Đại tướng Lê Trọng Tấn - vị tướng tài năng, mưu lược của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông gắn với những chiến công và những bước trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam, những trận đánh mang tầm chiến lược trong 2 cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược như: Chiến dịch Biên Giới (1950), Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953), Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và chiến dịch Hồ Chí Minh (1975) đều in đậm dấu chân của Đại tướng Lê Trọng Tấn.
Đúng như Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: Tướng Lê Trọng Tấn là “Một trong những Tư lệnh chiến dịch, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng giỏi nhất của quân đội ta”.
Đồng chí Lê Trọng Tấn tên khai sinh là Lê Trọng Tố (1914 - 1986), trong một gia đình trí thức yêu nước ở xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội (nay là huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội).
Năm 1944 đồng chí tham gia Mặt trận Việt Minh và làm công tác binh vận ở Bạch Mai, Hà Nội.
Tháng 6/1945, đồng chí cùng với một số đồng chí khác chỉ huy diệt đồn Đồng Quan, sau đó được cử làm Ủy viên phụ trách quân sự trong Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Hà Đông và tham gia chỉ đạo cướp chính quyền tỉnh.
Tháng 12/1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp từ cuối năm 1945 đến năm 1950, đồng chí Lê Trọng Tấn lần lượt giữ các chức vụ: trung đoàn phó, trung đoàn trưởng Trung đoàn Sơn La hay còn gọi là Trung đoàn 48; quyền Khu trưởng Khu 14, Phó Tư lệnh Liên khu 10; Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Trung đoàn 209, đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn 312 khi mới 36 tuổi. Đồng chí đã cùng đồng đội xông pha nơi lửa đạn, từ chiến dịch nhỏ đến chiến dịch lớn, góp phần vào những chiến thắng vang dội của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đồng chí được giao nhiệm vụ chỉ huy Đại đoàn 312 đánh trận mở màn tiêu diệt Trung tâm đề kháng Him Lam - Một trong những trung tâm đề kháng kiên cố nhất của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Với vai trò là đại đoàn trưởng, đồng chí đã bán sát đơn vị, lăn lộn với chiến trường, chỉ huy cán bộ, chiến sỹ kịp thời. Nhờ đó, Đại đoàn 312 đã nhanh chóng tiêu diệt được Trung tâm đề kháng Him Lam. Trận đầu ra quân giành thắng lợi giòn giã có ý nghĩa to lớn, tạo niềm tin tưởng và sức chiến đấu mới cho bộ đội trên toàn mặt trận. Trên đà thắng lợi, Đại đoàn 312 tiếp tục phát triển tiến công đợt 2 đánh chiếm các cứ điểm E, D1, D2. Ngày 7/5/1954, trong đợt tiến công thứ 3 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn trưởng Lê trọng Tấn đã chỉ huy đơn vị từ hướng Đông vượt cầu Mường Thanh tấn công vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng De Catries cùng toàn bộ Bộ chỉ huy của quân Pháp, cắm cờ “Quyết chiến, quyết thắng” trên nóc hầm De Catries.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, cuối năm 1954 đồng chí Lê Trọng Tấn được cử giữ chức Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1. Năm 1961, đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng và được cử giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Năm 1964, đồng chí được cử giữ chức Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Ủy viên Quân ủy Miền, trực tiếp tham gia chỉ đạo các chiến dịch như: Đồng Xoài, Bàu Bàng - Dầu Tiếng (1965), chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Giăngxơn Xity của quân Mỹ và quân ngụy vào chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh - 1967)…
Từ năm 1970, trên cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, đồng chí liên tục được cử làm Tư lệnh các chiến dịch lớn như: Đường 9 - Nam Lào, Cánh Đồng Chum (1971), chiến dịch Trị - Thiên (1972), chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng (3/1975)...
Sau khi chỉ huy giải phóng chiến dịch Huế - Đà Nẵng, đồng chí Lê Trọng Tấn được cử làm Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh. Bằng sự phân tích mưu lược, sáng tạo và quyết đoán, đồng chí đã đề nghị Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương thành lập thêm cánh quân phía Đông và cho cánh quân này nổ súng trước giờ G để đối phương không kịp co cụm hay phá hủy cầu. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ tổng Tư lệnh, cánh quân phía Đông do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh đã thần tốc theo đường ven biển tiến về phía Nam, phá vỡ tuyến phòng thủ từ xa của địch ở Phan Rang, nhanh chóng phối hợp với các cánh quân khác tiến vào giải phóng Sài Gòn. Thực tiễn thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã chứng minh: “Cánh quân phía Đông là sáng tạo của Bộ Tổng Tham mưu vì nó không có từ đầu trong kế hoạch giải phóng miền Nam”.
Có một sự trùng lặp đặc biệt mà ít vị tướng nào có được đó là trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Lê Trọng Tấn chỉ huy Đại đoàn 312 từ phía Đông tiến vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt sống tướng De Catries và Bộ chỉ huy của quân Pháp, kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ. 21 năm sau, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, cũng từ phía Đông, đồng chí Lê Trọng Tấn trực tiếp chỉ huy cánh quân đã bắt sống hai tướng ngụy là Nguyễn Vĩnh Nghi và Phạm Ngọc Sang, rồi hành quân thần tốc tiêu diệt các ổ đề kháng của địch, cắm cờ trên Dinh Độc Lập, buộc Dương Văn Minh, Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Với hai chiến công ấy, Lê Trọng Tấn xứng đáng hai lần anh hùng”.
Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Lê Trọng Tấn tiếp tục được giao đảm nhiệm những cương vị quan trọng: Phó Tổng Tham mưu trưởng kiêm Viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, tham gia chỉ huy lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia; Ủy viên thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV, V; Đại biểu Quốc hội khóa VII.
Năm 1984, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng, là vị Đại tướng Việt Nam lớn tuổi nhất vào thời điểm thụ phong là 70 tuổi. Đại tướng Lê Trọng Tấn là tấm gương sáng và cao đẹp của người Đảng viên trung thành, một vị tướng có đức, có tài, xông pha trận mạc với những chiến công to lớn, là niềm tự hào của cán bộ chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ghi nhận những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp Cách mạng của Đảng và dân tộc, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng (truy tặng năm 2007), Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công (hạng Nhất, hạng Ba), Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều huân, huy chương khác.
Kỷ niệm 107 năm ngày sinh Đại tướng Lê Trọng Tấn, dân tộc Việt Nam tự hào có một người chỉ huy tài giỏi và đức độ. Tấm gương của Đại tướng Lê Trọng tấn sẽ mãi trường tồn để mỗi chúng ta, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam và thế hệ trẻ cả nước học tập và noi theo.