô gái dân công tỏ tình, giao duyên. Bởi phần lớn trong số họ đều là những thanh niên trẻ tuổi, họ đều khát khao cuộc sống, khát khao được yêu thương:

“Anh là chiến sĩ xe thồ

Tỏ tình kiểu ấy khó mà ưng anh

Khi nào nhiệm vụ hoàn thành

Thì em sẽ trả lời anh rõ ràng”

“Dân công ta gặp dân công

Như loan gặp phượng như rồng gặp mây”....

Cùng với dân công, thanh niên xung phong ngày đêm tiếp vận cho chiến dịch, bộ đội ta cũng bí mật xây dựng trận địa để kéo pháo vào thực hiện phương châm tác chiến “Đánh nhanh, thắng nhanh". Đặc biệt, khi vừa kéo pháo vào trận địa thì chiến dịch có sự thay đổi nên bộ đội ta phải kéo pháo ra. Kéo pháo vào đã khó khắt vất vả, kéo pháo ra lại càng khó khăn gấp bội phần. Nguy hiểm hơn, kẻ địch còn thường xuyên ném bom. Khó khăn là vậy, nhưng ý chí quyết tâm và tinh thần đoàn kết đã tạo nên sức mạnh phi thường đối với các chiến sĩ pháo binh, giúp họ hoàn thành nhiệm vụ. Là người lính trực tiếp tham gia chiến dịch, Hoàng Vân tận mắt chứng kiến cảnh các chiến sỹ ướt đẫm mồ hôi trong sương đêm kéo những khẩu pháo nặng hàng tấn vượt qua bao núi cao, đèo dốc hiểm trở và càng cảm phục hơn trước tấm gương hy sinh thân mình để cứu pháo của anh Nguyễn Văn Chức, Tô Vĩnh Diện. Cảm xúc dâng trào đã thôi thúc Hoàng Vân cầm bút viết lời ca, giai điệu của bài hát “Hò kéo pháo”. Lời bài hát giản dị, trong sáng, viết theo thể hò dân gian, dễ thuộc được nhiều chiến sĩ yêu thích và nhanh chóng lan truyền khắp chiến trường. Lời ca và giai điệu hào hùng của bài hát “Hò kéo pháo” vang lên giữa núi rừng Tây Bắc đã tiếp thêm sức mạnh, thêm nghị lực cho quân và dân ta, đặc biệt là với các chiến sỹ pháo binh, giúp họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Bài hát hò kéo pháo đã trở thành một thiên anh hùng ca bất hủ trong Quân đội và nhân dân. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bài hát “Hò kéo pháo” được trao giải Nhất tại Đại hội Liên hoan toàn quân, Nhạc sỹ Hoàng Vân được thưởng Huân chương chiến công hạng 3 và Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên.

Những tác phẩm thơ ca sáng tác trong thời gian diễn ra trận đánh

Quyết tâm chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã biến thành ý chí và hành động của quân và dân ta. Đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công cứ điểm Him Lam, mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng gay go và quyết liệt, sau 5 giờ 30 phút chiến đấu quân ta nhanh chóng chiếm được cứ điểm Him Lam. Trước khí thế hực lửa căm thù, trận địa còn ngổn ngang xác pháo, xác địch... nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác ca khúc "Trên đồi Him Lam". Bài hát hừng hực khí thế chiến đấu, không chỉ thể hiện ý chí "Quyết chiến, quyết thắng" của những người lính cụ Hồ mà còn thể hiện khát vọng chiến thắng, khát vọng hòa bình, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước của quân và dân ta.

Sau chiến thắng giòn giã tại Him Lam, quân ta tiếp tục tấn công tiêu diệt cứ điểm Độc Lập và Bản Kéo. Sau 5 ngày chiến đấu ta làm chủ hoàn toàn 3 cứ điểm vòng ngoài, mở toang cánh cửa phía Bắc tiến vào Phân khu Trung tâm. Thắng lợi nhanh chóng của đợt tấn công thứ nhất đã khiến cho quân Pháp khiếp sợ, tạo tiền đề cho những cuộc tấn công tiếp theo của quân ta, từng bước tiêu diệt “con nhím” Điện Biên Phủ. Những người chiến sĩ không chỉ giỏi cầm súng chiến đấu mà họ còn là nhà văn, nhà thơ cầm bút ghi lại những khoảnh khắc sinh hoạt, chiến đấu của người lính ngoài trận địa như bài thơ: Bảo vệ lực lượng để chiến đấu thắng lợi (tác giả Đặng Ái); Bài thơ: Cờ trắng (tác giả Tạ Hữu Thiêm).

Để chuẩn bị cho đợt tấn công thứ hai của Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội ta tiếp tục xây dựng trận địa tấn công và bao vây. Những đường hào của ta nhanh chóng đổ xuống cánh đồng Mường Thanh, chia cắt các cứ điểm của địch. Đặc biệt ta đã đào được hai hệ thống giao thông hào từ Đông sang Tây và ngược lại, cắt đứt đường băng sân bay Mường Thanh, không một chiếc máy bay nào của Pháp có thể hạ cánh để tiếp viện cho quân đồn trú ở Điện Biên Phủ. Buộc máy bay của Thực dân Pháp phải bay cao gần 2000m để thả dù, nhiều dù hàng tròn số đó đã lạc sang trận địa của ta, khiến cho tình cảnh quân Pháp ở Điện Biên Phủ càng trở nên thiếu thốn lương thực, dạn dược trầm trọng. Dưới ngòi bút của nhà thơ Phác Vân, Phác văn sự bất lực của Thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ khi bị khống chế cầu hàng không được miêu tả tương đối sinh động như bài thơ: "Lững lờ dù hạ đến tay chúng mình" (Tác giả Phác Vân, tháng 4/1954); Bài thơ Mừng anh thiện xạ: (Tác giả Phác Văn,Tháng 4/1954)

  Cuối tháng 3/1954, cùng với hoạt động mạnh của pháo cao xạ 37mm, phong trào thi đua săn tây bắn tỉa của bộ đội ta đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, buộc quân địch phải chui rúc, ăn ở trong những hầm hàm ếch không dám ló mặt ra ngoài. Bài thơ "Đạn Tây lại giết Tây" (Tác giả Lê Kim, tháng 3/1954)

Trong những giờ phút nghỉ ngơi khi trận địa im tiếng súng các chiến sĩ sáng tác những câu ca, điệu hò khích lệ, động viên tinh thần chiến đấu:

“Đúng rồi! Muốn đánh thì đào
  Muốn thắt cổ địch phải có chiến hào vây quanh
  Chiến hào cùng với chiến binh
  Họ “chiến” chúng mình quyết chiến lập công”.

  Tuy luôn mang trên mình ý chí, nghị lực kiên cường chiến đấu, nhưng trước sự hy sinh đẫm máu của đồng đội, cái chết luôn cận kề bên mình, họ cũng có những giây phút nhớ thương quê nhà, mong mỏi những lá thư nhà. Mỗi cánh thư đến được tay chiến sĩ, đó không chỉ là thư nhà, thư mẹ của một người, mà là thư của cả tổ đội. Bài thơ "Đọc thư hậu phương"      (Tác giả Xuân Thủ, tháng 4/1954) như  tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ vững tâm, quyết chiến đấu đến cùng cho tới ngày giành chiến thắng. 

  Cũng với tình đồng chí, đồng đội cao cả, nhà thơ Chính Hữu sáng tác bài  thơ "Thư nhà ấm áp". Qua bài thơ, Chính Hữu đã nói hộ tâm tư tình cảm của tất cả anh lính Cụ Hồ đang tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến đấu nơi chiến trường gay go ác liệt, những lá thư của người thân nơi quê nhà theo đường quân bưu đưa đến chính là nguồn động viên to lớn giúp ngưới lính yên tâm, vững dạ cầm súng chiến đấu, bảo vệ quê hương, giành chiến thắng. Có lẽ đây là một đề tài mới trong thơ ca kháng chiến mà Chính Hữu là người khơi mở đầu tiên cho đề tài này. Trong chiến đấu, thơ ca đã làm được điều kỳ diệu, vừa cổ vũ thinh thần chiến đấu vừa khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Điện Biên anh dũng vượt qua gian khổ ác liệt, giành chiến thắng vang dội. Trong đó phải nhắc đến bài thơ “Lá thư hậu phương” và “Tiếng cuốc trên chiến trường Điện Biên Phủ” của Hoàng Cầm. Hai bài thơ này được các chiến sĩ yêu thích, viết vào sổ tay, luôn giữ bên mình. Bài thơ mộc mạc, giản dị như lời tâm tình, thủ thỉ, dễ đi vào lòng người của nhà thơ Hoàng Cầm, đã thay người ở nhà, nhắn nhủ, ngóng trông, hy vọng, động viên người ở mặt trận quyết tâm chiến đấu, chiến thắng kẻ thù. Trong lúc quân ta đào hào, xây dựng trận địa nhà thơ Hoàng Cầm viết bài thơ: Tiếng cuốc trên chiến trường Điện Biên Phủ.

  Sự quan tâm động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuyên suốt chiều dài của chiến dịch Điện Biên Phủ. Bác không chỉ gửi thư căn dặn, cỗ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân mà Bác còn viết nhiều bài thơ thể hiện tình cảm,truyền lửa thương yêu và niềm tin quyết thắng cho cán bộ chiến sĩ ta ở Điện Biên Phủ. Bài thơ “Tặng bộ đội Điện Biên Phủ" của Bác Hồ đã động viên khích lệ cán bộ, chiến sĩ đang chiến đấu trực tiếp tại mặt trận Điện Biên Phủ: Bài thơ như một lời hiệu triệu và biến thành sức mạnh, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.“…  

Với ý chí quyết tâm và tinh thần sắt đá, sau 56 ngày đêm chiến đấu, Điện Biên Phủ đã được giải phòng vào chiều ngày 7/5/1954 lịch sử. Hòa chung với niềm vui lớn của dân tộc, chỉ sau 5 ngày giành chiến thắng, Bác đã làm một bài thơ khá dài gồm 45 câu để chào mừng chiến thắng lịch sử vĩ đại này, bài thơ "Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ" được đăng trên báo Nhân dân số 184. Với kết cấu mạch lạc, kể lại theo trình tự thời gian của chiến dịch, bằng ngôn ngữ bình dị, đại chúng, dễ thuộc, dễ nhớ. Có thể nói rằng bài thơ "Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ" nối tiếp những áng văn chương ghi lại những mốc son, những chặng đường lịch sử gian khổ, ác liệt và hào hùng của dân tộc, đồng thời là những tác phẩm có ý nghĩa sống mãi cùng năm tháng.

Bác kể chuyện về quân ta thật giản dị, tự nhiên,kể về quân địch thì dùng ngôn ngữ châm biếm sâu cay, hài hước, dí dỏm. Bác viết về chiến thắng to lớn của quân dân ta thật hồn nhiên, vui tươi, nói về thất bại của quân địch thì dùng những hình ảnh rất thảm hại. Đây là bài thơ viết về chiến thắng Điện Biên Phủ xuất hiện đầu tiên trên báo, mở đầu cho hàng loạt các bài thơ viết về chiến thắng Điện Biên Phủ ra đời sau này.

Trong không khí vui mừng, hân hoan giành chiến thắng của cả dân tộc  nhạc sĩ Đỗ Nhuận cũng sáng tác ca khúc “Giải phóng Điện Biên”. Ngày 13/5/1954, trong lễ ăn mừng chiến thắng tại Mường Phăng, tập thể văn công, chiến sĩ cùng hát vang ca khúc "Giải phóng Điện Biên". Bài hát ra đời thể hiện được chiến thắng trọn vẹn, sự hoàn thành nhiệm vụ bằng cả trái tim và tâm huyết của người nhạc sĩ. Bài hát được nhạc sĩ Đỗ Nhuận vận dụng một cách sáng tạo âm hưởng, làn điệu dân ca Tây Bắc và làn điệu chèo của đồng bằng Bắc bộ. Ở đó ta như nghe thấy có tiếng kèn thắng trận hùng tráng, có âm hưởng điệu xòe hoa của dân tộc Thái xen lẫn với nhịp bước quân đi. Ca từ của bài hát rất giàu hình ảnh, như một bài văn xuôi có hình ảnh những chiến sĩ Điện Biên chiến thắng trở về, có cảnh núi rừng Tây Bắc mừng vui với mùa hoa nở rộ, nương lúa mới của bản Mường và từng đàn em bé, từng đoàn dân công tiền tuyến reo vui, vẫy chào. Hình ảnh núi rừng và con người Tây Bắc như một cuốn phim hiện lên khi gần, khi xa trong ca từ của ông.

Bài hát này đã trở thành một trong những bài hát truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được Đài tiếng nói Việt Nam sử dụng làm nhạc hiệu đầu tiên từ tháng 7/1954.

Đó chỉ là số ít trong số những bài thơ, bài hát được sáng tác trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bởi những con người tay quen cầm súng, với lòng dũng cảm và căm thù giặc sâu sắc, để đến khi cầm bút, dù đó chỉ là những vần thơ chân phương, dung dị, có đôi lúc lạc nhịp mà vẫn toát lên lòng yêu nước đến tha thiết, cháy bỏng.

Những tác phẩm thơ ca sáng tác sau giải phóng Điện Biên Phủ

Cảm hứng từ bản anh hùng ca của dân tộc vẫn tiếp tục truyền lửa sáng tác cho các cây bút chuyên và không chuyên ngày nay. Cảm hứng về Điện Biên xuất hiện trong thơ rất nhiều, cả trong khi chiến dịch đang diễn ra và khi đã giành thắng lợi. Trong đó, những tên tuổi như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu… và cả Chế Lan Viên, Xuân Diệu… đã khai thác rất nhiều chất liệu từ cuộc kháng chiến đầy gian khổ mà hào hùng của quân và dân ta.  

Ngay sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi, Tố Hữu đã có một bài thơ rất hay, rất kịp thời và đúng lúc “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên”. Bài thơ là dòng ký sự chiến dịch, là khúc tâm tình reo vui chiến thắng, được thể hiện bằng một ngôn từ trong sáng, mộc mạc và một tiết tấu thơ linh hoạt, phong phú, thể hiện niềm hân hoan tột độ của cả dân tộc đang bước lên vũ đài chiến thắng. Âm hưởng anh hùng ca trong bài thơ chính là hào khí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta ở Điện Biên Phủ. Bài thơ dài 96 câu, được viết bằng thể thơ tự do, kết hợp nhuần nhuyễn giữa trữ tình và chính trị, giữa hiện đại và truyền thống. Từng câu thơ đã diễn tả lại năm tháng gian lao, khổ cực nhưng tràn ngập khí thế anh hùng và niềm vui chiến thắng.

Sau này, trong bài thơ Việt Bắc viết vào tháng 10/1954, Tố Hữu còn khắc họa lại cái khí thế như sóng cuộn thác trào của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ với niềm tin tất thắng. Cảm hứng sử thi về chiến dịch Điện Biên Phủ, âm vang về Điện Biên thì vẫn lan tỏa mạnh mẽ qua hình ảnh những đoàn quân trùng điệp, những đoàn dân công đỏ đuốc với “bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay” đầy hào khí. Tố Hữu khắc hoạ lại khí thế như sóng cuộn thác trào của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ với một niềm tin hướng về tương lai tươi sáng. Cùng với Tố Hữu, tác giả Nguyễn Đình Thi cũng có khá nhiều bài thơ lấy cảm hứng từ chiến dịch Điện Biên. Đầu tiên là tác phẩm “Bài ca Điện Biên Phủ” với sự khắc họa hình ảnh người lính Cụ Hồ đang tham gia chiến dịch với phẩm chất kiên cường, xông xáo, dũng cảm:

  "Người ngã lại người ngã. Trên cánh đồng Mường Thanh. Mắt quắc lên nảy lửa. Chiến sĩ vút lao nhanh". Về sau, năm 1955, khi kết thúc bài thơ Đất nước, Nguyễn Đình Thi lại một lần nữa khai thác cảm hứng Điện Biên với những hình tượng thơ kỳ vĩ, rực rỡ:

"Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa".

Mỗi khi nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ không thể không nhắc đến tấm gương chiếu đấu anh dũng của các anh hùng liệt sĩ "Thân chôn làm giá súng, đầu bịt lỗ châu mai, oằn lưng kéo pháo". Đặc biệt khi đến Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên, nhiều người đã không cầm được nước mắt khi đứng trước những nấm mộ vô danh. Đó là những người lính đã hiến dâng tất cả cho Tổ quốc, thân xác, tâm hồn, tên tuổi của họ đều hòa vào đất trời, cỏ cây. Nhà thơ Xuân Diệu trong một lần thăm Điện Biên Phủ, khi qua mộ anh hùng Bế Văn Đàn đã cảm khái làm nên bài thơ "Mộ Bế Văn Đàn". Bài thơ được mở đầu bằng những câu thơ lục bát quen thuộc. Nhà thơ Chế Lan Viên có bài thơ tứ tuyệt ngợi ca người chiến sĩ lấy thânmình làm giá súng, bài "Nhớ Bế Văn Đàn", "Thóc mới Điện Biên" viết sau khi đi thăm nghĩa trang Điện Biên. Bài thơ  "Mộ chiến sĩ vô danh" của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu với những câu đầy xúc động: 

“Tấm bia trắng không dòng tên họ,

Không năm sinh, không để dấu thôn làng.

Như tất cả cuộn thành tiếng nổ,

Ném vào hầm ngầm, ụ súng, xe tăng.

Như tất cả, anh gửi vào cho đất...”.

Với chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu hơn 60 năm về trước, trang sử Việt đã ghi thêm những địa danh lịch sử mới: Điện Biên, Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, Đồi A1,… Những địa danh này từ đây được sánh cùng những địa danh sáng ngời chiến công của cha ông thuở xưa như Bạch Đằng, Sông Cầu, Như Nguyệt, Hàm Tử, Chương Dương, Vạn Kiếp, Chi Lăng, Rạch Gầm - Xoài Mút, Đống Đa, Ngọc Hồi, Hà Hồi, Khương Thượng… Tất cả sẽ mãi mãi bất tử trong trang sử vệ quốc oai hùng của dân tộc và là niềm tự hào của người dân Việt Nam, để các thế hệ sau viết tiếp những trang sử mới trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, trong xây dựng và phát triển  đất nước sau này.

Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam mà còn là một kỳ tích trong lịch sử nhân loại ở thế kỷ XX. Để làm nên chiến thắng vĩ đại đó có sự đóng góp không nhỏ của các văn nghệ sĩ đồng thời họ cũng là những người lính trực tiếp cầm súng tham gia chiến đấu và sáng tác những vần thơ, bài hát nhằm cổ vũ, động viên tinh thần để các chiến sĩ quên những khó khăn gian khổ, sự hy sinh mất mát, quyết tâm chiến đấu giành chiến thắng. Sau này những bài thơ, bài hát đó đã trở thành những khúc tráng ca lưu truyền qua các thế hệ.

Hằng năm, vào dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5, những bài thơ, bài hát ấy lại được vang lên đầy tự hào. Hơn thế nữa, âm vang của Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ luôn là nguồn cảm hứng bất tận không bao giờ vụt tắt cho mọi thời đại, nguồn cảm hứng đó được lưu truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ, giúp thế hệ mai sau hiểu về truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất và sự hi sinh vô bờ bến của quân dân ta.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.664
      Online: 45