Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Quân đội Nhân dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, liên tiếp giành được những thắng lợi vẻ vang trong nhiều chiến dịch và giành thế chủ động trên chiến trường Bắc Bộ, đẩy Thực dân Pháp vào thế bị động, lúng túng, mất quyền chủ động chiến lược trên chiến trường Đông Dương.

Đến năm 1953, cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương bước sang năm thứ 8. Quân đội Pháp rơi vào tình thế khốn đốn, buộc Pháp phải có những phương sách mới cấp thiết để cứu vãn tình thế. 

Để cứu vãn tình thế, bước vào Thu - Đông năm 1953, Thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã cho ra đời Kế hoạch Navarre, tăng viện lớn về binh lực và chi phí chiến tranh, mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực Việt Minh, kiểm soát lãnh thổ Việt Nam và bình định cả Nam Đông Dương. Kế hoạch Navarre là nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhằm giành lại thế chủ động có tính quyết định về quân sự trên chiến trường, làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có lợi cho Pháp.

Về phía ta, tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp bàn và quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân với phương châm: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, chọn nơi địch sơ hở và nơi tương đối yếu mà đánh, chọn những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do, đẩy mạnh chiến tranh du kích, giữ vững thế chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng. Quân và dân ta đã phối hợp với quân và dân Lào, Campuchia liên tiếp mở chiến dịch và giành thắng lợi ở Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào, Đông Campuchia, Tây Nguyên và Thượng Lào, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng của địch, buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng để đối phó trên khắp chiến trường Đông Dươngvà rơi vào tình thế bị động chiến lược.

Khi phát hiện hướng tiến công chiến lược của ta vào Tây Bắc, Lai Châu và Thượng Lào, Quân đội viễn chinh Pháp đã cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ.

Ngày 20/11/1953, quân Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ

Tại đây, Thực dân Pháp xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trải dài suốt 18km của lòng chảo Điện Biên Phủ, với 49 cứ điểm, hợp thành 3 Phân khu: Phân khu Bắc, Phân khu Trung tâm, Phân khu Nam và khoanh thành 8 cụm mang tên 8 cô gái đẹp nước Pháp, với ý nghĩa khích lệ động viên tinh thần binh lính Pháp chiến đấu tại Điện Biên Phủ. Mỗi cụm cứ điểm là một hệ thống hỏa lực nhiều tầng, có khả năng phòng ngự độc lập, chiến hào ngang dọc chìm nổi rất phức tạp có thể tấn công hoặc rút lui bất cứ lúc nào, phía ngoài là những lớp hàng rào dây thép gai có độ dày từ 50 - 200m xen kẽ là các loại mìn: mìn nhảy, mìn ghém, mìn kiềng... được ví như lưới lửa tự động sẵn sàng thiêu cháy đối phương ngay từ lớp ngoài cùng.

Ngoài ra, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ còn được ưu tiên bảo vể bới các loại vũ khí tối tân hiện nhất thời điểm lúc bấy giờ như: Xe tăng, máy bay, pháo 155mm, tia hồng ngoại có thể quan sát vào ban đêm, súng phun lửa, súng đại liên,trung liên, súng trọng liên 4 nòng... Tập đoàn này còn có 2 sân bay: Sân bay Mường Thanh và sân bay Hồng Cúm (sân bay dự bị), tổng số quân Pháp ở Điện Biên Phủ lúc cao điểm nhất lên tới 16.200 quân.

Những lớp hàng rào dây thép gai bao quanh cứ điểm của quân Pháp

Trước tình hình đó, ngày 06/12/1953, tại Chiến khu Việt Bắc (Tỉn Keo, Định Hóa, Thái Nguyên) dưới sự chủ trì của của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị họp và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuối tháng 12/1953, cũng tại ngôi lán này Bộ Chính trị đã chọn Điện Biên Phủ làm điểm “Quyết chiến, chiến lược” trong Đông Xuân 1953 - 1954 đồng thời thành lập Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy, kiêm chỉ huy trưởng mặt trận.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ chính trị họp, bàn mở Chiến dịch Điện Biên Phủ

Những Đại đoàn hành quân lên Điện Biên Phủ

Sau khi Điện Biên Phủ được chọn làm điểm quyết chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953 – 1954, nhiệm vụ đặt lên hàng đầu là sửa đường, mở đường để hành quân, vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược và đưa pháo vào trận địa. Thực hiện phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh”, chiều ngày 16/01/1954, quân ta bắt đầu kéo pháo vào trận địa. Sau 9 ngày đêm kéo pháp gian khổ, ta chỉ kéo được 1/3 số pháo về phía Bắc chiếm lĩnh trận địa. Tuy nhiên, qua nghiêm cứu tình hình thực tế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chức cùng với nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, Bộ chỉ huy chiến dịch và Đảng ủy quyết định thay đổi phương án tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”.

Bộ đội và dân công mở đường từ Tuần giáo và Điện Biên phủ

Dân công vận chuyển hàng hóa lên Điện Biên Phủ

Kéo pháo vào mặt trận - Một trong những bất ngờ lớn của ta dành cho Pháp

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra 56 ngày đêm, chia làm 3 đợt tấn công, bắt đầu từ ngày 13/3/1954 đến ngày 07/5/1954:

Đợt 1: Đợt tấn công tứ nhất diễn ra từ ngày 13/3/1954 đến 17/3/1954, với nhiệm vụ đánh chiếm các cứ điểm vòng ngoài của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, các cỡ pháo của Quân dội Nhân dân Việt Nam bắn những loạt đạn đầu tiên vào Trung tâm đề kháng Him Lam, Sân bay Mường Thanh, Phân Khu Trung tâm mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngay từ những loạt đạn đầu, pháo của ta đã bắn trúng Trung tâm đề kháng Him Lam, liên lạc giữa Him Lam và Mường Thanh bị cắt đứt hoàn toàn. Him Lam chìm trong khói lửa. Sau 5 giờ 30 phút chiến đấu Quân đội nhân dân Việt Nam làm chủ hoàn toàn cứ điểm này.

Ngày 13/3/1954, Quân ta tấn công cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ

 Ngày 15/3/1954, quân ta tiếp tục mở cuộc tấn công vào cứ điểm đồi Độc Lập và bức hàng quân Pháp tại cứ điểm Bản Kéo. Đến ngày 17/3/1954, quân ta làm chủ hoàn toàn 3 vị trí vòng ngoài Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo, mở toang cánh cửa phía Bắc và Đông Bắc để chuẩn bị cho đợt tấn công thứ 2 vào Trung tâm Muờng Thanh.

Quân Pháp lợi dụng xe tăng phản kích quân ta tại cứ điểm Độc Lập (15/3/1954)

Đợt 2: Diễn ra từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954. Nhiệm vụ đợt tấn công thứ 2: Đánh chiếm các ngọn đồi phía Đông, đánh chiếm sân bay, triệt đường tiếp tế và tiếp viện, thu hẹp phạm vi chiếm đóng và vùng trời hoạt động của phân khu Trung tâm. Để thực hiện nhiệm vụ đợt tấn công thứ 2 là tiêu diệt các cao điểm phía Đông trong đó có đồi E1, Đồi A1, Đồi C1, C2, D1. Đúng 17 giờ ngày 30/3/1954, pháo các cỡ của ta đồng loạt nhả đạn vào Phân khu Trung tâm trong đó có dãy đồi phía Đông: E1, D1, C1, C2, A1, tạo điều kiện cho lực lượng bộ binh chiến đấu tiêu diệt quân địch.

Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày, quyết liệt, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt tại đồi A1 đã diễn ra cuộc chiến ác liệt, cam go và đẫm máu nhất trong trận chiến tại Điện Biên Phủ, diễn ra 39 ngày đêm. Kết thúc đợt tấn công thứ 2 khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.

Tiến đánh sân bay Mường Thang (4/1954)

Đợt 3: Diễn ra từ ngày 01/5 đến ngày 07/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đêm ngày 06/5/1954, tại đồi A1 quân ta điểm hỏa khối bộc phá ngàn cân phá hủy nhiều lô cốt, hầm hào và một phần đại đội dù số 2 của địch.. Chớp thời cơ, quân ta lập tức xung phong, đánh thẳng vào sở chỉ huy của địch ở đỉnh đồi. 4 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, trận đánh tại cứ điểm A1 kết thúc.

 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt.

Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” tung bay trên nóc hầm chỉ huy

Tướng DeCastries cùng toàn bộ Bộ tham mưu của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống

Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên , bắn rơi 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của Thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ.

Binh lính Pháp đầu hàng

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đập tan những âm mưu của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Geneve công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Đông Dương, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ.

Hội nghị Geneve (Thụy Sỹ) được ký vào ngày 20/7/1954 về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương

Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, một trận tiêu diệt điển hình nhất và là trận đầu đánh thắng Mỹ, trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương. Tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Với chiến thắng Điện Biên Phủ, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại một dân tộc vốn là thuộc địa nửa phong kiến, đất không rộng, người không đông, kinh tế còn lạc hậu đã đánh thắng đội quân xâm lược của một cường quốc phương Tây có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn, trang bị vuc khí hiện đại. Chính vì vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại.

Chiến thắng Điện Phủ đã lùi xa cách đây 67 năm, nhưng chiến thắng ấy vẫn mãi là niềm tự hào, là “cột mốc bằng vàng” trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.827
      Online: 38