Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ chí Minh luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Bác chỉ ra rằng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Bác nói: “Bài báo là tờ hịch cách mạng”. Cho nên điều đầu tiên mà bất cứ người cầm bút nào trên mặt trận báo chí cách mạng phải hiểu rõ mục tiêu và nhiệm vụ của cách mạng là gì? Như Bác từng nói: “Bắn thì phải có bia, phải có mục tiêu”. Nghĩa là ngòi bút phải gắn với đối tượng.

Nhận thức sâu sắc vai trò và chức năng của báo chí cách mạng là người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể, vừa là nhà giáo dục, vũ khí sắc bén trong đấu tranh giai cấp, đấu tranh cách mạng, có thể tạo ra sức mạnh to lớn. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam luôn đề cao và quán triệt các cấp các ngành coi trọng hoạt động của báo chí. Từ đó báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và phát huy vai trò ngày càng lớn lao đối với sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, báo chí, mà nòng cốt là Báo Quân đội nhân dân, cùng với hệ thống tờ tin của các đơn vị đã hình thành nên một “binh chủng đặc biệt”, góp phần vào chiến thắng chung của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chưa bao giờ trong một chiến dịch nào ta lại tập trung một lực lượng viết văn, làm báo đông đảo như chiến dịch Điện Biên Phủ. Chỉ riêng Báo Quân đội nhân dân đã có tới 5 phóng viên dày dạn kinh nghiệm là Hoàng Xuân Tuỳ, Trần Cư, Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp và Hoạ sỹ Nguyễn Bích. Thông tấn xã Việt Nam có Hoàng Tuấn - một “chuyên gia về tổng hợp tin và thông báo chiến sự”; Đài Tiếng nói Việt Nam có phóng viên Nguyễn Nhất. Báo Nhân Dân có Thép Mới và Trần Đĩnh; Báo Cứu Quốc có Thái Duy và Chính Yên… Ngoài ra còn có một số văn nghệ sỹ cũng tích cực tham gia viết báo như các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Cao, Trần Dần, Hoạ sỹ Mai Văn Hiến; các nhạc sỹ Đỗ Nhuận, Lương Ngọc Trác; các nhà nhiếp ảnh Triệu Đại, Ngọc Thông; nhà quay phim Tiến Lợi…Bên cạnh đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp còn có một lực lượng “nhà báo nghiệp dư” đông đảo. Họ là những cán bộ tuyên huấn của các đại đoàn như: Hồ Phương (Đại đoàn 308), Ngọc Tự, Tạ Hữu Thiệu, Ngọc Bằng (Đại đoàn 316), Phác Văn, Lê Nguyễn (Đại đoàn 312)…; hay những cán bộ chính trị như Mạc Ninh, Đoàn Hợp… Ngoài ra còn có những phóng viên nòng cốt ở các tờ tin của các đại đoàn, trung đoàn. Nhiều người trong số đó về sau này đã trở thành những nhà báo có tên tuổi như Lê Kim, Lục Văn Thao, Nguyễn Trần Thiết, Đỗ Chí, Phạm Thanh Tân…

Lần đầu tiên trong lịch sử báo chí mà tòa soạn báo, viết báo, in và phát hành báo được tổ chức ngay tại mặt trận. Đó là toà soạn Báo Quân đội nhân dân và ban biên tập các tờ tin đại đoàn, trung đoàn tại mặt trận Điện Biên Phủ. Bộ ba (toà soạn báo - nhà in - đội phát hành) phối hợp hoạt động rất nhịp nhàng và có hiệu quả. Chính vì vậy mà những ấn phẩm báo chí đã phát huy được tác dụng, kịp thời động viên các lực lượng tham gia chiến dịch. Báo chí được xem là phương tiện tuyên truyền nhanh nhạy và hiệu quả nhất so với các phương tiện thông tin tuyên truyền khác lúc bấy giờ tại mặt trận. Trong 140 ngày đêm (kể cả thời kỳ trước mở màn chiến dịch) Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ đã ra được 33 số.Bên cạnh đó còn có các tờ tin của các đại đoàn, trung đoàn như Lập công của Đại đoàn 308, Tiên phong của Đại đoàn 312, Quyết thắng của Đại đoàn 316… Những tờ tin này mặc dù chỉ in ly-tô và khổ chỉ bằng một nửa trang báo ngày nay, song nó vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với bộ đội và dân công.

Làm báo ở mặt trận Điện Biên Phủ, người phóng viên phải phát huy tối đa tính năng động và sáng tạo. Vừa bám sát các đơn vị, vừa thường xuyên liên lạc với toà soạn ở mặt trận, họ còn phải duy trì liên lạc để chuyển bài vở, thông tin từ mặt trận về và nhận tin từ hậu phương lên với các toà soạn báo ở hậu phương. Họ vừa săn tin, viết bài, biên tập, lại phải biết tổ chức báo. Bám theo các đơn vị, họ lăn lộn như những người lính. Tối đến, bộ đội có thể được “xả hơi” đôi chút nhưng những người làm báo lại phải tranh thủ dưới ánh đèn dầu phòng không, viết bài ngay để kịp chuyển cho toà soạn.

Họa sỹ Phạm Thanh Tâm là chính trị viên trung đội, cũng là phóng viên tờ Quyết thắng của Đại đoàn 351 trong chiến dịch Điện Biên Phủ, kể lại: Để có được những thông tin chính xác và cập nhật, phóng viên phải lặn lội đến các trận địa để chứng kiến, ghi lại những gì tai nghe mắt thấy. Sau đó băng đèo, lội suối mất hàng nửa ngày đem thông tin về sở chỉ huy để viết bài. Lúc đó máy ảnh hiếm nên không có điều kiện chụp và in ảnh nên các bài báo viết và sắp chữ xong người phóng viên lại vẽ cả tranh minh họa. Do cuộc chiến đấu liên tục nên cứ lúc nào đủ bài cho hai trang là anh em lại tổ chức in báo chứ không qui định báo ngày hay báo tuần như sau này. Tờ Quyết Thắng mỗi lần xuất bản chỉ được khoảng 50 tờ. Báo in xong, lập tức được mang ra các trận địa phát cho bộ đội. Vì tính chất gấp gáp, đáp ứng yêu cầu thông tin phản ánh tình hình trên chiến trường, có lúc một mình ông vừa là người viết, vẽ, vừa phụ in ấn và rồi lại đi phát hành luôn.

Tết Giáp Ngọ 1954, lần đầu tiên ở mặt trận, bộ đội và dân công được đọc những dòng thơ chúc Tết của Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 1/2/1954 có cả chữ ký của Bác. Độc giả không biết rằng để có được chữ ký của Người ngay dưới bài thơ xuân đó, những người làm báo đã phải lục tìm chữ ký của Bác trong đống sách báo cũ để làm mẫu, sau đó đem khắc lên miếng gỗ lồng mực để in.

Có thể nói một cách ví von rằng, cuộc chiến đấu 56 ngày đêm ở Điện Biên Phủ giống như một cuộc chạy đua ma-ra-tông mà những người làm báo ở mặt trận là những nhà quay phim luôn phải gồng mình bám theo những bước chân ma-ra-tông đó. Mặt trận Điện Biên Phủ thực sự là một trường học mà ở đó những người làm báo được tôi luyện về ý chí, được nâng cao về trình độ nghiệp vụ, trình độ tổ chức, từ đó hình thành nên một phong cách làm báo ở chiến trường rất độc đáo.

Ngày 13/3/1954, ta nổ súng tiến công cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng “binh chủng đặc biệt” - báo chí đã xuất trận trước đó 2 tháng rưỡi. Ngày 28/12/1953, Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên tại Thẩm Púa. Thời kỳ đầu báo ra 2 trang, 4 - 5 ngày ra một số. Nhưng từ đầu tháng 3/1954, cùng với sự phát triển của chiến dịch, báo ra 3 ngày rồi 2 ngày một số, thậm chí ra hàng ngày. Trong khi nội dung của các tờ tin đại đoàn, trung đoàn chủ yếu phản ánh các gương chiến đấu điển hình, trao đổi kinh nghiệm chiến đấu, phục vụ chiến đấu thì Báo Quân đội nhân dân lại tập trung phản ánh theo các giai đoạn chiến dịch. Trong 33 số Báo Quân đội nhân dân ra tại mặt trận Điện Biên Phủ thì giai đoạn giải phóng Lai Châu được phản ánh trong 4 số; giai đoạn bao vây địch và làm công tác chuẩn bị tiến công: 10 số; tiến công vào các cứ điểm Him Lam và đồi Độc Lập: 7 số; đợt tiến công vào hệ thống cứ điểm phía Đông: 10 số; tổng công kích vào Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ: 2 số.

Để tăng thêm tính hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu của đối tượng độc giả ở mặt trận, các ấn phẩm báo chí đã xây dựng khá nhiều chuyên mục, trong đó riêng Báo Quân đội nhân dân thường xuyên duy trì trên dưới 10 chuyên mục. Mảng Chính luận gồm các bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy vừa mang tính chỉ đạo chiến lược, chiến thuật, giúp cho bộ đội và anh chị em dân công mở rộng tầm nhìn, nhận thức rõ các vấn đề… vừa thể hiện tình cảm của cấp trên dành cho cấp dưới, giúp cán bộ, chiến sỹ thấm thía trách nhiệm lớn lao của mình, củng cố niềm tin và quyết tâm chiến đấu. Mảng Bình luận quân sự phân tích âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, giúp cho cán bộ chiến sỹ nhận rõ âm mưu của địch, phương hướng tác chiến chủ yếu… Mảng Giáo dục chính trị tư tưởng được thể hiện ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với trình độ hiểu biết của bộ đội và dân công lúc bấy giờ. Mảng Phổ biến trao đổi kinh nghiệm chiến đấu, phục vụ chiến đấu chiếm một dung lượng khá lớn trong từng số Báo Quân đội nhân dân cũng như các tờ tin đại đoàn, trung đoàn, có ý nghĩa rất thiết thực. Những trang nhật ký nóng hổi; những tấm gương chiến đấu dũng cảm; những kinh nghiệm đào giao thông hào, làm công sự; kinh nghiệm vừa đánh vừa làm công tác cổ động chiến trường; những phóng sự điều tra về tình hình sức khoẻ bộ đội ở ngoài mặt trận; về hậu phương người lính trong cải cách ruộng đất; về giải quyết vấn đề tư tưởng sau mỗi trận đánh… thực sự đã góp phần làm vững vàng hơn bản lĩnh và ý chí chiến đấu của bộ đội; làm giàu hơn vốn sống và công tác của họ; bồi đắp thêm kinh nghiệm chiến đấu, giúp họ củng cố thêm sức chịu đựng dẻo dai trong điều kiện ác liệt của chiến trường. Bên cạnh đó, mảng Văn hoá, văn nghệ (tuỳ bút, thơ ca, hò vè, tranh đả kích châm biếm, chuyện sinh hoạt…) cũng được tòa soạn chú trọng, góp phần mang lại cho cán bộ chiến sỹ những phút giây thư giãn, tạo bầu không khí lạc quan, vui tươi cho bộ đội và anh chị em dân công trong những ngày chiến dịch ác liệt.

Thực tiễn đã chứng minh, báo chí đã thể hiện được một phần bức tranh sinh động của chiến dịch Điện Biên Phủ; làm tròn chức năng “tuyên truyền, cổ động và tổ chức tập thể”; góp phần vào việc giáo dục lòng yêu nước, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng trình độ mọi mặt cho bộ đội. Báo chí mang hơi thở của chiến trường, phản ánh sinh động cuộc sống, chiến đấu của bộ đội, trở thành người bạn tin cậy, món ăn tinh thần không thể thiếu của bộ đội và dân công. Những người làm báo trong chiến dịch Điện Biên Phủ vừa là phóng viên mặt trận, vừa là người lính chiến đấu; thậm chí kiêm luôn cả vai trò phái viên tuyên huấn của Bộ Tư lệnh chiến dịch. Từ đây, nhiều phóng viên được thử thách, trưởng thành cả về bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ, trở thành những cán bộ nòng cốt xây dựng các cơ quan văn hoá, văn nghệ trong và ngoài quân đội như: Văn Phác, Nguyễn Đình Thi, Thép Mới, Chính Yên, Đỗ Nhuận, Hoàng Xuân Tuỳ, Hồ Phương, Tạ Hữu Yên, Vũ Tú Nam… Nhiều nhà thơ, nhà báo tên tuổi sau này như: Vũ Cao, Nguyễn Bích, Bạch Trà, Lương Ngọc Trác, Tạ Hữu Thiện, Nguyễn Trần Thiết, Lưu Văn Lợi, Lê Kim, Đỗ Chí, Trần Cư, Phạm Phú Bằng… đều đã trải qua một thời kỳ làm báo đầy sôi động ở mặt trận Điện Biên Phủ.

Cùng với báo chí cả nước nói chung, báo chí tại mặt trận Điện Biên Phủ nói riêng đã đóng vai trò nòng cốt, hình thành nên “binh chủng đặc biệt”.Những nhà báo cũng là chiến sĩ, cũng xông pha trận mạc, chấp nhận gian khổ, hi sinh. Tờ báo không chỉ cung cấp thông tin mà còn là tiếng kèn xung trận, là sự biểu dương, chia sẻ thiết thực, là góp ý sửa chữa chân tình, là món ăn tinh thần bổ ích, là công cụ để làm công tác địch vận… trên chiến trường, mà còn có sức động viên rất lớn đối với hậu phương, đối với toàn quân, toàn Đảng, toàn dân ta thời đó; đồng thời góp phần làm nên một chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam “ Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Nhân dịp kỷ niệm 95 nămNgày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhắc lại những lời căn dặn của Bác Hồ với giới báo chí: “Người cách mạng gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn, chứ không chịu thua khó khăn. Có người chỉ muốn làm cái gì để lưu danh thiên cổ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn. Cái đó cũng không đúng.  Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra. Họ không thấy rằng: làm việc gì có ích cho nhân dân, cho cách mạng đều là vẻ vang. Muốn tiến bộ, muốn hay thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Chớ tự ái tự cho mình là tuyệt rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn, nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta”.Đội ngũ những người làm báo cách mạng ngày nay luôn không ngừng học tập phương pháp làm báo của Bác và rèn luyện bản lĩnh, tố chất của người làm báo để phục vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân, thể hiện rõ tinh thần “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.935
      Online: 45