Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là người đại diện cho ý chí kiên cường sắt thép của một dân tộc quật cường trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, mà còn là một người cha gần gũi với mỗi gia đình Việt Nam. Người không chỉ là chủ nhân của những “mệnh lệnh”, những quyết định lịch sử mà còn là tác giả của những “bức thư riêng đầy tình cảm lớn lao… chia sẻ với mất mát của gia đình” các thương binh, liệt sĩ. Những lá thư chứa đầy “tình thương mênh mông và sự hy sinh cao cả” của người đứng đầu Chính phủ làm vơi đi nỗi đau của những gia đình như gia đình Bác sĩ Vũ Đình Tụng.

Tối một ngày tháng Chạp năm 1946, ở bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Vũ Đình Tụng đã mổ và gắp đạn, khâu vết thương cho hàng chục chiến sĩ vệ quốc quân từ khắp các mặt trận ở cả nội và ngoại thành chuyển về. Trong số đó, có một chiến sĩ tự vệ thành Hà Nội còn rất trẻ. Anh bị đạn bắn vào sau lưng, "phá ra phía trước, ruột gan rối bời".Các y sĩ hộ lý khuyên bác sĩ tạm nghỉ tay, nhưng ông vẫn kiên quyết mổ cho người chiến sĩ trẻ này. Không ngờ, vị bác sĩ đã nhận ra người chiến sỹ ấy chính là Vũ Vǎn Thành - con út của ông. Trong lúc cấp bách ấy, nếu không nhanh chóng khâu lại vết thương thì không kịp, ông nghiến rǎng, giữ bình tĩnh, gắp mảnh đạn cuối cùng trên thân thể chiến sĩ Thành trước khi choáng váng rời khỏi bàn mổ. Các bác sĩ của bệnh viện cố gắng rất nhiều, nhưng vết thương quá nặng đã cướp mất anh Thành, người con yêu quý của gia đình bác sĩ Vũ Đình Tụng. Anh của Thành là Vũ Đình Tín cũng đã hy sinh sau ngày tổng khởi nghĩa...

Sau đêm Noel 1946, bệnh viện Bạch Mai bị pháo giặc tàn phá, phải di chuyển ra ngoại thành. Vào một chiều mưa phùn gió bấc, khi bác sĩ Tụng mổ xong cho một ca thương binh nhẹ, bác sĩ Trần Duy Hưng - lúc bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đến thǎm bệnh viện và trực tiếp đưa bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ông, trong bức thư Bác gọi ông là “Ngài”.

Thưa Ngài,

Tôi được báo cáo rằng: con giai Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc.

Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.

Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước - Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần họ luôn luôn sống với non sông Việt Nam.

Họ là con thảo của Đức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc. Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ.

Ngài đã đem món quà quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc Ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng.

Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn Ngài, và gửi Ngài lời chào thân ái và quyết thắng.

Tháng 7/1/1947

Hồ Chí Minh

Đọc xong bức thư, bác sĩ Vũ Đình Tụng thấy bàng hoàng và xúc động. Bác bận trăm công nghìn việc, vậy mà Bác vẫn nghĩ đến mình, một gia đình đang có cái tang đau lòng như hàng vạn gia đình khác, bỗng thấy nỗi đau thương và sự hy sinh của gia đình mình trở nên nhỏ bé trong tình thương mênh mông và sự hy sinh cao cả của Bác đối với cả dân tộc.

Bác vĩ đại đến nhường nào thì cũng bình dị nhường ấy. Tình thương của Người bao la, gần gũi, thân thương đối với mỗi gia đình Việt Nam. Cả cuộc đời Bác vì nước, vì dân không có điều kiện dành cho hạnh phúc riêng. Không có gia đình riêng, nhưng Bác có  “Nước Việt Nam là gia đình” chung, có “tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu”. Cuộc chiến tranh mà quân xâm lược gây ra đã cướp đi biết bao đứa con thân yêu của những người cha, người mẹ, triệu triệu con cháu của Bác Hồ. Máu của các anh hòa vào dòng sông, con suối, di hài các anh hoá vào đất nước, quê hương. Đằng sau nụ cười ngày chiến thắng là những dòng nước mắt chảy vào trong, là nỗi “đau đớn đến bàng hoàng” của những người cha, người mẹ mất con như Bác sĩ Vũ Đình Tụng, là nỗi đau như "đứt một đoạn ruột" của người cha già kính yêu.

Bác luôn là biểu tượng mẫu mực biến đau thương thành hành động cách mạng. Người khuyên bác sĩ Vũ Đình Tụng “thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà”. Đó là cách tri ân, sự đền đáp xứng đáng nhất của những người đang sống, đang chiến đấu với những người đã mất để linh hồn các anh “trên trời cũng bằng lòng và sung sướng”. Với Người, nước mắt là “lò luyện” cho “thép cách mạng” vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn, để những gia đình có người thân đã hy sinh cho Tổ quốc hiểu rằng: “Có những phút làm nên lịch sử- Có những cái chết đã hóa thành bất tử...”

Câu chuyện không xa vời, huyễn hoặc mà rất gần gũi thiết thực đã trở thành một di sản tinh thần quý báu của dân tộc. Đó chính là nhân cách Hồ Chí Minh mà ngày nay đã trở thành nhân cách dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam trong thời đại mới. Vượt qua lửa đạn của chiến tranh, vượt qua quy luật khắc nghiệt của thời gian, những bài học đạo đức của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Mọi thế hệ người Việt Nam đã và đang nguyện suốt đời học tập rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.686
      Online: 10