Cách đây 66 năm, ngày 07/5/1954 tại lòng chảo Điện Biên Phủ, quân và dân Việt Nam đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tạo nên “cột mốc bằng vàng” trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc.

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đập tan ý chí xâm lược của Thực dân Pháp, buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh, công nhận độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương; đồng thời là kết tinh sức mạnh của toàn dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh, là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam và của cộng đồng quốc tế đấu tranh vì độc lập; đây cũnglà sự kiện lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của nhân loại. Do vậy, Chiến dịch Điện Biên Phủ chứa đựng rất nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng như:

 Ngày 20/11/1953, Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, manh nha ý định xây dựng căn cứ quân sự ở đây và ngăn chặn quân chủ lực Việt Nam chiếm đóng Tây Bắc. Pháp đã thả 6 tiểu đoàn dù với khoảng 4.500 lính dưới sự chỉ huy của Gill, một sĩ quan dày dạn kinh nghiệm trong hàng ngũ Pháp, đã ra sức đàn áp bà con và truy lùng lính Việt Minh, sau này được tăng cường thêm 6 tiểu đoàn trở thành lực lượng quân đồn trú chính trong trận chiến Điện Biên Phủ.

Ngày 03/12/1953, sau khi cân nhắc kĩ vị trí chiến lược Điện Biên Phủ,Navarre quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với Quân đội Việt Nam và bắt tay vào xây dựng nơi đây thành một Tập đoàn cứ điểm kiên cố, với hệ thống binh lực, hỏa lực mạnh, hệ thống công sự chiến hào vững chắc, hàng rào dây thép gai và bãi mìn dày đặc, dưới sự dẫn dắt, chỉ huy của Đại tá De Castries - Chỉ huy trưởng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và nhận định Điện Biên Phủ là Tập đoàn cứ điểm mạnh nhưngbị cô lập, mọi tiếp tế đều dựa vào cầu hàng không. Đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam, Điện Biên Phủ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay, diễn ra trên địa bàn rừng núi hiểm trở, đường xá đi lại khó khăn, thời gian chuẩn bị cho chiến dịch gấp và là trận chiến có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quân sự, chính trị và ngoại giao.

Hạ tuần tháng 12/1953, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với Quân đội viễn chinh Pháp, đồng thời thành lập Đảng ủy và Bộ Chỉ huy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” toàn Đảng, toàn dân, toàn quânhết lòng phục vụ cho chiến dịch đảm bảo đủ điều kiện tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh trước khi đế quốc Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương.

Sau khi Điện Biên Phủ được chọn làm điểm quyết chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953- 1954, các đại đoàn quân chủ lực được lệnh hành quân ra mặt trận, Bộ chỉ huy chiến dịchcũng lên đường ra mặt trận.

Ngày 17/12/1953, Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ chọn Hang Thẩm Púa ở km số 15 đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ là điểm dừng chân đầu tiên (từ ngày 17/12/1953 - 17/01/1954). Tại đây, căn cứ vào tình hình chiến sự thực tế lúc bấy giờ, quân đội Pháp mới chỉ có 6 Tiểu đoàn, hệ thống công sự còn nhiều sơ hở, đồng thời để khắc phục hậu cần, ngày 14/1/1954 trên một sa bàn cát, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Bộ Chỉ huy chiến dịch đã họp bàn và quyết định tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh” trong vòng 3 đêm 2 ngày.

Điểm dừng chân thứ hai tại địa điểm hang Huổi He, Km số 55 đoạn đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên. Căn cứ vào tình hình giữa ta và quân Pháp, ngày 26/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương án tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang” “Đánh chắc, tiến chắc”. 

Ngày 31/01/1954, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ chuyển vị trí đóng quân đến khu rừng Mường Phăng trên địa điểm xã Mường Phăng, huyện Điện Biên. Đây là điểm dừng chân thứ ba và cũng là điểm dừng chân cuối cùng của Bộ chỉ huy chiến dịchtrong suốt thời gian 105 ngày (từ ngày 31/1 đến ngày 13/5/1954). Chính tại khu rừng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những quyết sách quan trọng làm nên thắng lợi của chiến dịch.

 Ngày 13/3/1954, Đại đội lựu pháo 806, Trung đoàn 45 đã bắn những loạt đạn đầu tiên vàoTrung tâm đề kháng Him Lam - mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là một trong những cụm cứ điểm mạnh nhất của Pháp nằm phía Đông Bắc Tập đoàn cứ điểm. Sau 5 ngày chiến đấu liên tục, quân ta đãlàm chủ các cứ điểm Him Lam, Độc lập và Bản Kéo, mở toang cánh cửa phía Bắc và Đông Bắc, uy hiếp sân bay Mường Thanh, giáng một đòn choáng váng vào tinh thần binh lính Pháp.

Ngày 30/3/1954, đợt tấn công thứ hai vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Nhiệm vụ của đợt tấn công thứ hai là tập trung vào dãy cao điểm phía Đông, khu sân bay Mường Thanh, thừa cơ tiến vào khu trung tâm, nơi có Sở chỉ huy của De Castries. Phát huy thắng lợi trong những trận đầu, ta nhanh chóng chiếm được các cứ điểm đồi D1, D2, D3, E1, C1; riêng cứ điểm A1 và C2 phải tới gần những ngày cuối cùng mới chiếm được hoàn toàn do những nỗ lực cứu nguy và vị trí quan trong của những cứ điểm này đối với Thực dân Pháp. Trước đó, bằng cách đào những hệ thống giao thông hào xung quanh Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân ta đã siết chặt vòng vâytạo thời cơ tấn công các cứ điểm một cách dễ dàng, thuận lợi. Bên cạnh đó, pháo cao xạ của ta hoạt động mạnh và phong trào “săn Tây bắn tỉa”  diễn ra mạnh mẽ làm tiêu hao sinh lực địch, khống chế sân bay Mường Thanh, ngăn chặn tiếp viện bằng máy bay của chúng, khiến Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày càng bị thu hẹp và mất dần sức chiến đấu.

Ngày 01/5/1954, đợt tấn công cuối cùng diễn ra nhằm kết thúc số phận của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ quan trọng nhất là tiêu diệt cứ điểm A1 và C2, tạo thời cơ tiến hành tổng công kích. Bộ đội ta đã thực hiện đào một đường hầm ngầm trên đồi A1, đặt khối thuốc nổ 960kg để tiêu diệt lô cốt quan trọng này.

Vào 20 giờ 30 phút,ngày 06/5/1954, khối thuốc nổ 960kg được điểm hỏa trên cứ điểm A1, một tiếng nổ trầm kèm theo cột khói bốc cao, đất đá nổ tung trên đỉnh đồi A1 đã làm rung chuyển cả ngọn đồi, khiến quân Pháp bất ngờ, hoảng loạn tột độ. Sau tiếng nổ, lực lượng của quân ta tiến lên làm chủ căn hầm chỉ huy của quân Pháp trên đỉnh đồi. Đến 4 giờ 30 phút, sáng ngày 07/5/1954,quân ta làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1. Đến 9 giờ 30 phút cùng ngày, ta chiếm được cứ điểm C2.

15 giờ ngày 07/5/1954, quân ta từ các hướng tiến thẳng vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm. De Castries cùng Bộ chỉ huy quân Pháp ra hàng. Đến 17 giờ 30 phút, lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm De Castries. Sau 56 ngày đêm "Khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn" quân và dân ta đã làm nên một chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, Pháp và các nước tham gia công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, rút quân khỏi Đông Dương. Từ đây, miền Bắc Việt Nam sạch bóng quân thù, trở thành hậu phương vững chắc cho miền Nam ruột thịt trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.712
      Online: 47