Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trên dải đất hình chữ S. Mỗi dân tộc đã góp vào nền văn hóa chung một sắc màu độc đáo, tạo nên một bức tranh về văn hóa Việt Nam phong phú và đa dạng.
Có thể khẳng định văn hóa gắn liền với toàn bộ cuộc sống và sự phát triển của xã hội; con người ra đời, trưởng thành là nhờ văn hóa, hướng tới tương lai cũng từ văn hóa; giá trị văn hóa của một dân tộc thể hiện ở bản sắc của dân tộc ấy, văn hóa còn thì dân tộc còn. Những giá trị văn hóa của con người Việt Nam là thước đo trình độ phát triển và thể hiện đặc tính riêng của mỗi dân tộc Việt Nam. Di sản văn hóa Việt Nam bao gồm: Di sản văn hóa vật thể và Di sản văn hóa phi vật thể, đó là nền di sản vô cùng phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, trải dài suốt bề dày lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc ta, là tài sản vô cùng quí giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta đặt nền móng cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Sắc lệnh số 65/SL phản ánh những tư tưởng, quan điểm sâu sắc đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”. Bởi di sản văn hóa chính là nơi thể hiện rõ nét nhất hồn cốt của một dân tộc, để mất di sản, dù chỉ là một phần, cũng chính là đánh mất bản sắc dân tộc. Cho đến nay, sắc lệnh vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn, soi sáng cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước.

Xuất phát từ ý nghĩa đó và yêu cầu tình hình, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ đổi mới, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hằng năm lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam” nhằm “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”. Quyết định của Thủ tuớng Chính phủ xác định 5 yêu cầu của Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam là: Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; Tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong những năm qua gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của đất nước và của tỉnh Điện Biên, lĩnh vực di sản văn hóa đã phát huy vị thế, vai trò của mình và luôn khẳng định là một ngành có sức hấp dẫn, giàu sức lan tỏa; đồng thời gây dựng được vị trí, vai trò quan trọng trong lòng nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói riêng và du khách trong và ngoài nước nói chung.
Cùng với nhiệm vụ chung của cả nước, tỉnh Điện Biên đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả Luật Di sản Văn hóa với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, điều đó đã phản ánh bước chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của các cấp các ngành, các tổ chức xã hội, nghệ nhân, cộng đồng dân cư. Đặc biệt là tập thể lãnh đạo và các phòng, đơn vị liên quan trên hành trình quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc của tỉnh Điện Biên.
Hưởng ứng Ngày “Di sản văn hoá Việt Nam, 23/11”, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lich tỉnh Điện Biên đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: Tổ chức toạ đàm ôn lại truyền thống, ý nghĩa Ngày Di sản Văn hoá Việt nam; Gặp gỡ giao lưu với một số Nghệ nhân ưu tú và trao danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” cho các Nghệ nhân ưu tú được phong tặng theo Quyết định số 1021/QĐ-CTN ngày 09 tháng 9 năm 2022 của Chủ tich nước. Bên cạnh đó còn tổ chức một số hoạt động giao lưu thể thao, hoạt động trải nghiệm giữa Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên và Bảo tàng tỉnh như: Thi đấu cầu lông, đẩy xe đạp thồ, đua thuyền trên cạn, lăn bánh xe…

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Phạm Đức Toàn - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trao Bằng phong tặng danh hiệu “ Nghệ nhân ưu tú” cho 13 nghệ nhân


Một số hoạt động trải nghiệm chào mừng ngày Di sản Văn hóa
Việc tổ chức ngày Di sản văn hoá hằng năm có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị Di sản Văn hoá dân tộc. Đồng thời thông qua các hoạt động giao lưu thể thao, hoạt động trải nghiệm đã tạo được không khí vui tươi, phấn khởi và động lực cho mỗi công chức, viên chức và người lao động công tác trong lĩnh vực Di sản văn hoá tại các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên tiếp tục phát huy, thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động người thân và nhân dân địa phương thực hiện tốt Luật di sản văn hóa và các văn bản liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của Trung ương và của tỉnh, nhằm góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung và Di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói riêng.