Cách đây 92, Công hội Đỏ, tiền thân của Công đoàn Việt Nam đã được thanh lành. Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Thành lập công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2021) là dịp để đoàn viên, viên chức, người lao động của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ôn lại, phát huy truyền thống vẻ vang của GCCN và tổ chức Công đoàn Việt Nam; ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời và lấy phong trào công nhân làm nòng cốt cho phong trào cách mạng, lấy việc vận động công nhân làm trung tâm công tác của Đảng, Đảng cử hàng loạt cán bộ vào nhà máy, hầm mỏ, nắm các công hội do Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đã lập từ trước để tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, phổ biến tôn chỉ, mục đích Điều lệ của Công hội đỏ, chọn lọc những quần chúng tích cực kết nạp vào Công hội Đỏ.
Ban chấp hành TW lâm thời Đông Dương Cộng sản đảng quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ I, ngày 28/7/1929 tại số nhà 15 Hàng Nón – Hà Nội. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Trung ương lâm thời Tổng Công hội Đỏ gồm 06 đồng chí do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, ủy viên BCH TW lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đứng đầu. Đại hội cũng đã thông qua Chương trình, Điều lệ của Công hội Đỏ và quyết định xuất bản báo Lao động (số đầu tiên ngày 14/8/1929 do chính đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Trần Học Hải phụ trách).
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và nhiều lần đổi tên, ngày 6/6/1976, Hội nghị Công đoàn toàn quốc được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định thống nhất Công đoàn hai miền Nam, Bắc thành “Tổng Công đoàn Việt Nam”. Tại Đại hội V, Công đoàn Việt Nam (tháng 11/1983) đã Quyết định lấy ngày 28/7 là ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam có nhiều tên gọi khác nhau để phù hợp với nhiệm vụ của từng giai đoạn:
1- Công hội Đỏ (năm 1929 - 1935)
2- Nghiệp đoàn Ái hữu ( năm 1935 - 1939)
3- Công nhân Phản đế (năm 1939 – 1941)
4- Công nhân cứu quốc (năm 1941 – 1945)
5- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (năm 1946 – 1961)
6- Tổng công đoàn Việt Nam (năm 1961 – 1988)
7- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1961 đến nay)
Lịch sử hình thành và phát triển Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) có thể khẳng định rằng Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và những người lao động tự nguyện lập ra nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt; đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Công đoàn Việt Nam là thành viên của hệ thống chính trị và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là trung tâm tập hợp, đoàn kết, giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân, lao động.
Trải qua 92 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2021) đã khẳng định được vai trò to lớn trong việc góp phần xây dựng và nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị – xã hội chủ nghĩa. Tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, từng bước hoàn thiện nền dân chủ xă hội chủ nghĩa, bảo đảm thực thi pháp luật và để Nhà nước thực sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, đảm bảo sự ổn định về chính trị.
Đóng góp tích cực xây dựng hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế góp phần củng cố những thành tựu kinh tế, văn hóa và khoa học – kỹ thuật đã đạt được trong những năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành phần kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước đưa kinh tế tri thức vào Việt Nam, góp phần nhanh chóng hội nhập với khu vực và thế giới. Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, việc đẩy mạnh hoạt động của các thành phần kinh tế vẫn đảm bảo cho kinh tế quốc doanh giữ vị trí then chốt, đóng vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó Công đoàn luôn chú trọng xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, tính tổ chức kỷ luật, trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật, có nhãn quan chính trị, thực sự là lực lượng nòng cốt của khối liên minh công – nông – trí thức, làm nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân, là cơ sở vững chắc đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng và tăng cường sức mạnh của Nhà nước.
Để tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã đề ra mục tiêu tổng quát, đó là: nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh. Hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp; tập hợp, thu hút đông đảo người lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết cũng đã đề ra ba khâu đột phá, đó là: đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nhất là đội ngũ Chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng nguồn lực công đoàn đủ mạnh, đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Trong những năm qua, công đoàn bộ phận Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã khắc phục những khó khăn chung của tình hình kinh tế - xã hội, tích cực triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa. Hoạt động Công đoàn đã bám sát thực tiễn và đạt nhiều kết quả, công tác chăm lo đời sống vật chất tinh thần, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên đạt được những kết quả cụ thể: Nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6, Công đoàn bộ phận Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã phối hợp với Chi đoàn Thanh niên trao quà cho các cháu là con em lao động, viên chức của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; luôn nắm bắt tâm tư nguyện vọng các viên chức lao động nữ, vào các ngày Quốc tế Phụ Nữ 08/3 và 20/10, tổ chức tọa đàm, gặp mặt tạo điều kiện để chị em được chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác cũng như trong cuộc sống gia đình; đặc biệt Phối hợp với Công đoàn cơ sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 02 đoàn viên là Lò Văn Thảnh và Nguyễn Thị Thúy với mỗi suất quà trị giá 700.000 đồng. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự quan tâm sâu sắc, kịp thời đối với đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19. …
Từ đây, vai trò, vị trí, chức năng của tổ chức công đoàn được nâng cao, khẳng định được niềm tin của người lao động vào tổ chức Công đoàn.